Người mua vui cho đời bằng một nghề... nguy hiểm

Thứ Ba, 13/09/2011, 08:00
Thân hình vạm vỡ, khỏe mạnh, khéo léo thuần phục được những chú trăn nặng hàng tạ trên sân khấu, nghệ sĩ xiếc Tống Toàn Thắng đã được khán giả trong nước cũng như quốc tế đặt cho nhiều biệt danh như: "Hoàng tử trăn đến từ Việt Nam", "Người đàn ông rắn", "Vua rắn"...

Với gần 30 năm trong nghề và 20 năm "gắn bó" với những con vật nguy hiểm như trăn, cá sấu... anh đã chịu nhiều tai họa do nghề nghiệp đem lại nhưng cũng gặt hái được không ít vinh quang trong nghề: Đoạt giải đặc biệt và giải khán giả yêu thích nhất tại Liên hoan Xiếc quốc tế tại Vũ Hán, Trung Quốc với tiết mục "Thạch Sanh đánh trăn tinh" (năm 1992); đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan Xiếc toàn quốc lần thứ nhất với tiết mục "Thạch Sanh đánh trăn tinh" (năm 1995) và mới đây nhất, Tống Toàn Thắng đoạt Huy chương Bạc Liên hoan Xiếc Quốc tế lần thứ III tại Việt Nam dành cho tiết mục do anh đạo diễn: "Dây dọc nam nữ".

Tôi gặp Tống Toàn Thắng sau giờ biểu diễn. Dường như ở anh vẫn còn vương lại chút mệt nhọc vì vừa vác 3 chú trăn nặng gần hai tạ trong chừng 5 phút trên sân khấu. Tống Toàn Thắng thở gấp gáp, vừa trò chuyện, vừa "gói gém" mấy con vật "cưng" của mình cho vào chuồng để tiếp tục những buổi biểu diễn tiếp theo. Bàn tay anh khéo léo, thỉnh thoảng lại vỗ vỗ vào đầu những chú trăn "to vật vã" với cử chỉ đầy âu yếm. Anh bảo, trăn là loài vô thức, nó chỉ chủ yếu cảm nhận người chủ của mình thông qua tiếp xúc và hơi ấm, cho nên sự nhạy bén cũng không cao như những loài thú khác như khỉ hay chó… Bởi vậy mà trong nghề diễn, để gặt hái được thành công, nhiều khi cũng phải trả giá bằng chính nỗi đau đớn về thể xác vì không ít lần những con trăn… phản chủ!

Tống Toàn Thắng kể: Năm 1978, sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh trúng tuyển hai trường: Trường Xiếc Việt Nam và Trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Sau nhiều ngày đắn đo, cuối cùng anh đã chọn đi vào trường xiếc, một phần vì sự tò mò, một phần vì thích thú. Từ thuở bé, Thắng đã theo chân người anh họ là diễn viên nhào lộn có tiếng Tống Bội Hoàng đến với sân khấu tròn tập luyện và biểu diễn xiếc, bởi thế khi vào học, Thắng đã học rất nhanh bộ môn thăng bằng và nhào lộn. Ban đầu anh còn "thấp bé nhẹ cân" nên thường đứng trên vai người khác, nhưng càng lớn càng phổng phao nên anh phải thôi làm "con", chuyển xuống làm "trụ" để đỡ đồng nghiệp trên đầu. Ra trường anh đã được nhận về Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Thời gian đầu anh chỉ diễn hai tiết mục là nhào lộn trên tay và nhào lộn tập thể, sau này anh diễn thêm một số tiết mục hề như "cầu ngô" hay nhào lộn trên không.

Nghệ sĩ Tống Toàn Thắng biểu diễn tiết mục xiếc trăn.

Đối với Tống Toàn Thắng, ý tưởng biểu diễn xiếc thú đến rất tình cờ, khi anh vô tình xem được trên một tờ báo nước ngoài hình một cô gái đang quấn con trăn trên người. Bức ảnh đó có tác động rất lớn đến anh, ngay tức thì, anh tưởng tượng đến một ngày mình cũng sẽ khoác một chú trăn lớn đi biểu diễn. Thắng đã lên chợ Đồng Xuân tìm mua một con trăn. Tìm mãi không có, anh đã đến làng rắn nổi tiếng Lệ Mật nhờ người trong làng chỉ chỗ, cuối cùng anh cũng mua được một con trăn nặng chừng 2kg. Mặc dù bị bố mẹ phản đối nhưng tính Thắng đã quyết là làm, anh vẫn nhất tâm nuôi dưỡng trăn để thuần thục nó. Chưa hết sự "điên", sau đó Thắng lại tiếp tục đi mua thêm 2 con trăn, một con 10kg, một con 28kg, để cho chúng có bạn và tiện công chăm sóc một thể. Anh quây lưới, làm chuồng, hằng ngày tắm rửa, cho trăn ăn.

Ban đầu mấy con trăn cứ thè lưỡi, xì xì khiến cả nhà anh ai cũng lo lắng, chỉ sợ con mình cứ nâng đỡ, vuốt ve sẽ bị trăn… cắn, nhưng rồi hình như những con vật cũng biết chủ của nó có thiện ý nên lâu dần thành quen hơi. Đến tháng thứ 3, Thắng cho trăn ra ngoài để chúng dần làm quen với chỗ đông người. Cũng từ đó, Thắng xác định mục tiêu của mình: nuôi những chú trăn lớn, thuần thục và đi biểu diễn. Tiết mục đã khiến tên tuổi của Tống Toàn Thắng ghim vào lòng người là "Thạch Sanh đánh trăn tinh cứu công chúa". Tiết mục này không chỉ thành công trong nước mà anh còn mang đi lưu diễn hàng trăm buổi tại nhiều nước như Mỹ, Thụy Điển, Thái Lan, 16 đảo quốc vùng Thái Bình Dương… "Thạch Sanh đánh trăn tinh cứu công chúa" đã đoạt giải tiết mục đặc biệt nhất và được khán giả yêu thích nhất trong Liên hoan Xiếc tại thành phố Vũ Hán - Trung Quốc với 27 nước tham dự.

Cho đến bây giờ, Tống Toàn Thắng vẫn giữ lại tất cả những bài viết, đánh giá về tiết mục của anh. Những nhận xét quen thuộc là: hấp dẫn, mức độ mạo hiểm cao cùng những ấn tượng không thể quên về sự dũng mãnh, hình ảnh đẹp đẽ của chàng Thạch Sanh dũng cảm… Nhưng, điều khiến anh hạnh phúc là công lao ngày ngày chăm bón các "đồng nghiệp" trăn của mình đã được ghi nhận xứng đáng, bởi trên sân khấu anh chỉ biểu diễn 30 phút, một tiếng, nhưng đổi lại đó là những ngày miệt mài lao động, chăm sóc, yêu thương những con thú dữ và gặp những tình huống hiểm nguy tới tính mạng của mình.

Tống Toàn Thắng nhớ lại: "Năm 1996, trong một chuyến lưu diễn tại Thái Lan, tôi diễn ở sân vận động, có khoảng 10.000 khán giả xem. Hôm đó, phần mở đầu và phần thứ hai của tiết mục tôi diễn rất hoàn chỉnh, đến phần kết đang dồn hết sức để đưa con trăn to vòng qua cổ chào khán giả thì ngay lập tức bị nó cắn vào bắp tay phải. Nguyên nhân là do ánh đèn lóe lên từ máy ảnh của khán giả và phóng viên báo chí khiến con trăn không còn nhận biết được chủ của nó là ai và hiện nguyên bản tính "cầm thú" vốn có.

Lúc đó, tuy máu chảy nhiều nhưng vì "màu cờ sắc áo" tôi vẫn diễn, tiếp tục cuốn con thứ hai và cả con thứ 3 lên. Diễn xong đi vào trong khán đài, các anh chị trong đoàn gỡ được hai con ở trên cho vào thùng, riêng con to nhất vẫn cắn chặt tay tôi. Mọi người loay hoay mãi mà vẫn không gỡ được nó ra. Mấy anh cảnh sát định lấy dùi cui điện gí vào đầu nó. Nhưng tôi đã ngăn lại bởi lúc đó tôi đang mồ hôi nhễ nhại, có thể bị điện giật. Tôi nói mọi người cứ để kệ tôi thuyết phục nó. Thế rồi bằng những động tác vuốt ve, âu yếm cuối cùng con trăn bướng bỉnh kia cũng đã nhận ra chủ và nhả tay tôi ra. Ngay sau đó, tôi được đưa đến bệnh viện gần đó để sơ cứu vết thương, xong lại quay về để chào khán giả khi đêm biểu diễn kết thúc. Khi tôi ra sân khấu, mọi người reo hò, vỗ tay chào mừng tôi đã… thoát nạn trở về.

Có tới cả chục lần tôi suýt chết vì bị trăn cuốn chặt, ngạt thở, người đổ xuống như một cây bị đốn gãy, đã bắt đầu co giật vì ngạt và chỉ còn mơ hồ nghe tiếng hô hoán của đồng nghiệp đang xông vào cứu. Hay như lần diễn ở Đài Loan, tôi bị con trăn đớp thẳng vào mặt khi tôi đang mãn nguyện với "chiến công" và cười chào khán giả. Máu chảy nhiều nhưng tôi bình tĩnh chạy vào trong, tìm cách gỡ hai hàm răng khỏe đang bấu chặt lấy mặt mình, rồi chạy ra… chào khán giả tiếp. Lần khác ở Thái Lan, bị một con trăn nhỏ cắn nhưng tôi cố chịu, khoác tiếp con thứ 2, thứ 3 lên người, tổng cộng gần hai tạ, vẫy chào khán giả trong tiếng vỗ tay vang dội. Khi bước vào trong cánh gà, tôi mới gục xuống vì đau buốt nhưng khán giả không phải ai cũng biết điều đó. Có một lần cách đây khá lâu rồi, tôi phải dừng diễn giữa chừng vì bị trăn cắn vào động mạch, máu ra quá nhiều làm tôi bị choáng váng không đứng nổi, phải đi cấp cứu"…

Dường như đã xác định rất rõ việc có thể chết vì nghề, cho nên khi kể những câu chuyện… hiển nhiên này, Tống Toàn Thắng không mảy may sợ hãi hay lo lắng. Anh bảo rằng, khác với những động vật có trí não phát triển, có thể nhận ra chủ dưới mọi góc độ, thì trăn chỉ nhận biết chủ bằng thân nhiệt và "cái hơi" phát ra, vì vậy trong quá trình tập luyện đòi hỏi người nghệ sĩ phải bỏ nhiều thời gian hơn (từ 12 đến 14 tiếng/ngày). Thậm chí, trong những chuyến lưu diễn ở nước ngoài, thời tiết lạnh, anh còn cho cả trăn lên giường ngủ cùng. Đó là một tình yêu vượt qua mọi giới hạn, rào cản để có thể làm bạn đồng hành của nhau trong chặng đường hơn 20 năm.

Tôi hỏi Tống Toàn Thắng, đã bao giờ anh nghĩ đến việc sẽ đào tạo một người kế cận làm đệ tử để thay anh chăm lo các chú trăn hay chưa, vì sớm muộn, khi có tuổi, sức khỏe yếu anh sẽ không thể cáng đáng hàng tạ trăn được. Anh Thắng cười bảo, hiện nay anh vẫn "dai sức trẻ" nên việc cống hiến sẽ còn nhiều thời gian. Hơn nữa, để có một người làm nghề và yêu nghề thực thụ, phải kỳ công như "mài sắt nên kim".

Nghề xiếc, đặc biệt là nghề xiếc thú như người có con mọn, luôn dỗ dành, cưng nựng, kiên trì và luôn phải có tình cảm với con vật mình huấn luyện. Phải vui khi nó khỏe mạnh, ăn ngon ngủ yên, phải đau đớn, trăn trở khi nó ốm. Bản thân anh, từng đau thắt ruột khi một chú trăn bị ốm rồi chết mà không thể làm gì được, mặc dù đã chữa trị hết cách. Cuối cùng, điều duy nhất anh có thể làm là lột da trăn nhồi bông sau đó để trong tủ kính trưng bày, trong đó có ghi những thành tích mà chú trăn này và anh đã cùng nhau dành được trong thời gian qua…

Thiên Kim
.
.