Người "đốt cháy trái tim thành trí tuệ"

Thứ Bảy, 12/04/2008, 10:00

Sinh thời, nhà thơ Tố Hữu có lần trả lời phỏng vấn của phóng viên trang văn học một tờ báo về thơ của ông trong thơ thế giới hiện đại, ông đã nói: "Đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ chính là Hikmét, đốt cháy trí tuệ đến thành trái tim đã có Brếch đấy rồi".

Câu nói trên của nhà thơ Tố Hữu, chúng ta thấy ông đã đánh giá rất cao Nadim Hikmét, nhà thơ cộng sản Thổ Nhĩ Kỳ, sinh năm 1902, mất năm 1963.

Đánh giá về Nadim Hikmét, nhà thơ Tố Hữu trước sau đều thống nhất. Tất nhiên chúng ta phải hiểu là lúc đó Tố Hữu chưa có được sự giao lưu rộng mở với tất cả các nền thơ của thế giới như chúng ta ngày nay, mà ông chủ yếu nói thơ trong hệ thống XHCN và những nhà thơ cộng sản thế giới.

Trong bài "Tản mạn về chuyện văn thơ" ghi lại cuộc trò chuyện với nhà thơ Tố Hữu ngày 20-5-1996 của giáo sư Hà Minh Đức trên báo Văn nghệ số Tết Mậu Tý, nhà thơ Tố Hữu cũng nói: "Tôi thích Nadim Hikmét và cả Béctôn Brếch. Hikmét ấm và Brếch lạnh. Hai ông trái ngược nhau mà gặp nhau. Tôi thương Hikmét hơn. Trong các nhà thơ hiện đại tôi thích Hikmét hơn cả L.Aragông, G.Amađô, P.Nêruđa. Mình không thể là người nô lệ nên thích Hitmét".

Năm 1919, khi mới 17 tuổi, Nadim Hikmét đã tham gia hoạt động cách mạng. Năm 21 tuổi, ông đã là đảng viên Cộng sản. Năm 1922, ông học trường Đại học Phương Đông ở Mátxcơva, và ông đã quen biết các nhà thơ Êxênhin, Maiakốpxki.

Năm 1924, khi Lênin mất, Nadim Hikmét là một trong những người đứng canh danh dự bên linh cữu của Người. Năm 1938, ông bị bọn phát xít Thổ Nhĩ Kỳ bắt và kết án 28 năm 4 tháng tù.

Do làn sóng đấu tranh trên khắp thế giới đòi thả tự do cho ông, đến năm 1950 ông được thả tự do. Ông phải sống lưu vong ở nước ngoài, chủ yếu là ở Liên Xô cho đến cuối đời và viết nên tập thơ nổi tiếng "Đi đày thật là một cái nghề gay lắm".

Nhà thơ Tố Hữu nói "Đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ chính là Hikmét" là nói về phong cách tình cảm đến độ chín của thơ ông. Tình cảm được đẩy đến tận cùng sẽ mang một tầm tư tưởng. Bài thơ "Em bé Hirôsima" là một minh chứng:

Em gõ cửa, em đây gõ cửa
Cửa mọi nhà, gõ cửa mọi nhà
Không thấy em xin chớ ngại mà
Ai thấy được một em bé chết. 

Mười năm trước em còn sống đó
Em chết rồi Hirôsima
Bây giờ em vẫn bảy tuổi thơ
Những em chết không còn lớn nữa 

Trước hết tóc em bén lửa
Rồi mắt em, tay nữa cháy luôn
Và thân em thành nắm tro tàn
Và tro bay lẫn theo làn gió... 

Em chẳng xin cho em gì cả
Em chết rồi, không thể bế bồng
Trẻ con như giấy cháy xong
Chẳng bao giờ còn ăn được kẹo. 

Em gõ cửa, chính em gõ cửa
Xin cho em chữ ký làm quà
Để người ta không giết trẻ thơ
Để trẻ con được quyền ăn kẹo.

Do "đốt cháy trái tim" mà Nadim Hikmét đã sáng tạo được hình tượng độc đáo em bé Hirôsima đi xin chữ ký phản đối chiến tranh, một hình tượng có sức trường tồn trong kho tàng thi ca thế giới và nó cũng trường tồn tỏa sáng trong đời sống nhân loại khi chiến tranh vẫn luôn là hiểm họa đối với con người.

Cũng từ đó mà tầm tư tưởng, tầm trí tuệ của bài thơ vượt trội hẳn lên, không cần phải gào thét phản đối chiến tranh, chỉ một hình tượng em bé Hirôsima đi xin chữ ký, Nadim Hikmét đã thả hàng triệu chim bồ câu hòa bình trên bầu trời nhân loại từ hơn nửa thế kỷ nay.

Cuộc sống tha hương đã tích tụ, dồn nén tình yêu của Nadim Hikmét với tổ quốc ông. Tình yêu ấy ngày một âm ỉ, nồng cháy trong trái tim ông, được kết ngọc trong những bài thơ tưởng chừng như đơn giản, nhưng nó là ngọc của tự nhiên, vượt lên trên tất cả sản phẩm của những người thợ chạm ngọc tài năng:

Bờ bên kia trước mặt, là xứ sở tôi
Đứng ở Vác-na này, cha gọi: con ơi
Cha gọi: con ơi, và lời kêu lặp lại...
Con có nghe thấy không
Mơ-mét ơi, Mơ-mét 

Hắc Hải trôi qua và chẳng hề ngừng
Nhớ quê hương như điên dại, nhớ quê hương...
Con ơi, cha gọi con, con có nghe chăng?
Mơ-mét ơi, mơ mét
(Mơ - mét con ơi)

Bài thơ nhỏ mà mang một tư tưởng lớn: sự ngăn cách của nhà tù phát xít Thổ Nhĩ Kỳ đối với con người là không thể chấp nhận được. Bài thơ tự nhiên đến mức tưởng như không có gì, chỉ là lời gọi con bình thường của một người cha mà lại có sức công phá lớn, bởi sự ngăn cản của chủ nghĩa phát xít đối với những người yêu nước là không thể chấp nhận. Đó không còn là thơ, đó là tiếng lòng, là tiếng sóng của tâm hồn con người. Đó là trí tuệ được kết tinh bởi tình cảm lớn.

Nadim Hitmét là một người cộng sản. Thế kỷ XX là thế kỷ của chủ nghĩa cộng sản. Những người cộng sản có thể tự hào về điều ấy.

Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn không hiểu sao bấy giờ thế giới lại có một lớp người vĩ đại đến như thế, đồng loạt xuất hiện ở tất cả các nước. Họ mang trong mình một tình cảm, một chủ nghĩa quốc tế cao cả. Họ đã nắm chặt tay nhau, đoàn kết lại, dám hy sinh thân mình vì tương lai của nhân loại, cùng nhau chống chủ nghĩa phát xít và đã góp phần quyết định nhất để chiến thắng chủ nghĩa phát xít.

Nadim Hikmét đã dùng hình tượng trái tim để nói lên tình cảm quốc tế của mình, của cả thế hệ mình:

Bác sĩ ơi, nếu tim tôi một nửa ở đây
Một nửa khác còn ở bên Trung Quốc
Trong đạo quân đang xuống thẳng Hoàng hà.
Với lại những sáng sớm, bác sỹ ơi
Sớm nào cũng vậy lúc bình minh
Trái tim tôi bị đem ra bắn ở Hy Lạp
Với lại, đêm, khi những tù nhân ngủ thiếp
Khi những tiếng chân cuối cùng rời khỏi nhà thương
Trái tim tôi rảo bước, bác sỹ ơi
Nó xa rời về nơi một nhà gỗ cũ ở thủ đô nước Thổ.
Với lại đã mười năm rồi đấy, bác sỹ ơi
Tôi trong tay không có gì để hiến dân tộc tôi
Không có gì ngoài ra một quả táo
Một quả táo đỏ, trái tim tôi
Vì tất cả những cái ấy, bác sỹ ơi
Chứ đâu phải vì chứng xơ mạch máu, vì nicôtin hay
                                                                      
tại nhà tù
Mà tôi mắc phải cái bệnh đau tim
Tôi qua song sắt ngắm nhìn đêm
Và bất chấp tất cả những bức tường kia nó đè lên ngực
Trái tim tôi đập hòa với vì sao xa nhất
(Bệnh đau tim)

Đó là một bài thơ nói về trái tim một cách độc đáo, để tải một tư tưởng lớn, bằng những hình tượng thơ cụ thể và sống động. Đó là vào thời điểm thập kỷ bốn mươi của thế kỷ trước. Lúc này Nadim Hikmét đang ở trong tù.

Những câu thơ ông viết: "Tôi qua song sắt ngắm nhìn đêm - Và bất chấp tất cả những bức tường kia nó đè lên ngực - Trái tim tôi đập hòa với vì sao xa nhất". Tôi bỗng nhớ đến Phuxích, người chiến sĩ cộng sản Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Séc) đã "Viết dưới giá treo cổ" những lời bất hủ trước bầu trời đen của chủ nghĩa phát xít: "Nhân loại hỡi!. Tôi yêu tất cả mọi người. Hãy cảnh giác!".

Và tôi nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà thơ Hồ Chí Minh lúc này cũng đang ở trong tù của nhà giam chế độ Tưởng Giới Thạch, Người cũng với một tư thế ấy, tư thế bình tĩnh, lạc quan của người cộng sản, giống như Phuxích và Nadim Hikmét: "Nhà lao mở cửa ắt rồng bay!".

Nhiều nhà thơ cộng sản đã có những bài thơ, những tập thơ tình yêu nổi tiếng. L.Aragông với "Đôi mắt Enxa", P.Nêruđa với "Một trăm bài thơ tình". Điều này bác bỏ sự vu khống của kẻ thù nói rằng những người cộng sản không có trái tim, hoặc trái tim hóa đá. Nadim Hikmét không có những tập thơ riêng về tình yêu trai gái. Một tình yêu lớn với tổ quốc, với nhân loại đã choán hết thơ ông, được tập trung trong tập "Đi đày thật là một cái nghề gay lắm!".

Nhưng những bài thơ tình yêu của ông cũng mang phong cách "đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ" độc đáo không giống với bất cứ thi sĩ nào, và tôi thấy nó đã từng sống rất mãnh liệt trong trái tim yêu của những thế hệ trẻ Việt Nam. Bài thơ "Lại nói về em nữa":

I

Ta yêu nơi em, cuộc phiêu lưu của chiếc tàu lên đường
                                                                     đi Bắc cực
Ta yêu nơi em, sự táo gan của những người đánh cuộc
tìm những phát hiện lớn lao
Ta yêu nơi em cái xa vời rộng cao, ta yêu nơi em
cái không thể nào đạt tới
Ta vào trong mắt em như vào đúng rừng mặt trời
                                                                      đầy chói
Và khi ta nhễ nhại, đói ăn, điên dại, ta có nỗi mê mải
của kẻ đi săn để cắn vào thịt em
Ta yêu nơi em cái không thể nào đạt tới,
nhưng không phải đâu cái tuyệt đường mong mỏi.

II

Em là nỗi ràng buộc, và niềm tự do của ta,
em là thịt của ta bỏng cháy
Như thịt trần của những đêm hè nóng dậy.
Em là xứ xở của ta
Em, với những rạch xanh trong đôi mắt nâu pha
Em, cao sang và đắc thắng, em là nỗi lòng ta hoài vọng
Khi ta đạt tới em, thì ta biết em là nơi không tới được
                                                                    
 bao giờ     

                                                                29/3/2008                                                                       

* Tất cả những bài thơ của Nadim Hikmét được trích trong bài viết đều do nhà thơ Xuân Diệu dịch

.
.