Người đi xông đất

Thứ Tư, 06/01/2016, 08:00
Người tai mắt đứng trong thiên hạ. Câu thơ trong kinh thánh cha tôi thường vẫn đọc cho tôi nghe những khi phấn chấn, vui vẻ. Trong khoảnh khắc gương mặt cha tôi bỗng bừng lên rạng rỡ, ngỡ như lúc ấy đã thoát ra ngoài cuộc sống bận rộn thường ngày. Niềm vui được đọc thơ như một giải pháp linh diệu xóa đi những lo nghĩ, phiền muộn, trở về với trạng thái thực và mơ. 


Trong những cuộc vui, mọi người thường chăm chú lắng nghe khi cha tôi đọc: “Người ta sinh ra người phải trọng lấy người/ đừng của trọng hơn người/ chữ rằng tích đức thì hơn tích của/ tích thiện phùng thiện/ tích ác phùng ác/ tích thiện thành danh/ tích ác thiệt thân…”. Cha tôi đọc trong đám cưới, đọc khi khách đến chơi nhà. Dù không có ai yêu cầu hay gợi ý, cha vẫn đọc. Dường như cha cũng muốn sẻ chia, muốn mọi người đồng cảm với tâm sự trong thơ. Tôi nghe cha đọc rất nhiều lần, rồi tự nhiên cứ ngấm dần về tinh thần của bài thơ không biết cha sáng tác lúc nào.

Rồi mỗi năm Tết đến. Cứ sáng ngày mồng một, cha tôi đi xông đất đầu năm cho các gia đình trong làng. Gần trưa, cha trở về. Có mùi hương rượu đỏ bừng trên gương mặt vì đến nhà ai cha cũng được chúc tụng. Niềm vui của mỗi gia đình cầu mong một năm hạnh phúc cũng lây sang cha trong không khí đầm ấm thiêng liêng của ngày khởi đầu năm mới.

Cha tôi thường dậy rất sớm. Người lẳng lặng vác cuốc ra đồng hoặc lên núi đi tìm một bãi đất hoang rồi đào bới, gieo trồng. Ngày mùa, cha đi thu hoạch, có nơi diện tích chỉ bằng cái giường nằm. Nhiều nơi như thế, ở hói, ở bờ mương hay đầm lầy gộp lại cũng cho một sân lúa bộn bề rơm rạ. Được một vài mùa rồi hợp tác phát hiện, thu về làm của chung. Cha tôi vẫn không nản, lại đi tìm bãi đất hoang đào bới, tiếp tục cấy lúa.

Vào tiết tháng bảy, trời mưa lụt. Nửa đêm, cha thức dậy đi cất vó ngoài đồng. Một mình mang tơi đội nón đứng dưới trời mưa như trút. Đêm mưa to, sáng ra cánh đồng đã băng nước. Mẹ tôi ngồi than thở tiếc một mùa dày công mưa nắng.

Mùa mưa lụt đã qua. Cha tôi đi bộ suốt ngày đêm lên rừng chặt nứa rồi đóng bè, theo sông Ngàn Phố xuôi về chợ bán lấy tiền đong gạo. Rừng hào phóng sẻ chia sản vật cho cha tôi và dân làng những năm mất mùa, đói kém. Sau này, một lần về quê, nhớ lại những năm tháng ngược ngàn xuôi bể của cha, tôi đã viết: Cha tôi một thời quảy đôi bồ ngược ngàn chặt nứa/ nắm cơm mẹ gói với ống muối vừng/ vết sẹo bàn tay cha lưu thành dấu ấn/ tôi lớn lên nhớ ơn đóng góp núi rừng.

Cha tôi tự học. Cuối đời dịch cuốn gia phả do cố nội soạn dưới triều vua Tự Đức để lại cho con cháu biết cội nguồn. Cuốn gia phả được bảo tồn trong ống gỗ mít cất giữ nhiều đời trong ngôi nhà tộc trưởng. Di sản tinh thần có tư tưởng, trí tuệ cha ông mở ra như một nguồn sáng soi đường. Tôi đi dưới ngọn cờ chủ nghĩa nhân đạo trong di huấn tổ tiên được truyền qua những trang gia phả họ tộc trở thành cốt cách nhân văn trong dòng máu các thế hệ cháu con.

Năm cha tôi rời tổ ấm ra đi, hai gian nhà gió lùa trống vắng. Tôi trở về đổ vật xuống nền nhà, tay đặt lên linh cữu cha đầm đìa nước mắt. Tôi bàng hoàng từ đây không còn được sớm chiều bên cha, không còn được nhìn thấy cha lúc đi về. Một ngày đầu tháng năm nắng hạn. Dưới mái nhà ôm ấp gần một thế kỷ ra đi, phút tiễn đưa cha tự dưng trời sầm lại. Sắc thái của trời phút chia lìa cách biệt cũng ngậm ngùi thương cảm. Biết còn kiếp nào không cha lại sinh ra con lần nữa? Câu thơ tôi viết về cha sau một năm, ngày giỗ đầu.

Một mùa Tết năm thứ 22 kể từ ngày cha đi xa, đêm nay bên sông Lam, tôi viết những dòng này xin gửi lên trời cao tưởng nhớ cha mẹ. Con đường quê giờ vẫn còn đó đã từng in dấu chân cha tôi những sáng lạnh lẽo đầu xuân đi xông đất, cầu mong cho làng xóm được hạnh phúc yên vui. Những dấu chân của cha tôi dường như đất vẫn còn lưu giữ hơi ấm như một phần lai lịch vận động của làng. 

Phan Quốc Bình-Xuân 2016
.
.