Người đi "săn" truyện cười xứ Bắc

Thứ Năm, 02/08/2012, 10:26
Trước khi trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và nổi tiếng với những kỳ tích đi săn truyện cười xứ Bắc, ông Trần Quốc Thịnh đã để lại dấu ấn trong các vai diễn, tấu hề trên sân khấu chèo quần chúng. Năm 1968, ông chuyển từ đội văn nghệ địa phương về phòng Văn hóa của huyện Quế Võ làm phụ trách đội nghệ thuật không chuyên của huyện, kiêm diễn viên...

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Quốc Thịnh năm nay đã 76 tuổi. Quê ông ở làng Thất Gian, Châu Phong, Quế Võ, Bắc Ninh. Năm 40 tuổi ông Thịnh mới làm sinh viên khoa Văn của Trường Đại học Tổng hợp Văn (khóa 1976 -1980). Hàng chục năm nay, ông cứ cần mẫn rong ruổi trên chiếc xe đạp cà tàng đi hết làng trên xóm dưới để "săn" truyện cười dân gian, nghiên cứu văn hóa dân gian và mỗi năm xuất bản trung bình 1 đến 2 đầu sách. Cuốn ít cũng 100 trang, cuốn nhiều là 2.000 trang. Nếu dành cho ông chữ "lạ" thì cũng đúng bởi cũng chả mấy ai bắt chước được ông. Mọi thứ với ông là duyên nghiệp...

Hậu duệ chèo chiếng Bắc.

Ông sinh ra trong một gia đình có 4 đời đi hát chèo. Cụ tứ đại nhà ông làm lý trưởng. Năm dân đói, quan về thu thuế, cụ chống thuế. Cụ cho giai làng đập vỡ mảnh sành của vung hồ (cái đựng nước gánh ra đồng) mang đến trình quan huyện. Quan tưởng bạc trắng đổ ra thấy toàn mảnh sành, tức quá lệnh đánh cụ. Cụ cùng các trai làng du đổ cửa huyện rồi chạy. Cuộc phản kháng đã khiến cụ bị cách chức và đi tù. Khi trở về, cụ đã bán ruộng với nửa cái đầm cá và lập gánh hát chèo làng Thất Gian. Sự thâm nho, tính trào lộng của nghệ thuật hát chèo đã làm nên tiếng cười dân gian vừa hóm hỉnh thông minh vừa có chút cay đắng kiểu hài kịch. Lời hát động chạm tới tất cả những thói hư tật xấu của quan tham như một sự giải tỏa cho những người dân bị áp bức…

Cụ tứ đại mất, ông nội của ông còn nửa cái đầm bán nốt để nuôi phường chèo và đi khắp nơi biểu diễn, rồi đến đời thầy bu ông lại đặt gánh chèo 12 diễn viên lên vai đi tiếp. Ông Thịnh đã đi theo gánh chèo từ làng trên đến xóm dưới khắp nơi trong vùng. Với ý thức là hậu duệ chèo làng Thất Gian, ông vừa được truyền dạy vừa ghi chép tích chèo cổ từ thời đó. Bố ông mất năm 49 tuổi và gánh chèo dân gian làng Thất Gian cũng tan rã. Nghệ thuật chèo cổ truyền chìm lắng xuống từ năm 1945 và trở lại vào năm 1957 khi Đảng và Nhà nước có chủ trương phục hồi vốn cổ. Khi ấy, gánh chèo làng Thất Gian còn 7 người; 5 người đã mang theo tiếng chèo cổ về với tổ tiên.

Trước khi trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và nổi tiếng với những kỳ tích đi săn truyện cười xứ Bắc, ông Trần Quốc Thịnh đã để lại dấu ấn trong các vai diễn, tấu hề trên sân khấu chèo quần chúng. Năm 1968, ông chuyển từ đội văn nghệ địa phương về phòng Văn hóa của huyện Quế Võ làm phụ trách đội nghệ thuật không chuyên của huyện, kiêm diễn viên. Người Hà Bắc thời ấy biết ông Trần Quốc Thịnh qua vai anh Nô trong vở chèo "Quan Âm Thị Kính", hoặc vai diễn của các vở chèo  "Hội nghị Diên Hồng", "Sản xuất tiết kiệm"… Đặc biệt, ông thành công với những vai tấu hề và tấu kể chuyện như "Câu chuyện lúa xuân" (năm 1964), "Thổ công thủy lợi" (năm 1968).

Năm 1970, ông Thịnh có tên trong danh sách giảm biên chế của phòng Văn hóa huyện và chuyển sang làm công nhân Xí nghiệp Vôi Nam Thắng ở Đáp Cầu. Ban ngày ông tham gia sản xuất, tối về đi học bổ túc văn hóa đến hết phổ thông. Có những đêm, ông nổi hứng với nghệ thuật chèo và viết ra tấu hề "Hòn vôi kể chuyện" và tấu tự sự "Chẳng có việc gì khó". Hai vai tấu tự biên tự diễn này đã đưa ông trở lại sân khấu chèo với giải Nhất Hội diễn Công - Nông - Binh tỉnh Hà Bắc năm 1975 và giải Nhất hội thi Thông tin cổ động tỉnh năm 1976.  Ông đã gửi tâm tư của người tiếc nhớ tiếng chèo cổ truyền vào sự dày công nghiên cứu, sưu tầm ra cuốn "Những lời bông trong chèo".

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Quốc Thịnh bên chồng bản thảo của mình.

Kỹ nghệ đi "săn" truyện cười xứ Bắc.

Năm 1976, theo chủ trương "đại học hóa cán bộ", tỉnh đã cử 5 cán bộ đi thi đại học, đỗ 3 người, trong đó có ông Trần Quốc Thịnh. Lúc này ông đã 40 tuổi. Người ta can ông ở tuổi ấy đừng cắp sách đi học nữa, nhưng ông đã học ra học. Trong một hội thảo về văn hóa, nhiều người cho rằng: Tiếu lâm là truyện chống lại thế lực cầm quyền. Dưới chế độ tốt đẹp của chúng ta, không còn truyện "tiếu lâm" nữa. Ông Thịnh lại cho rằng: "Tiếu lâm nghĩa là rừng cười. Kháng chiến có chuyện kháng chiến. Hòa bình có chuyện tiếu lâm thời hòa bình. Ngày nay, tiếng cười vẫn cần dùng để phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội. Tiếng cười trong tiếu lâm luôn là thuốc bổ trong đời sống thường ngày".

Thời gian học đại học, nhờ sự khích lệ của bạn bè, đồng nghiệp, ông Thịnh bắt đầu chú tâm nghiên cứu "làng cười của xứ Bắc". Lúc đầu ông chỉ có ý định sưu tầm chừng 50 truyện làm ví dụ. Quá trình đi "săn" đã đưa ông tới một niềm đam mê mới. Khi làm luận văn tốt nghiệp đại học, ông chọn đề tài "nói phét, nói tức, nói ngang là văn hóa" khiến thầy Đinh Gia Khánh hướng dẫn luận văn rất băn khoăn. Đề tài này ông đã được điểm 9 trong kỳ tốt nghiệp. Năm 1987, tuyển tập "Tiếu lâm xứ Bắc" 3 tập do ông Trần Quốc Thịn sưu tầm, biên soạn đã ra mắt bạn đọc và nhận được giải ba của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Những năm tiếp theo, các đầu sách khác của ông Thịnh tiếp tục được xuất bản, trong đó có "Truyện làng cười xứ Bắc" (1987-1988), "Trong hang đá" (1989), "Thánh Tam Giang và sự tích thờ thần" (1990), "Quần thể văn hóa Phả Lại - Đại Phúc" (2000), "Văn hóa ẩm thực Kinh Bắc"...

Có người cao hứng gọi ông là vua kể chuyện cười xứ Bắc khiến ông nổi đóa lên với sự "phong tước" ấy: "Tôi không kể. Truyện cười nó tự dưng nó kể. Tự nhiên mà kể bắt người khác cười thì nhạt lắm. Giá trị của truyện cười là khi người ta vui, hoặc hứng lên, kể cho nhau nghe và cùng cười. Dân gian mới là người kể. Truyện cười sinh ra từ dân gian". Ông chỉ có công đi "nhặt" truyện cười. Trong hành trình đi "săn" của trời cho này, phải có duyên lắm đấy.

Có lần ông về làng Nội Hoàng, Yên Dũng, giả làm khách đến các nhà đám ngồi vào mâm ăn uống cùng khách. Chuyện ăn chỉ là phụ mà chuyện nghe mới là chính. Chỗ vui có chuyện vui, chỗ buồn có chuyện buồn. Mọi người giao lưu với nhau, ông ghi nhớ lại trong đầu, tối về chép ra giấy. Nhiều chuyện vừa đi đường vừa nhẩm nhớ, về đến nhà lấy bút ra ghi lại quên mất, bực mình ông lại đi xe về làng hỏi lại. Khi sách xuất bản, người địa phương mới biết tiếng cười dân gian của làng mình được một nhà nghiên cứu trông bề ngoài rất nông dân ấy nhặt nhặt, gom góp thành một kho tàng quý. Tiếng cười ấy vang xa từ Bắc vào Nam.

Kho báu truyện cười - càng khai thác ông Thịnh càng hứng thú, say mê. Những mạch nguồn mới về truyện cười được khai mở và nối dài hơn con đường sưu tầm của ông trên mảnh đất Kinh Bắc. Khi đi nghiên cứu, ông thấy có lẽ ở Việt Nam nhiều làng cười nhất châu Á, trong đó riêng xứ Kinh Bắc đã chiếm tới 14 làng. Ở Quảng Trị có làng nói Trạng Vĩnh Hoàng, ở Phú Thọ có làng cười Văn Lang.   

Ông Thịnh đi nhiều đến nỗi trở thành người quen của làng Nội Hoàng, làng Đông Loan. Chả ai là không biết đến ông Trần Quốc Thịnh, đầu đội mũ cát, cần mẫn, thong dong trên khắp nẻo đường quê với chiếc xe đạp cà tàng. Thế mà lần ông đi ăn cỗ ở huyện Yên Dũng, trước đông đủ quan khách của gia chủ, có một cậu chỉ vào ông mà hỏi người bên cạnh: "Có phải đó là ông Trần Quốc Thịnh?" ."Phải". Anh chàng gióng tiếng lên cho cả làng nghe thấy: "Ôi, truyện ông này toàn đi chép, đi nhặt, đi hỏi han, chắp vá lằng nhằng. Đọc truyện ông Thịnh chán lắm! Hay gì mà hay". Ông Thịnh ngồi ngay phía sau, bị chạm vào tự ái, quay sang định cho cậu trẻ một bài học. Ông hỏi: "Cậu là người ở đâu?". Lúc đó cậu mới cười rõ tươi bảo: "Thú thật với bác, bác không biết cháu, nhưng cháu biết bác lâu rồi. Cháu người ở xóm Muỗi, thôn Trung, xã Nội Hoàng". Tác giả đi nhặt truyện cười bắt chặt lấy tay cậu ta: "Nói tức giỏi nhất là người ở đó. Nói cho người khác tức mà không giận là nghệ thuật nhưng cậu lại nói tức được cả người nghiên cứu nói tức mới hay chứ. Đúng không hổ danh đất Nội Hoàng cả làng nói tức". 

Trong một hội nghị, ông Thịnh đem bà xã đi cùng, có người hỏi: "Bà xã nhà bác chắc cũng học cùng khóa chứ?". Ông liền trả lời: "Vâng, bà nhà này học cùng khóa đấy. Học giỏi lắm". Người nghe ý chừng đang kính nể. Ông nói tiếp ngay: "Bà ấy giỏi nhất môn khóa cửa, khóa cổng, khóa cả chuồng trâu…". Mọi người được một phen cười. Ông cũng nói: "Nhờ có bà cùng khóa này nuôi 6 người con trưởng thành mà tôi yên tâm đi lang thang trong dân gian để làm nghiên cứu". Đó là cách giới thiệu mang đặc nét hóm hỉnh nghề nghiệp của ông vậy.

Một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ, phải chăng nhà nghiên cứu dân gian về truyện cười như ông được hưởng nhiều "thuốc bổ" nên đến giờ ở tuổi 76, ông vẫn sở hữu một trí nhớ tuyệt vời, sức khỏe dẻo dai, tinh thần lạc quan và đầy nhiệt huyết với công việc. Ông có 4 chiếc xe đạp, để ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội. Ông lên xe buýt ra Hà Nội, lấy xe đạp đi đến bất cứ nơi nào mình cần đi, chẳng lệ thuộc vào con cháu đưa đón. Theo kiểu nói đùa của ông thì các anh xe ôm đến phải thất nghiệp vì ông. Ai mượn ông sách gì cứ để lại địa chỉ, điện thoại, dù ở đâu trong đất Hà thành, nếu bận không mang trả lại được ông vẫn vui vẻ đến lấy lại. Được gặp gỡ, trò chuyện, giao lưu với mọi người là niềm vui của ông. Ông coi đó như việc "mở" thêm một "cánh cửa sổ" nữa. Ông xóa hết khoảng cách xa lạ bằng những lý lẽ hóm hỉnh tạo nên tiếng cười thân thiện.       

Với 27 đầu sách, bản thảo viết tay lên tới hàng chục kilôgam giấy, ông Thịnh quả là một tấm gương sáng về tinh thần lao động…

Thu Hà
.
.