Nữ chỉ huy dàn nhạc Đặng Châu Anh:

Người đẹp đam mê điều khiển thanh âm

Thứ Năm, 16/01/2014, 08:00

Năm 2013 là một năm bận rộn và thành công với giảng viên, chỉ huy dàn nhạc Đặng Châu Anh khi dàn hợp xướng Sol Art của chị đã mang về cho đất nước Huy chương Vàng bảng thi dân gian và giải đặc biệt "Công chúng yêu thích nhất" tại Festival Hợp xướng quốc tế Brahms lần thứ 8 tại Đức. Không chỉ có vậy, tháng 12 vừa qua, chị còn là đại diện Việt Nam duy nhất được Liên minh Văn hóa quốc tế Interkultur mời làm giám khảo tại cuộc thi "Hợp xướng quốc tế" tổ chức lại Philippines.

1. Thời điểm này, để gặp và chuyện trò lâu lâu một chút với Đặng Châu Anh không hề đơn giản. Nhìn người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng tươi tắn xử lý cả núi công việc qua điện thoại lại càng hiểu vì sao chị có thể cùng lúc vừa là giảng viên chuyên ngành Chỉ huy hợp xướng và phụ trách dàn dựng hợp xướng thiếu nhi của Nhạc viện Quốc gia Việt Nam lại vừa đảm nhiệm vai trò Giám đốc nghệ thuật Trung tâm nghệ thuật Sol Art, làm giám khảo các cuộc thi dành cho thiếu nhi trên truyền hình và giảng dạy âm nhạc cho các trường quốc tế.

Vừa trở về từ Philippines sau khi tham dự cuộc thi "Hợp xướng quốc tế" với vai trò là 1 trong 6 thành viên ban giám khảo, trong câu chuyện của Đặng Châu Anh vẫn còn đọng lại rất nhiều niềm vui. Đây là lần đầu tiên Đặng Châu Anh đại diện cho Việt Nam tham gia cuộc thi ở nước ngoài. Với chị, ngoài niềm tự hào, sự phấn chấn thì đây là lần đầu tiên chị được thử sức về mặt chuyên môn ở cuộc thi có tầm quốc tế nên không tránh khỏi sức ép tâm lý. Với tên gọi "Sing'n Joy Manila", cuộc thi quy tụ 45 đoàn hợp xướng đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, để có thể đưa ra kết quả công bằng, nhất lại là trong lĩnh vực nghệ thuật là điều không đơn giản với các thành viên ban giám khảo.

Điều hấp dẫn nhất Đặng Châu Anh ở cuộc thi chính là sự đa dạng, phong phú của các sắc màu âm nhạc. 45 đoàn là 45 phong cách, 45 ý tưởng, nhưng tựu trung lại là sức sáng tạo tuyệt vời của các nghệ sĩ. Và sự đầu tư cho âm nhạc hợp xướng của nước bạn Philippines cũng là một điều đáng suy ngẫm khi trong số 45 đoàn tham gia thì nước chủ nhà có tới 35 đoàn.

Xinh đẹp, trẻ trung, duyên dáng, từng ghi dấu ấn với vai trò MC nhưng truyền hình lại chưa bao giờ là sự lựa chọn số 1 của Đặng Châu Anh. Công việc khiến chị đắm đuối, lao tâm khổ tứ gần 20 năm nay lại là giảng dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia và Trung tâm nghệ thuật cho trẻ nhỏ Sol Art mà Châu Anh đã xây dựng bằng tất cả tình yêu của mình.

Gần đây, đội hình học trò nhí của cô giáo Đặng Châu Anh đã được nhiều người biết đến khi luôn là đại diện hợp xướng duy nhất mở màn cho nhiều chương trình trọng đại của quốc gia. Đặng Châu Anh chia sẻ, năm 2011, khi đoàn hợp xướng Sol Art mang về giải Vàng, giải trình diễn ấn tượng nhất, giải đoàn được yêu thích nhất tại "Liên hoan và Hội thi trình diễn quốc tế Johanes Braham" lần thứ 7 tại Đức đã khiến chị vỡ òa vui sướng vì trước đó, đoàn mới chỉ đoạt Huy chương Bạc tại sân nhà. Sau giải Vàng tại Liên hoan "Hợp xướng quốc tế Việt Nam" lần thứ 2 tại Huế (2012), thì giải thưởng năm nay là một kỳ tích. Bởi trong khi các đội luyện tập hằng ngày thì đội hình của Sol Art đến sát nút mới được thành lập vì tình hình kinh tế khó khăn, không xin được tài trợ phải nhờ đến sự ủng hộ của phụ huynh. Một số giọng hát xuất sắc không thể tham gia do điều kiện kinh tế gia đình nên đội hình đi thi không phải đội hình mạnh nhất… Nhưng vượt lên trên mọi khó khăn, Đặng Châu Anh và các học trò của chị đã liên tiếp mang vinh quang về cho nền âm nhạc nước nhà. Ngay cả Ban tổ chức cũng cho biết hiếm có đoàn nào 2 lần liên tiếp nhận giải thưởng "Công chúng yêu thích", nhất là so với các nước, Việt Nam không phải là nước có bề dày thành tích về hợp xướng.

Đặng Châu Anh và dàn hợp xướng Sol Art tại Đức.

Bên cạnh tác phẩm âm nhạc đậm chất dân gian là Dân ca 3 miền: "Lời chiêng Mơ Nông", "Làm mùa" và "Hát hội xuân hồng", Đặng Châu Anh chia sẻ bí quyết giúp đội hợp xướng của Việt Nam thuyết phục được ban giám khảo cũng như khán giả quốc tế chính là sự độc đáo, khác biệt, giàu bản sắc dân tộc trong dàn dựng. Chị cùng ê kíp đặc biệt chú trọng tới việc mang đặc trưng văn hóa lúa nước của Việt Nam lên sân khấu thông qua trang phục, đạo cụ. Quần áo của các bé được may bằng vải gai, vải bố, đạo cụ là những bông lúa… Đặng Châu Anh còn tập trung khai thác những điểm mạnh như nụ cười, sự duyên dáng, dí dỏm của các em để làm nổi bật sự dung dị, hồn nhiên của con người Việt Nam.

2. Khi quyết định đi theo con đường hợp xướng dành cho trẻ em, Đặng Châu Anh chỉ mong muốn giản dị là có một môi trường âm nhạc dành cho tất cả các bé, để dạy lại những gì mình được học, góp phần xây dựng một thế hệ tương lai có tâm hồn phong phú và trong sáng, giúp các bé có những giây phút thư giãn, mang lại sự tự tin và tìm được giá trị bản thân. Với các bé, những chuyến đi thi, đi biểu diễn là cơ hội để học hỏi nhiều điều từ thế giới, được mở mang văn hóa, lịch sử các nước, rèn luyện lòng tự hào dân tộc và ý thức tập thể… Những điều đó không phải là lý thuyết suông mà là những điều Đặng Châu Anh chắt lọc được từ chính cuộc sống của mình. Âm nhạc đã giúp Đặng Châu Anh từ một cô bé nhút nhát, học hành không thật nổi trội thành một người tự tin, năng động như hiện nay.

Từng là sinh viên chuyên ngành piano nhưng thấy đó không phải sở trường của mình, Châu Anh quyết định chuyển sang học lý luận âm nhạc. Và chị đã tìm thấy chính mình trong "trò chơi" điều khiển âm thanh các loại nhạc cụ này. Sự tự tin mang đến cho Châu Anh thành công để rồi chị quyết tâm gắn bó với nghề chỉ huy dàn nhạc - một nghề vốn không phải sở trường của nữ giới.

Đặng Châu Anh tâm sự: "Hợp xướng thiếu nhi nước mình còn mờ nhạt và nếu có thể phát triển được thì đó là cơ hội nâng tầm cho âm nhạc Việt Nam". Cái khó của người dẫn dắt dàn hợp xướng là thu phục được các em có tình yêu và năng khiếu với âm nhạc kén người nghe này. Tuy nhiên, một số em vì việc học ở trường nặng nên bố mẹ không đồng ý, Châu Anh phải đến tận nhà để thuyết phục. Tác phẩm dành cho hợp xướng cũng rất hiếm và khó sáng tác. Ngoài sự giúp đỡ của nhạc sĩ Hoàng Lương thì Châu Anh phải tự biên soạn để có được những tác phẩm như "Mây ca", "À ơi lời yêu thương mẹ", "Thức đêm"… cho dàn nhạc của mình.

Trẻ em là niềm đam mê của Châu Anh nên với chị, được làm bất kỳ điều gì hữu ích cho trẻ em chị đều sẵn sàng. Làm giám khảo các cuộc thi cho trẻ em chưa bao giờ là một việc làm đơn giản, nhất là đứng trước những tài năng chênh nhau một chín một mười. Châu Anh tâm sự: "Đôi khi, nhìn các bé buồn vì không được vào vòng trong, tôi thấy mình… có lỗi". Mỗi lần đưa các bé đi thi, cô giáo Châu Anh còn kiêm là người chị, người mẹ động viên các bé vượt qua những bỡ ngỡ trong sinh hoạt, những áp lực về giải thưởng để thi đấu hồn nhiên, hết mình. Có những trẻ em khi mới đến với Sol Arl còn rụt rè, ngại ngùng, thậm chí có trẻ tự kỷ nhưng sau một thời gian đã nhanh nhẹn, dám thể hiện mình.

Có thể nói say sưa hàng giờ liền về âm nhạc, về trẻ em nhưng cứ chạm đến chuyện gia đình là Châu Anh lại… tránh. Chỉ là vì chị và chồng - Đạo diễn, NSƯT Đỗ Thanh Hải đều quan niệm giữ gia đình là chốn riêng tư bình yên cho riêng mình. Cùng với người chồng tôn trọng sự đam mê của vợ, 2 con thông minh, ngoan ngoãn, Châu Anh không khỏi tự hào khi nhắc đến cha mẹ mình là Giáo sư Đặng Hữu, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương và bà Chu Anh Đào, Giám đốc Quỹ hỗ trợ học sinh - sinh viên nghèo vượt khó Hà Nội. Năm 2013, một niềm vui nữa đến với gia đình khi bà Chu Anh Đào vinh dự là 1 trong số 10 người được nhận danh hiệu “Công dân ưu tú Thủ đô" cho những đóng góp tích cực trong suốt gần 20 năm qua.

Đặng Châu Anh chia sẻ, ngoài tấm gương lao động, cống hiến hết mình thì cha mẹ còn là tấm gương của tình nghĩa vợ chồng. Mỗi người một tính cách, công việc bận rộn nhưng ông bà luôn dành cho nhau sự chăm sóc ân cần, trìu mến. Mỗi khi bà ốm, ông luôn là người tiêm thuốc cho bà rất đúng giờ. Và một bí quyết giản dị mà chị học được từ mẹ là dù có bận rộn đến mấy, người phụ nữ vẫn phải biết chăm chút, giữ lửa yêu thương cho gia đình

Thảo Duyên
.
.