Người có duyên với vai tình báo

Thứ Sáu, 23/07/2010, 09:14

Đã 8 năm trôi qua, kể từ ngày diễn viên Xuân Trường được mời thủ vai chính trong bộ phim truyền hình dài 29 tập được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Đại tá, nhà văn Nguyễn Trần Thiết "Vị tướng tình báo và hai bà vợ" (bộ phim đã được trao Huy chương Vàng trong Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc năm 2004). Cho đến nay, dù đã trải qua nhiều vai diễn trong nhiều bộ phim khác nhau, nhưng đối với anh, kỷ niệm về những ngày tháng làm bộ phim này vẫn còn tươi mới...

- Thưa nghệ sĩ Xuân Trường, kể từ sau thành công của vai vị tướng tình báo Lê Thịnh Bình (tức Lê Quang Lâm), anh ít xuất hiện trên phim trường. Dường như vai diễn đó đã lấy đi hết "hồn cốt" của Xuân Trường, khiến anh khó có thể thoát khỏi "cái bóng" của tướng Hai Lâm?

+ Nói như một số người bạn thân của tôi, lâu nay tôi đang "ẩn dật" để làm tròn một vài bổn phận nào đó, ví dụ như lấy vợ, sinh con, chăm lo gia đình... Điều mà bạn bè cùng trang lứa đã làm từ rất lâu rồi nên bây giờ họ "an nhàn" để chỉ chuyên tâm vào công việc. Ở tuổi 42 tôi mới có một cậu nhóc ở tuổi "trẻ lên ba cả nhà tập nói". Tôi cũng có tham gia một vài bộ phim truyền hình dài tập vừa lên sóng Đài Truyền hình Việt Nam như "Cuồng phong" và một vài phim tới đây sẽ phát sóng. Nhưng, cũng như bạn nói, hình ảnh của Hai Lâm vẫn ám ảnh tôi, ám ảnh người xem khiến tôi cũng khó thoát ra khỏi nó được.

- Bộ phim được chuyển thể từ một tiểu thuyết mà nhân vật là một vị tướng có thật trong đời sống. Cảm giác ban đầu của anh khi nhận được lời mời vào vai này?

+ Phim "Vị tướng tình báo và hai bà vợ'' kể về quá trình hoạt động tình báo trong lòng địch của tướng Hai Lâm từ năm 1954 đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Ông vốn là một công nhân của đội thủy lợi, có gia đình hạnh phúc, nhưng đã được biệt phái đi làm nhiệm vụ thay thế người anh song sinh, là một tình báo của ta hoạt động trong lòng địch đã hy sinh trong một lần làm nhiệm vụ. Hai Lâm được giác ngộ cách mạng và vào Sài Gòn hoạt động. Để tạo vỏ bọc, anh lấy Marie Cẩm Nhung, con một đại tá tình báo Pháp. Từ đó, bằng sự mưu trí, dũng cảm, anh đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho cách mạng…

Trước khi được đạo diễn Bùi Cường mời vào vai diễn này, tôi cũng đã tham gia một vài phim truyền hình nhưng thú thật là vẫn chưa đủ đất diễn để thể hiện mình. Cầm kịch bản "Vị tướng tình báo và hai bà vợ", tôi thấy mình thực sự may mắn vì đã có một mảnh đất đủ rộng để được hóa thân vào nhân vật. Tất nhiên, tôi cũng biết rằng, để vào được vai diễn này là điều không hề dễ dàng, vì đây là một huyền thoại sống đã đi vào trang viết. Tôi lại chưa có một ngày nào ở trong lực lượng vũ trang cho nên thể hiện được không chỉ hình vóc mà cả cốt cách của người điệp viên là một thách thức lớn. Ở thời điểm đó, nhân vật Hai Lâm vẫn còn sống nên có nhiều lần, khi tôi và anh Bùi Cường ngồi chuyện trò với nhau, tôi vẫn lo ngại, nếu mình thể hiện không thành công sẽ là một tội lớn với những người mà cả đời họ đã sống, chiến đấu và hy sinh cho cách mạng. Tuy nhiên, cuối cùng, như bạn thấy đấy, bộ phim đã thành công và được nhiều khán giả đón nhận.

- Là một nhân vật xuyên suốt của bộ phim với hàng trăm cảnh quay ở cả hai miền Nam - Bắc, gian khổ có, hạnh phúc có… chắc hẳn anh có nhiều kỷ niệm trong quá trình làm phim?

+ Hơn 6 tháng quay mấy chục tập phim là một quãng đường dài tôi sống, hóa thân vào nhân vật, từ phong thái, lời ăn tiếng nói, các cử chỉ, hành động… Lúc đó, tôi không phải mình nữa, mà phải sống cuộc đời của vị tướng tình báo suốt cả quãng thời gian ông còn trẻ cho tới khi tóc đã muối tiêu. Tôi nhớ nhất là những cảnh diễn liên quan đến súng ống. Trong phim chủ yếu sử dụng khẩu súng trường K44, bắn đạn mã tử, có khói, nhưng bắn ở khoảng cách 2,5m thì người bị bắn chỉ hơi nhột chứ không đau. Tất nhiên, chuyện súng ống đối với diễn viên không phải chuyện đùa cho nên, có ít nhất là 2 cảnh tôi phải tự… bắn vào mình để minh chứng là nó không "chết người" để bạn diễn yên tâm mà diễn cho tốt.

Cảnh thứ nhất là khi người anh song sinh của Hai Lâm bị phát hiện và một tên mật thám đã xả súng vào anh. Tuy là "anh" nhưng đều do tôi thủ vai. Khi đó, bạn diễn không dám bắn vì sợ tôi có thể bị… thương tích. Tôi đã hiểu nguyên tắc bắn đạn mã tử nên xung phong tự bắn vào mình trước cho bạn diễn yên tâm. Một cảnh nữa là khi Hai Lâm nằm mơ thấy danh tính mình bị lộ và bị bắt, nhưng trước khi bị bắt, anh đã kịp chạy vào phòng tên Tổng Nha an ninh ngụy và thủ tiêu hắn. Cảnh đó, diễn viên đóng vai Tổng Nha an ninh đã lưỡng lự trước việc sẽ bị đạn bắn vào người, tôi đã phải xin tự nhận một phát đạn về mình ở khoảng cách rất gần cho chú ấy yên tâm diễn xuất.

Hay như câu chuyện về bộ ria của tôi. Thời điểm vào vai vị tướng tình báo, tôi để ria mép thật và người hóa trang chỉ việc tỉa tót để nó phù hợp. Có lần quay cảnh Hai Lâm vào tiệm hoa mua tặng cho Cẩm Nhung. Trong lúc chờ ánh sáng, bối cảnh thì con của bà chủ tiệm hoa chạy đến bên tôi và giật giật ria mép. Bà chủ tiệm hoảng hốt kêu lên: "Ôi, con làm rớt râu của chú ấy bây giờ. Râu giả đấy con ạ!". Cả đoàn được trận cười và trấn an cậu bé rằng, cháu có giật cả ngày cũng không rụng vì đấy là râu thật của chú ấy…

- Mấy chục tập phim đã ghi lại cả một quãng đời với những vui buồn của vị tướng tình báo Hai Lâm. Với anh, ở giai đoạn nào của cuộc đời nhân vật, anh thấy khó diễn nhất?

+ Với tôi, cảnh khó nhất là khi Marie Cẩm Nhung phát hiện ra Hai Lâm đã có vợ ở miền Bắc và là tình báo. Lúc đó, diễn biến tâm lý của nhân vật cực kỳ khó diễn tả để vừa lột tả được cảm xúc của một người đã trót mang nặng tình yêu với một cô gái, trong khi ban đầu lấy chỉ vì nhiệm vụ. Lột tả được tâm lý của người điệp viên lúc này là một thử thách đối với tôi. Làm sao diễn tả được ánh mắt vẫn trìu mến, giọng nói vẫn nhẹ nhàng trong tư cách một người chồng, mà vẫn thể hiện được sự quyết liệt của một người cộng sản kiên trung là điều khó vô cùng.

Tôi nhớ, khi tôi và diễn viên Hoàng Xuân diễn cảnh Hai Lâm tạm biệt cô ấy để trở ra Bắc gặp người vợ cả, chúng tôi ngồi bên nhau để nói hết với nhau những điều cần phải nói, rồi cô ấy khóc, khóc thật sự, không kìm nén được, đạo diễn Bùi Cường cũng đã xúc động quá mà quên không nhớ là phải hô "cắt" ở đoạn nào. Cho đến khi quay phim hỏi "cảnh này lâu thế anh?" ông mới nhớ ra.

- Được biết, ngoài vai Hai Lâm, anh còn tham gia một vai điệp viên nữa trong bộ phim truyền hình "Trò chơi sinh tử" (đạo diễn Bùi Cường) dài 20 tập. Xem ra, anh có duyên với các vai tình báo?

+ Đây là bộ phim tái hiện Chuyên án CM12 - một chiến công vang dội của Lực lượng An ninh Việt Nam vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi đã đập tan ảo vọng nhằm lật đổ chính quyền cách mạng của Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh, đồng thời làm thất bại âm mưu chống phá cách mạng của bọn phản động. Tổ chức này đã chọn Hòn Đá Bạc - Cà Mau làm điểm trung chuyển vũ khí, tiền giả, xâm nhập lực lượng vào vùng biển Cà Mau nhằm chống phá cách mạng, lật đổ chính quyền. Bằng sự mưu trí, dũng cảm, Lực lượng An ninh của ta đã đập tan âm mưu của chúng...

Tôi nhớ, phim này được thực hiện rất công phu và vất vả vì hầu như quay hàng chục ngày trên tàu biển và hầu hết các diễn viên đều bị say sóng. Trong phim, đạo diễn Bùi Cường đã mời Trung tá - Trưởng phòng Công tác Chính trị Công an tỉnh Cà Mau vào vai Thứ trưởng Bộ Công an và đặc biệt nhân vật lịch sử Tám Thậm - một nhân chứng của vụ án CM12 đã được mời đóng vai Bộ trưởng Bộ Công an tham gia chỉ đạo chuyên án. Một trung đội cảnh sát cơ động của Cà Mau đã đóng làm toán biệt kích lội sình lầy đến nội đô. Tôi cũng là người lội sình lầy nhiều ngày ròng cùng các anh. Có đồng chí còn bảo, tưởng đóng phim sướng, hóa ra, còn gian nan hơn cả chúng tôi đi huấn luyện.

- Ngoài vai nhà báo Đoàn Linh trong bộ phim chống tội phạm ma túy "Cuồng phong" vừa chiếu trên VTV, anh còn tham gia phim nào trong thời gian tới?

+ Tôi vừa từ Trung Quốc trở về sau ba tháng vào vai Tướng quân Phạm Cự Lưỡng trong bộ phim về vua Lý Công Uẩn "Đường đến Kinh thành Thăng Long" và hiện tại đang vào vai Trần Thừa trong phim "Trần Thủ Độ". Đây là loạt phim lịch sử chào mừng sự kiện 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Một "tai nạn nghề nghiệp" mới nhất xảy ra đối với tôi là khi diễn viên trong đoàn phải sử dụng hết các chú ngựa đã thuần hóa, tôi, tướng quân Trần Thừa, đành phải cưỡi chú ngựa bất kham, và khi nỗ lực để thuần hóa nó thì tôi đã bị kéo lê một đoạn dài trên đất và đau chân suốt nhiều ngày liền… Đúng là "sinh nghề tử nghiệp"!

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.