Người có duyên với vai phản diện

Thứ Ba, 08/06/2010, 14:23

Tôi đến Nhà hát Kịch Hà Nội tìm gặp NSƯT Minh Hòa trong một ngày hè oi ả. Nhà hát "đóng đô" ở phố cổ nên dường như sự chật chội và nóng bức tăng lên nhiều phần. Trên sân khấu, Minh Hòa đang "lăn lê, bò toài" - như lời chị nói, tập vở kịch mới để công diễn trong chương trình kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Khi hết phân cảnh của mình, chị cầm tay tôi, giọng hớt hải: "Chị em mình ra ngồi quán cà phê cho mát!".

Vẫn giọng nói ấy, nụ cười ấy và khuôn mặt ấy, nhưng khi tiếp xúc với Minh Hòa, nhiều người sẽ ngạc nhiên tự hỏi rằng, tại sao một con người cởi mở, chân tình như chị, trong thời gian gần đây, lại thường hay được mời vào vai phản diện và chị diễn "đạt" đến nỗi, nếu không gặp chị, không chuyện trò cùng chị, người ta sẽ nghĩ rằng "Bà cố vấn Trần Lệ Xuân" sắc sảo, đài các một thời, giờ lại thêm phần "đa mưu, túc kế", hẳn sẽ là một người… ghê gớm ở ngoài đời? Câu chuyện của chị và tôi xoay quanh chủ đề ấy, và tôi khám phá được một Minh Hòa có nhiều… "gia vị" khác nhau từ đời sống thường nhật cũng như trong từng vai diễn.

Minh Hòa sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Bố chị từng là nhạc công. Từ nhỏ, chị được bố đưa đi sơ tán cùng đoàn Văn công Quân khu 3, vì thế, ánh đèn sân khấu, những lời ca điệu múa đã ngấm vào chị như một lẽ tự nhiên. Năm học lớp 10, Minh Hòa đến Đài Tiếng nói Việt Nam dự thi "Tiếng hát người Hà Nội" và được giải B của cuộc thi đó. Chị từng mơ ước lớn lên sẽ trở thành ca sĩ, nhưng mơ ước của chị thay đổi vào năm cuối cấp III, khi biết Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh đang tuyển diễn viên, chị liều đăng ký thi và giấu cả nhà không cho ai biết. Mặc dù hồi đó, bản thân chị không hề biết làm diễn viên thì sẽ phải làm những gì.

Minh Hòa kể: "Tôi rủ mấy người bạn vào trường xem thông báo tuyển sinh ra sao. May mắn, tôi gặp người quen là chị Hương Hạnh (trước chị ở Đoàn kịch Bộ Nội vụ) ở trong trường. Chị hướng dẫn cho tôi cách làm tiểu phẩm. Đến hôm đi thi, tình huống các thầy đặt ra, đối với cô bé chưa biết gì về kịch như tôi, rất khó: Khi tôi đang xách túi bỗng có giọng nói: "Trong túi có ma túy", theo phản ứng, tôi mở túi và sững người thì lại có giọng tiếp: "Công an đến". Tình huống đó khiến tôi ngạc nhiên, bối rối, rồi nước mắt giàn giụa, tôi thổn thức vì không hiểu sao lại có ma túy trong túi của mình… Lúc đó tôi nhập vai xuất thần trên sân khấu như một bản năng và không hề ý thức là mình đang… diễn trước mặt bao nhiêu người. Khi biết kết quả, tôi vô cùng bất ngờ vì mình được 9 điểm chuyên môn. Tôi trở thành thủ khoa khoa Diễn viên năm đó với số điểm 25,5. Biết tin đỗ tôi mới thông báo cho bố mẹ.

Thời bấy giờ, tính theo số điểm từ trên xuống, ai đỗ Thủ khoa sẽ được đi học nước ngoài. Nhưng tiếc là lúc đó  không dành cho diễn viên mà chỉ dành cho đạo diễn nên tôi đành ở lại học trong trường. Đến năm thứ ba, tôi đã từng được Đoàn kịch Bộ nội vụ (nay là đoàn kịch Công an nhân dân) xin về, nhưng cuối cùng, tôi lại neo đậu ở Đoàn kịch Hà Nội cho đến tận hôm nay".

Cái tên Minh Hòa thực sự tỏa sáng trên sân khấu thủ đô với nhiều Huy chương Vàng trong các hội diễn, các liên hoan sân khấu chuyên nghiệp và được các nhà chuyên môn đánh giá cao. Nhưng có lẽ, cho đến khi bén duyên với điện ảnh thì chị mới thực sự có đủ "đất" để thể hiện các vai diễn với nhiều tính cách khác nhau. Đặc biệt, vai Trần Lệ Xuân trong phim truyền hình "Ông cố vấn" (kịch bản: nhà văn Hữu Mai, đạo diễn: NSND Lê Dân) là một dấu mốc quan trọng để khán giả nhớ chị.

Kể lại câu chuyện vào vai bà Lệ Xuân, NSƯT Minh Hòa cho hay: "Tôi là người được mời thử vai Lệ Xuân sau rất nhiều người khác và tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có cơ hội vào vai người phụ nữ quyền lực này. Nhưng khi hóa trang xong, chưa cần diễn thì đạo diễn Lê Dân đã bảo "Lệ Xuân đây rồi!". Khi quay ở Huế, bà con ở đây đi xem đóng phim cũng nói với nhau (tôi nghe lỏm được): "O ni giống Lệ Xuân quá!". Bản thân tôi, hóa trang xong soi gương và cũng tự nhận thấy mình giống Lệ Xuân trong ảnh, có lẽ bởi vậy, nên tôi diễn cũng có phần tự tin.

Tất nhiên, trước khi vào vai, nhà văn Hữu Mai đã cho tôi mượn rất nhiều tài liệu tham khảo. Tôi đọc, nghiên cứu rất nhiều, từ cách đi lại, nói chuyện, rồi phong thái để lột tả được tính cách đài các, quý phái của Trần Lệ Xuân. Vì tôi sinh ra, lớn lên ở miền Bắc, không sống trong chế độ cũ miền Nam, trong khi đó, người dân Sài Gòn hầu hết ai cũng biết cái tên Trần Lệ Xuân nên ở thời điểm ấy, vai diễn Lệ Xuân là một thử thách lớn đối với tôi.

Thú thật là khi nhận vai này tôi cũng run lắm, nhưng không dám nói với ai. Cảm giác như mình chỉ gánh được 20 cân mà người ta bắt mình gánh 200 cân vậy. Vào vai Lệ Xuân, tôi đã hưởng những điều "sướng" nhất nhưng cũng "khổ" nhất. Sau vai diễn tôi đã bị rụng tóc triền miên vì để giống kiểu tóc của nhân vật này, ngày nào tôi cũng phải dậy từ 5 giờ sáng cho nghệ sĩ hóa trang làm tóc, chị ấy phải xịt lên tóc của tôi nửa bình gôm tạo kiểu, đến tối về tôi lại phải gội sấy. Liên tục như thế trong vòng hơn một tháng trời, tóc bị ảnh hưởng của hóa chất mạnh đã rụng rất nhiều. Nhưng vui nhất là khi tôi diễn cảnh ăn uống, cảnh có người hầu kẻ hạ, gọi một tiếng "Bay đâu" thì các nô tì mang đủ món ăn cao lương mĩ vị hiện ra trước mắt, tất nhiên quá nửa trong số này đều là đồ… trang trí. Đến khi diễn xong thì đói kinh khủng, nên Lệ Xuân đành… ngồi bệt ở hành lang và ăn cơm hộp 25 nghìn đồng một suất theo đúng tiêu chuẩn của đoàn làm phim.

Thời điểm phim phát sóng, tôi đi chợ mua sắm, mọi người gặp đều không gọi tên thật của tôi mà gọi luôn tên Lệ Xuân, tôi thấy hạnh phúc lắm. Có lần, đang đi đường, mải nghĩ gì đó tôi vượt đèn đỏ. Khi anh công an yêu cầu xuất trình giấy tờ, tôi bỏ khẩu trang ra thì anh "ồ" lên bảo: "Bà Lệ Xuân sao lại vượt đèn đỏ!". Lúc đó tôi đành xin lỗi các anh, vì mải nghĩ nên mới phạm luật chứ không cố tình!".

Sau thành công vai Lệ Xuân, NSƯT Minh Hòa liên tục được mời tham gia nhiều vai diễn truyền hình khác, nhưng chủ yếu là những vai phản diện. Chị kể: "Tôi tham gia vai phản diện đầu tiên trong phim "Trò đời" của đạo diễn Vũ Châu, sau phim đó, tôi bị coi là một người đàn bà là… độc ác, ghê gớm, lắm mưu kế và được nhiều đạo diễn mời đóng vai phản diện. Tôi nhớ khi tìm diễn viên xảo quyệt, thủ đoạn với người anh để có được khối tài sản khổng lồ trong bộ phim "Con đường hạnh phúc" (đạo diễn Bùi Huy Thuần), NSƯT Lan Hương đã "mách" với đạo diễn: "Sao anh không mời Minh Hòa, đảm bảo sẽ thành công!". Và sau đúng 2 ngày quay, đạo diễn đã phải thốt lên: "Anh không nghĩ em có thể đóng vai này hợp đến thế!".

Liên tục sau đó tôi được mời vào vai phản diện như Kim Điệp trong phim "Cổ vật", Yến Chi trong "Gió đại ngàn"… Tôi nghĩ, ưu điểm của tôi là khuôn mặt, đặc biệt là đôi mắt, hóa trang mắt sắc, tôi sẽ là người trông rất… ác, nhưng để nó to tròn như "nguyên bản" thì tôi sẽ hiền không chê vào đâu được (cười!). Vào vai "ác" thì có những thứ "lợi bất cập hại", chẳng hạn, cậu con trai tôi mấy lần có nhã ý mời bạn học về nhà chơi thì đều bị các bạn… từ chối. Các cháu bảo, mẹ bạn ác lắm, chúng tớ sợ! Cho nên, mỗi khi phim có tôi diễn phát sóng, cậu con trai tôi đều hỏi: "Lần này mẹ đóng vai hiền hay ác?". Nếu tôi bảo: "Vai ác" thì con tôi không xem đâu và dặn ngay: "Lần sau mẹ đừng nhận lời đóng vai ác nữa!"…

Dù rất thành công khi tham gia điện ảnh, nhưng Minh Hòa vẫn khẳng định, nếu phải chọn giữa sân khấu và điện ảnh, chị sẽ chọn sân khấu. Chị tâm sự rằng, có thể hiện nay sân khấu đang mất dần vị trí trong lòng công chúng, song trên sàn gỗ, chị vẫn có cảm giác của sự đam mê hết mình, không "giả tạo" được. Nhớ lại hồi vào vai Loan trong vở "Vòng xoáy" (tác giả kịch bản: nhà văn Hữu Ước, đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang) chị vào vai một cô gái chơi bời, rồi sa vào vòng xoáy của dục vọng, tiền bạc… Để diễn thành công vai Loan, chị đã phải đi "thực tế" bằng cách đến những nơi mà các cô gái… hư hỏng hay đến để tìm hiểu nội tình và nhiều lần chị bị vai diễn ám ảnh đến cả trong giấc ngủ. Vai Loan sau đó đã đoạt Huy chương Vàng trong Hội diễn Sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân.

Minh Hòa hiện là Trưởng đoàn 2, Nhà hát kịch Hà Nội. Công việc của người quản lý bộn bề khó khăn nhưng vốn là người phụ nữ đảm đang, xăm xắn, chị vẫn luôn hoàn thành tốt việc quản lý, hoàn thành tốt tất cả vai diễn đã nhận lời với các đoàn làm phim, mà vẫn là một người "tề gia nội trợ" giỏi, luôn cố gắng để mang đến cho chồng con những bữa ăn ngon.

Khi tôi hỏi, liệu có bao giờ Minh Hòa nghĩ đến lúc sẽ không xuất hiện trên truyền hình nữa? Chị cười tươi, thẳng thắn trả lời: "Đó là khi có một đạo diễn nào đó mời tôi vào vai... bà. Giờ tôi đang được đóng vai các bà mẹ của các con tuổi teen, hơn một chút là mẹ của thanh niên đã trưởng thành. Nhưng tôi kiên quyết không nhận vai bà vì tôi muốn giữ cho mình một hình ảnh đẹp, trẻ trung trong lòng khán giả"

Thiên Kim
.
.