Người cai nghiện kể tự truyện bằng... phim

Thứ Ba, 23/04/2013, 08:00

Những mảnh vỡ số phận ghép lại tại lớp học này. Bằng sự khơi mở của các đạo diễn, nhà biên kịch... họ kể, để khóc, để cười. Để khi đau thương qua đi, câu chuyện vẽ nên hình hài hước phim cuộc đời họ, làm nhịp cầu bắc về bến thiện lương...

Kịch bản từ những nô lệ của ma túy

"Phong là sinh viên đại học tin học, anh nghiện ma túy. Bạn gái anh là ca sĩ Phương Nhi đã cố giúp anh cai nghiện. (…) Nhưng Phong không đáp lại lòng mong muốn của Nhi, anh lao sâu vào ma túy rồi còn ăn cắp tiền của Phương Nhi. Phương Nhi giận dữ đuổi Phong đi. Tuy nghiện ngập nhưng với dáng vẻ đẹp trai nên Phong thân với Bích, con một của một gia đình khá giả. Anh được Bích cung phụng nhưng cuối cùng Phong bị bắt vào trường cai nghiện ở Đắk Nông. Trong trại cai nghiện: Phong giả vờ đau bụng. Cán bộ trại là Hải dắt Phong đến trạm y tế. Trên đường đi, Phong đẩy Hải ngã xuống hồ nước và leo qua hàng rào kẽm gai trốn ra ngoài. Toàn trại báo động để tìm Phong… họ chặn các ngả đường. Trong khi ấy, Phong trong xóm dân, Phong ăn cắp quần áo mặc vào người rồi chạy ra quốc lộ. Phong móc họng ói ra một gói nilon mở ra tờ bạc 100 ngàn (tiền lộ phí). Một chiếc xe tải dừng lại để tài xế và phụ xế đi tiểu, Phong nhảy lên thùng xe…".

Đó là một đoạn trích mở đầu của đề cương kịch bản "Nụ hôn của kẻ đào tẩu". Kịch bản là sự tổng hợp từ 25 câu chuyện tiêu biểu và hàng trăm tình huống có thật của học viên cai nghiện thu hoạch sau 3 tháng thực hiện dự án Zero + Cinema tại các trung tâm cai nghiện. Dự án mở đầu bằng các buổi chiếu phim, sau đó mở lớp dạy viết kịch bản miễn phí do các giảng viên uy tín của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Tp HCM đứng lớp.

Đến bây giờ đạo diễn Việt Đặng, Giám đốc hãng phim Sơn An, chủ nhiệm dự án vẫn không quên được lớp học đặc biệt ấy. Những buổi chiều cùng TS Đỗ Lệnh Hồng Tú, NSND Đào Bá Sơn, đạo diễn Tường Phương, nhà biên kịch Nguyên Hương… lên lớp tại Trung tâm cai nghiện Nhị Xuân (Tp HCM), trại số 1 (gồm trại số 1, số 7 và số 9 thuộc tỉnh Đắc Nông), bước vào phòng học với 30 học viên, đạo diễn Việt Đặng lại sững sờ với những cảm xúc và câu chuyện không ai ngờ tới:

Chuyện một cô gái xinh đẹp vì tình duyên lỡ làng, gia đình cấm cản mà tìm quên trong làn khói trắng. Đến khi bị đưa vào trại cai nghiện, nhìn ba mẹ đau buồn vì mình, cô lại ứa nước mắt mà khao khát sống. Đêm đêm, khi cơn nghiện vật vã giằng xé, cô cắn môi đến bật máu, lê lết vào nhà tắm. Từng xô nước lạnh ngắt giội ào ào vào tấm thân trần trụi. Xen lẫn nước là vị mặn của máu, của nước mắt tuôn trào từ cơn vật vã chống chọi với nỗi sợ nước khủng khiếp của con nghiện.

Một buổi chiếu phim, giao lưu của dự án Zero + Cinema tại Trung tâm cai nghiện Nhị Xuân.

 

Chuyện một bà mẹ bán hết nhà cửa ở Tp HCM với giá bèo bọt để lên tận Đắk Nông dựng một túp lều gần trại cai nghiện, chỉ để ngày ngày dõi mắt nhìn con mình lao động cải tạo qua hàng rào thép gai… Chuyện một cô ca sĩ rong ruổi biểu diễn từ trại cai nghiện này đến trại cai nghiện khác để tìm người yêu cũ. Cuộc tìm kiếm dường như vô vọng bởi lời tâm sự não lòng của cô sau mỗi buổi khép màn. Để rồi, một lần, khi lời cô ca sĩ xinh đẹp vừa dứt, phía dưới, có chàng học viên khẽ lau nước mắt, nhẹ nhàng kéo ghế đứng dậy. Nỗi mừng vui hội ngộ vỡ òa. Chuyện một học viên trốn trại chỉ để về nhà, kịp ôm hôn đứa con mới chào đời rồi vội vã quay lại trại, sẵn sàng chịu kỷ luật…

Là buổi dạy về cách viết kịch bản, nhưng đạo diễn Tường Phương bảo rằng đó không khác gì một buổi trò chuyện, tâm tình. Có người mù chữ, câu chuyện của họ được các thành viên dự án ghi âm rồi chép lại. Và tất cả những câu chuyện có thật ấy làm nên một kịch bản chân thực. Khi gửi đề cương kịch bản cho gần 100 cá nhân để thu nhận phản hồi về nội dung lẫn chuyên môn, dự án đã nhận được lời tâm sự chung của những người cai nghiện hoàn lương: "Đọc kịch bản, tôi thấy dáng dấp mình trong đó!"

Đem điện ảnh bắc cầu thiện lương

Những câu chuyện cuộc đời nghiệt ngã trên không dễ để người cai nghiện trải lòng. Chính ông Trần Hữu Thám, Phó giám đốc Trung tâm cai nghiện Nhị Xuân thừa nhận: "Khi tiến hành triển khai dự án, Ban giám đốc Trung tâm rất lo ngại vì khá nhiều học viên thuộc diện khó hòa nhập, ngại bộc bạch. Ngay cán bộ, nhân viên - những người được xem như người thân của họ - họ cũng giấu những góc khuất đời mình huống hồ là các thành viên của dự án - những người hoàn toàn xa lạ".

Đạo diễn Việt Đặng tâm sự: "Sở dĩ họ mở lòng với chúng tôi vì chúng tôi đến với họ bởi lòng chân thành và trái tim đồng cảm chứ không chút vụ lợi hay lên lớp dạy đời. Những bộ phim nhân văn chúng tôi mang đến đánh thức tâm hồn con người". Đó là "Những đứa trẻ thiên đường", là "Đứa con kẻ tử thù" (đạo diễn Quốc Long), là "Tội lỗi cuối cùng" (đạo diễn Trần Phương).

Cách đây 3 tháng, khi dự án bắt đầu triển khai, tác giả bài viết đã có dịp tham dự buổi chiếu phim cho học viên cai nghiện ở Trung tâm cai nghiện Nhị Xuân: Bộ phim "Những đứa trẻ thiên đường" của Iran từng được đề cử Oscar 2008 ở hạng mục phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Hai giờ chiều, 300 học viên lục tục bước vào hội trường với vẻ mặt bất cần đời. Bộ phim dạo những phân cảnh đầu tiên. Kẻ hờ hững, người cười nói cợt nhả. Vẻ mặt đạo diễn và ban lãnh đạo Trung tâm căng thẳng. 15 phút trôi qua, đoạn cậu bé Ali và cô em gái bắt đầu tráo giày cho nhau để đi học, thì khán phòng bắt đầu tĩnh lại. Rồi tràng pháo tay, tiếng huýt sáo reo vui khi cậu bé Ali giành được giải nhất cuộc thi chạy việt dã để đem về chiếc giày cho em gái. Tôi nhìn quanh, thấy có người cười mà đôi mắt đỏ hoe, ngấn nước. Phần hai là 45 phút giao lưu, trao đổi cùng các nhà chuyên môn. Thành bại hay không quyết định tại đây. Đến khi những cánh tay giơ lên không ngớt mặc dù đã quá giờ giao lưu thì Ban tổ chức mới dám thở phào. Những con người lầm lỡ muốn được nói xúc cảm đã lâu họ không tìm thấy. Học viên Nguyễn Thiện Uy chia sẻ: "Bộ phim khiến tôi liên tưởng đến câu chuyện Chử Đồng Tử, hai cha con thay khố cho nhau mỗi khi ra ngoài. Tình anh em, mẹ cha, bạn bè trong bộ phim đã khiến cho tôi nhận ra những giá trị cuộc sống quanh mình. Có những điều rất nhỏ bé, tưởng chừng như rất bình dị mà bấy lâu nay tôi đã khinh thường bỏ qua". Còn học viên Bùi Đức Thắng thì xúc động: "Nỗ lực về đích trên đường chạy cam go của một cậu nhóc nhỏ bé khiến tôi thấy hổ thẹn với chính mình. Chúng tôi phải học tập từ cậu bé Ali rất nhiều để vượt qua lỗi lầm".

Để người cai nghiện thực sự hoàn lương, hãng phim Sơn An kết hợp cùng Tổng đội thanh niên xung phong Tp HCM tổ chức dự án Zero + Cinema tại 4 trung tâm cai nghiện của Tp HCM. Dự án hoạt động theo kiểu xoay vòng bắt đầu bằng những buổi chiếu phim, tiếp đến là lớp dạy viết kịch bản phim ngắn, thu hoạch kịch bản, thực hiện bộ phim và cuối cùng đem chính những bộ phim đó chiếu cho những học viên cai nghiện, công nhân ở các khu công nghiệp. Từ đó lại tiếp tục mở lớp viết kịch bản cho những ai yêu điện ảnh, thu nhận những kịch bản mới...

Đến nay, kịch bản đang trong giai đoạn hoàn tất và chuẩn bị tiến hành tuyển diễn viên trong tháng 4 này. Đạo diễn Việt Đặng cho biết: Để tuyển diễn viên cho bộ phim nhựa "Nụ hôn của kẻ đào tẩu" dài 90 phút, dự án chú trọng khuyến khích những học viên cai nghiện có khiếu diễn xuất nhận vai. Bởi không gì chân thực hơn khi chính người trong cuộc thể hiện. Nguồn diễn viên thứ hai là những đối tượng quan tâm đến người cai nghiện như: người thân của người nghiện, người đã cai nghiện thành công… Để bổ trợ chuyên môn, dự án sẽ mở một khóa đào tạo diễn xuất ngắn hạn cho họ. Nguồn dự bị cuối cùng là mời diễn viên chuyên nghiệp.

Nói về dự án, tài tử Trần Quang khẳng định: "Tôi tin ở người cai nghiện vẫn còn những hạt thiện và dự án này đang dùng điện ảnh để lau chùi lớp bụi phủ bám trên nó". Còn chủ nhiệm dự án, đạo diễn Việt Đặng, trong một buổi chiều hoàn tất kịch bản đã mỉm cười chia sẻ rằng: "Đơn giản vì chúng tôi yêu nghề và muốn đem những giá trị thiêng liêng của nghệ thuật thứ bảy chia sẻ với những mảnh đời lầm lỡ''

Phan Thi Uyên
.
.