Người bỏ tiền nhà lập thư viện miễn phí

Thứ Năm, 19/07/2012, 08:00
Cùng với niềm vui  tìm mua sách mới, sưu tầm những bộ sách giá trị, những tư liệu quý của các nhà văn nổi tiếng, ông Phạm Thế Cường ở quận Gò Vấp, Tp HCM còn có niềm vui được đem toàn bộ số sách báo, tư liệu có được lập nên một thư viện tư nhân, đem phục vụ rộng rãi miễn phí cho mọi người, nhất là giới thanh niên và thiếu nhi...

Kho sách của ông Cường hôm nay dễ có tới hai vạn cuốn. Có cuốn được in từ đầu thế kỷ XX và những cuốn mới nhất mà tôi thấy trong giá sách chất ngất khắp mấy tầng lầu của ông là các cuốn "Cô gái chọc tổ ong bầu" của nhà văn Thụy Điển Steig Larsson do NXB Phụ Nữ ấn hành, cuốn "Lolita" của Vladimir Nabokov do NXB Hội Nhà văn ấn hành cách đây ít ngày. Riêng cuốn sách nổi tiếng của nhà văn gốc Nga này, ông Cường đã cầu kì chọn mua được một trong 100 cuốn in trên giấy đặc biệt có chữ ký của dịch giả. Ông mua nó với giá cao gấp ba lần cuốn in bình thường.

Mỗi tuần, thư viện của gia đình ông Cường mở cửa hai tối vào ngày thường và một buổi chiều chủ nhật để mọi người tự do đến đọc hoặc mượn đem về. Với trường hợp sinh viên đang làm luận văn hoặc người có nhu cầu, thì ông giúp đỡ thêm cả các buổi khác. Ông Cường có niềm vui được chia sẻ với mọi người những cuốn sách hay mà ông có.

Đến với thư viện của ông Phạm Thế Cường, nhiều người nhận xét có khi đầy đủ và thuận lợi hơn khi đến với nhiều thư viện của Nhà nước có chức năng phục vụ cộng đồng.

Và với ông Cường, tất cả không phải chỉ có thế.

Nhiều tháng gần đây, đều đặn, tại địa chỉ nhà riêng của ông Cường ở 130/1B đường Lê Văn Thọ, phường 11, quận Gò Vấp có một ngày mà bà con lối xóm thấy rộn rã, tấp nập người ra vào. Khách gồm đủ thành phần: Có những ông bà tuổi đã cao, đầu tóc trắng xóa, ăn vận tề chỉnh; có những người tuổi trung niên, và cả những thanh niên quần bò, áo phông.  Lại có cả các phóng viên đến ghi hình, phát sóng. Đó là đến kỳ sinh hoạt văn học của câu lạc bộ có tên "Những người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng" do chính ông Phạm Thế Cường đứng ra thành lập với ý tưởng tôn vinh lần lượt những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của nước ta. Trong mỗi buổi sinh hoạt như vậy, người dự được tiếp cận với những tư liệu sách báo và những hình ảnh liên quan, được nghe giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của nhà văn được tôn vinh. Lại được nghe chính những người gần gũi nhất trong gia đình, những bạn bè thân thiết kể lại những câu chuyện về nhà văn mà họ biết.

Ông Phạm Thế Cường và các độc giả nhí tại thư viện của mình.

Chỉ tính từ ngày thành lập vào nửa cuối năm 2011 đến tháng 5/2012, Câu lạc bộ  "Những người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng" đã lần lượt giới thiệu về các nhà văn, nhà thơ: Nam Cao, Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Phùng Quán, Vũ Hoàng Chương, Vũ Bằng, Nguyễn Huy Tưởng… những tên tuổi đã góp phần làm rạng danh nền văn học nước nhà. Thành viên câu lạc bộ không chỉ tham dự các buổi sinh hoạt mà sau đó còn được nhận những tập sách dưới cái tên chung là "Người yêu sách" mà Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ công phu biên soạn, giới thiệu trích đoạn một số sáng tác tiêu biểu, những bức ảnh, bút tích của tác giả và những bài viết của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu và gia đình, bạn bè thân thiết của họ. Qua 7 tập sách đã được ấn loát, tuy giản dị về hình thức nhưng có giá trị về nội dung, người đọc phần nào hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn mà không ít người chỉ mới nghe tên.

Đây là một sinh hoạt văn hóa rất có ý nghĩa nhưng hình như từ xưa tới nay, ở nước ta chưa một cá nhân nào đủ dũng cảm đứng ra tổ chức. Điều lạ là chủ nhân của Câu lạc bộ những người yêu sách, người đã làm được nhiều việc rất đáng trân trọng như vậy lại không phải là nhà văn, nhà thơ, nhà báo mà chỉ là một ông bộ đội phục viên. Ông Cường đã làm công việc này hoàn toàn không chịu một áp lực nào, cũng không hề có một sự tài trợ vật chất nào mà hoàn toàn chỉ vì tình yêu sách báo, tình yêu với văn học nước nhà, với các nhà văn tên tuổi mà ông yêu mến, kính trọng. Việc làm hơi "bất thường" của ông ban đầu đã làm nhiều người không khỏi nghi ngại. Và rồi, thân nhân những nhà văn, nhà thơ được đề cập, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà quản lí văn hóa… dần nhận thấy mục đích của ông trong sáng, không chút vụ lợi nên đã nhiệt tình tham gia, gắn bó với Câu lạc bộ và hỗ trợ kinh nghiệm, ủng hộ sách báo, tư liệu… giúp đỡ, động viên ông Cường làm tốt công việc.

Để tổ chức thành công những buổi sinh hoạt giới thiệu các tác giả văn học có cuộc đời và sự nghiệp văn học khá đa dạng rồi ấn hành thành các xuất bản phẩm là một công việc hoàn toàn không hề đơn giản, thậm chí vất vả và tốn kém. Ngay cả một tổ chức, để làm được đã khó, vậy mà đây lại chỉ do một vài người. 

Ông Cường cho biết, việc khó nhất là liên hệ, tìm đến gia đình các nhà văn, nhất là những người qua đời đã lâu, thân nhân tản mát mỗi người một nơi. Tìm gặp tại TP Hồ Chí Minh còn dễ, khó nhất là với những trường hợp người cần gặp ở xa, hoặc Hà Nội, Huế hoặc những tỉnh, thành khác. Thậm chí ở tận nước ngoài. Như trường hợp khi ông chuẩn bị nội dung về nhà thơ Phùng Quán, ngoài việc tiếp xúc với rất nhiều người quen biết Phùng Quán, ông Cường còn kỳ công tìm cách liên hệ với cô con gái lớn của nhà thơ lấy chồng mãi bên Lào. Không có điều kiện gặp trực tiếp nên ông phải điện thoại qua lại rất nhiều lần. Mà mỗi lần nói chuyện như vậy, thường kéo dài, cước phí điện thoại đâu có rẻ. Dù khó và tốn kém nhưng ông Cường bảo vẫn phải làm vì như vậy mới có những tư liệu phong phú, và đảm báo tính chính xác.

Nhiều người nghĩ ông Cường hẳn rất giàu có và còn mục đích cá nhân khi làm những việc trên? Ban đầu, khi nghe nói về ông tôi cũng chung ý nghĩ như vậy, nhưng khi tới nhà ông tôi có cảm giác: Ngoài những giá sách chất đầy nhà, hình như ông không còn có tài sản gì đáng giá. Nơi ăn chốn ở của gia đình ông phải nói là khá khiêm tốn. Tôi hỏi: "Chưa nói tới sự  vất vả để lo công việc, nguồn kinh phí ông lấy từ đâu?". Ông không giấu giếm: Được sự đồng tình của vợ con, hằng tháng ông trích một phần lương hưu của mình, của vợ và một phần từ tiền cho thuê nhà. Còn về mục đích cá nhân? Ông chỉ có duy nhất "mục đích", đó là thể hiện tình yêu của ông với những cuốn sách hay, những nhà văn tên tuổi. Tình yêu cao quý này có trong ông từ hồi nhỏ khi ông được tiếp xúc với cuốn sách đầu tiên là cuốn "Không gia đình" của nhà văn Hector Malot, rồi những cuốn sách đã đi suốt cuộc đời ông khi lên trung học, đại học, khi đi làm. Cả khi ông tham gia quân đội. Cứ dành dụm được đồng nào là ông đem mua sách. Tình yêu với sách cứ lớn dần. Yêu sách rồi ông yêu và kính trọng những nhà văn đã viết nên tác phẩm. Cuộc sống hằng ngày của gia đình  ông vì thế dẫu có hạn hẹp, và ngôi nhà nhỏ dù có phải thu gọn lại vì một phần đem cho thuê nhưng ông luôn vui vẻ vì nhận được sự đồng thuận của cả gia đình.

Hỏi, còn có điều gì làm ông phải nghĩ ngợi? Ông không giấu giếm bảo "Có". Như có gia đình nhà văn khi ông đến đặt vấn đề, họ đã không mặn mà vì muốn có một tổ chức nào "lớn hơn" đứng ra để thêm uy tín. Hoặc có trường hợp khiến ông không chỉ băn khoăn mà còn buồn vì có nhà văn khi ông liên hệ muốn được mời đến nói chuyện, gặp gỡ theo nguyện vọng của các em thiếu nhi, vậy mà qua điện thoại, qua email nhiều lần, nhà văn này đều không trả lời.

Tôi được biết tới đây ông Cường sẽ tiếp tục tổ chức giới thiệu về nhà văn Kim Lân, nhân 5 năm ngày mất của tác giả những truyện ngắn viết về nông thôn nổi tiếng. Ông hào hứng kể ông đã liên hệ và được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, con gái nhà văn. Tiếp đó, Câu lạc bộ của ông sẽ có chương trình về nhà văn Lê Văn Trương, nhà thơ Đinh Hùng, nhà văn Vũ Trọng Phụng… Tài liệu về các nhà văn, nhà thơ này ông Cường đã được thân nhân nhà văn, bạn bè và cả những người mới quen biết ủng hộ, giúp đỡ. 

Mới đây, ông Cường được Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội mời ra Hà Nội tham dự buổi góp ý kiến vào dự thảo Luật Thư viện. Một lần, đi vào ngã tư Hai Bà Trưng - Hàng Bài, mải suy nghĩ điều gì đó nên đèn vàng lúc nào ông không biết. Khi có tiếng còi của Cảnh sát giao thông cất lên ông mới giật mình. Một thiếu úy Công an còn rất trẻ nói ông cho kiểm tra giấy tờ. Ông chỉ có giấy chứng minh nhân dân. Đọc tấm chứng minh nhân dân đã kỹ nhưng rồi anh Công an đột ngột hỏi ông còn giấy tờ gì khác? Ông rút ra tấm danh thiếp. Anh Công an hỏi: Ông là chủ nhân thư viện tư nhân ở TP Hồ Chí Minh? Rồi anh cho biết, mấy tháng trước anh có đọc được một bài viết trên Báo Hà Nội Mới về ông Cường khiến anh rất phục. Khi xem giấy chứng minh nhân dân của ông, anh đã ngờ ngợ, đến khi xem tấm danh thiếp thì anh không ngờ được gặp nhân vật mà tờ báo nói tới. Anh Công an khi đưa trả lại giấy tờ đã không quên nhắc ông lần sau cần chú ý tránh vượt qua đường cả khi đèn vàng. Ông Cường nói lời cảm ơn, hứa sẽ rất cẩn thận để không tái phạm. Trước khi để ông đi, anh Công an bất ngờ mở ví lấy ra tờ tiền có mệnh giá 500 ngàn đồng đưa cho ông, nói là nhờ ông mua thêm sách để phục vụ thư viện. Ông Cường hết sức bất ngờ về hành động ấy nhưng  nói  không  nhận tiền,  nếu có lòng, anh mua sách gửi vào thì ông không dám từ chối.

Nghĩ chỉ là chuyện ngang đường, vậy mà xong việc ở Hà Nội, khi về đến TP Hồ Chí Minh thì ông Cường thấy bưu điện chuyển tới ông một bao tải sách mang tên người thiếu úy Cảnh sát giao thông. Số sách có giá trị hơn một triệu đồng.

Nghe câu chuyện mà ông Cường xúc động kể lại, tôi rất muốn biết tên và địa chỉ người Công an nhưng ông Cường cho hay, chính anh Công an không muốn ông nhắc đến việc làm ấy vì anh cho đó chỉ là "chuyện rất nhỏ".

Nhưng với ông Cường, đó hoàn toàn không phải là chuyện nhỏ. Ông tâm sự: Chính những chuyện như vậy đã giúp ông có thêm niềm vui, lòng tin và sức mạnh để vượt qua những khó khăn trong công việc mà ông yêu thích

Huy Thắng
.
.