Người Hà Nội qua một tập truyện ngắn

Thứ Năm, 07/10/2010, 16:00
"Hà Nội trong mắt tôi"(Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành) - tên tập truyện thật kiêu, bởi cái tên ấy gợi một người làm chủ Hà Nội đứng ở trên cuộc sống và con người mà nhìn, hiểu hết mọi điều như đi guốc trong ruột Hà Nội. Vậy mà cả 10 truyện của tập, truyện nào cũng đầy yêu thương trân trọng và kính phục những con người Hà Nội...

Nguyễn Khải có cách viết truyện khác người. Hình như ngược với mọi người. Đa số các nhà văn từ phản ánh hiện thực đời sống mà toát lên những vấn đề. Nguyễn Khải thì từ những vấn đề chủ định trước như là một cái khung nhà, sau đó ông xây tường, đắp mái vào. Thì cuối cùng cũng là ngôi nhà. Nhưng có những ngôi nhà xây không rõ hình dáng trước, nên mới có những nhân vật "nổi loạn", có những hành động mà tác giả cũng bị bất ngờ. Còn các nhân vật trong truyện Nguyễn Khải thì là những quân cờ trong tay ông, phục vụ ý đồ chiến lược của ông đã được vạch sẵn. Mỗi người mỗi cách, cuối cùng là truyện có hay hay không. Riêng Nguyễn Khải, với cách viết ấy, ông đã cho ra đời những truyện ngắn hay.

Hà Nội chỉ là một đề tài trong truyện Nguyễn Khải. Và ông chỉ chăm chú vào những vấn đề của người Hà Nội. Vì thế mà nhiều người cho là ông hay soi mói chăng? Thì cũng vẫn là một cách viết. Soi mói hay vì yêu thương mà quan tâm, mà phát hiện ra những điều khác lạ của con người? Không phải là viết về cái gì, cũng không dừng ở viết như thế nào, mà cao hơn là phải viết ra làm sao. Viết để mọi người thấy con người đẹp hơn, đáng yêu hơn, cuộc đời là đẹp lắm, đáng sống lắm… hay là ngược lại. Tất cả sự sắc sảo, sự khôn ngoan trong văn chương Nguyễn Khải, cách nói của ông có thể moi móc, có thể báng bổ nhưng cuối cùng vẫn là để thấy con người đẹp hơn, cuộc đời đáng yêu hơn. Vì thế sự khôn ngoan (những yếu tố rất dễ làm khô cứng tác phẩm) trong văn chương của Nguyễn Khải vẫn được mọi người yêu. Nguyễn Khải có một khối lượng độc giả riêng.

"Hà Nội trong mắt tôi"(Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành) - tên tập truyện thật kiêu, bởi cái tên ấy gợi một người làm chủ Hà Nội đứng ở trên cuộc sống và con người mà nhìn, hiểu hết mọi điều như đi guốc trong ruột Hà Nội. Vậy mà cả 10 truyện của tập, truyện nào cũng đầy yêu thương trân trọng và kính phục những con người Hà Nội, từ bà cô tôi trong truyện đầu tiên "Nếp nhà", cô Hiền trong "Một người Hà Nội", bà Bơ trong truyện cuối cùng "Nắng chiều", đến các danh sĩ Bắc Hà thời nay như Hồ Dzếnh, Kim Lân hay một nghệ nhân ở làng, đến những con người lăn lộn với thương trường hôm qua như Hiền trong "Tiền" và hôm nay như Lộc trong "Chúng tôi và bọn hắn"… Người nào cũng đẹp, cũng có một nhân cách, tuy nhân cách của mỗi người mỗi khác theo cách ứng xử trước thời thế, nhưng đều là những tấm gương về mặt này hay mặt kia. Những nhân vật hoàn toàn khác nhau, đôi khi trùng tên, nhưng không trùng bất cứ một đặc điểm nào từ hình thức đến tính cách. Tất cả các nhân vật đều sống động như trong cuộc sống thực. Tác giả lại dùng phương pháp kể chuyện ngôi thứ nhất (tôi) làm cho người đọc cuốn hút, hấp dẫn như tất cả những chuyện đó là có thực, từ những chuyện trong cuộc đời tác giả, xung quanh tác giả mà tác giả chứng kiến, chỉ kể lại mà thôi.

Tôi cho rằng, sự thành công nhất của Nguyễn Khải trong cách viết truyện ngắn là tuy ông đi từ những vấn đề chủ ý rồi bồi đắp cuộc sống cho thành tác phẩm, mà ông vẫn làm cho độc giả tưởng rằng đó là những truyện hoàn toàn có thực trong cuộc đời. Bởi vì, cái để người đọc tin là khó lắm, càng khó khi được người đọc tin cái gì mình viết ra cũng thật cả.

Nhà văn Nguyễn Khải (ngoài cùng bên trái) và các bạn văn.

Người Hà Nội hiện lên trong truyện Nguyễn Khải như những nhân cách sống. Họ là những con người bình thường, không có công tích gì nhiều, kể cả các nhà văn thì cũng là những con người lặng lẽ sống, lặng lẽ viết. Nhưng nhân cách của họ thì thật đẹp, trước sự thay đổi dâu bể của cuộc đời, họ vẫn ngời ngợi sáng. Bà cô trong "Nếp nhà" muốn giữ nếp nhà trước cơn bão của cơ chế thị trường, có ngôi nhà đẹp mặt phố trông thẳng ra phố Hoàn Kiếm đáng giá một triệu đôla, mà không bán, mà không cho thuê, để các con ở chung và đi làm nhà nước, và chuẩn bị phương án chu đáo chia cho các con, sao cho đời đời sống hòa thuận, không vì đồng tiền mà ảnh hưởng đến tình nghĩa.

Cô Hiền trong "Một người Hà Nội" là một người làm chủ cuộc sống, có thể nói là làm chủ thời thế trước những biến đổi lớn lao như sự cực đoan của cách mạng những năm đầu giải phóng, hay sự cực đoan của cơ chế thị trường. Ta hãy nghe cô nói thản nhiên: "Tao có bộ mặt rất tư sản, một cách sống rất tư sản, nhưng lại không bóc lột ai cả thì làm sao thành tư sản được". Đó là sự thản nhiên của người có nhân cách sống dĩ bất biến ứng vạn biến.

Hai văn nhân Hà Thành mà ông tập trung nói đến trong tập truyện cũng là những nhân cách: Hồ Dzếnh và Kim Lân. Mối tình giữa nhà thơ gốc Hoa Hồ Dzếnh và cô Nhật thật đẹp, từ tình bạn chân thành, mỗi người một hoàn cảnh đau buồn, rồi thành tình yêu chân chính và sống với nhau hết sức hạnh phúc đến tận cuối đời, tạo ra những nguồn cảm hứng cho thơ ông. Còn nhà văn Kim Lân thì "tính ông ưa nhàn, ông là người của tự do, thứ tự do vì nhu cầu tự tại chứ không phải là để khoe, đễ diễn nhưng là một người biết mình.

Lần gặp năm ngoái tôi có nói với ông: "Bây giờ lại là thời của anh đấy, anh viết đi". Ông cười buồn: "Hết hứng rồi, thôi cho nó qua luôn". Điều ấy có phải ai trong làng viết cũng có được? Một nghệ nhân ở làng làm nghề trạm khắc để cả tâm trí mình vào việc trạm khắc, phả hồn mình vào bức lèo tủ: "Làm xong cái lèo tủ em buồn mất mấy ngày vì lại phải xa nhau một lần nữa. Lần này có thể là mãi mãi. Lắm đêm vắng lặng không ngủ được, em cứ lắng tai nghe chỗ để tượng có tiếng động đậy gì không? Có ai cười nói không? Họ có chịu sống lại trong phút chốc vì đã cảm được cái tình của em không". Đúng là mỗi con người là một vũ trụ! Còn những người xuất thân nghèo hèn thì sao? Họ vẫn giữ được những nhân cách đẹp. Bà Mặm trong "Người của ngày xưa" lấy chồng tuần phủ nhưng vẫn giữ được phẩm giá, nhân cách, nuôi dạy chồng trưởng thành, có ảnh hưởng đến cách dùng người của chồng… làm chúng ta nhớ đến Ỷ Lan Nguyên Phi, và bà luôn nhớ về gốc gác của mình, bao giờ cũng kính trọng những người lao động bần hàn. Bà Bơ trong "Nắng chiều" là một người bình thường, đi ở giúp việc cho các em làm niềm vui và bị bỏ quên, năm bảy mươi tuổi mới nhận lời xuất giá. Cả đời sống hết mình vì mọi người. Tuy nghèo và cổ nhưng có một tấm lòng đẹp đẽ. Tình  yêu ở tuổi bảy mươi đủ chứng tỏ chị không cổ chút nào và cũng không nghèo chút nào, chị chỉ cổ và chỉ nghèo trước mắt mọi người…

Văn Nguyễn Khải viết rất đôn hậu. Tôi không thấy văn ông lạnh lùng như ai nói. Một tấm lòng yêu thương và trân trọng con người như thế, văn làm sao mà lạnh lùng được? Sự thông minh và sắc sảo không phải bao giờ cũng đồng nghĩa với sự lạnh lùng, khô tỉnh. Đây là đoạn văn tác giả viết về cái chết của nhà thơ Hồ Dzếnh: "Khi biết mình không sống nổi ông đòi về nhà. Các con trai thuê xe của bệnh viện đưa ông về lúc nửa đêm vì ông đã hấp hối. Bà vẫn thức để chờ, vừa nghe còi xe đã mở toang hai cánh cửa để đón chồng lần cuối. Hai anh em cáng bố đã hôn mê đặt lên cái giường của bố mẹ. Bà quỳ một bên giường nhìn chăm chăm vào gương mặt đã vàng như sáp của chồng, ruột đau như xé nhưng không khóc được. Ông chợt cựa mình, mở mắt ngước nhìn lơ láo, gọi nhỏ: "Mình ơi!" rồi ông tắt thở luôn. Suốt mấy năm bà sống với giây phút vĩnh biệt từng giờ, nửa đêm thức giấc lại nghe có ai gọi "Mình ơi!". Đấy chính là một đoạn thơ về tình yêu hết sức thắm thiết và sâu sắc. Hay hơn nhiều bài thơ tình nhàn nhạt khoe mình đầy dẫy trên báo chí những năm gần đây. Còn độ hấp dẫn của văn Nguyễn Khải chính là sự kết hợp giữa chất đôn hậu này và sự thông minh gần với triết lý của ông.

Văn của Nguyễn Khải khá sang. Thực ra cái sang của văn bao giờ cũng bắt nguồn từ tấm lòng. Không có một tâm hồn sáng, một tình yêu thương thì văn không bao giờ có thể sang được. Tất nhiên cái sang của văn cũng có cá tính. Nguyễn Tuân sang mà kiêu sa, Hoàng Cầm sang mà mê đắm, Nguyễn Đình Thi  sang mà hồn hậu… Nguyễn Khải sang của người thông minh. Ông viết về cái chết của một con người mà ta cứ bâng khuâng mãi: "Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ chói sáng những ánh vàng" (Một người Hà Nội).

"Hà Nội trong mắt tôi" là một tập truyện ngắn hay. Mỗi truyện một vấn đề, mỗi người một nhân cách. Cả tập truyện là tập hợp những nhân cách Hà Nội. Mỗi người một vẻ, nhưng không có ai hèn. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà giữa những biến động lớn của cuộc sống, con người bị khủng hoảng nhân cách trầm trọng, Nguyễn Khải lại tập trung xây dựng những nhân cách sống. Nhân cách của mỗi con người cũng như bản lĩnh của mỗi dân tộc là điều cốt yếu nhất để khẳng định mình. Và giữa lúc cơ chế thị trường đang tấn công quyết liệt vào con người, vào làng văn, nhiều cây bút đánh mất mình chạy theo thị hiếu với những mức độ khác nhau, Nguyễn Khải vẫn giữ được phong cách

Đ. Q.T.
.
.