Người đàn ông Việt gảy đàn tranh ở Pháp

Thứ Sáu, 24/10/2014, 08:00
Thông thường, nghệ sĩ chơi đàn tranh là nữ, mặc áo dài, lần này là hình ảnh một người đàn ông mặc vest gảy đàn tranh, một hình ảnh khá lạ mắt. Cái lạ thứ hai, người đàn ông này đã cùng chiếc đàn tranh thường xuyên xuất hiện trên những sân khấu hòa nhạc lớn ở Mỹ và châu Âu cùng với dàn nhạc cũng toàn đàn dây mà là đàn dây của phương Tây như 2 violin, 1 viola và 1 cello… trong khi đang là thầy giảng dạy môn piano ở Pháp.

Tên anh là Nguyễn Hữu Trí. Người Pháp không đọc âm H trong từ Hữu nên anh phải đặt lại nghệ danh là Trí Nguyễn. Âm thầm truyền tải hồn nhạc dân tộc và vang danh ở nước ngoài khá lâu, nhưng trong nước vẫn chưa  nhiều người biết đến anh. Tháng 9 này, mang theo tiếng đàn, anh trở về. Trong không gian lãng mạn một buổi chiều ở quán cà phê hi-end ở quận 3 (TP Hồ Chí Minh), tiếng đàn tranh hòa lẫn với tiếng của các loại đàn dây của phương Tây vang lên. "Lý con sáo" - mọi người ồ lên khi nghe những giai điệu quen thuộc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ được hòa điệu một cách khác lạ, hiện đại nhưng vẫn da diết…

Không gian tĩnh lặng, hết "Lý con sáo" rồi đến "Nam ai", "Trăng thu dạ khúc"… đưa người nghe vào những miền cảm xúc vừa quen thuộc, vừa mới lạ, nhẹ nhàng, sâu lắng… Thỉnh thoảng, hình như có một đoạn quen thuộc của Vivaldi, chốc lát lại có âm hưởng Beethoven, rồi Mussorgsky… Lạ quá! Người nghệ sĩ này gan thật, dám đưa cả những đoản khúc lừng danh thế giới hòa với đàn tranh và âm nhạc dân tộc Việt! - khán giả trầm trồ.

Những tò mò này, sau khi các bản đàn vừa dứt đã được anh lý giải ngay. Khiêm tốn nhưng khá tự tin, anh nói: "Âm nhạc cổ truyền của Việt Nam hoàn toàn đủ tầm vóc để biểu diễn ở những sân khấu lớn của thế  giới".

Câu chuyện về cuộc đời anh, về hoạt động âm nhạc của anh dần hé lộ với nhiều điều thú vị. Sau khi tốt nghiệp Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, anh sang Pháp tiếp tục theo học chuyên ngành piano tại Trường Sư phạm Âm nhạc Paris - Ecole Normale de Musique de Paris, cái nôi đào tạo những nghệ sĩ tài danh của Pháp. Ở đây, anh đã được học với những giáo sư nổi tiếng của âm nhạc hàn lâm thế giới như Jacques Lagarde - học trò của hai pianist lừng danh Marguerite Long và Clara Haskil; Ramzi Yassa - người đã từng được đào tạo từ Nhạc viện Tchaikovsky, nay là Nhạc viện Quốc gia Moskva.

Anh hiện là một nghệ sĩ biểu diễn piano độc lập và thường xuyên được mời giảng dạy tại các lớp masterclass. Một bên sở trường là piano, một bên là đam mê và sự gắn bó với cây đàn tranh, anh vẫn luôn dành riêng cho đàn tranh sự quý trọng… hiếm có. Mùa hè năm 2007, một người bạn đã đưa ra ý tưởng và gợi ý sao anh không thử chơi đàn tranh trong buổi biểu diễn trong khuôn khổ Festival de Musique Classique ở Montreuil ở Paris. Anh đã thử và đã thành công khi khán giả đón nhận nồng nhiệt như là một điều mới lạ vì đàn tranh là loại nhạc cụ không thuộc hệ thống nhạc cổ điển phương Tây, mà đây lại là một liên hoan nhạc cổ điển.

Trí Nguyễn và cây đàn tranh trong buổi ra mắt album Consonnances - Hòa điệu.

Trí Nguyễn cũng tuân thủ phương thức chú âm cổ, theo ngũ cung, thay vì chú âm theo hệ thống nốt nhạc phương Tây, điều này giờ đã không còn được sử dụng phổ biến ngay cả trong những trường lớp đào tạo nhạc dân tộc ở Việt Nam. Anh đã biểu diễn piano kết hợp đàn tranh trong nhiều sự kiện ở Mỹ và châu Âu. Còn ở Pháp, Trí Nguyễn là một trong những nghệ sĩ quen thuộc trên các kênh radio quốc gia. Anh được mời biểu diễn trong lễ bế mạc Aubervilliers World Music Festival, Liên hoan điện ảnh và kịch nghệ Bobigny lần thứ 17 cũng như là khách mời trong nhiều hoạt động biểu diễn thường niên của các nghệ sĩ Pháp như Music Festivals, A Village for Artists Festival…

Trí Nguyễn xuất thân trong một gia đình quý tộc, từ tuổi lên 5, anh đã được học piano với gia sư người Pháp. Song thân của anh rất coi trọng việc lưu giữ những giá trị tinh hoa truyền thống của dân tộc nên còn mời một nhạc sư nổi tiếng về cổ cầm, dạy đàn tranh cho con trai. Ngay từ khi còn là một cậu bé, anh đã song song thụ hưởng cả hai nền giáo dục Tây phương cởi mở và nghi lễ, phép tắc ứng xử thuần Việt theo mong muốn của cha mẹ, để có được những phẩm chất của người quân tử.

Trí Nguyễn cũng phải "thông thạo" cả các môn nghệ thuật cổ điển: Cầm, Kỳ, Thi, Họa, điều mà lúc đó quả thực là một thách thức nhưng thực tế đã trở thành nền tảng vô giá cho con đường nghệ thuật sau này của anh.

Lần này về nước, anh bảo lý do thứ nhất là "nhớ mẹ quá", lý do thứ hai là anh vừa ra album hòa tấu đàn tranh đầu tiên và muốn về để "báo cáo" với quê. Album có tên gọi Consonnances - Hòa điệu, là sự kết hợp trình tấu đàn tranh cùng tứ tấu đàn dây của Tây phương những khúc cầm cổ theo đúng thể thức Nhã Nhạc truyền thống. Consonnances gồm 13 bài, trong đó, có những bài được Trí Nguyễn sáng tạo thêm khi đưa vào một số trích đoạn ngắn trong những nhạc phẩm cổ điển nổi tiếng của Vivaldi, Beethoven, Mussorgsky…

Không chỉ là một album hòa tấu, Consonnances là một thành quả sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc, với những kỹ thuật diễn tấu điêu luyện, cảm xúc dạt dào. Trung tâm của cả 13 bài là tiếng đàn tranh và sự hòa điệu cùng những nhạc cụ của âm nhạc cổ điển phương Tây. Thể hiện những tác phẩm thuyền thống của Việt Nam theo lối cổ truyền, anh muốn cho người nghe tự hào về tính dân tộc, khả năng diễn tấu cũng như dẫn dắt của đàn tranh. Đây cũng là món quà mà anh dành riêng cho quê hương, với những tâm tình và thương nhớ của một người Việt thuần túy, trọn vẹn cả tâm hồn và thể tính.

Hỏi tại sao giờ anh mới chính thức ra album và tại sao chưa về Việt Nam biểu diễn? Anh trả lời: phải đi biểu diễn thật nhiều để góp nhặt sự đón nhận, thưởng thức của khán giả, rồi đợi thời điểm chín muồi mới trở về. Nhiều năm qua, anh đem đàn tranh kết hợp cùng dàn nhạc tứ tấu phương Tây biểu diễn cho khán giả nhiều nước nghe, đến đâu cũng được khen ngợi, chào đón và mời quay lại. Không còn gì phải hồ nghi về sự lan tỏa, thuyết phục của đàn tranh Việt, của bài bản kết hợp cổ điển ta, tây, phối lại mới, chọn được phòng thu, hòa âm chất lượng nhất ở Paris anh mới cho ra đời album. "Có khi buổi diễn kết thúc, khán giả cứ đứng vỗ tay mãi, có hôm tôi phải ra vào cúi chào khán giả đến 7 lần họ mới chịu ra về. Điều đó đã giúp tôi hoàn thành album này " - Anh kể.

 Anh quan niệm: "Khi biểu diễn loại nhạc cụ kết hợp này là chơi cho những người chưa biết nghe nhạc, không hẳn dành cho những người đã biết nghe và sành nghe. Với tôi, miễn sao khán giả thích nghe là hạnh phúc lắm rồi, âm nhạc không phân biệt ranh giới, văn hóa". Càng ngày, đàn ở nhiều nơi, khán giả càng nghe càng thích. Trước khi biểu diễn, anh thường cắt nghĩa về đàn tranh, về âm nhạc Việt Nam.

Chia sẻ chuyện làm nghề ở trời Tây, anh bảo vừa đi dạy, vừa biểu diễn, nghề này thật sự rất khó khăn và vất vả. Rồi về nhà phải tập luyện không được ngừng nghỉ, có khi 4- 5 tiếng đồng hồ một ngày. Khi diễn, nhiều khi có chuyện riêng buồn phiền, sức khỏe không tốt… tất cả đều phải gạt hết khỏi tâm trí, trước mặt mình chỉ có cây đàn và khán giả. "Không có khán giả, nghệ sĩ không là gì hết trọi. Mình phải thật tình yêu cái nghề, yêu sự liên kết giữa khán giả và người nghệ sĩ, nhiều nghệ sĩ bây giờ hay quên điều đó". Chữ "trọi' anh dùng nghe thân thiết, gần gũi biết bao. Tôi buộc miệng hỏi, anh đi Pháp đã lâu, nơi anh sống có người Việt nhiều không mà anh nói tiếng quê mình nghe chuẩn ghê? Anh cười, toàn phải nói tiếng Pháp thôi, nhưng vì anh yêu đất nước mình, đi đâu cũng nhớ quê hương, nhớ mình là người Việt và hãnh diện vì cội nguồn của mình. 

Kết thúc cuộc trò chuyện, anh mới tiết lộ, gần 20 năm sống ở Pháp nhưng anh vẫn giữ quốc tịch Việt Nam mà không nhập quốc tịch Pháp, anh cười rất hãnh diện, chốt lại những thắc mắc của mọi người: "Mình là người Việt Nam mà!".

Ngày 26/9 vừa qua anh đã có buổi biễu diễn trên sân khấu trong một chương trình hòa nhạc quy mô lớn tại Paris. Tại đây, anh cũng chính thức ra mắt album Consonnances - Hòa điệu của mình. Ở nửa kia thế giới, anh đã hòa điệu những tâm hồn đồng điệu để âm nhạc tây ta không còn khoảng cách, còn nửa thế giới bên này, nơi chôn nhau cắt rốn, anh hẹn sẽ sớm quay trở về!

Hạnh Chi
.
.