Ngôi sao ca nhạc Mỹ trải lòng về chuyến làm đại sứ thiện chí tại Việt Nam

Thứ Ba, 12/07/2016, 08:00
Hơn một tháng trở lại Mỹ sau khi làm Đại sứ thiện chí cho UNICEF trong một chương trình thiện nguyện tại tỉnh Ninh Thuận của Việt Nam, nữ ca sỹ Katy Perry đã có một bài viết dài chia sẻ những xúc cảm và ký ức đặc biệt của cô tại Việt Nam. Bài viết của  cô đã đăng trên trang Refinery29.


Tháng trước, tôi đã vượt qua gần 8.000 dặm (hơn 12.000 km) để tới Ninh Thuận, một tỉnh thuộc Nam Trung bộ Việt Nam, đây cũng là một trong những vùng khó khăn nhất nước.

Những đường bờ biển đẹp mê hồn của Ninh Thuận hoàn toàn đối lập so với cuộc sống trong những ngôi nhà gỗ xiêu vẹo, rất khó đến được trên những sườn núi. Ở đó hầu hết người dân hàng ngày phải đối mặt với cảnh sống cơ cực. Họ không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục chất lượng, thiếu thốn lương thực do biến đổi khí hậu, thiếu nước sạch, điều kiện vệ sinh kém.

Tôi đã trải qua bốn ngày ở đây cùng UNICEF, gặp gỡ các em nhỏ và những gia đình đang vật lộn với những nỗi cùng cực ấy, và chăm chú quan sát những việc đang được triển khai tại đó để có thể giải quyết được các bất ổn trong cuộc sống mà một số em nhỏ thiệt thòi nhất đang phải đối mặt.

Ngày thứ nhất

Điểm dừng chân đầu tiên của tôi là Trường Giáo dục đặc biệt Quảng Sơn (huyện Ninh Sơn). Đây là ngôi trường giúp các em nhỏ khuyết tật có cơ hội được học hành bình đẳng như các bạn khác. Có khoảng 30 em nhỏ độ tuổi từ 4-15 theo học ở đây. Các em được học nghệ thuật, học đọc, viết, học chơi thể thao. Có ba giáo viên tận tụy tại ngôi trường này, hai trong số đó là chị em ruột. Họ dẫn tôi đi tham quan và mời tôi vào ngồi trong một lớp học ở đó.

Tôi kinh ngạc quan sát các em nhỏ bị khiếm thính đang giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu với các em khác trong trường. Các em khác này tuy không bị khiếm thính nhưng cũng đã học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp. Các em dạy tôi một số từ, trong đó có từ “thiên thần” và tôi đã biết cách ra ký hiệu đúng về từ này ngay tại lớp học. Những người thầy ở đây với lòng đam mê và sự nhẫn nại thật kỳ diệu.

30 em nhỏ tôi đã gặp ở trường đặc biệt Quảng Sơn có lẽ vẫn là một số ít những em may mắn. Có khoảng 1,3 triệu trẻ em khuyết tật ở Việt Nam, và chỉ gần một nửa các em trong số đó được đến trường. Tôi tự hỏi cuộc sống của các em sẽ ra sao nếu ngôi trường này không mở ra cho chúng?”

Ngày thứ 2

Tôi bắt đầu ngày thứ hai với cuộc gọi điện thoại sớm đánh thức để tới một trung tâm y tế nông thôn có nhiệm vụ theo dõi sức khỏe trẻ em. Họ có nhiệm vụ coi sóc các dấu hiệu suy dinh dưỡng ở trẻ và hỗ trợ dinh dưỡng cho những em chậm phát triển vì thiếu chất.

Tôi đã gặp người mẹ trẻ Chamale Thị Nghị 22 tuổi và cậu con trai hai tuổi rưỡi tên Cường của chị. Chị Nghị nói cho tôi biết con chị bị ốm và không tăng cân. Thằng bé ốm và tháng 3 năm nay chị đưa nó tới trung tâm. Lúc đó Cường chỉ nặng 7,4 kg, thiếu tới 4,5 kg so với cân nặng tiêu chuẩn ở độ tuổi của em.

Được chăm sóc tích cực ban đầu tại trung tâm y tế, hàng tuần được các nhân viên tới tận nhà chăm sóc, chỉ trong hơn hai tháng, Cường đã tăng được hơn 1,3 kg. Mẹ em phấn khởi bảo tôi là con chị đã linh hoạt hẳn lên kể từ lúc được trung tâm điều trị. Tôi cũng thấy cậu bé nhảy nhót chơi đùa cạnh đó.

Ngày thứ 3

Điểm dừng chân đầu tiên của tôi trong ngày thứ ba là Trường Mầm non công lập Phước Chính, huyện Bác Ái. Trường có 127 em bé trong độ tuổi từ 3-5, 95% các em là con em của đồng bào dân tộc thiểu số Raglai, một trong hơn 50 dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

Thật là vui khi tôi ngắm nhìn các em cười đùa, vui chơi và học với nhau. Trường mầm non dạy các em tiếng Việt vì các em thường chỉ nói tiếng dân tộc mình khi ở nhà. Học tiếng Việt là điều thiết yếu để các em bước vào tiểu học sau này. Về đại thể, 95% trẻ em Việt Nam đều hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học, tuy nhiên chỉ 70% các em nhỏ dân tộc thiểu số hoàn thành chương trình này. Tôi hy vọng một ngày sắp tới đây, mọi trẻ em Việt Nam đều có thể đi học và được trao cho những công cụ cần thiết các em cần để có thể thành công.

Sau khi chơi rất lâu với các em nhỏ, tôi gặp gỡ các học sinh của trường cấp hai Ngô Quyền. Khoảng 90% trong số 200 em học sinh của trường trong độ tuổi từ 11-15 là người dân tộc Raglai.

Cha mẹ các em phần lớn là nông dân. Những em nhỏ này rõ ràng đang cố gắng phá vỡ cái vòng luẩn quẩn đó và tự kiến tạo tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình mình.

Tôi đã gặp những bác sỹ và giáo viên tràn đầy nhiệt huyết. Một em gái khiến tôi nhớ về chính mình khi ở độ tuổi thiếu niên. Em bảo tôi em muốn trở thành nhạc sỹ, và rồi em cất tiếng hát bản Firework thật tuyệt!

Nữ ca sỹ Katy Perry và những hoạt động ý nghĩa tại Việt Nam.

UNICEF đang triển khai các hoạt động tại Việt Nam nhằm giúp biến giấc mơ của các em nhỏ này thành hiện thực thông qua việc đầu tư cho tương lai của những em nhỏ thiệt thòi và dễ tổn thương nhất, những em bị khuyết tật và những em là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm xóa bỏ đi những bất bình đẳng đang tác động tới nhiều trẻ em trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Ngày thứ 4

Tôi đã tới gặp một phụ nữ 18 tuổi tên là Úp. Chị sống với chồng và đứa con 3 tháng tuổi của họ trong một căn lều tạm. Chị Úp và chồng chị làm việc rất vất vả để nuôi thân và con họ. Chị Úp bảo tôi là cả chị và chồng đã từng rất muốn đi học khi còn nhỏ, nhưng họ đã không thể đến trường vì không có giấy khai sinh. Kết quả là, cũng giống như đời cha mẹ, họ lại tiếp tục cuộc đời của những nông dân.

Tôi hỏi chị Úp là vậy chị có định đăng ký khai sinh cho con mình không. Và tôi sững sờ khi nghe chị bảo là muốn lắm, nhưng vì chị không biết đọc, cũng không biết viết nên chị không thể điền được vào mẫu đơn đăng ký khai sinh, và cũng không có tiền để trả phí đăng ký.

UNICEF đã liên lạc với một nhân viên hoạt động xã hội ở địa phương tới gặp gia đình để đảm bảo rằng em bé con anh chị Úp sẽ có giấy khai sinh, để cô bé có được những cơ hội tốt hơn khi lớn lên.

Nếu anh không đăng ký khai sinh, xem như anh không tồn tại. Một đứa trẻ không đăng ký khai sinh có thể sẽ không được đi học. Một đứa trẻ không đăng ký khai sinh cũng không thể được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc ý kiến quan trọng khác, trong đó có tiêm chủng. Một đứa trẻ không đăng ký khai sinh sẽ có rất ít, hoặc không có cơ hội được bảo vệ trong các tệ nạn như buôn bán người, bóc lột lao động trẻ em và tảo hôn. Cho dù bạn sống ở đâu đi nữa thì một tờ giấy khai sinh cũng có thể tạo dựng hay phá hỏng một tương lai.

Tôi rời Việt Nam với quá nhiều ký ức. Tôi cảm thấy thật sự biết ơn các em nhỏ đã chia sẻ những ngày vừa qua với mình. Tôi yêu tinh thần và sức sống kiên cường của các em, và tôi hiểu rằng, nếu được giúp đỡ, các em sẽ thực hiện được những ước mơ của mình.

UNICEF đã tiếp cận tới những đứa trẻ dễ tổn thương hơn cả ở Việt Nam. Bằng sự quan tâm và giúp đỡ, họ đã giúp các em phá bỏ vòng luẩn quẩn đói nghèo. Chúng ta cần phải hợp tác với nhau để đấu tranh xỏa bỏ những bất cập và trao cho trẻ em một khởi đầu bình đẳng trong cuộc sống.

Katheryn Elizabeth "Katy" Hudson (sinh ngày 25-10-1984), là nữ ca sĩ kiêm sáng tác nhạc, thương nhân, nhà hoạt động từ thiện và diễn viên người Mỹ. Perry đã nhận được nhiều giải thưởng và đề cử, bao gồm 13 đề cử cho giải Grammy, 3 Kỷ lục Guinness Thế giới và danh hiệu "Người Phụ nữ của năm 2012" do Tạp chí âm nhạc Billboard bình chọn. Cô còn lọt vào danh sách "Nữ nghệ sĩ có doanh thu cao nhất trong âm nhạc" của tạp chí Forbes trong các năm 2011, 2012 và 2013. Perry đã bán ra hơn 11 triệu album và 81 triệu đĩa đơn trên toàn thế giới. Cô là một trong những nghệ sĩ âm nhạc có doanh số lớn nhất mọi thời đại.
Trần Đắc Luân
.
.