Nghiên cứu lịch sử hay hư cấu văn chương?

Thứ Tư, 10/12/2014, 08:00
Sách "Một số chuyên đề lịch sử Việt Nam" (MSCĐLSVN) gồm 3 tập do Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp chủ biên tập 1, 2 và đồng chủ biên tập 3 với PGS.TS Hà Minh Hồng, được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP HCM ấn hành trong năm 2014. Nguyện vọng của tác giả chủ biên được thể hiện trong lời nói đầu: "…chuyên đề được biên soạn công phu, phản ánh những kết quả nghiên cứu của các tác giả trên nhiều lĩnh vực và chủ đề khác nhau của lịch sử Việt Nam". Tuy vậy, khi đọc 3 tập MSCĐVLSVN, chúng tôi nhận thấy có một số chuyên đề mắc phải những sai sót về kiến thức cơ bản, những nhận định không chính xác, thiếu luận cứ khoa học. Ở đây chúng tôi chỉ xin nêu ra hai chuyên đề mà mức độ sai sót trầm trọng nhất.

Thứ nhất là chuyên đề "Lịch sử ngoại giao Việt Nam (Từ dựng nước đến năm 1945)" của Tiến sĩ Bùi Thị Huệ ở tập 2, từ trang 212 đến 249.  Dài 37 trang, nhưng có gần 30 chỗ sai sót về kiến thức, nhận định nhầm lẫn.

Ở trang 217, tác giả viết: "Năm 221 TCN, nhà Tần thành lập, Trung Quốc chuyển sang chế độ phong kiến". Sự thật trong lịch sử Trung Quốc, nước Tần đã có từ lâu, trải qua cuộc tranh hùng thời "Xuân thu, Chiến quốc", Tần đã lần lượt đánh bại các đối thủ của mình, thống nhất Trung Quốc vào năm 221 TCN và thành lập chế độ quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền. Tác giả không nắm được khái niệm phong kiến, nhầm lẫn giữa quân chủ chuyên chế và phong kiến hoặc là hiểu khái niệm phong kiến theo kiểu sơ khai, đơn giản của học sinh phổ thông. Sai lầm tiếp theo khi tác giả viết: "Quan hệ giữa Trung Quốc với các nước khác ở xung quanh là quan hệ giữa phiên thần với quân vương. Văn Lang - Âu Lạc không là ngoại lệ" (tr.217). Viết như vậy, chứng tỏ tác giả không nắm vững lịch sử ở thời kỳ này. Khi nhà Tần mới thống nhất Trung Quốc, còn phải bận tâm mở rộng lãnh thổ xuống khu vực phía Nam Trung Quốc, chinh phục nhóm Bách Việt, chưa thể vươn tới khống chế các nước ngoài lãnh thổ của mình, nên chưa thể hình thành mối quan hệ phiên thần - quân vương như giai đoạn sau này. Nước Văn Lang - Âu Lạc thời kỳ này càng không phải là phiên thần của nhà Tần.

Ở trang 218, tác giả viết: "Hành động ngoại giao khôn khéo của Khúc Thừa Dụ đã ngăn chặn nhà Đường tái xâm lược, tạo điều kiện cho họ Khúc giữ vững chủ quyền dân tộc khoảng nửa thế kỷ". Không hiểu tác giả dựa vào nguồn sử liệu nào? Sự thật, năm 905, Khúc Thừa Dụ nổi dậy giành được chính quyền, nhưng vẫn nhún nhường xưng là Tiết độ sứ (một chức quan biên ải của nhà Đường), chứ không vội xưng vương, xưng đế để tránh đối đầu với Trung Quốc. Đến năm 907 ông qua đời, con là Khúc Hạo nối nghiệp. Năm 917 Khúc Hạo mất, con là Khúc Thừa Mỹ thay cha, nhưng đến năm 923 thì bị quân Nam Hán bắt giải về Trung Quốc. Như vậy, nền độc lập mà họ Khúc giành được chỉ tồn tại có 18 năm mà thôi.

Bìa cuốn "Một số chuyên đề lịch sử Việt Nam".

Ở trang 225, tác giả viết: "Phương châm ngoại giao "tiên phát chế nhân" của triều Lý được triều Trần vận dụng để đối phó với quân Mông - Nguyên. Đơn cử là Mông Cổ 3 lần gửi sứ giả đến Thăng Long đòi vua Trần đáp ứng những yêu sách của chúng…nhưng đều bị nhà Trần từ chối và còn bắt giam sứ giả". Tác giả nhầm lẫn giữa hành động quân sự với thái độ trên lĩnh vực ngoại giao. Thời nhà Lý ở thế kỷ XI, trước sự chuẩn bị xâm lược Đại Việt của nhà Tống, Lý Thường Kiệt đã thực hiện hành động quân sự là "tiên phát chế nhân" (đánh trước để khống chế kẻ thù), đem quân đánh phá, tiêu diệt các căn cứ quân sự của quân Tống ở Khâm Châu, Ung Châu…thuộc các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, nhằm làm suy giảm binh lực kẻ thù. Còn thời Trần ở thế kỷ XIII, với thái độ ngoại giao kiên quyết không thần phục Mông Cổ và về sau là nhà Nguyên, trong đó có việc vua Trần cho bắt giam những viên sứ giả hống hách. Hành động kiên quyết trong ngoại giao này không thể là "tiên phát chế nhân" như lập luận của Tiến sĩ Bùi Thị Huệ.

Ở trang 226: "Quân Mông - Nguyên bị đánh ba trận tan tác, làm chúng bạt vía kinh hồn, không dám nuôi mộng bành trướng Á - Âu". Sự nhầm lẫn quá sơ đẳng, vì nhà Trần đánh bại ba cuộc xâm lược của Mông - Nguyên chứ không phải đánh 3 trận, bởi mỗi cuộc kháng chiến đã diễn ra hàng chục trận chiến lớn, nhỏ khác nhau. Và Mông Cổ đã tung hoành, đánh chiếm nhiều nước ở Đông Âu, chiếm Trung Quốc lập ra nhà Nguyên; chỉ có Đông Nam Á là chưa vươn tới được vì bị thất bại ở "chiếc cầu nối" quan trọng là Đại Việt, chứ làm gì có chuyện "chúng kinh hồn bạt vía, không dám nuôi mộng bành trướng Á - Âu" như sự cường điệu của tác giả.

Ở trang 232, tác giả lại đưa ra nhận định rất chủ quan: "Quang Trung còn xin nhà Thanh cho bỏ lệ cống người vàng và mở cửa ải cho nhân dân hai nước thông thương buôn bán. Ông cầu hôn công chúa nhà Thanh để thăm dò thái độ của vua Thanh, đồng thời đặt vấn đề đòi lại đất cũ của Đại Việt là hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Yêu cầu của vua Quang Trung đều được vua Thanh chấp nhận, song đáng tiếc là mọi việc chưa kịp trở thành hiện thực thì vua Quang Trung đột ngột qua đời".  Sự thật là sứ bộ Tây Sơn do Vũ Văn Dũng làm trưởng đoàn đang đàm phán với vua Càn Long nhà Thanh chưa đi đến kết quả thì nghe tin vua Quang Trung băng hà nên đành bỏ cuộc trở về; không biết dựa vào tài liệu nào mà Tiến sĩ Bùi Thị Huệ dám khẳng định là "yêu cầu của vua Quang Trung đều được vua Thanh chấp nhận", hay là tài liệu này tác giả đang giữ bản quyền và chưa công bố cho mọi người được biết (?)

Thứ hai là chuyên đề "Giáo dục cách mạng ở căn cứ địa Thủ Dầu Một - Bình Dương 1945 - 1975" của Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp ở tập 3. Dài gần 60 trang, nhưng nguồn tư liệu trong bài viết rất nghèo nàn. Nhiều trang tác giả "nói vo" hoặc tưởng tượng, không ít nhầm lẫn về kiến thức. Khi  viết về giáo dục Nho học ở Bình Dương, ở trang 271 - 272, tác giả cho biết: "Theo sách Quốc triều hương khoa lục, trong 20 khoa thi hương tổ chức ở Gia Định, địa bàn tỉnh Bình Dương ngày nay có 20 người đỗ đạt", đưa kèm bản thống kê 20 vị cử nhân. Số liệu này không chính xác vì có đến 7 cử nhân thuộc huyện Nghĩa An, nay là địa phận quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, còn 2 người chưa xác định rõ nơi cư trú, chỉ có 11 người còn lại có thể thuộc Bình Dương ngày nay. Như vậy, tác giả chỉ nói "vơ vào" kiểu "thấy người sang bắt quàng làm họ". Ở trang 272-273, tác giả đã nhận định rất mơ hồ: "Hiện chưa có được những số liệu về số lượng trường lớp, lớp học cho dân tổ chức trên đất Bình Dương xưa, nhưng qua tình hình thi cử và đỗ đạt ở các khoa thi, qua tình hình định cư, sự hình thành làng xã cùng với sự phát triển kinh tế và dân số của khu vực phía nam tỉnh (Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An), ta có thể hình dung được rằng, mật độ trường học, số lượng thầy đồ ở đây trong thế kỷ XIX là khá cao". Không có tư liệu cụ thể, đưa nhận định một cách chủ quan như vậy, không biết tác giả nghiên cứu lịch sử theo phương pháp nào? Hai trang 273, 274, tác giả miêu tả cuộc sống ông đồ dạy chữ Nho ở các làng quê Gia Định - Bình Dương xưa mà không có một số liệu, căn cứ lịch sử nào cả, chỉ miêu tả  chung chung về sinh hoạt, dạy học, bổng lộc… Người đọc cảm thấy đây không phải là một bài nghiên cứu lịch sử mà là truyện ngắn của một nhà văn còn non tay.

Ở trang 275, tác giả nhận định: "Nhất là khi phong trào Duy Tân chấn hưng giáo dục phát triển rộng khắp cả trong Nam, ngoài Bắc, các nhà nho tích cực hô hào, vận động cải cách giáo dục, vận động việc học mới. Trong điều kiện ấy, hoạt động giáo dục ở Thủ Dầu Một - Bình Dương cũng có những bước chuyển biến đáng kể", và tác giả đưa ra số liệu thống kê vào năm 1915 về hệ thống trường lớp tiểu học, số lượng học sinh, giáo viên… do chính quyền thực thực dân Pháp tổ chức. Viết về giáo dục của phong trào Duy Tân 1905-1908, nhưng lại đưa số liệu giáo dục năm 1915,  tác giả đã làm một việc là lấy "râu ông nọ, cắm cằm bà kia".

Khi viết về phong trào Bình dân học vụ ở Bình Dương từ sau Cách mạng Tháng Tám - 1945  đến năm 1946, từ trang 278 đến trang 287, gần 10 trang sách, chắc lại không có tư liệu nên tác giả cũng nói dông dài, chung chung chuyện của… cả nước, trong khi không có một số liệu cụ thể nào về việc tổ chức trường lớp, số lượng học viên ở Bình Dương. Tác giả đã tả cảnh, tả người đi học Bình dân học vụ giống như sáng tác văn học. Xin trích dẫn một đoạn rất "nên thơ": "Những buổi sinh hoạt của các đoàn thể cứu quốc cũng biến thành buổi học. Bà con ban ngày đi làm đồng, làm rẫy đến chiều tối cùng gọi nhau đi học vang cả xóm ấp. Các câu văn vần miêu tả chữ cái được sử dụng để người học dễ thuộc, dễ nhớ. Buổi trưa, buổi tối, trong các xóm ấp ai cũng nghe những âm vang của các câu văn vần về học chữ như:

"i, tờ (tờ) có móc cả hai
i ngắn có chấm, t dài có ngang
o tròn như quả trứng gà
ô thời đội nón, ơ thời thêm râu".

Nhiều bạn đọc sẽ nhầm tưởng đây là một tác phẩm văn học viết về phong trào Bình dân học vụ diễn ra ở các vùng nông thôn trên cả nước trong giai đoạn 1945 - 1946, chứ không phải là bài nghiên cứu lịch sử giáo dục ở một địa phương.

Sai sót nhiều, chúng tôi chỉ trích dẫn một phần nhỏ, chứ không thể liệt kê hết ra được vì sẽ quá dài. Thật không thể hiểu tại sao một cuốn sách với những sai sót như vậy lại được xuất bản để làm tài liệu cho người học, người nghiên cứu lịch sử?

Hoàng Tuấn
.
.