Tản văn

Nghĩa tào khang

Thứ Năm, 22/05/2014, 08:00
Ông và bà bằng tuổi nhau, cũng đều đã ngoài 80 tuổi. Nhưng trông bà còn trẻ hơn ông, ngược với tình trạng thông thường là phụ nữ hay già hơn đàn ông cùng độ tuổi. Bà vẫn chít khăn theo lối ngày xưa, kiểu khăn mỏ quạ, nhưng trông bà tươi vui roi rói. Ông thì điềm đạm, mực thước, cư xử với phụ nữ đường hoàng, lịch sự như tiêu chuẩn của Tây là "lady first" vậy.

1. Ông là cựu chiến sĩ Điện Biên Phủ, đã tham gia chiến dịch từ những ngày đầu tiên cho đến ngày cuối cùng. Ông gia nhập Quân đội năm 17 tuổi, khi đang học thành chung. Thời gian chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Pháp của ông chỉ 8 năm nhưng là quãng thời gian ông ghi nhớ sâu sắc nhất trong suốt cuộc đời. Ông có thể ngồi  kể với tôi suốt buổi sáng về những ngày tháng ấy,  về những người đồng đội cũ của ông, những gì ông còn ghi nhớ được và cả những gì ông đọc được sau này, hồi ức cũ của những người từng chiến đấu, giống như ông.

Trong suốt thời gian ông ngồi trò chuyện cùng tôi, mà ông nói là chủ yếu, người phụ nữ gắn bó với cuộc đời ông, giờ đây là một bà già 80 tuổi, trí nhớ không còn minh mẫn nữa, nằm trên chiếc phản nhỏ kê ngay cạnh nơi tiếp khách. Bà liên tục kêu rên, kêu đau, kêu khổ. Ông bảo tôi, không có vẻ ái ngại gì: "Bà nhà tôi lẫn rồi ấy mà. Cô đừng để ý". Người phụ nữ ấy hơn nửa thế kỷ trước là cô con gái nhà giàu đảm đang, xinh đẹp. Ông lấy bà dù bà mang tiếng con nhà địa chủ. Những năm tháng sau này, có lần ông được gợi ý là nên bỏ vợ thì mới có cơ hội đi xa hơn. Nhưng ông từ chối: "Tôi nói vợ chồng đã lấy nhau rồi, làm sao bỏ được. Khổ cho người ta ra". Khi tôi đề nghị chụp một tấm ảnh ông bên những tờ giấy khen ông nhận được vì tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông mặc thêm áo khoác để cài huy hiệu. Bà đang nằm trên phản vội vàng nhỏm dậy, ra giữ tay áo cho ông xỏ vào. Hình ảnh ấy làm tôi muốn rơi nước mắt. Hẳn là trong trí nhớ mịt mù của bà vẫn còn sót lại những việc làm chăm sóc ông quen thuộc trong mấy chục năm. Tôi bỗng hiểu vì sao ông kiên quyết không bỏ vợ, mặc kệ những tiếng tăm, những kỳ thị. Và giờ đây ông chăm sóc bà như một việc nghiễm nhiên phải thế, không có gì khác thường hay khổ sở.

2. Ông và bà bằng tuổi nhau, cũng đều đã ngoài 80 tuổi. Nhưng trông bà còn trẻ hơn ông, ngược với tình trạng thông thường là phụ nữ hay già hơn đàn ông cùng độ tuổi. Bà vẫn chít khăn theo lối ngày xưa, kiểu khăn mỏ quạ, nhưng trông bà tươi vui roi rói. Ông thì điềm đạm, mực thước, cư xử với phụ nữ đường hoàng, lịch sự như tiêu chuẩn của Tây là "lady first" vậy.

Ông kể chuyện ngày xưa ông bà lấy nhau thời 19, 20 tuổi. Bà ở lại quê chăm sóc bố mẹ chồng, em chồng rồi sau đó là chăm con cái. Còn ông suốt mấy chục năm hết tham gia kháng chiến lại đi làm việc ở xa, không có nhiều thời gian gần gũi, gánh vác cùng bà nên ông thương bà lắm. Từ ngày về hưu, ông say mê với việc khôi phục lại những làn điệu ca trù, vốn là nghề truyền thống của vùng quê ông ở cách đây gần trăm năm, bà vẫn là người quán xuyến việc nhà. Tất cả những dịp đi giao lưu, hội diễn trong và ngoài tỉnh, ông đều nhất quyết phải có bà đi cùng. Nếu tiêu chuẩn không cho phép có người đi kèm thì ông tự bỏ chi phí cho bà.

Ông bảo, chả hiểu sao lấy nhau mấy chục năm rồi mà vẫn thấy thương, thấy yêu như những ngày còn trẻ. Bà nghe ông nói, chỉ cười, nụ cười hạnh phúc nhất của người phụ nữ. Có lẽ chính nhờ những nụ cười ấy mà dù vất vả, cực nhọc bao nhiêu năm ròng bà vẫn giữ được vẻ trẻ trung, rạng rỡ hơn so với tuổi

Nguyễn Thị Việt Nga
.
.