Nghị lực phi thường của Hoa hậu "Vẻ đẹp vầng trăng khuyết"

Thứ Hai, 15/07/2013, 08:00

Là một trong 24 tấm gương Hạt giống Tâm hồn - Ý chí - Nghị lực Việt Nam được tôn vinh ở buổi gặp gỡ với người nổi tiếng Nick Vujicic (một chàng trai không tay không chân người Australia, nhưng đã làm được những điều phi thường mà nhiều người phải ngưỡng mộ), Ngọc trở về với tâm trạng rất vui vẻ. Ngọc tự hào là người được lựa chọn đi gặp người nổi tiếng của thế giới, được tận mắt chứng kiến nghị lực phi thường của anh, Ngọc nói, so với anh Ngọc còn phải cố gắng hơn rất nhiều...

Nguyễn Thị Ánh Ngọc, cô sinh viên năm thứ 3 khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đã được xướng ngôi vị cao nhất của cuộc thi "Vẻ đẹp vầng trăng khuyết" (cuộc thi dành cho người khuyết tật được tổ chức cách đây ít tháng). Đó là một kết quả không bất ngờ đối với ban giam khảo và tất cả những ai quan tâm đến cuộc thi này. Tôi đã điện thoại hẹn gặp Ánh Ngọc khi cô trở về từ chuyến vào Sài Gòn tham dự buổi diễn thuyết của "người không tay không chân" Nick Vujicic với tư cách một khách mời.

Là một trong 24 tấm gương Hạt giống Tâm hồn - Ý chí  - Nghị lực Việt Nam được tôn vinh ở buổi gặp gỡ với người nổi tiếng Nick Vujicic (một chàng trai không tay không chân người Australia, nhưng đã làm được những điều phi thường mà nhiều người phải ngưỡng mộ), Ngọc trở về với tâm trạng rất vui vẻ. Ngọc tự hào là người được lựa chọn đi gặp người nổi tiếng của thế giới, được tận mắt chứng kiến nghị lực phi thường của anh, Ngọc nói, so với anh Ngọc còn phải cố gắng hơn rất nhiều.

Hiện tại cuộc sống của Ngọc có thể coi là may mắn hơn các bạn đồng cảnh ngộ, bởi Ngọc đã có những sự va chạm nhất định với cuộc sống nên không còn quá bỡ ngỡ. Cũng như với Nick Vujicic, Ngọc thấy mình may mắn hơn rất nhiều.

Từ nhỏ, khi phát hiện con mình bị cong vẹo cột sống, thương con gái ngoan ngoãn, xinh xắn mà lại gặp điều không may, bố mẹ Ngọc đã quyết định phẫu thuật.  Không ngờ, với sác xuất mong manh, rủi ro đã đến với cô gái xinh xắn này. Ca phẫu thuật không thành công và từ đó Ngọc phải gắn với chiếc xe lăn suốt đời. Nhưng không vì thế mà Ngọc từ bỏ những ước mơ. Bằng chứng là giờ chỉ còn một năm nữa là cô sẽ tốt nghiệp đại học. Ngọc từng ước ao trở thành một nhà tâm lý học để chữa lành vết thương tâm hồn cho những ai bị khiếm khuyết, sao cho họ vượt qua hoàn cảnh và thấy yêu đời. Cũng như Ngọc là một ví dụ.

Tôi đã gặp Ngọc trong buổi họp báo cuộc thi "Vẻ đẹp vầng trăng khuyết". Nhìn Ngọc toát lên sự thông minh, sang trọng và thánh thiện. Đặc biệt, trước ống kính của báo giới, Ngọc rất bình thản, tự tin. Ngọc cũng tự nhận cô là một người tự tin, hòa đồng, có khả năng thích nghi cao, và cũng khá mạnh mẽ, cá tính, có thể kiểm soát cảm xúc của mình khá tốt. Ngọc từng viết: "Tôi bị cong vẹo cột sống bẩm sinh, hay nói đơn giản là tôi bị gù lưng từ khi mới sinh ra. Khi tôi 4 tuổi, bố mẹ đã đưa tôi lên khám ở Viện Nhi Trung ương, và cuộc sống của tôi đã bắt đầu làm quen với những chiếc áo nẹp chỉnh hình cũng như những đợt ra vào bệnh viện định kỳ từ đó. Tôi vẫn lớn lên như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác, không có bất kì sự tự ti, mặc cảm gì về bản thân, thậm chí còn làm lớp trưởng suốt 8 năm liền". Mặc dù mọi thứ phải phụ thuộc vào chiếc xe lăn, rồi những áp lực học hành, thi cử… nhưng vượt qua tất cả, giờ thì Ngọc đã có thể tự tin nói: "Tôi đã trưởng thành".

Nguyễn Thị Ánh Ngọc đăng quang ngôi vị Hoa hậu cuộc thi "Vẻ đẹp vầng trăng khuyết" (dành cho người khuyết tật).

Cuộc sống hằng ngày của Ngọc giờ đây cũng giống như những sinh viên khác. Lên lớp học, về thì làm bài tập, làm những công việc khác và khi nào rảnh rỗi thì đọc truyện, xem phim, đi chơi với bạn. Vì việc di chuyển gặp khó khăn nên cô ít có điều kiện đi lại. May mắn là Ngọc là hội viên của Trung tâm Sống độc lập Người khuyết tật Hà Nội. Thỉnh thoảng trung tâm có tổ chức các buổi tham vấn đồng cảnh, các buổi học kĩ năng hay đi tham quan, vì thế nên Ngọc có nhiều cơ hội đi xa.

Hiện Ngọc ở với một bạn cùng trường, quê ở Thanh Hóa. Em có một người trợ giúp cá nhân của Trung tâm Sống độc lập người khuyết tật Hà Nội (đây là một chương trình nằm trong dự án của Nhật Bản để trợ giúp người khuyết tật Sống độc lập) hỗ trợ em 6 tiếng/ ngày để cô có thể đến trường và làm một số sinh hoạt hàng ngày.

Ngọc chia sẻ, cô rất xúc động, vui, hạnh phúc và tự hào khi đoạt được ngôi vị cao nhất của cuộc thi "Vẻ đẹp vầng trăng khuyết". Ngọc cũng muốn gửi lời cảm ơn tới gia đình, bạn bè, thầy cô, ban tổ chức, ban giám khảo, các nhà tài trợ, ekip đạo diễn và tất cả mọi người đã đồng hành cùng mình và các thí sinh trong cuộc thi này. Cuộc thi giúp Ngọc có cơ hội tiếp xúc với nhiều người hơn, đặc biệt là với các bạn đồng cảnh ngộ. Mọi người có thể chia sẻ, hỗ trợ nhau, an ủi nhau cùng vượt qua hoàn cảnh.

Qua cuộc thi, Ngọc thấy được tình cảm của mọi người dành cho mình, và vì thế các bạn khuyết tật khác đừng bao giờ tự ti vì hình thể bên ngoài của mình: "Nếu chị từng ở đó vào đêm chung kết, chị sẽ thấy được sự hưởng ứng nhiệt tình của mọi người dành cho cuộc thi lớn như thế nào. Ban đầu có thể mọi người đến xem vì tò mò, vì nhận được lời mời hoặc vì một lí do nào khác. Nhưng sau khi xem xong cuộc thi, mọi người đều dành những tình cảm tốt đẹp, những sự quan tâm tích cực tới cuộc thi cũng như thông điệp của nó và em cũng đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực, những lời khen tặng dành cho cuộc thi".

Các bạn thí sinh trong cuộc thi đó đều là những người khuyết tật, nhưng họ đều có một bản lĩnh, tự tin và luôn biết vươn lên trong cuộc sống. Một số bạn đã có công việc ổn định, một số bạn đang đi học, tìm kiếm tương lai ở những công việc phù hợp với mình, như bạn Nguyễn Thị Hậu (đoạt giải Nhì, hiện đang theo học Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ). Hậu đã có gia đình, đang chờ sinh con, và có ước mơ trở thành một dược sĩ; hay bạn Bích Việt, mặc dù bị tai nạn giao thông, liệt nửa người, phải ngồi xe lăn nhưng Việt biết vươn lên, chọn cho mình một hướng đi mới, phù hợp với hoàn cảnh thực tại, đó là viết văn. Bích Việt đã có một số cuốn sách, truyện ngắn được in; hay em Thúy Đoan, một cô gái rất xinh xắn nhưng bị khiếm thính. Thúy Đoan cũng tự tin tham gia cuộc thi, với mong ước được hòa nhập với các bạn bè. Cô may vá rất khéo tay và cô còn có một mong ước rất chính đáng, dạy ngôn ngữ ký hiệu cho những người đồng cảnh ngộ…

Sau cuộc thi, cuộc sống của Ngọc có sự thay đổi. Một ngày của cô trở nên bận rộn hơn vì có nhiều công việc hơn ngoài việc học. Ngọc cần phải sắp xếp khoa học lịch của mình để vừa có thể hoàn thành việc học, vừa có thể tham dự nhiều hơn vào các hoạt động, chương trình của người khuyết tật, cũng như dành thời gian cho công việc liên quan khác tới những dự định của bản thân.

Ngoài việc học hành, Ngọc còn tham gia hoạt động tình nguyện của Đoàn Thanh niên. Ngoài ra Ngọc còn thường xuyên tham gia các hoạt động của Trung tâm Sống độc lập Người khuyết tật Hà Nội, các hoạt động chủ yếu của trung tâm là hoạt động tham vấn đồng cảnh, hội thảo, các lớp học kĩ năng (tổ chức sự kiện, thuyết trình, quản lí thời gian,…) và các hoạt động giao lưu khác…

"Để trở thành một chuyên gia tâm lý giỏi, theo em cần những điều kiện gì? Em nhận thấy mình cón điểm mạnh gì trong lĩnh vực này?" - Trả lời câu hỏi này của tôi, Ngọc đưa ra một câu chuyện: Có một giáo sư tâm lý từng nói rằng: "Những người từng trải qua những tổn thương về tâm lý sẽ có những sự hiểu biết sâu sắc về những tổn thương ấy, họ biết cách vượt qua, và vì vậy họ có tố chất tốt để trở thành một nhà tâm lý". Em đang cố gắng để hoàn thành tốt chương trình đào tạo ở trường, cũng như tự nghiên cứu thêm các sách về tâm lý, và có thể đi nhiều hơn, gặp gỡ nhiều hơn để bản thân có thể có thêm nhiều trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm. Hiện tại em đang có ý tưởng về một dự án về dịch vụ trợ giúp tâm lý cho người khuyết tật. Thực ra ý tưởng này của em ấp ủ khá lâu rồi, nhưng nó mới dừng ở giai đoạn viết kế hoạch. Tháng trước, em có theo học một lớp viết đề xuất dự án của Trung tâm Sống độc lập, và cô giáo đã gợi ý cho em xây dựng thành dự án thành lập Trung tâm trợ giúp tâm lý cho người khuyết tật. Hiện giờ thì nó đang dừng ở giai đoạn viết đề xuất dự án, và em hy vọng mọi chuyện sẽ thuận lợi, dự án có thể được triển khai trên thực tế. Mọi thứ mới chỉ là dự định và còn đang rất ngổn ngang, bởi em mới chỉ đang đặt những viên gạch đầu tiên cho dự án lâu dài của mình".

"Để tư vấn cho một em học sinh đăng ký thi vào khoa tâm lý giống em, em có thể tư vấn như thế nào?" - Tôi hỏi. "Đầu tiên em phải tìm hiểu về mong muốn, nguyện vọng của em học sinh đó, xem thực sự em mong muốn một nghề nghiệp trong tương lai như thế nào? Có thực sự đam mê với tâm lý? Có ý thức được những khó khăn có thể gặp phải nếu lựa chọn theo đuổi nghề tâm lý? Sau đó em sẽ tìm hiểu về những tố chất, năng khiếu mà em học sinh đó có. Tiếp đó em sẽ nói cho em ấy biết về chương trình học, quá trình học cũng như những khó khăn có thể gặp phải. Em sẽ không lựa chọn hay đưa ra lời khuyên cho em học sinh đó, mà để em học sinh đó tự đưa ra quyết định của mình, dựa trên những thông tin mà em đã cung cấp.

Chúc cho Nguyễn Thị Ánh Ngọc luôn luôn tự tin, trau dồi được nhiều kiến thức, trải nghiệm, có một tâm lý thật tốt để trở thành một chuyên gia tâm lý giỏi trong tương lai

Khánh Linh
.
.