Nghệ thuật và nghệ sĩ trong vòng vây thị phi toan tính

Thứ Sáu, 04/06/2021, 15:52
Giữa màn mưa những tranh luận xung quanh câu chuyện khán giả nuôi nghệ sĩ, bỗng dưng ta thấy nghệ thuật giờ đây thật tính toán và đầy so đo. Việc góp thêm ý kiến tham gia vào cuộc tranh cãi không hồi kết đó là không cần thiết. Nhưng, quan sát cuộc tranh cãi, tìm hiểu một cách nghiêm túc, ta có thể thấy được phần nào diện mạo và mục đích của hoạt động nghệ thuật hôm nay, nhất là mảng nghệ thuật thị trường.


Nhà sản xuất và người tiêu thụ

Khán giả liệu có nuôi nghệ sĩ hay không? Hỏi và trả lời đều không mới nhưng thú vị, nhất là khi câu trả lời được hiểu thuần túy theo nghĩa đen. Bên đồng tình thì cho rằng, những sản phẩm mà nghệ sĩ tạo ra, "sống" hay "chết" đều do khán giả quyết định. Sự thành công của nghệ sĩ cũng tương tự. Họ đưa ra ví dụ về màn tẩy chay Trạng Tí của khán giả khiến tác phẩm đầy hứa hẹn này phải điêu đứng hay loạt nghệ sĩ bị hủy hoại sự nghiệp bởi phong trào #Metoo, phong trào chống quấy rối và bạo lực tình dục. 

Bên còn lại thì khẳng định rằng, nghệ sĩ làm nghệ thuật cũng như cách bác sĩ khám bệnh, giáo viên dạy học, đầu bếp nấu ăn... Họ sản xuất nên những sản phẩm, trao đi những giá trị vô hình hoặc hữu hình và nhận về một sự đền đáp tương xứng với công sức bỏ ra. Có qua có lại, đó là sự vận hành của xã hội và chẳng có khán giả nuôi nghệ sĩ nào, hay ngược lại. Vì ai cũng cho đi và nhận lại một giá trị tương đương.

Ca sỹ Hà Anh Tuấn được khán giả yêu mến vì sự tôn trọng, trân quý tình cảm khán giả một cách chân thành.

Khi viết những dòng chữ này, tôi nhận ra bản thân đã từng mua rất nhiều sản phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ trong quá khứ; và đa phần ai trong chúng ta cũng từng ít nhất một lần làm điều đó. Ta bỏ tiền ra để mua một chiếc vé xem phim, mua một quyển sách, mua vé đến dự một show ca nhạc hay mua một cái album... Điều quan trọng là chúng ta tự nguyện làm điều đó với sự yêu mến, ngưỡng mộ hay tò mò và hoàn toàn không bị một nghệ sĩ nào ép buộc. Và nếu may mắn sản phẩm nghệ thuật mang lại trải nghiệm tốt đẹp thì chính tâm hồn và tri thức của chúng ta cũng được nuôi dưỡng.

Tất nhiên, với nghệ sĩ cũng vậy. Có lẽ, không nghệ sĩ nào khờ dại để có thể nói được câu không cần khán giả, vì họ biết khán giả quan trọng như thế nào đối với sự nghiệp hay thậm chí là cuộc sống của bản thân. Ca sĩ Hà Anh Tuấn từng nói: "Đừng bao giờ nghĩ những thứ mình kiếm được là do tài năng của mình. Quên đi. Không có người mua thì bán cho ai. Không có người mua thì anh kiếm tiền kiểu gì? Bạn hưởng từ xã hội, bạn phải trả lại". Chính anh cũng không ít lần, bằng cách này hay cách khác khẳng định rằng bản thân được nhận rất nhiều giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần từ khán giả, và anh tôn trọng, biết ơn điều đó. 

Phải nói, khán giả không chỉ mang lại thu nhập cho người nghệ sĩ. Họ còn là động lực để người nghệ sĩ tiếp tục làm việc và không ngừng cải thiện, phát triển sản phẩm. Không ít nghệ sĩ khẳng định rằng khoảnh khắc hạnh phúc nhất là khi đứng trên sân khấu và nhìn sản phẩm của mình được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Nếu không có khán giả, tâm hồn nghệ sĩ hẳn sẽ thiếu đi một "chất dinh dưỡng" quan trọng.

Để sản phẩm âm nhạc có cuộc sống riêng

Khác với mối quan hệ giữa nghệ sĩ và khán giả, câu chuyện về sản phẩm âm nhạc lại rẽ ra nhiều nhánh khác nhau sau khi đề tài này được dấy lên. Trong đó, nhiều người khẳng định rằng không thể lấy cuộc sống của nghệ sĩ hay cách nghệ sĩ ứng xử với tác giả để đánh giá một tác phẩm. 

Trong cuộc trò chuyện không liên quan được đăng tải bởi trang thông tin Vietcetera, bà Hà Đỗ (Giám đốc sáng tạo Đẹp Magazine) đã chia sẻ: "Một khi tác phẩm nghệ thuật được công bố thì nó sẽ có cuộc sống riêng của nó". Luneta Phan - nhà sáng lập kiêm Giám đốc nghệ thuật Lunet Art cũng từng nói: "Mỗi tác phẩm nghệ thuật là một thực thể sống độc lập". 

Cũng trong một buổi trò chuyện khác Tùng - một ca sĩ độc lập trẻ xu hướng hiện nay -  anh chàng cũng bày tỏ rằng: "Mỗi bài hát đều có một cuộc sống riêng, không liên quan đến người nghệ sĩ". Tôi nghĩ, đây là suy nghĩ của rất nhiều nghệ sĩ chân chính, những người dành tâm huyết để tạo cho những tác phẩm nghệ thuật từ hình hài đến linh hồn, giúp chúng sống với câu chuyện riêng, cuộc đời riêng.

Bà Hà Đỗ từng chia sẻ: Một khi tác phẩm nghệ thuật được công bố thì nó sẽ có cuộc sống riêng của nó.

Khi sáng tác một tác phẩm, người nghệ sĩ mang cho mình một quan điểm, định hướng riêng về nghệ thuật. Kết thúc quá trình sáng tác, tác phẩm đó kiên định với quan điểm, định hướng riêng đó, còn người nghệ sĩ thì vẫn cứ không ngừng thay đổi. Và rồi, trong quá trình tác phẩm đến với khán giả, nó chạm vào người đọc, người nghe và được tiếp nhận, phát triển theo nhiều hướng khác nhau. Điều này dẫn đến một trường hợp chúng ta thường thấy, với những phân tích của khán giả về một tác phẩm khác với ý tưởng ban đầu của người sáng tác. 

Hay một trường hợp khác là tác giả không còn yêu thích, đồng tình với một tác phẩm bản thân từng sáng tác trong quá khứ. Nói vậy để thấy quy luật của nghệ thuật, rằng mỗi tác phẩm cần được tách riêng ra khỏi mối quan hệ giữa "nghệ sĩ và khán giả" để nhận được sự đánh giá khách quan nhất. Như vậy, những tác phẩm hay mới thật sự được tôn vinh đúng với những gì nó xứng đáng, "rác phẩm" sẽ nhanh chóng bị bài trừ và nghệ thuật mới phát triển.

Đừng cân đo những giá trị vô hình

Đã từ lâu, chúng ta vẫn luôn đón nhận các sản phẩm nghệ thuật và thể hiện sự yêu mến với nghệ sĩ một cách tự nhiên. Chúng ta được các sản phẩm nghệ thuật ấy đem đến cảm xúc, sự thư giãn, tri thức, những giá trị vô hình. Trong khi đó, ta thường dành tặng cho nghệ sĩ thu nhập, những món quà, những giá trị hữu hình quan trọng và được cân đo đong đếm rất kĩ lưỡng và dễ dàng có được những hóa đơn cụ thể để chứng thực. 

Có lẽ vì vậy mà người ta thường quên đi những giá trị vô hình mình đã nhận được, quên cả những giá trị vô hình cũng quý báu không kém mà mình đã dành tặng cho các nghệ sĩ mà chỉ nhớ đến các giá trị hữu hình. Đồng thời, họ cũng quên mất rằng nghệ thuật vốn luôn đẹp nhờ những giá trị vô hình mà quý giá được nó mang lại cho đời sống. 

Thường xuyên, nghệ thuật còn là cánh cửa giúp giải thoát ta ra khỏi hiện thực khó khăn, vất vả. Việc áp đặt những thước đo tiền bạc, vật chất lên cho nghệ thuật quả thực vô lý, trái ngược với nguyện vọng ban đầu của cả bên sáng tạo lẫn người tiếp nhận và đặc biệt là… dễ mất lòng nhau. Vì nếu hỏi ai đang "nuôi" ai trong mối quan hệ khán giả và nghệ sĩ, thì không phải chính chúng ta thực chất đều đang nuôi dưỡng tâm hồn nhau đấy sao?

Dẫu biết, trong thời điểm hiện tại, với sự phát triển của mạng xã hội và những chương trình truyền hình, rất dễ để một người có được hào quang nổi tiếng. Cũng vì vậy mà việc người nổi tiếng không cân nhắc phát ngôn, hành động của bản thân, sẵn sàng "gây sốc", quảng bá sản phẩm không kiếm chứng gây tổn hại đến đời sống của người hâm mộ xảy ra nhan nhản. 

Nhưng những sự kiện đấy sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh để chúng ta suy xét về danh xưng "nghệ sĩ" hay "nghệ sĩ chân chính" thật sự dành cho loại hình người nổi tiếng nào, với các tiêu chí về sản phẩm cũng như nhân cách ra sao. Còn với mối quan hệ giữa nghệ sĩ và khán giả, xét cho cùng thì đó vẫn luôn là một mối quan hệ cộng sinh, có sự gắn kết chặt chẽ và vô cùng cần thiết cho đời sống nghệ thuật của đối phương.

Và cuối cùng, dòng chảy nghệ thuật vẫn không ngừng trôi. Nếu có điều gì cần lưu ý thì đó chính là câu hỏi: Khán giả và nghệ sĩ, ai nuôi ai? Nó chỉ được đặt ra bên cạnh một vụ kiện cáo ồn ào nằm ngoài địa hạt nghệ thuật, liên quan đến bà chủ Khu du lịch Đại Nam và người tự xưng "thần y" Võ Hoàng Yên, đã bị vạch trần là bịp bợm. Cả câu hỏi và người đặt ra câu hỏi dường như đều không phải nghệ sĩ và chẳng liên quan gì đến nghệ thuật.

Khải An
.
.