Nghệ thuật và cuộc đời

Thứ Hai, 16/06/2014, 08:00
Sinh thời Friedrich Wilhelm Nietzsche xuất bản cuốn "Phía bên này thiện và ác". Sau 10 tháng sách ra, chỉ bán được 114 cuốn... Ông viết: Chỉ đến ngày kia mới thuộc về tôi. Có một số người chỉ được sinh ra sau khi chết...

Tiếng hót của con chim họa mi

Siu Blach, con chim họa mi Tây Nguyên, thần tượng ca nhạc của giới trẻ.  Chị mở quán cà phê tại đường Cửu Long, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Nghệ  sĩ  không quen kinh doanh. Thất bát liên tục. Kết quả: nợ đầm đìa 2 tỷ rưỡi bạc. Có cách nào giải nguy?

- Sao không đi hát lấy tiền trả nợ?

Bạn bè khuyên. Siu lưỡng lự. Bạn bè hùn thêm: Cứ hát đi! Không cần quan tâm đến những chuyện khác. Ngày trước hát như thế nào thì giờ hát như thế. Ai nghe hay không nghe, mặc!  

Nghe mãi cũng thuận, Siu theo lời bạn. Lên sân khấu. Cầm míc. Nhưng rốt cuộc Siu phải bỏ míc.

- Tại sao thế?

Nước mắt lưng tròng, Siu đáp:

- Tôi không thể hát như trước được. Tôi hát là phải bùng nổ, phải máu lửa, dù cátxê thấp thì cũng vẫn thế. Tôi đi hát từ thiện, không tiền bạc cũng thế! Giờ tôi hát với cả núi lo lắng, tôi không hát nổi.

Ra là vậy! Nghệ thuật là một thánh đường tuyệt đối thuần khiết tôn nghiêm, không vương mùi tục lụy. Albert Einstein vĩ đại nói: Khoa học và nghệ thuật là những ngành tuyệt vời nếu người ta không phải kiếm sống nhờ nó!

Sinh ra sau khi chết

Friedrich Wilhelm Nietzsche sinh năm 1884, mất năm 1990 là con người độc đáo và bí  ẩn. Đã ốm đau và bệnh tật liên miên, ông lại là một con người khiêm nhường nhỏ nhẹ, lịch sự , lễ độ, nghe chuyện tiếu lâm luôn đỏ mặt vì quá ư tự trọng.

Triết lý của ông sinh ra chủ nghĩa hiện sinh là động lực manh mẽ cho sự phát triển của tâm lý học, ngôn ngữ học, ngữ văn hiện đại.

Sinh thời ông xuất bản cuốn "Phía bên này thiện và ác". Sau 10 tháng sách ra, chỉ bán được 114 cuốn.

Thế kỷ 19 không cần ông!

Đương thời không cần ông!

Mà cũng không phải ngày mai người ta mới cần đến ông. Ông viết: Chỉ đến ngày kia mới thuộc về tôi. Có một số người chỉ được sinh ra sau khi chết.

Họa sĩ

Khái từ lúc nhỏ đã thích vẽ. Được cái vẽ cái gì giống cái ấy. Bố Tít có cái miệng thổi lửa. Mẹ Phít có đôi má bánh đúc. Em Xíu có hàm răng sún. Trong tranh Khái vẽ tất cả đều y hệt. Bố mẹ thấy Khái thế lấy làm mừng. Nghĩ con có năng khiếu hội họa, hết bậc phổ thông họ tìm thầy để Khái theo học.

Thầy là một danh họa. Buổi đầu, thầy hỏi Khái: "Em đã vẽ được những gì cho thầy xem". Khái đưa thầy bức vẽ con mèo Múp. Bố Khái đưa đẩy: "Dạ, thưa thầy, cháu nó vẽ y sì con mèo Múp tam thể ở nhà".

Thầy gật đầu. Rồi đến nhà xem con Múp. Trở về thầy nói: "Y hệt con Múp thật. Em rất khéo tay. Em có óc quan sát. Nhưng như thế là có thêm một con Múp nữa là hai. Chứ không thêm một tác phẩm nghệ thuật nào cả!".

Khái và bố đều nhíu mày khó hiểu. Vẽ giống trăm phần trăm mà lại bảo không phải là họa phẩm là thế nào. Từ đó, Khía theo lời bố, bỏ thầy danh họa không học nữa. Rồi cứ cặm cụi một mình vẽ. Vẽ! Vẽ !Vẽ! Và trở thành một nhân viên kẻ vẽ ở Phòng Văn hóa một tỉnh nhỏ.

Năm 40 tuổi Khái mở triển lãm riêng lần đầu. Trong số tranh triển lãm có bức vẽ một phụ nữ ở tư thế sắp quay đầu lại, được  rất nhiều người trầm trồ ngắm nghía. Lạ nhỉ, bức này mình vẽ ở vị trí đứng sau người phụ nữ, chứ có gì đặc biệt đâu. Khái nghĩ. Và không thể ngờ, bức tranh màu nước Acrylic nọ được đặt giá rất cao. Càng không ngờ, người đặt giá cao lại chính là nhà danh họa, người thầy đã có lần Khái định theo học.

- Thưa thầy, thầy có thể cho em biết vì sao thầy lại đánh giá cao bức tranh ấy không ạ?

Một cảnh trong phim "Những người khốn khổ" chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà vahào Pháp Victor Hugo.

Nghe Khái hỏi, bậc danh họa đáp:

- Anh thử ngắm bức tranh đó xem, có phải là anh có cảm giác phấp phỏng rằng, không rõ người phụ nữ ấy khi quay hẳn lại thì đẹp đến thế nào không? Nghệ thuật chỉ là nó khi người thưởng thức là đồng tác giả. Chỉ khi độc giả,  khán giả, thính giả cùng với tác giả hòa tan trong cùng một mối xúc động, thì khi ấy nghệ thuật mới xuất hiện. Họa sĩ vẽ bằng con tim, anh bạn trẻ à.

Ánh sáng dư thừa

New Deli - Thủ đô Ấn Độ là thành phố không khí bị  ô nhiễm nhất thế giới. Người dân sống ở Bắc Kinh ra đường phải đeo khẩu trang. Ở Tokyo có những ngày không nhìn thấy mặt trời vì bụi và khói. Ô nhiễm không khí. Ô nhiễm nguồn nước. Ô nhiễm thực phẩm. Rau bẩn, thịt gia súc bẩn tràn ngập nơi nơi.

Trong khi đó ở Hồng Kông, con người sống khốn khổ vì ô nhiễm… ánh sáng. Ở đây, đêm đêm ánh sáng đua nhau chói lói trong các ngọn đèn quảng cáo, đèn đường, đèn trang trí. Ở đây, không ai chịu thua kém ai, vì càng  sáng chói hơn người càng lôi kéo được sự chú ý của người khác càng tốt. Ở đây, đo bằng máy thấy lên đến 1400 độ sáng. Trong khi chuẩn chỉ là 500.  Trong khi ban ngày quá lắm cũng chỉ có 1200. Dư thừa ánh sáng gây nên căng thẳng trong tâm sinh lý và bệnh mất ngủ.

Ánh sáng điện không đồng nghĩa với ánh sáng văn minh. Nhiều người nói vậy. Và thêm: Con người đã đánh mất bóng đêm với tốc độ ánh sáng.

Thái quá bất cập! Người xưa đã nói. Trộm nghĩ trong cuộc đời nói chung và trong văn chương càng như vậy. Dư thừa là điều tối kỵ. Văn cần có chữ lạ. Nhưng nhiều chữ lạ quá thì gây phản cảm là anh này khoe chữ, anh  này "làm văn", để chữ che khuất cuộc sống. Arthur Schopenhauer, triết gia Đức nói: "Bí quyết để trở nên tẻ ngắt là nói hết ra tất cả!".

Tiếng rao ban trưa

Đang thiu thiu ngủ trưa, chợt lạnh cả gáy vì ngõ vắng chợt cất lên lanh lảnh một tiếng rao: "Ai bán tóc không?". Vì chợt nhớ tới Fantine, mẹ cô bé Cosette trong tác phẩm "Những người khốn khổ" của Victor Hugo, khốn khổ phải bán tóc bán răng. Cùng lúc nhớ tới một câu hát của Trịnh Công Sơn: "Ôi tóc em dài như huyền thoại". Trong truyện ngắn "Hoa nở vườn đêm", mình viết: "Tóc phụ nữ gội đầu bồ kết luôn thơm, dài và mượt". Các hãng nước gội đầu trên thế giới đều một giọng giống nhau khi quảng cáo trên tivi: Tóc  nữ gội nước này bóng mượt và suôn suốt 24 giờ. Cô bé Hoàng Thị Lơ, người Tày ở Lục Yên, tỉnh Yên Bái có thời giúp việc gia đình mình, khoe: "Hồi tết, cháu bán tóc được 400.000 đồng". Biết vậy mà nghe tiếng rao mua tóc, vẫn cứ rờn rợn thế nào. Thế mới biết dai dẳng ghê gớm là ám ảnh từ  văn chương nghệ thuật!   

Nghệ thuật và cuộc đời 

Ngày 26/3/1993, trên tờ New York  Times  đăng bức ảnh "Vulture and Baby". Dịch theo nghĩa biểu hiện của bức ảnh là "Kền kền chờ đợi". Trong ảnh là một con kền kền, loài chim chuyên ăn thịt xác chết phổ biến ở châu Phi đứng gần một em bé da đen da bọc xương, đói quá, đang gục đầu trên đất chờ chết. Bức ảnh gây rúng động con tim của cả triệu độc giả. Châu Phi đang ở trong thảm cảnh chết đói. Hãy chia sẻ với châu Phi!

Tác giả bức ảnh, nhiếp ảnh gia Kevin Carter kể: Bấm xong bức ảnh, tôi chờ con  kền kền bay để chụp đôi cánh của nó, một biểu tượng nghệ thuật, nhưng không được, nên tôi đã đuổi nó đi và vừa đi vừa chạy vừa gạt nước mắt.

Ngày 12/4/1994, Kevin giành giải thưởng danh giá Pulitzer.  Ba tháng sau, cảnh sát tìm thấy xác Kevin tự tử bằng khí gas trong một chiếc xe hơi ở ngoại ô Johannesburg cùng với một bức thư tuyệt mệnh. Trên ghế xe có dòng chữ của anh: "Tôi thực sự, thực sự xin lỗi". Đó là lời tâm huyết chân thành của anh sau khi nhận giải thưởng vinh quang và đau đớn dằn vặt vì những lời trách móc nặng nề của dư luận: Tại sao lúc ấy anh không ra tay cứu vớt đứa trẻ mà lại bỏ đi, dù là vừa chạy vừa gạt nước mắt? Anh là một kẻ vô cảm, lạnh lùng, nhẫn tâm, độc ác chỉ nhăm nhăm lợi ích ích kỷ của mình! Anh cũng chỉ là một loại kền kền!

Câu chuyện này nói lên điều gì? Nghệ thuật dù cao quý đến mấy cũng không thể vin vào đó để lãng quên trách nhiệm của lương tâm. Và nghệ sĩ ơi, anh hãy nhớ, anh còn là và trước hết anh phải là một con người có nghĩa vụ với đồng loại.

Khoảng trống

Khi văn sĩ Nguyễn Tuân mất, trong nỗi niềm thương nhớ một nhà văn tài hoa độc đáo, có người viết:  Nhà văn mất đi như một cây đại thụ bị đốn ngã để lại một khoảng trống vắng trong khu rừng văn chương.

Cảm giác trống vắng là có cơ sở. Thôi thế là từ nay, không còn thấy bóng ông lão mặc chiếc bađờxuy, chống chiếc ba toong hằng ngày đi dạo trên con phố Yết Kiêu, Trần Bình Trọng, Nguyễn Du, bên hồ Thiền Quang nữa. Không còn được thấy gương mặt ông với nụ cười hiền hậu và hóm hỉnh nữa. Không còn được đọc những trang văn uyên bác và tài hoa của ông nữa. Nhà văn lớn là nhà văn giữ một vị trí khi mất đi để lại một khoảng trống vắng trên văn đàn. Đó là định nghĩa của GS Nguyễn Đăng Mạnh.

Tuy nhiên cảm giác trống vắng có lẽ thuộc về tâm trạng hơn là thực thể. Vì một ngày nào đó, mọi người bỗng nhận ra, không có khoảng trống vắng đó. Nguyễn Tuân vẫn hiện diện trong cuộc đời này. Hiện diện trên các trước tác của ông. Trong sách giáo khoa môn Ngữ văn của học sinh phổ thông có truyện ngắn "Chữ người tử tù" và thiên bút ký "Người lái đò trên sông Đà" của ông.

Chết mà vẫn còn sống trong lòng người là không mất. Đó là một lẽ. Chết  mà còn hiện diện trên những gì làm được còn lại cho nhân quần là không mất. Lại là một lẽ nữa. 

Hà Nội, tháng 1/2014

Ma Văn Kháng
.
.