Nghệ thuật khảm trai Chuôn Ngọ
- Đệ nhất khảm trai xứ Kinh Bắc và những bức chân dung Bác Hồ
- Đệ nhất khảm trai xứ Kinh Bắc và câu chuyện về 1.000 bức chân dung Bác Hồ
Hiện nay thôn Chuôn Ngọ vẫn còn ngôi đền cổ kính thờ tổ nghề khảm trai Trương Công Thành. Một số câu chuyện khác về ông Tổ nghề khảm trai cũng được lưu truyền ở làng là Nguyễn Kim và Vũ Văn Kim.
Thời gian hành nghề là khoảng thế kỷ XIX, cho tới nay, làng nghề vẫn luôn được lưu truyền và phát triển ngày một rộng rãi, tinh xảo hơn, trở thành một trong những nghề thủ công truyền thống độc đáo. Trước đây, người thợ làng Chuôn Ngọ chủ yếu làm hoành phi, câu đối trong nhà thờ, đình đền, trang trí họa tiết trên sập gụ, tủ chè hay chế tác ra những bức tranh treo tường phỏng theo tích truyện Tam Quốc, những bộ “thông, trúc, cúc, mai”...
Theo thời gian và xu thế hội nhập, người nghệ nhân khảm trai tại đây đã từng bước nâng cao tay nghề, sáng tạo ra những mẫu tranh tinh xảo, kỹ thuật hơn như phong cảnh non nước, danh lam thắng cảnh, khắc họa chân dung… Nhờ vậy, sản phẩm của làng nghề Chuôn Ngọ ngày càng phát triển đa dạng và phong phú về mẫu mã, đáp ứng được nhu cầu trong nước và ngoài nước...
Khảm trai trên Sập gụ, tủ chè làng Chuôn Ngọ (Phú Xuyên, Hà Nội). |
Độc đáo nghệ thuật khảm trai Chuôn Ngọ
Theo những nghệ nhân trong làng, nghề khảm trai không chỉ đơn thuần là nghề đục đẽo, lắp ráp theo khuôn mẫu nhất định, mà là cả một sự tích lũy về nghề, một chặng đường về nghệ thuật. Để tạo nên một sản phẩm khảm đẹp và chất lượng tốt, bước nhập và chọn nguyên liệu là vô cùng quan trọng.
Để lựa chọn được chất liệu tốt, người làm nghề tại Chuôn Thượng và Chuôn Ngọ thường phải gom vỏ trai, vỏ ốc cỡ lớn từ nhiều vùng trong cả nước và một số chất liệu trai, ốc được nhập từ Hồng Kông, Singapore… cỡ lớn để chế tác. Với nguyên liệu nhập ngoại thì giá thành của chất liệu và sản phẩm sẽ có chi phí khá cao, vì thế sự lựa chọn cũng được phong phú và đa đạng hơn khi sử dụng làm nghề.
Về kỹ thuật khảm trai: Để có một sản phẩm khảm trai hoàn thiện cần đến rất nhiều vật dụng cũng như công đoạn để tiến hành. Đầu tiên là vẽ mẫu trên giấy can, soi mẫu để vẽ họa tiết lên nguyên liệu vỏ trai, vỏ ốc được mài và ép phẳng.
Tiếp đó, nghệ nhân cưa và cắt hình theo mẫu, sau đó dùng hồ để dán mẫu đã cắt lên gỗ theo bố cục của sản phẩm. Bước tiếp đến là dùng dùi vạch lên gỗ và nhấc mẫu ra, đục gỗ để lược những phần có mẫu gắn vào. Sau khi đục xong, các nghệ nhân trộn sơn với bột gạch hoặc mùn cưa bôi vào phần đã đục rồi gắn hình mẫu vào đó. Công đoạn này gọi là cẩn xà cừ.
Điểm nổi bật của kỹ thuật khảm trai Chuôn Ngọ là những mảnh trai không vỡ, luôn phẳng, được gắn xuống gỗ rất khít. Chi tiết trang trí trên khảm trai sinh động, đặc sắc và phong phú. Các chi tiết cắt xong được ghép nổi tạm thời như tranh hoàn chỉnh trên gỗ. Người thợ sẽ lấy bút chì vẽ đường viền của các chi tiết, sau đó thợ khắc sẽ khắc lõm xuống gỗ sau khi bỏ vỏ trai ra, phần khắc lõm sẽ được bôi keo rồi gắn các chi tiết vỏ trai sao cho bằng với mặt gỗ.
Khảm trai đĩa - làng Chuôn Ngọ. |
Một trong những công đoạn quan trọng nhất của nghề khảm trai là "cẩn xà cừ", nghĩa là theo nét vẽ, đục gỗ và gắn những nguyên liệu họa tiết lên. Những tranh gỗ sau khi đã "cẩn" được tỉa gọn, đánh bóng (mài khảm) rồi vẽ nét.
Công đoạn cưa, đục các mảnh trai là cầu kỳ nhất. Người thợ phải mài thủ công, ngâm rượu, hơ lửa, chẻ dóc miệng, chọn thợ đục... Là một trong những làng làm nghề khảm trai lớn nhất của cả nước, những mảnh trai không vỡ, có độ phẳng hoặc được uốn cong phù hợp với từng sản phẩm mang giá trị nghệ thuật cao.
Nghề khảm trai Chuôn Ngọ ngày nay
Trước kia, khi nhắc đến khảm trai là nghĩ ngay tới sự xa hoa, quyền quý và lộng lẫy của những tầng lớp giàu có, thượng lưu trong xã hội mới có thể đủ tiền để sở hữu đồ khảm. Ngày nay, khảm trai vẫn luôn là sự lựa chọn tối ưu của giới thượng lưu và cả những ai yêu nghệ thuật truyền thống cổ truyền. Các tác phẩm khảm trai từ tranh ảnh đến đồ dùng nội thất đều cho sự tinh túy, chắt lọc qua từng mảng chạm khảm mang tinh thần, dáng dấp của một thời đại và phản ánh từng bước phát triển về nghệ thuật khảm trai làng nghề Chuôn Ngọ.
Làng nghề Chuôn Ngọ hiện đại hôm nay là đã nhập thêm nhiều máy móc cắt dập chất liệu trai, ốc với những mẫu mã được cho là cơ bản và số lượng nhiều như là hình mây, chim, hoa, chữ, dạng hoa xoắn hay một số hình trang trí nhỏ khác và thường sử dụng để chạm khảm lên sản phẩm, bớt công đoạn mất nhiều thời gian để có thể dành cho những khâu chi tiết, tỷ mỷ khi tạo nên sản phẩm.
Chuôn Ngọ vẫn nổi tiếng với những sản phẩm mang tính độc đáo và cổ truyền, lưu truyền của làng nghề, đó là sập, gụ, tủ chè, hoành phi, câu đối… Đây là những sản phẩm được cho rằng vẫn luôn giữ được vẻ đẹp cổ và chất lượng đẳng cấp, sang trọng, tinh tế thể hiện một tầng lớp quyền quý xưa kia khi lựa chọn và sử dụng sản phẩm đặc trưng của làng nghề. Những sản phẩm cao cấp này vì thế rất kén thị trường.
Thường các sản phẩm này được phát triển trong nước mà không mang ra nước ngoài được, bởi công năng sử dụng của sản phẩm cũng như rất nhiều yếu tố bên cạnh như là về chất liệu, môi trường không khí, ở trong nước dễ dàng bảo quản hơn. Những mặt hàng xuất khẩu ra nước ngoài là những mặt hàng nhỏ, đơn giản hơn, không cầu kì và cồng kềnh, dễ lưu chuyển hơn, tiêu thụ nhiều hơn… và thuế các sản phẩm đó sang nước ngoài sẽ chịu chi phí thấp hơn những sản phẩm kích cỡ lớn.
Vỏ trai nhập ngoại - làng Chuôn Ngọ. |
Qua những khâu chọn lọc về chất liệu cũng như kỹ thuật khảm trai của làng nghề Chuôn Ngọ, ta có thể nhận thấy, để tạo nên một sản phẩm khảm trai đẹp về mẫu mã cũng như chất lượng sản phẩm là cả một quá trình tìm hiểu, nghiên cứu tỉ mỉ và chuyên môn chế tác với tay nghề cao, khéo léo và sự sáng tạo phong phú của người nghệ nhân mang nhiều giá trị về văn hóa nghệ thuật của làng nghề.
Với một truyền thống lâu đời và ngày một phát triển rộng rãi, được người tiêu dùng ưa chuộng, làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ cần được bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề cổ truyền ngày một tốt hơn nữa cả về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật chạm khảm của làng nghề. Người nghệ nhân hôm nay từng bước nâng cao tay nghề, ngoài những sản phẩm thông dụng còn sáng tạo ra những mẫu mã đa dạng, những tác phẩm nghệ thuật như tranh phong cảnh non nước, tranh thờ, chân dung, các tích chuyện như vinh quy bái tổ, cầm kỳ thi họa, hay các tích Lưu Bình Dương Lễ, tích Kiều, tích Lý Công Uẩn về thành…
Các đề tài này cũng là một phần tạo nên sự bền vững trong dòng tranh khảm trai của huyện Phú Xuyên nói riêng và sự độc đáo khảm trai trên cả nước nói chung. Để phát triển làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ đã và đang thực hiện phát triển làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch tại làng nghề, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu du lịch; tăng cường xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.