"Nghệ sỹ vốn sinh giàu cảm lụy"

Thứ Hai, 17/10/2005, 08:51

Khi trái tim không còn tình yêu thì với người nghệ sỹ mọi sự đều dừng lại. Biết bao tình yêu vĩ đại của những nghệ sỹ lớn trên thế giới bao chứa trong nó cả mầm bất hạnh, cả nước mắt cay đắng và hạnh phúc. Mong manh dễ vỡ nhưng lại có sức mạnh bền dai trong những con tim nhạy cảm. Có lẽ vì tất cả những điều ấy mà người nghệ sỹ không nhiều khi hạnh phúc, dù chưa một phút dám lơ đãng với tình yêu…

1. Trong đầu tôi vang vang lên câu chuyện này khi nghĩ đến tình nghệ sỹ. Hình như đó là một phần nhỏ trong cuốn tiểu thuyết lớn "Paris sụp đổ" của Ilya Erenburg. Paris những ngày mùa thu ảm đạm trong không khí ẩm lạnh và rũ mục. Paris đã không thuộc về phía ánh sáng, mỗi người dân Paris đều hiểu mình đang đi đến một tai họa, tai họa phát xít, nhưng chẳng ai có thể ngăn chặn được. Đexe mang trong lòng một mối tình, và ông không dám vượt lên như chính những người dân Paris không dám đứng dậy làm kháng chiến. Ông tự dối lòng rằng, ông không yêu người đàn bà kỳ lạ mang tên Janet.

Họ gặp nhau ở một cánh đồng nho. Bên nhau họ thấy thật bình yên, thấy những tháng ngày dịu dàng trôi nhanh quá đỗi. Họ gặp nhau, đi ra những quán giải khát ở ngoại ô, ông lái xe đưa nàng đi trên những nẻo đường vắng vẻ, láng ướt. Ông mong chờ có những bức điện ở văn phòng cần giải quyết để không thể rời bàn giấy, để khỏi phải nghĩ tới nàng. Bởi vì tình cảm cũng như mưa nắng, không thể lấy sự cân nhắc đắn đo mà cưỡng lại nó được. Janet là một nghệ sỹ, người đàn bà bí ẩn có giọng đọc thơ thâm trầm trên đài phát thanh.

Gia đình ca sỹ Phương Thảo - Ngọc Lễ.

Nàng gặp ông, khi cả hai đều bộn bề trong lòng những nỗi thất vọng, những câu chuyện buồn rầu, những tình yêu không còn nữa và cả nỗi hồ nghi không biết cuộc đời ngày mai sẽ ra sao khi Paris sụp đổ. Đexe ngập tràn thất vọng về Paris, về một nước Pháp với những thứ yên hàn, những đại hội và những tiệc tùng trong ánh sáng dịu dàng đã dần vuột mất. Một nước Pháp mà bằng tiền bạc và quyền lực của một ông vua không vương miện, ông cố gắng níu giữ như níu giữ những bình an trong đời mình. Còn Janet, cô buồn khi gặp ông trên cánh đồng nho, vì cô đã không thể yêu ông được. Cô biết ông có nhiều thứ, nhưng ông cũng là một kẻ cùng khốn, tâm hồn ông trống trơn và ông đến với nàng mong tìm thấy một sự cứu vớt. Nàng đã thương hại ông vụng dại.

Nhưng người ta không thể thêu dệt nên tình yêu bằng lòng thương hại. Nàng không yêu ông, không yêu ai bằng chính mình. Nhưng ông cũng không hiểu rằng, nàng đã bị cướp bóc gần hết, nàng đã hiến một cái gì của mình cho Phigiê, cho Luyxiêng, những tình yêu phía trước đã không còn ở lại. Và khi gặp ông thì nàng trắng tay. Chỉ riêng với André, người họa sỹ dịu dàng và thụ động suốt ngày hoay hỏa với màu vẽ trên cái tổ chim của phố xá Paris, là nàng đã bộc bạch đúng con người nàng, không mánh lới và không thương hại. André cũng sống như nàng, sống theo quán tính như loài cỏ lăn. Nàng đã đọc ở đâu đó rằng, những người như nàng và như André là những kẻ bị nhiễm độc nghệ thuật.

Nhưng tại sao nàng lại chỉ nghĩ đến André? Chẳng qua vì nàng đã quá yêu anh… Nàng yêu anh nhưng nàng không bao giờ dám bước tới tình yêu ấy, không bao giờ gặp lại anh vì nàng biết nó mong manh, dễ vỡ, nó là thứ ánh sáng phù du xinh đẹp trên tầm mắt của cả hai người. Họ thổ lộ với nhau trong đêm hội bên sông Seine, nơi có những con voi xanh trong vườn trẻ và những ánh sáng dịu dàng của thành phố yên lành. André yêu nàng, nhưng anh thụ động và không dám bước tới. Anh sợ sẽ mất hết.

Tình nghệ sỹ giống như một vệt màu, luôn hấp dẫn, lóng lánh nhưng lại chẳng bao giờ toàn bích. Bởi khi nó trọn vẹn nghĩa là người ta sẽ vứt bỏ lại phía sau để đi tìm một vệt màu mới…

2. Thế Lữ viết: "Nghệ sỹ vốn sinh giàu cảm lụy/ Dẫu lìa nhân thế vẫn thương nhau". Người nghệ sỹ, dù ở đâu và bao giờ cũng vậy, tình yêu là một thứ men sáng tạo. Nhưng họ yêu chính cái tình yêu ấy nhiều hơn là yêu những con người có thật bên cạnh mình. Nhà thơ Trần Hòa Bình tâm sự rằng, có một cô gái làng chơi ở Phổ Yên, Thái Nguyên đã viết thư cho anh tâm sự về chuyện tình đẫm nước mắt của cô và một diễn viên điện ảnh nổi tiếng tại Hà Nội. Anh gặp cô trong quán karaoke, nhưng không hiểu sao nhìn nét mặt cô, anh tin cô vẫn còn trong sáng. Anh yêu cô và muốn đưa cô về Hà Nội sống. Tình yêu đó lớn dần và cô hiểu đó là sự thật. Cô nâng niu tình yêu ấy và tôn thờ anh bởi tấm lòng bao dung.

Nhưng đến khi anh đưa cô về ra mắt gia đình, lúc sơ ý cô đã để tung ra những hình ảnh cô và vị khách nước ngoài tại bãi biển Đồ Sơn. Cô hiểu mình đã mất hết tình yêu ấy. Cô chạy về nhà trọ và biết mình phải ra đi. Cô muốn vào Nam, tiếp tục đời gió bụi. Nhưng anh đã kịp đến, anh đưa cô về quê, xin cho cô đi học tiếp bổ túc văn hóa, mở cho cô một gian hàng xén tại chợ Phổ Yên và mỗi tuần thăm cô một lần. Nhưng đến khi cuộc sống của cô ổn định thì anh lặng lẽ ra đi. Cô yêu trong đau khổ nhưng cô không trách anh. Và cô hiểu ra rằng, có lẽ anh yêu cái tình yêu ấy và sống bằng những cái lãng mạn mà anh tự thêu dệt nhiều hơn là yêu một cô gái có thật.

3. Ai đó nói, nếu một người phụ nữ yêu và sống được với một nhà thơ thì đó là một nữ anh hùng. Bởi vì người nghệ sỹ đã sống hết mình với nghệ thuật, khi họ trở về đời thực nhiều khi chỉ là một cái xác bã, mỏi mệt và cáu bẳn. Yếu đuối và cực đoan, người nghệ sỹ khi yêu thường tin vào trực cảm. Có những người nghệ sỹ đã yêu đến cạn mình, sống đến thân tàn ma dại. Có những đổ vỡ, có những mất mát và đau khổ, nhưng tình yêu với họ là có thật và chúng thực sự đáng tôn thờ. Chỉ có điều, cũng như trong nghệ thuật, họ thường bộc lộ rất mạnh mẽ cái tôi của mình và tình yêu cũng thế. Thế nên, gắn đời mình với nghệ sỹ là gắn với cả những ngọt ngào và cay đắng. Và người nghệ sỹ, dù sao đi nữa, vẫn sống trong một môi trường có nhiều cám dỗ, điều này giải thích vì sao họ yêu nhiều và có khi tình yêu đến sớm lại tan nhanh…

Nhưng chúng ta vẫn nhận ra ở đó những mối tình đi cùng năm tháng sống của người nghệ sỹ. Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó, người bạn đời của nhạc sỹ Văn Cao kể lại những ngày mùa thu sông Lô rực vàng kháng chiến. Họ đi bên nhau cùng dòng sông, đi bên tình yêu lớn của đời mình, để rồi những giai điệu bất hủ của Trường ca Sông Lô đã cất lên. Người phụ nữ ấy đã bao ngày chịu cơ cực, sống cùng Văn Cao râu bạc như chòm cước, mặt im lìm như rượu đắng ủ mình.

Trên phố Nguyễn Thượng Hiền bây giờ vẫn còn những ngôi nhà của tình yêu. Người phụ nữ của cố họa sỹ Trần Văn Cẩn vẫn mỗi ngày đem tác phẩm của chồng ra lau và chăm chút chúng như những ngày ông còn sống, chị vẫn từng làm. Chị muốn nhân lên những ký ức của tình yêu bằng những công việc dịu dàng ấy. Người phụ nữ của nhà thơ Tế Hanh ngày ngày vẫn chăm sóc chồng trên giường bệnh, đọc cho ông nghe những bài thơ, kể ông nghe những câu chuyện của đời sống… Tình yêu không có tội. Tình yêu của người nghệ sỹ vẫn đẹp vì nó thường phải trải qua những khắc nghiệt. Và nó sẽ đẹp mãi, dẫu đớn đau, dẫu dang dở, miễn sao đó là tình yêu đích thực

Bảo Bình
.
.