Nghệ sĩ violon Xuân Huy: Một tài năng âm nhạc

Thứ Năm, 19/05/2016, 08:49
Khác với sự mạnh mẽ tự tin của cô em ruột Khánh Thi - nữ hoàng dancepost, Xuân Huy hơi khép mình, không thích ồn ào và dường như có một chút kiêu hãnh ẩn sâu bên trong. Nhìn Xuân Huy, tôi chợt nghĩ đến sự nghiệp mà những nghệ sĩ dòng nhạc cổ điển như Huy đang theo đuổi, so với những nghệ sĩ trong nền công nghiệp giải trí, có gì đó có vẻ như bất công...


Năm 2011, lần đầu gặp Xuân Huy ở Luala Concert trong vai trò cố vấn chương trình và chỉ huy dàn nhạc, không ít người đã ngạc nhiên bởi gương mặt một người đàn ông tuổi ngoài 40, da trắng hơn cả phụ nữ, đôi mắt to tròn ngơ ngác sau cặp kính cận, hơi rụt rè. Tôi thì đã biết anh từ ngày anh còn là thành viên của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, tôi thích lối ăn mặc có "gu" riêng của anh, cái gu không phải thời thượng sành điệu, mà tinh tế, sang trọng hơi hướng cổ điển, có vẻ khá phù hợp với dòng âm nhạc mà Xuân Huy theo đuổi.

Khác với sự mạnh mẽ tự tin của cô em ruột Khánh Thi - nữ hoàng dancepost, Xuân Huy hơi khép mình, không thích ồn ào và dường như có một chút kiêu hãnh ẩn sâu bên trong. Nhìn Xuân Huy, tôi chợt nghĩ đến sự nghiệp mà những nghệ sĩ dòng nhạc cổ điển như Huy đang theo đuổi, so với những nghệ sĩ trong nền công nghiệp giải trí, có gì đó có vẻ như bất công.

Ngày nay, với nhu cầu giải trí không khắt khe, có người chỉ nhờ vào năng khiếu thiên bẩm cộng với chiêu trò PR hoặc một cơ hội may mắn nào đó là trở thành "sao", là có tên trong một bảng sắp hạng (mặc dù có thể ảo, và rớt đài sau một mùa). Nhưng với dòng nhạc cổ điển, loại âm nhạc mà một người muốn trở thành nghệ sĩ tài năng, sống dài lâu với sự nghiệp âm nhạc không thể bỏ qua thì khác, phải bắt đầu rèn luyện từ khi 3 - 4 tuổi. Nhiều người học miệt mài, học cẩn trọng, học với những tài năng bậc thầy kèm cặp, rèn dũa và nâng bước,  sau học vẫn phải toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật.

Nghệ sĩ violon Xuân Huy và em gái “Nữ hoàng dancesport”  Khánh Thi.

Nhưng oái oăm thay, tài năng, sự tinh tế trong nghệ thuật của họ dường như rất khó có chỗ đứng trong một thế giới khán giả chỉ có nhu cầu giải trí đơn giản, ít sâu lắng. Song, dù thế giới ấy có đông đến bao nhiêu, số lượng áp đảo đến thế nào thì thế giới vẫn còn lại nhu cầu về sự tinh hoa, về giá trị đích thực và không thể thay thế, cho nên, âm nhạc cổ điển vẫn còn đó, nhân loại vẫn không ngừng tự hào về nó.

Và những người yêu cái tinh hoa đó vui lòng chấp nhận dù có thế nào vẫn xin làm người giữ lửa, để ánh sáng của nó còn mãi trong cuộc đời. Đó là những người tên tuổi họ chỉ nằm trong một danh sách chung của: Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Dàn nhạc Nhạc vũ kịch Việt Nam, Dàn nhạc Đài tiếng nói Việt Nam, Nhạc viện Quốc gia Việt Nam.v.v... Những tên tuổi âm thầm chỉ được biết đến trong giới chuyên môn, nhưng không có họ, bản đồ âm nhạc của thế giới thiếu đi một dấu chỉ mang tên một quốc gia. Nhiều, nhiều lắm những nghệ sĩ như vậy. Và Xuân Huy là một trong số đó.

Học đàn violon từ năm 8 tuổi. Năm sau vào Nhạc viện Hà Nội. Cha Huy là nghệ sĩ Nguyễn Bảo Đoàn - người gốc Trung Quốc từng học nhạc tại Thượng Hải năm 1985, mẹ là nghệ sĩ Phạm Thị Đông. Khi 13 tuổi, Huy cùng các bạn là Đỗ Phượng Như, Dương Minh Chính dưới sự hướng dẫn của GS.NSND Nguyễn Bích Ngọc - Trưởng đoàn Việt Nam sang Ba Lan dự cuộc thi Tài năng vĩ cầm trẻ.

Tại cuộc thi này, Huy vượt qua 2 vòng đầu và đứng thứ 16 trong tổng số hơn 100 thí sinh dự thi. Xuân Huy đoạt giải phụ (giải cao nhất trong đoàn Việt Nam) với phần trình tấu teleman hay nhất. Giải thưởng danh giá này khiến Xuân Huy cùng 2 bạn và thầy Nguyễn Bích Ngọc được Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi đó đang có chuyến công tác và chữa mắt tại Moscow mời gặp mặt. Thủ tướng đã dành hẳn một ngày để trò chuyện, ông nói: "Các cháu hãy phát huy tài năng để mang thêm những danh hiệu khác về cho âm nhạc Việt Nam". Năm 1986 Xuân Huy là người đầu tiên ở lứa tuổi thiếu nhi trình diễn bản concerto viết cho Dàn nhạc Nhạc viện Hà Nội. Hai năm sau, Xuân Huy đỗ thủ khoa tại Nhạc viện đó và được học bổng du học tại Liên Xô (cũ)

Qua kỳ sát hạch đầu tiên, Xuân Huy được một thầy giáo từng là học trò cưng của David Oistrahk (một trong 5 người chơi violon hay nhất thế giới đầu thế kỷ XX) trực tiếp giảng dạy. Ngoài việc phải tuân thủ chương trình tại Trường Trung cấp âm nhạc Gnesiny, Xuân Huy đã được đặc cách theo học đại học. Cuối mỗi kỳ, Xuân Huy còn được đặc cách không phải thi chuyên môn, điểm 5 cao nhất luôn được các thầy dành sẵn.

18 tuổi, sau khi được các giáo sư giới thiệu thi vào Dàn nhạc Giao hưởng Century do công nương Diana tài trợ, Xuân Huy đã vượt qua hàng trăm thí sinh để lọt vào top 15 người của dàn nhạc. Ước mơ sống với cây đàn của cậu bé Việt ngày nào đã thành sự thật. Không còn những ngày ăn đói nhịn khát (thời của những ngày Liên Xô cũ thay đổi và Việt Nam còn bao cấp), Huy đã chịu đựng để rèn giũa trưởng thành. Từ đây, anh có cơ hội biểu diễn trên  khắp thế giới… Từ đây, tài năng cất tiếng.

Để được làm việc lâu dài với Dàn nhạc Century là điều không dễ dàng, dàn nhạc luôn  tuyển chọn người mới có ngón đàn điêu luyện hơn, hoặc là chính người nghệ sĩ không còn tâm huyết với dàn nhạc. Một lần nữa, Xuân Huy lại vượt lên chính mình, vượt qua hơn 20 cuộc sát hạch trong 8 năm từ 1990 - 1997 của Dàn nhạc Century để trụ lại thành công.

*

Xuân Huy đã từng nếm trải đủ các cung bậc của cảm xúc. Có những ngày sung sướng về cả tinh thần lẫn vật chất trong Dàn nhạc Century thì Xuân Huy cũng không  quên hồi học xong trung cấp violon (năm 1992) anh đã không đủ tiền đóng học phí  để học tiếp đại học (7000 USD/năm) nên Xuân Huy phải kiếm việc làm thêm.

Vốn học võ từ nhỏ, Xuân Huy đã chọn việc đi dạy võ kiếm tiền. Môn Vịnh Xuân quyền, dạy ở kí túc xá Trường Đường sắt một năm, đã đem lại số tiền cho Huy đóng học phí, thế là Huy lại thi vào Nhạc viện V.I.Tchaikovsky và đỗ điểm ưu. Nhưng, cuộc sống có lẽ chẳng bao giờ thôi thử thách con người, một bước ngoặt đã diễn ra trong đời anh.

Ngày 31/8/1997, trong chuyến bay từ Moscow sang Sydney Opera House - Australia để biểu diễn, Dàn nhạc Century nhận được tin công nương Diana tử nạn. Không chỉ mất đi nguồn tài trợ chính, mà mất đi một con người, linh hồn của Dàn nhạc, khiến cho những nghệ sĩ như Xuân Huy bị sốc và mất thăng bằng. Cùng lúc, Huy nhận được tin nhà, cha anh mắc bệnh hiểm nghèo, anh phải trở về nước.

Một ghế trống của dàn nhạc vẫn dành cho Xuân Huy trở lại sau chuyến anh về nước, điều khá hiếm đối với nhạc công Việt Nam, nhưng Xuân Huy đã không trở lại.

Một nghệ sĩ dòng nhạc cổ điển sống và làm việc ở Việt Nam rất khó (nhiều người sống rất thanh đạm. Có gia đình, cả 3 người đều là thành viên của Dàn nhạc giao hưởng, gia tài lớn nhất của họ là 1 chiếc xe máy Cub 82 cũ kỹ).

Với Xuân Huy còn khó gấp bội, chỉ biết đến nghệ thuật như mọi người đã đành, Huy còn là một người rất cá tính, không dễ hòa đồng. Huy quá khác biệt, quá cực đoan mặc dù vẻ bên ngoài nho nhã hiền hòa. Huy là đặc trưng tiêu biểu của những tâm hồn nhạy cảm, và cầu toàn. Kể từ khi Xuân Huy về nước, anh có trình diễn, nhưng tự đặt ra cho mình những tiêu chuẩn rất khắt khe.

Vì khắt khe nên nhiều khi Huy không đi diễn, anh cũng thôi không còn làm việc với Dàn nhạc mà kiếm sống bằng cách dạy nhạc hoặc dạy võ, hoặc chế tác đàn violon. Kể cũng lạ: Huy vừa có thể cầm vĩ chơi đàn, vừa có thể dạy võ, lại có thể làm đàn. Những cây đàn violon do Huy làm ra được ưa chuộng. Anh bảo: "Cũng là cách để tự do theo đuổi đam mê của mình. Tôi thích đi theo cách riêng. Để thỏa chí sáng tạo và không theo lối mòn, có thể tôi tự thành lập dàn nhạc, tự mở ra sân chơi cho các nghệ sỹ cổ điển… âm nhạc luôn là nghiệp của tôi".

Rồi, một hãng thời trang với ông chủ Minh Đỗ, người sống nhiều năm ở châu Âu, có ý tưởng làm sinh động gương mặt thành phố và quảng bá sản phẩm thời trang cao cấp bằng âm nhạc, đã mời Xuân Huy làm cố vấn Luala Concert. Hai bên như cá gặp nước, cùng nhau nỗ lực đem nhạc cổ điển và hòa tấu đến gần hơn với công chúng, Hà Nội bỗng có thêm một điểm nhấn văn hóa. Và Luala Concert đã thành công ngoài sức tưởng tưởng của nhà tổ chức, đến nay đã 6 mùa diễn. Khi là người tập hợp, dàn dựng, chỉ huy, khi lại chơi solo, có lúc nghệ sĩ nghỉ thì Huy lại "trám chỗ". Xuân Huy chỉ năng nổ, nhiệt tình khi thấy hợp với người đồng hành.

Mong muốn đưa âm nhạc cổ điển gần với mọi người anh mang ra phố, đến với nơi nào có người đam mê và trân trọng, thế là vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần, tại A'Bunadh, đầu phố Lý Thường Kiệt, trong một toà nhà Pháp cổ, hàng chục nghệ sỹ có tên tuổi của dòng cổ điển, nghệ sỹ chơi nhạc Jazz… đã cùng Huy tạo ra một sân chơi mới mẻ. Bớt cực đoan hơn, vẫn cổ điển hàn lâm đấy nhưng mềm mại và dễ cảm thụ hơn. Người đồng hành với Xuân Huy là nữ doanh nhân Như Xuân Hương, một người cũng rất trăn trở với việc làm thế nào để tạo ra thói quen thưởng thức âm nhạc cổ điển cho công chúng.

Khó khăn còn nhiều ở phía trước với những người như Xuân Huy, mong cho anh có được một nơi xứng đáng để thỏa sức trưng trổ tài năng của mình…

Trần Thị Trường
.
.