Nghệ sĩ ưu tú Quang Khải: Duyên nghiệp cải lương

Thứ Bảy, 14/12/2019, 15:47
Ai đã từng nghe Quang Khải ca cải lương, hẳn sẽ bị mê dụ bởi giọng ca ngọt, ấm và đi vào lòng người của Khải. Không sinh ra ở vùng đất cải lương, nhưng mối duyên với cải lương trở thành định mệnh và con đường mà Khải miệt mài theo đuổi, sống chết với nó hơn 20 năm qua.


1. Lần đầu tiên, Quang Khải vào vai một nhân vật phản diện trong vở kịch thử nghiệm “Ngàn năm mây trắng” do PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản và NSND Triệu Trung Kiên, NSND Thanh Ngoan làm đạo diễn. Tôi bị hút hồn bởi giọng ca của Khải. Anh diễn chính diện hay phản diện đều có cái duyên riêng khiến khán giả trung thành của Khải không thể “ghét”.

Nhưng để có được những vai diễn “ngọt” đó, Quang Khải đã đi qua rất nhiều khó khăn. Quang Khải sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Nghệ An. Ông nội anh chơi nhạc ở triều đình Huế, bố và các cô chú đều biết chơi đàn và hát chèo, dân ca Nghệ Tĩnh. Chú út của Khải là nghệ sĩ của Đoàn cải lương Bông sen trắng.

NSƯT Quang Khải trong vở "Ngàn năm mây trắng".

Ngày nhỏ, nhà nghèo, Khải là con trai đầu, suốt ngày phụ giúp ba mẹ việc đồng áng, đi bán kem, giao bánh… Nhưng trong giấc mơ của cậu bé Khải vẫn mơ một ngày được làm nghệ sĩ. Bởi trong cuộc sống lấm lem, cực nhọc ấy, Khải vẫn có những khoảng trời riêng dành cho nghệ thuật. Thỉnh thoảng, buổi tối, anh được đi xem đoàn Bông sen trắng biểu diễn, rồi nghe các gánh hát từ trong Nam ra, ngày đó cải lương vẫn có đất sống. Chú cũng là người thầy đầu tiên dạy anh những nốt nhạc, bài ca.

Tôi cảm nhận được cải lương thật gần gũi nên khi âm nhạc cất lên, trong tôi có một cảm xúc kỳ lạ lắm, lúc đó cơm áo gạo tiền của cuộc sống được đặt sang một bên để mình được toàn vẹn và hạnh phúc với đam mê của mình. Ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất của cuộc sống, tôi vẫn không từ bỏ tình yêu của mình bởi tình yêu đó chưa bao giờ cạn” - Quang Khải chia sẻ.

Quang Khải thi vào Khoa Kịch hát Dân tộc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, hành trang mang theo là giọng xứ Nghệ đặc sệt mà thầy cô và bạn bè phải “nỗ lực” hết sức mới hiểu anh nói gì. Tốt nghiệp xuất sắc, Khải được nhận về Nhà hát Cải lương Việt Nam.

 Theo nghiệp cải lương, tuổi trẻ, Quang Khải không lường hết những khó khăn. Cải lương đất Bắc, khán giả thưa vắng, đâu dễ tìm được tri âm. Một mình dựng nghiệp nơi đất khách quê người, đời nghệ sĩ nghèo, hằng ngày phải đối diện với đủ thứ, nào thuê nhà, nuôi vợ con, Quang Khải xoay ra đủ nghề để kiếm sống, làm MC, tổ chức biểu diễn. Khải sắm dàn âm thanh và cho thuê, hỗ trợ chương trình cho nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền, ca sĩ Trọng Tấn…

Lui cui làm kỹ thuật âm thanh, nhưng có lúc cần, Khải cũng lên sân khấu hát. Rồi Khải quay ra làm hướng dẫn viên du lịch. Những ngày tháng vất vả, chạy bạc mặt kiếm sống đã làm sức khỏe và giọng hát của Khải bị tổn hại. Anh bị mất giọng, chùng dây thanh đới, ù tai không nghe được. Có lúc, Khải tưởng sẽ phải bỏ nghề. Và có những lúc, cái tên Quang Khải MC trở nên hot và nổi tiếng hơn danh xưng của một nghệ sĩ cải lương.

Được hay mất? Buồn hay vui? Quang Khải chợt nhận ra, niềm đam mê của anh vẫn còn nguyên ở đó. Nếu chạy theo show làm MC, có thể cuộc sống gia đình anh sẽ đủ đầy hơn. Nhưng anh sẽ mất tình yêu với cải lương, mất cả giọng hát. Đã đến lúc phải lựa chọn giữa đam mê và mưu sinh, và Quang Khải, sau nhiều năm vật lộn đã từ bỏ mưu sinh để dành trọn cho nghệ thuật.

2. Sau 12 năm làm nghề, lần đầu tiên Quang Khải tham gia hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và được Huy chương vàng với vai Thành trong “Mê cung”. Cú hích đầu tiên thành công đó đã tạo động lực và niềm tin cho Khải "đốt cháy" mình trong những vở diễn tiếp theo. Năm 2013, với “Chuyện tình Khâu Vai”, được mệnh danh là chuyện tình “Romeo và Juliet” ở Việt Nam, được công diễn khắp nơi. Năm 2014 là tác phẩm “Mai Hắc Đế”, tham gia hội diễn sân khấu chuyên nghiệp tại Bạc Liêu và giành Huy chương vàng, rồi sau đó là “Vua Phật” với vai diễn nặng ký - Trần Nhân Tông.

Cuộc gặp với đạo diễn Triệu Trung Kiên, người đã tin tưởng giao cho Khải những vai diễn nặng ký đã góp phần định danh một cái tên Quang Khải vững chãi trong làng cải lương. “Chuyện tình Khau Vai” (2014), “Hừng đông” (2015), “Vua Phật” (2016), “Ni sư Hương Tràng” (2017), “Thầy Ba Đợi” (2018), “Ngàn năm mây trắng” (2019) đều mang đậm dấu ấn của Quang Khải.

Lý do Khải được chọn vào vai những nhân vật lịch sử lớn như Mai Hắc Đế, Phan Đăng Lưu, Phật hoàng Trần Nhân Tông, nhạc sư Nguyễn Quang Đại, ngoài giọng ca ngọt và ấm, có lẽ bởi Khải còn có vẻ ngoài điển trai, sang và đẹp, giọng hát nam tính nhưng tình cảm và lối diễn xuất trầm tĩnh, đĩnh đạc và mê dụ người xem.

Quang Khải trong vai Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Tôi hỏi Quang Khải, mỗi năm vào một vai diễn lớn như vậy, anh làm thế nào để nhập vai và hóa thân vào từng nhân vật. Bởi Khải đảm nhiệm toàn những vai góc cạnh. Không chỉ là việc đọc để hiểu về nhân vật mà còn là thần thái của từng tính cách, nhân cách lớn. Anh kể cho tôi nghe về cuộc chạy marathon với chính mình trong năm 2015, anh làm một lúc hai vở “Mai Hắc Đế” và "Vua Phật". Với “Vua Phật”, Khải vào vai Phật hoàng Trần Nhân Tông - một thiền sư.

“Trong giai đoạn tập tôi hoảng lắm vì không biết bằng cách nào để tiếp cận nhân vật, cuộc sống ngoài kia vội vã đang cuốn mình đi, tôi không nhập được trạng thái thiền tịnh của một thiền sư, tôi hoang mang tìm chìa khóa để mở. Tôi còn đi theo tác giả đến thiền viện Sùng Phúc, quan sát các thiền sư ngồi thiền, ngắm nhìn phong thái của họ…

Phải mất rất nhiều thời gian mới tìm được chìa khóa để mở. Khi tập xong “Vua Phật”, tôi bồi dưỡng cật lực để tăng thêm 10kg vì vai “Mai Hắc Đế”. Xong “Mai Hắc Đế” lại phải ép cân để vào “Vua Phật”. Cứ như thế, đúng hôm tại Bạc Liêu trao giải vàng cho “Mai Hắc Đế” thì ngoài Bắc ra mắt “Vua Phật”.

Tôi nghiên cứu, suy nghĩ và quyết định xuống tóc để tôi có được một cảm giác trọn vẹn nhất với nhân vật của mình. Tôi nghĩ, cơ hội đứng trên sân khấu với vai diễn này chỉ một lần, vậy tại sao mình không toàn tâm toàn ý với nó”. Khải luôn có tâm thế đó, cầu toàn và chỉn chu trong từng vai diễn. Vì thế, ở vai diễn nào, anh cũng đạt tới sự hóa thân trọn vẹn nhất.

Trong đợt xét tặng năm 2019, Quang Khải được nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Đối với anh, đó là một thành công trên con đường nghệ thuật. Nhưng, đó không phải là đích đến của người nghệ sĩ. Khải khát vọng nhiều hơn thế, những vai diễn mới, chinh phục những đỉnh núi cao hơn. Anh quan niệm, những đỉnh cao luôn ở phía trước và người nghệ sĩ, nhất là theo đuổi một bộ môn nghệ thuật kén khán giả như cải lương phải luôn biết lắng nghe để nhập cuộc với thời đại. Rời sân khấu là cơm áo gạo tiền, mà cơm áo gạo tiền không đùa với khách thơ, nên Quang Khải nói, người nghệ sĩ luôn phải có cái đầu tỉnh táo để giữ được tình yêu của mình.

Giờ, Quang Khải đảm nhiệm vai trò là Phó đoàn thể nghiệm của Nhà hát Cải lương. Anh còn phải làm nhiệm vụ của một phó đoàn, truyền lửa đam mê nghề cho các nghệ sĩ trẻ. Cải lương đang “lép vế” trong cơn lốc nghe nhìn. Cải lương Bắc lại càng xa lạ với khán giả. Vì thế, muốn cải lương đi vào đời sống, những người cầm cân nẩy mực như Khải phải nỗ lực rất nhiều. Khải nói với tôi nhiều về những ước vọng, về một sân khấu cải lương được đầu tư hơn, có nhà hát và có lịch diễn đều đặn. Ngay Nhà hát Cải lương Việt Nam có lịch sử 70 năm nhưng vẫn không có rạp để anh chị em nghệ sĩ được đứng trong ngôi nhà của mình biểu diễn…

Cải lương đang thời ăn đong, đời sống anh em cực kỳ khó khăn. Nhưng không vì thế mà tình yêu cải lương nguội bớt trong trái tim những người nghệ sĩ. “Với cải lương, ai đã trót yêu thì khó bỏ lắm, nó có một ma lực lạ lùng, chỉ cần nghe tiếng đàn dạo lên, tâm hồn người nghệ sĩ đã rưng rưng muốn hát. Tôi nghĩ, trong nhiều bạn trẻ có tình yêu với cải lương, chúng ta chỉ cần nuôi dưỡng và truyền lửa cho nó. Cải lương cần những gương mặt mới và cũng cần người truyền lửa để giữ nghề” - Quang Khải chia sẻ.

Những gánh nặng cơm áo gạo tiền, những bon chen của đời sống rồi cũng tan đi hết khi người nghệ sĩ ấy bước lên sân khấu và cất tiếng ca. Sân khấu là duyên, là nghiệp. Và tôi hiểu vì sao, trong sự xô bồ của đời sống, cải lương vẫn còn sống, vì ở đó, có những người trẻ đam mê và dấn thân như Khải.

Phan Chi
.
.