Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á: Một mình một lối

Thứ Hai, 20/08/2012, 08:00
Nguyễn Á đã trở thành một cái tên không còn xa lạ với những ai yêu thích và quan tâm đến bộ môn nhiếp ảnh. Gần 20 năm qua, anh một mình rong ruổi khắp chốn cùng nơi, ghi lại những khoảnh khắc của cuộc sống, những gương mặt, những số phận... để cho ra mắt nhiều triển lãm đầy tính nhân văn, có tác động xã hội như: "Thương về khúc ruột miền Trung", "Theo chân thanh niên tình nguyện", "Họ đã sống như thế" và gần đây nhất là "Tâm và Tài - Họ là ai?"...

Sau thành công của triển lãm "Tâm và Tài - Họ là ai?" ở Tp HCM hồi tháng 5, trung tuần tháng 7 vừa qua, Nguyễn Á mang "Tâm và Tài - Họ là ai?" ra trưng bày tại Hà Nội. Phòng triển lãm 45 Tràng Tiền vốn rộng rãi là thế, mà dường như không đủ chỗ cho 300 tấm pano lớn in ảnh về 300 nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, vận động viên thể dục thể thao... trên cả nước. Bởi vậy, ảnh còn được trưng bày tràn ra ngoài vỉa hè, sang cả bên đường phía rạp Công Nhân trên con đường Tràng Tiền vốn đông người qua lại. Có lẽ cái sự lạ này đã khiến ai vô tình đi qua con phố ấy cũng phải tò mò ngoái lại nhìn, hoặc kiếm một chỗ để gửi xe cho an toàn để có thể được ngắm nghía lâu hơn, kỹ hơn.

Nhìn vào triển lãm ấy, có cảm nhận như nơi đây đã hội tụ "đủ mặt anh tài", nhưng Nguyễn Á thì nói: "Chưa đâu, còn rất nhiều người có tâm, có tài khác mà tôi muốn khắc họa chân dung họ nhưng chưa có dịp. Chắc chắn tôi sẽ còn tiếp tục với chủ đề này, bởi văn nghệ sĩ luôn là những người tôi yêu quý, trân trọng. Họ chính là những người đem đến cho tôi cảm hứng sáng tạo, tiếp thêm ngọn lửa đam mê. Gặp gỡ, trò chuyện với họ luôn là việc làm khiến tôi thích thú và tôi quý trọng những thời khắc được ở bên họ...".

Để có được bộ ảnh này, Nguyễn Á đã lặn lội tìm gặp, theo bước chân họ, lắng nghe họ chia sẻ về nghề nghiệp, về cuộc sống… để tìm và ghi lại được những khoảnh khắc đáng quý về những con người ấy. Có người anh chỉ gặp một lần đã có ngay bộ ảnh ưng ý, nhưng cũng có người phải đi đi lại lại dăm bảy lần. Này đây, chân dung Giáo sư Vũ Khiêu trầm mặc nhưng không kém phần bay bổng như những nét chữ rồng bay phượng múa cụ đã dâng tặng cho đời. Này đây, chân dung lão nhà văn Tô Hoài như hiện thân của những hoài niệm về tuổi thơ với "Dế mèn phiêu lưu ký", phảng phất bóng dáng của Hà Nội xưa cũ. Này đây, chân dung nhà văn Nguyên Ngọc của "Đất nước đứng lên" đầy rắn rỏi, cương nghị, thâm thúy mà hóm hỉnh... Ở đó, ta có thể bắt gặp những người nghệ sĩ đã dấn thân, đã hy sinh cả cuộc đời cho nghệ thuật, từng vinh quang, cay đắng về nghề, từng nở nhiều nụ cười nhưng cũng không ít lần rơi nước mắt như NSND Bùi Đình Hạc, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Đàm Liên, NSND Chu Thúy Quỳnh, NSND Như Quỳnh, hay các nhạc sĩ: Trần Tiến, Dương Thụ, Phó Đức Phương... là những gương mặt gạo cội của nền nghệ thuật nước nhà. Ta cũng bắt gặp ở đó một Thanh Lam luôn cháy bỏng nồng nàn; một Tùng Dương lạ lùng, cá tính; một Mỹ Linh đắm đuối với đam mê, một Hồng Ánh duyên dáng, mặn mòi...

Tôi dừng lại rất lâu trước chân dung của cố NSND Y Moan - một con người bình dị, mộc mạc nhưng luôn chứa đựng một ngọn lửa nhiệt tình, đam mê bất tận với âm nhạc, với quê hương. Nguyễn Á đã đến tận nhà riêng của NSND Y Moan ở Tây Nguyên, chụp được nhiều khoảnh khắc đời thường của ông, đặc biệt là bức ảnh về một đoạn trong bài thơ của cố nhà thơ Trần Hòa Bình viết về Y Moan được khắc lại trên tường nhà ông:

Người ta nói: Anh có thể chết được
Cho một M'Đak của riêng anh
Tôi tin điều ấy
Và thật ra
Nếu cuối cùng có phải chết
Trong bài hát của đời mình
Cũng tuyệt vời cái chết...".

(Trần Hòa Bình, 1997)

Chân dung Giáo sư Vũ Khiêu qua ống kính của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á.

Một lần khác, tôi ghé lại nhà triển lãm 45 Tràng Tiền vào một buổi chiều muộn. Thật ngạc nhiên thấy Nguyễn Á vẫn ở đó. Anh đi đi lại lại trong phòng, dừng lại trước nhiều tấm pano, lúc nhìn thẳng, lúc nhìn nghiêng nhưng lúc nào cũng như phát hiện ra một điều gì đó mới mẻ từ các nhân vật của mình. Cái cách anh ngắm nhìn họ, ánh mắt anh "đánh" về phía họ với cái nhìn thật ấm áp, tin yêu đầy tôn quý. Người ta bảo, Nguyễn Á làm gì cũng đầy đam mê, tận lực, có khi đến quên ăn, quên ngủ. Chứng kiến những biểu hiện của anh trước tác phẩm của mình, tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định đó. 

Nguyễn Á chia sẻ rằng, với 300 nhân vật văn nghệ sĩ, nhân sĩ trí thức mà anh đã lựa chọn, "kho ảnh" của anh lên tới trên 3.000 bức. Nhân vật nào anh cũng yêu quý. Cứ lúc rảnh anh lại mở máy tính ra ngắm nghía thần thái của họ. Và trong số ấy, người nghệ sĩ để lại cho anh những ấn tượng đẹp và sâu sắc nhất chính là NSND Y Moan. Với ông, anh có nhiều cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, chụp ảnh từ khi ông ở đỉnh cao vinh quang cho đến những ngày ông lâm bệnh và qua đời. Và anh thấy rằng, người ta ví đời văn nghệ sĩ như một kiếp tằm tơ, sao mà đúng thế!

Sinh ra trong một gia đình nghèo đông con, từ nhỏ, Nguyễn Á đã sớm biết phụ giúp gia đình nhiều công việc. Anh vốn là một thanh niên chăm chỉ, kiệm lời, không nề hà bất cứ việc gì, từ phụ giúp cha mẹ bưng bê, rửa chén bát ở hàng cơm bình dân, cho đến việc sáng sớm đi lấy báo bỏ mối cho các sạp…, việc gì anh cũng làm đầy tận tụy, nhiệt tình. May mắn có một thân hình cao to lý tưởng của một vận động viên thể thao, Nguyễn Á sớm có mặt trong đội tuyển bóng ném của thành phố, rồi sau đó trở thành thủ môn bắt chính cho đội tuyển bóng đá Tp HCM. Những năm tháng lăn lộn trên sân cỏ, anh đã làm tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình, đồng thời đem đến cho khán giả những pha trình diễn hồi hộp đến thót tim. Mặc dù rất yêu thích nghề thủ môn, song anh cũng biết rằng đó là nghề mà ưu thế thuộc về tuổi trẻ, hơn nữa, đặc thù của một thủ môn, nếu chỉ phản ứng chậm trong tích tắc thôi, thì hậu quả là bàn thua mà cả đội tuyển phải gánh chịu. Bởi vậy, đến năm 1995, anh quyết định từ giã sân cỏ để đi theo tiếng gọi của nghệ thuật nhiếp ảnh. Hành trình của anh, những việc anh làm suốt gần 20 năm qua đã chứng minh anh có một sự lựa chọn và dấn thân đúng đắn.

Ngày nay, người cầm máy ảnh nhiều như nấm sau mưa, nhưng người cầm máy tìm ra cho mình một lối đi riêng như Nguyễn Á thì ít lắm. Triển lãm "Họ đã sống như thế" và bộ sách ảnh cùng tên của Nguyễn Á ra mắt cuối năm 2009 đã từng gây xúc động mạnh với đông đảo công chúng. Để có được bộ ảnh quý giá về 90 con người không may mắn bị khiếm khuyết này, anh đã lăn lộn đi đến nhiều nơi, từ địa đầu Tổ quốc đến miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long để gặp gỡ, chia sẻ với những số phận đặc biệt ấy. Chứng kiến những khó khăn trong ăn ở, sinh hoạt của họ, nhất là nghị lực vươn lên để trở thành những con người có ích cho xã hội và nở nụ cười với cuộc đời, anh thực sự xúc động. Anh muốn đem đến cho đông đảo công chúng những nụ cười, sự tự tin của những con người đặc biệt ấy trước cuộc sống - điều này có thể ví như những bông hoa nhỏ vẫn vươn lên trổ nụ đơm bông hằng ngày, bất chấp hoàn cảnh khắc nghiệt đến đâu.

Nguyễn Á là một nghệ sĩ nhiếp ảnh theo chủ nghĩa… xê dịch. Anh luôn có cùng lúc nhiều ý tưởng để đeo đuổi, nhiều "dự án" đồng thời hoặc kế tiếp nhau, mà cái nào cũng dài hơi, tốn kém, đòi hỏi sự tự nguyện dấn thân, sự hy sinh. Nguyễn Á sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu anh phát hiện có đề tài hay, mới lạ, thậm chí cả những nơi chẳng ai muốn tới như những bãi rác hôi hám hay "dòng sông chết" Thị Nghè… chỉ mong ghi lại được những khoảnh khắc chân thực, quý giá và có tác động xã hội nhằm thay đổi ý thức của con người trong việc bảo vệ môi trường. Một điều đáng nói nữa là, trong khi ngày nay, nhiều nghệ sĩ "thức thời" đã rất khôn lanh trong việc tìm cho mình những Mạnh Thường Quân sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư cho các dự án của mình, thì Nguyễn Á lại khác. Đã đôi lần anh từ chối nhà tài trợ, bởi một lý do khá đơn giản: Anh chỉ muốn làm người "độc hành"

Hà Anh
.
.