Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng: "Nghề" chơi cũng lắm công phu

Thứ Sáu, 24/01/2014, 08:00

Trong dịp lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có nhiều bức ảnh chân dung Đại tướng được đồng bào và chiến sĩ cả nước rước đi dọc các tuyến phố, vùng quê khi tiễn đưa Người về miền thiên cổ. Trong số ấy có một bức chân dung Đại tướng mỉm cười thật tươi, giơ tay như chào tạm biệt những người ở lại. Không nhiều người biết rằng, đó là một tác phẩm tiêu biểu của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng, đã được ông chụp từ cách đây hơn 20 năm...

- Thưa nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng, xin ông cho độc giả Văn nghệ Công an biết tấm ảnh quý ấy đã được ông thực hiện trong hoàn cảnh nào?

+ Trong cuộc đời tôi có 5 lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bản lĩnh và phong cách giản dị, gần gũi của Đại tướng đã có sức hút mạnh mẽ với tôi ngay từ lần gặp đầu tiên. Đến năm 1991, khi Đại tướng vừa tròn 80 tuổi, Người đã cho mời tôi và lão nghệ sĩ Nguyễn Nhưng vào tư gia để chụp ảnh chân dung với câu nói chân thành và hóm hỉnh: "Chú Đáng với bác Nhưng chụp cho tôi tấm ảnh để khi cần... đầu xe!".

Nghe Đại tướng nói vui như thế, lão nghệ sĩ Nguyễn Nhưng chỉ cười thôi, còn tôi nói: "Báo cáo Đại tướng, hai mươi năm nữa Đại tướng cũng chưa cần ảnh "để đầu xe". Nhưng Đại tướng lại đang thiếu, đang cần một hình ảnh để "đáp lễ" đồng bào trong nước và nhân dân thế giới. Vừa qua, Đại tướng đã đi thăm hơn mười nước đã giúp đỡ quân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến thắng lợi, thế giới rất ngưỡng mộ Đại tướng.

Nghe kể rằng, có cô gái đạo Hồi khi hay tin Đại tướng đến thăm còn xé cả mạng che mặt để được chiêm ngưỡng dung nhan Đại tướng, đủ biết thế giới ngưỡng mộ Đại tướng đến mức nào. Vì thế, Đại tướng đang thiếu một sự "đáp lễ" bằng hình ảnh". Lúc ấy Đại tướng nói: "Kể cũng có lý đấy!" và ông đã mặc quân phục, đeo Huân huy chương, giơ tay vẫy chào… để tôi chụp. Sau lần chụp ấy, tôi có mang tặng Đại tướng một số tấm ảnh nhỏ. Mãi tới năm 1999 tôi mới in ra thành tấm lớn trên chất liệu gỗ mang tặng Đại tướng cùng với tấm ảnh khi Đại tướng vào thị sát ở chiến trường.

Khi tôi tặng tấm ảnh nhỏ thì chưa thấy Đại tướng phát biểu gì, nhưng khi nhìn tấm ảnh khổ lớn ông mỉm cười nói: "Hóa ra tấm ảnh này thế mà hay đấy! Nhỡ mình có bề gì thì bức hình này như lời chào mọi người, chào nhân dân, đất nước để ra đi...". Theo những người thân cận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết thì càng về sau Đại tướng lại càng thích bức ảnh này.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng.

- Trong dịp lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không chỉ có nhiều tờ báo Trung ương và địa phương đăng tấm ảnh này của ông mà nó còn được lan truyền rộng rãi trên internet. Tuy vậy, hầu như không đâu ghi tên tác giả. Khi đó, tâm trạng của ông ra sao?

+ Trong lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi cũng ở trong đoàn người đi tiễn đứng ở trước cửa Nhà hát Lớn Hà Nội để kính cẩn nghiêng mình chào vĩnh biệt Người. Đứng ở đó, tôi đã thấy nhiều trẻ em ôm bức ảnh đó. Tôi có niềm vui, niềm tự hào và sung sướng rằng tấm ảnh mình chụp đã có giá trị trong những ngày đặc biệt ấy. Trong Nam, ngoài Bắc chỗ nào người dân cũng thích tấm ảnh đó. Tôi tin rằng, sự "tuyển chọn" của nhân dân, chẳng qua hội đồng nào thường là sự lựa chọn bền vững với thời gian, đi vào tâm thức mọi người.

- Nghe nói trong thời gian ông làm việc ở tuần báo Văn nghệ, ông đã có nhiều cơ hội gặp gỡ, viết và chụp chân dung các nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Tuân, Tú Mỡ, Thanh Tịnh, Tào Mạt... bằng cách nhìn, cách thể hiện rất riêng, rất công phu?

+ Đúng là như vậy. Tôi rất thích phong cách Nguyễn Tuân, vì thế tôi cũng tò mò muốn khám phá con người, văn chương của ông. Tôi cũng đã đọc gần hết những tác phẩm của Nguyễn Tuân. Con người Nguyễn Tuân đầy bản lĩnh, không xu nịnh và đôi lúc còn thể hiện khí phách ngang tàng, thậm chí cực đoan. Nhưng rồi tôi cũng không dám chụp Nguyễn Tuân ngay mà chuyển sang chụp thử nghiệm với lão nhà thơ Tú Mỡ. Chụp bác Tú Mỡ cũng lại có cái khó là làm sao bật lên được cái hài, cái hóm hỉnh của ông. Lúc ấy, gia đình tôi đang sống ở trên làng Láng, ngày nào đi làm qua đầu phố Cầu Giấy cũng thấy một ông già mặc quần đùi đang quét sân. Tôi mới lân la vào nhà hỏi chuyện, quan sát và chụp Tú Mỡ.

Hôm mang 7 tấm ảnh đến tặng, lão nhà văn cười bảo: "Có 3 tấm này đúng là Tú Mỡ, còn mấy tấm này chưa phải!". Chính tôi cũng không thể ngờ là nhà văn Tú Mỡ lại sành ảnh và có những nhận xét chính xác đến vậy. Và thế là tôi quyết định sẽ đi vào con đường chụp chân dung các văn nghệ sĩ từ lần ấy.

Trong lễ tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều người dân Hà Nội đã ôm rước bức ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nghệ sĩ Hoàng Kim Đáng thực hiện.

- Ông là tác giả của bức chân dung nhà văn Nguyễn Tuân hiện được sử dụng rất phổ biến. Nghe nói, để chụp được bức chân dung đặc sắc này, ông đã phải rất kỳ công. Xin ông cho biết ông đã làm thế nào để "chớp" được "cái thần" này của Nguyễn Tuân?

+ Để chụp được Nguyễn Tuân, tôi cũng phải công phu lắm. Ngoài đọc, hiểu tính cách Nguyễn Tuân, tôi phải tính toán, dự định tạo ra tình huống "xung đột" để nhà văn bộc lộ tâm lý, tình cảm, tính cách của mình qua một cuộc rượu nói chuyện với nhà văn Nguyễn Văn Bổng về văn chương và tôi sẽ ghi chép lại bằng hình ảnh nhưng mãi chưa thực hiện được. Đến chừng năm 1982, nhà văn Nguyễn Tuân đến Báo Văn nghệ gặp tôi và nói: "Hôm nay mình nhờ Đáng chụp cho một bức chân dung hộ chiếu để mình đi Campuchia!".

Không may hôm ấy máy ảnh lại không có phim và xin khất nhà văn đến hôm sau. Biết Nguyễn Tuân vốn có một "danh sách đen" những người mà ông cho rằng "bất tài, hèn hạ, nịnh bợ", sáng hôm sau, khi nhà văn đến tòa soạn tôi bèn "chọc tức": "Xin khoe với bác, hôm vừa rồi cháu mới được nhà văn X tặng một cuốn sách, đọc hay quá!". Ngay lập tức ông phản ứng: "Từ xưa đến giờ tôi vẫn nghĩ cậu là cái người am hiểu văn học và có năng khiếu cảm thụ tác phẩm. Thế mà cậu lại đi khen cái cuốn sách khỉ gió ấy. Vậy là tôi đã lầm!". Ông tỏ ra rất bực nhưng rồi lại cười rất… cao ngạo.

Lần ấy, tôi đã chụp được một số ảnh và sau này, bức ảnh ấy được bác Nguyễn Tuân chọn in trong "Tuyển tập Nguyễn Tuân". Khi tôi mang tấm ảnh này đến cho ông, ông cười bảo: "Đây chính là Nguyễn Tuân rồi!". Nhưng vì tôi muốn chụp thêm ảnh Nguyễn Tuân nên nói: "Cũng chưa phải Nguyễn Tuân đâu!". Đến năm 1984, Ban chấp hành Hội Nhà văn họp ở Đồ Sơn, Hải Phòng, tôi được tòa soạn cử đi chụp ảnh. Một hôm tôi tình cờ chụp được hình ảnh Nguyễn Tuân cầm ba toong đi qua một gốc cây phượng già gốc đen xù xì, mái tóc được nắng chiếu bật lên trắng phau tạo nên một bố cục rất ngang tàng. Chỉ riêng cái bố cục ấy cũng đã mang dáng dấp, tính cách của Nguyễn Tuân rồi. Hôm sau, tôi mang bức ảnh này đến cho Nguyễn Tuân, ông tỏ ra rất sung sướng. Ông nhờ tôi rửa ra hàng chục tấm gửi tặng cho các bạn văn ở Liên Xô, gửi đăng báo, tạp chí ở nước ngoài.

- Tại sao trong quá trình chụp ảnh chân dung văn nghệ sĩ, ông lại luôn chú trọng yếu tố tạo ra "tình huống" đến vậy?

+ Tôi cho rằng, muốn có một chân dung đích thực phải hiểu nhân vật, phải tạo ra tình huống để nhân vật bộc lộ tính cách, tình cảm, tâm trạng... thì mới gọi là chân dung văn học nghệ thuật. Ngoài đôi mắt, cái miệng và nét biểu cảm trên gương mặt trong khi chụp chân dung tôi đặc biệt chú trọng đến đôi bàn tay: tán thưởng thì vỗ tay, đấu tranh thì tay giơ lên cao, xu nịnh thì hai bàn tay cũng xun xoe vo tròn... Nếu không có đôi bàn tay thì không nói hết được về một con người. Nhiếp ảnh cũng giống như văn học, nếu chỉ chụp lại, ghi lại cái "hiện thực" như nó vốn có, thì nó chỉ là thể "ghi chép" chứ không thành truyện ngắn, tiểu thuyết được.

- Xin cảm ơn nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng!

Nguyệt Hà (thực hiện)
.
.