Nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Tường: Quẳng gánh lo đi mà vui sống

Thứ Ba, 17/07/2012, 08:00

Trước hàng ngàn tấm ảnh, hàng trăm tin bài mà ông Tường thực hiện đã được đăng tải trên nhiều mặt báo, nhiều người nghĩ rằng ông Tường là một phóng viên thực thụ. Nhưng khi hỏi ông lại cười: "Nhà báo gia công ấy mà! Tôi chỉ là cộng tác viên của các báo thôi". Sự mến phục của các tòa soạn đã mang lại niềm vui, niềm ham mê sáng tác cho ông...

Chúng ta đều biết, mặc dù là bệnh nan y song không phải người nào mắc ung thư cũng tử vong. Đã có người thuyên giảm, khỏi bệnh qua điều trị bằng các phương pháp y học hiện đại hoặc sử dụng bài thuốc y học cổ truyền. Vậy là câu hỏi còn rất mênh mông cho các nhà Y học trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Người mắc bệnh có lẽ cũng chỉ biết chữa chạy theo cách "còn nước còn tát". Tuy nhiên cũng có nhiều bệnh nhân đã biết cách "quẳng gánh lo đi mà vui sống", điều trị theo đúng phác đồ chỉ định và tham khảo các tài liệu, sự tư vấn của các nhà chuyên môn. Có những người đã thuyên giảm bệnh sau khi điều trị.

Trong số những người đã thoát căn bệnh nan y là ông Nguyễn Duy Tường - Đại tá Công an, Hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, cộng tác viên của nhiều tờ báo.

Ông Tường cho biết: Ông phát hiện mình bị ung thư tâm vị vào những ngày cuối  tháng 7/2004, trong lần đi khám tại Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) sau vài ngày ăn bị nghẹn. Được chỉ định nội soi tại Y Cao Ra Đôm (nay là Việt Sing) và Bệnh viện Việt - Nhật, các bác sĩ thông báo với ông là K tâm vị đã di căn hạch. Ông Tường được chuyển đến Bệnh viện Việt - Đức để điều trị. Tại Bệnh viện Việt - Đức, các khâu khám nghiệm, chẩn đoán cũng có kết quả tương tự nên ông được chỉ định mổ gấp. Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức thông báo cho ông Tường biết là sẽ phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ dạ dày để đảm bảo độ an toàn hơn vì đã di căn hạch. Khi nhận thông tin trên, thoạt đầu ông Tường cũng choáng váng. Vợ con ông và những người thân lo lắng tột cùng. Nhưng rồi, như ông Tường nói: "Tôi bình tâm trở lại, tự làm tư tưởng cho mình và động viên mọi người: Trời ơi, mọi người có cái u, cái nhọt ngoài da, còn tôi nó ở dạ dày, cắt bỏ đi là khỏi, có gì phải lo lắng. Tôi không thể chết trước 5 năm nữa".

Ca phẫu thuật được tiến hành ngày 11/8/2004 do bác sĩ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức Trịnh Hồng Sơn trực tiếp mổ.

Với bản tính ham mê nghệ thuật, cũng là để tránh đi sự nhàm chán khi phải nằm bẹp ở nhà, ông Tường lại xách túi máy ảnh, lên xe máy tìm nơi cảnh đẹp để chụp ảnh hoặc viết bài; đến giao lưu cùng bạn bè trong câu lạc bộ; đến các tòa soạn báo. Anh em trong Câu lạc bộ Nhiếp ảnh cũng ngỡ ngàng và nói vui: "Tưởng anh hết chụp ảnh rồi, vì bán cả máy ảnh để lấy tiền chữa bệnh mà? Vả lại, sức khỏe thế đi chụp thế nào được". Ông Tường tỉnh khấc: "Đi chụp ảnh cũng là chữa bệnh chứ. Hãy cứ coi mình là khỏe, đừng nghĩ mình đang ốm đau để vợ con phục vụ suốt ngày ở nhà".

Hồ Tây - ảnh Duy Tường.

Về nghệ thuật nhiếp ảnh, ông Tường kể: Trong thời gian làm trinh sát, ông đã được học, thực hành và trực tiếp ghi nhận hình ảnh về hoạt động của bọn tội phạm. Khi làm công tác giảng dạy tại trường Trung cấp An ninh nhân dân I, được phân công giảng dạy kỹ thuật nghiệp vụ, ông tập trung nghiên cứu về kỹ thuật máy móc đến các thao tác nghiệp vụ giúp việc đào tạo huấn luyện có hiệu quả. Với suy nghĩ phải hiểu kỹ thuật, vận dụng các tiêu chí của ảnh báo chí vào ghi nhận hình ảnh nghiệp vụ sẽ đạt hiệu quả, nên ông bắt đầu cộng tác với các báo trong ngành Công an và các báo bên ngoài. Những bộ ảnh phóng sự, bài viết của ông có sự kết hợp tinh tế giữa việc tuyên truyền về pháp luật với tính nhân văn, giúp người xem dễ cảm nhận. Ví như bộ ảnh phóng sự về một đoạn đường nguy hiểm xảy ra tai nạn giao thông khiến nhiều xe lao xuống cả bờ mương, ruộng lúa tại Quốc lộ 3 - đoạn qua Phủ Lỗ lên Sóc Sơn mà nguyên nhân là do lớp đất sét của nhà máy gạch gần đó rớt xuống mặt đường, khi gặp mưa phùn đã trở thành một lớp nhầy như dầu nhớt. Bài viết và bộ phóng sự ảnh về vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện khá công phu, bởi chỉ vào khoảng từ 2h đêm đến sáng, các lò mổ tại phố Tam Trinh, Mai Động (Hà Nội) mới sôi động. Thịt lợn, thịt bò được mổ lọc lẫn với phân, với lòng ngay trên nền sân xi măng được các chủ hàng chuyển tới chợ bán cho người tiêu dùng. Hình ảnh sinh động về thực phẩm mất vệ sinh, bài viết phân tích các loại vi khuẩn có hại dễ nhiễm vào thực phẩm giúp người xem rút ra được bài học bổ ích về vấn đề này.

Những bức ảnh toàn cảnh Hà Nội chụp từ trên cao có lẽ cũng là thách thức với điều kiện sức khoẻ của ông, nếu không có sự quyết tâm và giúp sức của bạn bè. Ông Tường đã được các đồng đội giúp sức để trèo lên hai cột ăng ten do lực lượng Công an quản lý. Cột ăng ten tại Cục Cảnh vệ bên hồ Trúc Bạch đã giúp ông có bức ảnh toàn cảnh về Hà Nội từ Trung tâm Ba Đình tới khu đô thị mới Trung Hòa -Nhân Chính - Mỹ Đình. Bức ảnh này đã đoạt Huy chương Bạc tại Triển lãm ảnh Nghệ thuật Hà Nội năm 2006. Những bức ảnh về Hồ Tây mênh mông - lá phổi xanh của Hà Nội đoạt giải về ảnh môi trường. Từ độ cao của cột ăng ten Cục Thông tin liên lạc tại Vân Hồ Hà Nội, ông đã được một cán bộ quản lý tại đó giúp sức để chụp được 4 phía của Hà Nội trên đà phát triển.

Chụp ảnh phê bình lại có cái khó riêng. Ví như muốn chụp được người đi xe máy chở hàng cồng kềnh, thanh thiếu niên đua xe vi phạm luật giao thông ắt phải chạy theo phía sau, căn cự ly đúng tầm để vừa chạy xe máy vừa một tay chụp ảnh.

Trước hàng ngàn tấm ảnh, hàng trăm tin bài mà ông Tường thực hiện đã được đăng tải trên nhiều mặt báo, nhiều người nghĩ rằng ông Tường là một phóng viên thực thụ. Nhưng khi hỏi ông lại cười: "Nhà báo gia công ấy mà! Tôi chỉ là cộng tác viên của các báo thôi". Sự mến phục của các tòa soạn đã mang lại niềm vui, niềm ham mê sáng tác cho ông.

Ông bảo, đọc cuốn sách "Quẳng gánh lo đi mà vui sống" của tác giả Dale Carnegie, ông thấy nhiều người đã thắng bệnh tật bởi họ đã ý thức được rằng, "Sự chăm sóc của bác sĩ vui vẻ và bài thuốc vui vẻ miễn phí" là rất cần thiết cho người bệnh (mà nhiều người lãng quên không sử dụng). Ông lấy niềm đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh và công việc để chữa bệnh với lý thuyết: "Thuốc chữa bệnh 50%, tư tưởng và các phụ trợ khác của cuộc sống 50% để thắng bệnh tật và giữ sức khỏe".

Giới nhiếp ảnh ở Hà Nội đã gọi ông Tường "là người trèo cao để chụp cảnh Hà Nội", vì nhìn vào bộ ảnh về Thăng Long - Hà Nội của ông, có khá nhiều những bức ảnh chụp trên các độ cao khác nhau trong nhiều thời gian, ánh sáng khác nhau. Ông đóng góp công sức khá nhiều cho cuốn sách "Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội (3 tập)" do UBND Thành phố Hà Nội và Viện Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện mừng Đại lễ nghìn năm, đóng góp hơn 300 bức ảnh cho 4 tập cuốn sách "Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long" do NXB Văn hóa - Thông tin và Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp thực hiện, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Ngoài ra, ông còn có nhiều bài, ảnh trong cuốn sách ảnh về Thủ đô, nhiều ảnh đoạt giải tại các cuộc thi ảnh Hà Nội và toàn quốc. Ông cũng là cộng tác viên của hơn chục tờ báo và nhiều tạp chí.

Khi được hỏi ông phân phối thời gian như thế nào để làm việc và nghỉ ngơi dưỡng bệnh, ông Tường cho biết: "Tôi mất 6 tháng không trực tiếp giảng dạy tại trường. Sau đó tôi tiếp tục làm công tác chuyên môn và hàng năm vẫn đạt và vượt giờ chuẩn theo qui định cho giáo viên. Còn thú ham mê nghệ thuật chụp ảnh, cứ vào buổi chiều và những ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật tôi lại xách túi máy ảnh rong ruổi trên đường phố. Có lẽ một ngày tôi phải làm việc từ 12 đến 14 giờ để không còn trăn trở, lo nghĩ về bệnh tật". Có lẽ cũng vì "tham công tiếc việc" nên có thời gian ông suy nhược cơ thể và mắc thêm chứng bệnh tràn khí màng phổi, phải điều trị tại bệnh viện hai đợt năm 2009 và 2010.

Đến năm 2010, ông Duy Tường nghỉ hưu với cấp hàm Đại tá.

Nghỉ công tác, ông càng có điều kiện để ham mê nhiếp ảnh. Trong năm 2011, kết hợp các đợt đi điều dưỡng và đi dự các lễ trao giải về nhiếp ảnh, ông lại đi đến các vùng miền khác nhau để có hình ảnh của Tây Bắc và 15 tỉnh thành phía Nam.

Phải chăng ông Tường đang sợ tuổi càng cao, sức khỏe giảm sút sẽ không được thu vào ống kính máy ảnh hình ảnh đẹp về đất nước? Ông giãi bày: "Tôi muốn làm cuốn sách ảnh về sắc màu mọi miền đất nước, với  khoảng ít nhất 40 tỉnh thành của Việt Nam và làm những cuộc triển lãm ảnh của cá nhân nên phải tranh thủ khi còn sức trèo đèo lội suối, xuống biển, lên rừng. Nếu còn sức khỏe tôi ấp ủ viết truyện tranh cho thiếu nhi hoặc người cao tuổi để tiếp tục góp một chút cho đời"

Công Nguyễn
.
.