Nghệ sĩ múa đương đại Sùng A Lùng: Cánh cửa ấu thơ vẫn mở

Thứ Bảy, 27/04/2019, 08:01
Nhắc đến Sùng A Lùng là nhắc đến sự hoang dã, ngây ngô nhưng bạo liệt, cuồng điên với vũ điệu. Bước xuống phố thị đã hơn 10 năm nhưng chàng trai người Mông ấy vẫn mang mùi hoa ban, mùi ruộng bậc thang, mùi núi rừng Tây Bắc cằn lên đá mèo để ru mình đêm đêm...


Tại Liên hoan nghệ thuật đương đại Krossing Over diễn ra vào tháng 4 tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, nghệ sĩ múa Sùng A Lùng mang đến vở múa đương đại “Cánh cửa”. Đây là bản phát triển từ vở “Ru đêm” do anh tự biên tự diễn và giành Huy chương Vàng tại cuộc thi “Tìm kiếm tài năng trẻ biên đạo múa toàn quốc 2016”.

Khi ấy, dàn giám khảo gồm NSND Nguyễn Công Nhạc, NSND Trần Kim Quy, NSƯT Trần Ly Ly... đều trầm trồ ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng vì sự mới mẻ, vì cách kết hợp giữa dân gian và đương đại rất tinh tế, tài tình của chàng trai dân tộc Mông. Càng ngỡ ngàng hơn nữa khi lúc ấy Sùng A Lùng chỉ là diễn viên múa chứ chưa hề qua trường lớp biên đạo nào.

Tự biên đạo, tự độc diễn, “Ru đêm” là câu chuyện của người đồng tính, là nỗi khát khao được là chính mình. Chàng trai dân tộc ấy giằng xé với nội tâm, đau đớn giày vò trong thân xác xa lạ dưới chiếc váy xòe Mông treo cao.

Nghệ sĩ múa Sùng A Lùng.

Khi ấy, NSƯT Trần Ly Ly không ngớt lời thán phục: “Vở “Ru đêm” là một trong những vở múa định hướng được nền múa đương đại Việt Nam. Để làm được điều này là vô cùng khó. Tất cả chúng tôi đều ngạc nhiên: Tại sao Sùng A Lùng có thể biểu diễn được một tác phẩm solo với thủ pháp vô cùng dung dị nhưng lại chạm đến trái tim mọi người như thế?

Sùng A Lùng định hướng được múa đương đại Việt Nam bởi vì múa đương đại Việt phải mang tâm hồn người Việt, mang cái gì đó đồng cảm với phương Đông nhưng lại không xa rời ngôn ngữ của thế giới. Phát hiện được tài năng này khiến chúng tôi rất vui mừng và cảm động”.

Lần trở lại này, “Ru đêm” đổi tên thành “Cánh cửa” khi Sùng A Lùng hợp tác cùng biên đạo Nguyễn Phúc Hùng và nghệ sĩ thị giác Sandrine Llouquet. Các nghệ sĩ khai thác sâu hơn thông điệp mà Sùng A Lùng gửi gắm với những mảng màu sắc cảm xúc mạnh mẽ hơn, tình yêu đồng giới đặt cạnh tình yêu nam nữ với những đối chọi, thách thức cao trào.

Sùng A Lùng cho biết, trong lúc anh dịch câu chuyện của vở múa từ tiếng Việt sang tiếng Mông và đọc thì có chữ "Lub Qhov Rooj" (cánh cửa) cứ lặp đi lặp lại. Nguyễn Phúc Hùng thấy vậy thì bảo nên đặt tên vở là “Cánh cửa” để nhấn mạnh ý nghĩa nguyên bản và giản dị của vở múa.

Trong câu chuyện về cuộc đời mình, cánh cửa ấu thơ không ngừng trở đi trở lại và trở thành biểu tượng, thành động lực thôi thúc chàng trai sinh năm 1993. “Đó là cánh cửa mà mẹ tôi vẫn mở mỗi sáng, mở cửa ra sẽ thấy ánh sáng lùa vào đem theo cả núi đồi Tây Bắc trùng điệp, mở ra thế giới rộng mở mời gọi bước chân tôi. Cánh cửa đó cùng tôi lớn lên, nuôi dưỡng bao ước mơ chinh phục chân trời mới.

Từ cánh cửa đó, tôi ra đi, bước những bước chân đầu tiên cho đến khi gặp được chính mình. Đó là cánh cửa trong chính tôi, trong chính mỗi chúng ta. Hãy mở cửa để những khát vọng được bay cao, để đam mê điên rồ nhất được xổ lồng. Hãy mở cửa để đi tìm bản ngã, đi tìm câu trả lời cho chất vấn: Tôi là ai? Tôi làm gì ở cuộc đời này?” - Anh tâm sự. Và trên sân khấu, “Cánh cửa” có bản nam, có bản nữ, có Tôi làm nên phức hợp nội tâm giằng xé. 

Trước đây, “Ru đêm” để lại ấn tượng sâu sắc còn bởi tiếng khèn lá, bởi lời hát ru nức nở và mộc mạc của người con Tây Bắc. Sùng A Lùng cho biết, bài hát ru đó anh học từ bố. Nó là bài hát cổ, anh cũng không nhớ tên, chỉ biết nội dung là lời tâm sự của một người em với người chị về cuộc đời mình. Đó là một cuộc đời mà người em tự vạch ra, tự bước đi.

Dù khó khăn, cách trở thế nào thì người em vẫn đi theo con đường mình đã chọn. Sùng A Lùng mượn điệu hát ru để nói hộ tâm tình của mình. Như anh đã rời bản làng và chọn nghề múa để rồi thân xác và linh hồn anh vĩnh viễn thuộc về nó, dẫu mồ hôi và máu có rơi trên sàn tập, dẫu bạn bè cùng lứa chê bôi. Hồi học tiểu học, mấy năm liền anh làm quản ca rồi tập văn nghệ cho các bạn. Anh múa bản năng vậy thôi chứ không biết múa cụ thể là như thế nào.

Đến năm lên lớp 9, ông đưa Lùng đi thi múa ở Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tại Hà Nội thì lúc đó cậu mới hiểu về múa và gắn chặt số phận của mình với vũ điệu. Anh thật thà: “Múa là cuộc sống, là hơi thở của tôi. Lên sân khấu, tôi cảm thấy mình đang phiêu ở đâu đó. Đôi lúc nó ảnh hưởng cả ngoài đời. Mọi người thường gọi tôi là thằng điên. Tay chân bất giác múa mà mình cũng không hay biết”.

Sùng A Lùng bảo rằng, nếu an phận, có thể giờ này anh đã trở thành anh nông dân trên cánh đồng bậc thang hoặc yên ổn với mức lương khá ở phòng văn hóa xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Nhưng Sùng A Lùng là chú ngựa núi đồi. Anh không thích chôn chân một chỗ, tính tự lập lại được rèn từ ngày nhỏ trèo đèo lội suối, tự nấu cơm trên đường đi học nên Lùng quyết tâm một mình xuống Hà Nội làm việc. Là diễn viên múa đang lên của Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, anh lại vào TP Hồ Chí Minh để thử thách mình, khám phá vùng đất mới. Giờ đây, anh là nghệ sĩ múa nòng cốt của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP Hồ Chí Minh.

Sùng A Lùng thể hiện một điệu múa ở dưới thác Bản Giốc.

Sùng A Lùng có xuất phát điểm không suôn sẻ như đồng nghiệp cùng trang lứa. Quê anh nghèo, bố mẹ anh không mấy hài lòng với đứa con tối ngày múa máy vẩn vơ. Bạn bè người HMông cũng chọc khi thấy anh là con trai mà thích múa như con gái. Mấy phen đánh nhau rách áo, đứt cặp với lũ con trai. Theo thời gian, những lời khích bác, trêu chọc dần trở thành động lực tiếp thêm sức mạnh để anh cố gắng học tập, cố gắng chứng minh cho những người từng ăn hiếp mình thấy rằng mình không hề kém cỏi.

Anh tâm niệm, hãy cứ đơn giản hóa mọi thứ, bỏ ngoài tai mọi đàm tiếu mà sống cho thanh thản. Bây giờ, mỗi lần Lùng về quê, người ta vẫn xúm lại trầm trồ ngưỡng mộ vì “cái thằng được đi đây đi đó, gặp toàn người nổi tiếng”. Còn ông bà anh mỗi lần xem cháu mình múa qua tivi thì lại chảy nước mắt. Ông bà khóc vì không ngờ một ngày, đứa cháu ông bà yêu quý từ nhỏ lại được múa trong cái tivi bé tí ti.

Ngoài múa, chàng trai Mông còn đắt show làm mẫu. Sở hữu đôi mắt một mí Á Đông, vẻ hoang dại và ma mị của núi đồi khiến chàng trai dân tộc được giới thời trang vô cùng ưu ái trong những bộ cánh thể hiện chất phóng khoáng, quái, dị.

Sùng A Lùng từng gây sốt khi góp mặt trong bộ ảnh “Những kẻ mộng mơ” của nhiếp ảnh gia Tâm Bùi và đóng cặp với ca sĩ Bích Phương trong MV “Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau”. Dù làm mẫu, hoạt động trong giới showbiz nhưng Sùng A Lùng né xa những sân si và coi nó chỉ là nghề tay trái hỗ trợ cho nghệ thuật múa của mình.

“Khi chụp hình, tôi nghĩ đơn giản lắm, mình còn trẻ thì tranh thủ chụp hình chứ già rồi thì lên hình đâu đẹp nữa. Tôi là người nội tâm, chỉ thích chỗ nào yên tĩnh, ít người, chứ chỗ nào đông vui, xôm tụ là mình lại không ưa. Mình cũng chỉ là người mẫu nghiệp dư thôi, làm chủ yếu theo bản năng chứ không ham thích nổi tiếng. Nó không hợp với tạng người như tôi” - Lùng nói.

Sùng A Lùng tự nhận mình yêu mọi thứ cuồng dại, nhưng vẫn đầy ngây ngô, ngu ngơ. Anh bảo, dù có sống giữa những tòa nhà cao tầng bao nhiêu năm thì mình vẫn chỉ là thằng người rừng giữa phố. Ngược xuôi giữa đô thị ồn ào, phồn hoa, chàng trai người Mông ấy giữ gìn nguyên sơ hình ảnh của núi đồi, của cánh cửa, chiếc váy xòe sặc sỡ, của lúa mùa thơm ngát trên chân ruộng bậc thang trong dòng máu, trong hơi thở. Để rồi anh chắt chiu tất cả mà đem vào trong từng vũ đạo, từng vở múa đậm tinh thần đương đại.

Quỳnh Nga
.
.