Nghệ sĩ hài Quang Tèo: Sống đàng hoàng bằng nghề diễn

Thứ Năm, 08/12/2011, 08:00
Thành danh nhờ những vai hài chọc cười khán giả trong các chương trình “Gặp nhau cuối tuần”, “Gala cười” hay các đĩa hài ngày Tết, nhưng ít người biết rằng, Quang Tèo lại trưởng thành từ sân khấu kịch quân đội với những vai diễn chính kịch lấy được không ít nước mắt của khán giả như: Đôn “sứt” trong vở “Lời thề thứ chín”, Dũng trong “Điều không thể mất”, Phó Sung trong “Ấp Sậu lúc hoàng hôn”, Tạo trong “Dòng sông ký ức”, Kỳ trong “Cái chết chẳng dễ dàng gì”, Bền trong “Thời gian không im lặng”...

Nghệ sĩ Quang Tèo đã đoạt hai Huy chương vàng Hội diễn toàn quân (năm 1995) và Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (năm 2004), ba năm liền Quang Tèo được bình chọn là nghệ sĩ được khán giả yêu thích nhất trong chương trình Gala Cười. Hiện anh đeo quân hàm Trung tá, thuộc quân số của Nhà hát kịch quân đội.

- Để ý nhiều nghệ sĩ thành danh, tôi thấy, để đến với con đường nghệ thuật, họ thường chọn cho mình một nghệ danh. Có người chọn nghệ danh đẹp, mỹ miều, hay như các nghệ sĩ trẻ ở ta hiện nay thì lại thường chọn kiểu “nửa ta nửa tây”... Còn anh, cái nghệ danh Quang Tèo có vẻ rất đơn giản, dân dã nhưng lại dễ thuộc, dễ nhớ… Anh đã chọn nghệ danh cho mình như thế nào?

+ Thời của chúng tôi, làm nghề chỉ vì yêu nghề và dĩ nhiên, cũng muốn nổi tiếng với nghề của mình, tuy nhiên không phải ai cũng ý thức cho việc đi tìm nghệ danh như các anh em trẻ bây giờ. Tôi “bị” gắn “mác” Quang Tèo từ năm 1983, hồi còn là sinh viên năm đầu tiên của Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Quân đội (nay đã lên Đại học), tham gia trình diễn tiểu phẩm giao lưu. Hồi đó, tôi vào vai một người khuyết tật (bị khoèo) tên là Tèo. Thực ra Tèo không bị khoèo mà chỉ giả vờ bị khoèo chân khoèo tay, méo mồm và lợi dụng sự tật nguyền đó để đi buôn rượu lậu. Nhưng rồi có một lần vì khoèo mãi một kiểu, mỏi tay quá nên hắn đổi tư thế thì bị phát hiện và bị bắt. Đó là một vai diễn ấn tượng, nên từ đó, mọi người quanh khu tập thể tôi ở thường gọi tôi là Quang Tèo. Sau này, khi đạo diễn Khải Hưng chọn bộ ba Văn Hiệp, Giang Còi, Quang Tèo để xây dựng mô típ hài trong chương trình gặp nhau cuối tuần thì cái tên Quang Tèo đã trở thành “bản sắc” của tôi rồi. Có lần, một cậu bé gặp tôi đã reo lên: “A, Quang Tèo kìa!” thì bị người bố đi cạnh quát: “Không được gọi thế, phải gọi là chú Quang!”. Thật ra thì bản thân tôi cũng cảm thấy cái tên Quang Tèo là một… âm thanh dễ chịu và dân dã khiến cho vai diễn của mình và cái tên mình nó hòa làm một. Chứ bây giờ ai mà gọi tôi bằng cái tên cúng cơm là Nguyễn Tiến Quang thì tôi cũng thấy hơi… ngờ ngợ!

- Thú thật là tôi - mà có lẽ không chỉ riêng tôi - gần như chưa bao giờ thấy anh khoác trên vai bộ quân phục mà chỉ thấy anh mặc quần áo nông dân xăm xắn với ruộng đồng, tay chân khua khoắng trên màn ảnh nhỏ…

+ Cũng do đặc thù của công việc mà thôi, chứ tôi mặc quân phục trông cũng… điển trai lắm đấy (cười!). Nói vậy, dù là một quân nhân nhưng bản chất nông dân đã ngấm vào máu thịt tôi rồi. Tôi xuất thân trong một gia đình nông thôn ở làng cốm Vòng (Dịch Vọng, Từ Liêm, Hà Nội). Bố mẹ tôi làm nông nghiệp, hồi bé tôi chăn trâu cắt cỏ nên mọi thứ thuộc về nông thôn không còn lạ lẫm gì đối với tôi cả. Bởi vậy, tôi đóng vai anh nông dân lầm lũi, ăn to nói lớn, xốc vác với công việc nặng nhọc… là đúng với chất của tôi nhất! Tuy nhiên, khi… có tuổi rồi thì mình cũng phải cẩn thận hơn. Có lần đóng tiểu phẩm hài ở làng Tây Mỗ, có cảnh tôi mua vịt về thịt nhưng chuẩn bị cắt tiết thì vịt sổng chạy xuống ao. Để quay cảnh, tôi lao theo con vịt xuống ao… tóm cổ nó trở lại, thì phải thuê một người dân ở làng xuống thăm trước để xem có đinh hay mảnh chai không. Trước khi nhảy xuống, tôi còn cẩn thận xỏ tạm đôi giày của ai đó để trên bờ cho… chắc ăn. Lúc đạo diễn bắt đầu hô “diễn” thì tôi lao xuống tóm con vịt và thụp ngay xuống một lớp bùn sâu, đôi giày dính chặt ở dưới đó không thể kéo lên được. Cảnh quay thành công nhưng mãi sau tôi thấy đạo diễn loay hoay đi tìm… giày. Lúc đó tôi đành lờ đi coi như ông bị… mất cắp, không thì ông ấy chửi cho mất mặt!

Nghệ sĩ Quang Tèo (ngoài cùng bên phải) trong một tiểu phẩm hài.

- Phải thừa nhận rằng, trên sân khấu hài Việt Nam có vài gương mặt nổi bật thì anh là một trong những gương mặt đáng được ghi nhận vì những đóng góp của mình đối với thể loại hài kịch. Anh đã phát hiện khả năng gây cười của mình bắt đầu như thế nào?

+ Có lẽ đó là thời điểm tôi tham gia những tiểu phẩm vui của chương trình Truyền hình Quân đội với nhân vật Tức “anh ách”, Trần “rừng rực”. Nhưng cho đến khi đạo diễn Khải Hưng mời tôi đóng cặp với Giang Còi trong chương trình Gặp nhau cuối tuần ở thời kỳ đầu tiên thì tôi mới thực sự tìm được “sở trường” của mình. Đạo diễn Khải Hưng đã có công phát hiện và xây dựng cặp Quang Tèo - Giang Còi thành một nhóm hài chuyên vào vai nông dân với việc chăn vịt, nuôi lợn, gây được ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem. Hai ông nông dân này luôn tranh cãi nhau, “gườm” nhau giống hai nhân vật hoạt hình Tom và Jerry của kênh CN, nhưng người xem vẫn rất yêu quý vì nó đúng bản chất của người nông dân: mộc mạc, chân thành, cãi cọ đấy, “xỏ” nhau đấy nhưng không có sự thâm độc, hiểm ác. Vì thế khi chương trình “Gặp nhau cuối tuần” đóng cửa, Giang Còi cũng nghỉ diễn để đi học đạo diễn rồi mở công ty quảng cáo, sự kiện, còn tôi thì xác định cả cuộc đời mình chỉ làm nghệ sĩ chứ không làm được việc gì khác nên nỗ lực tìm hướng đi cho riêng mình. Tết vừa qua, tôi mời diễn viên Trung Hiếu đóng chung “Đại gia chân đất”, thấy cũng được bà con khá yêu mến và đĩa lậu thì bán… tới tấp!

- Ngoài khả năng chọc cười, anh còn có khả năng lấy được nước mắt của khán giả và bạn diễn nữa? Anh chia sẻ gì về điều này?

+ Trong thập niên 90, tôi diễn nhiều vai cá tính trên sân khấu, có những vai hơi tếu táo nhưng hầu hết là chính diện xuyên suốt trong các cảnh diễn. Tôi cũng nhập vai khá nhanh nên những vai cần sự xúc cảm thì tôi tung hứng khá tốt với bạn diễn. Chẳng hạn như vai Tạo, một anh chiến sĩ bị thương “thập tử nhất sinh” trong vở “Dòng sông ký ức” (tác giả Chu Thơm). Anh là người biết được thông tin mật về cuộc phản công của địch nhưng vì bị thương nặng quá nên anh không thể nói được. Liều thuốc duy nhất cứu được anh chính là người yêu của anh (do diễn viên Thu Quế đóng). Đó là một mối tình câm lặng vì có sự xuất hiện của người thứ ba. Khi diễn cảnh này, tôi xúc động và khóc thật, nước mắt ròng ròng chảy ra ướt cả tay cô người yêu. Mình khóc mà khán giả không biết, vì nằm quay mặt vào. Sau đó Thu Quế có nói nhỏ là tôi khóc… hơi nhiều, khán giả có thấy đâu mà khóc nhiều thế, làm cô ấy khóc theo… như mưa. Hay như vai Phó Sung trong vở “Ấp Sậu lúc hoàng hôn” (đạo diễn Tạ Xuyên), tôi vào vai một đứa con của người bố làm sếp “lớn”, sinh ra đã bị xấu xí nên bị ông bố đánh tráo để lấy con của cô công vụ (chính là con riêng của ông), một vai diễn có 7 cảnh thì 6 cảnh đầu tôi diễn vui, tưng tửng, hài hước còn đến cảnh cuối, cảnh tôi vạch mặt ông bố giả dối và cứu được người mẹ bị thần kinh (khi bị tráo con) của mình, tôi đã diễn như nhập đồng, vừa khóc rưng rức vừa diễn. Khi nhìn xuống khán giả, tôi thấy nhiều người quệt nước mắt theo mình. Khi kết thúc chương trình, đồng chí Tư lệnh Quân khu I mang hoa lên tặng, tôi thấy hàng mi ông còn ướt vì xúc động.

- Anh từng nhiều lần tự hào rằng, anh là một trong những nghệ sĩ ít ỏi ở xứ mình sống và nuôi cả gia đình bằng nghề diễn. Như vậy có thể hiểu rằng, luôn có một cánh cửa đủ rộng để cho các nghệ sĩ của chúng ta đi qua, quan trọng là họ có biết cách tìm mà đi không thôi!

+ Nhưng muốn vậy, tôi đã phải làm việc gấp nhiều lần người khác. Ngoài việc phải tham gia các vở diễn của Nhà hát kịch Quân đội, tôi luôn tranh thủ từng giờ để tìm nguồn kịch bản, tìm bạn diễn, tìm địa điểm đi diễn, diễn phải hay, phải có khán giả thì mới có... tiền. Mình cũng không thể “ăn xổi” được, bởi đã có… thương hiệu rồi, khán giả mà thất vọng thì chỉ có nước… bỏ nghề! Chính vì thế, có lúc tôi phải “vắt chân lên cổ” vì lịch diễn khá dày đặc, lại chồng chéo. Tôi vẫn còn nhớ, hồi tham gia đóng phim Cảnh sát hình sự cho Truyền hình, hôm ấy quay cảnh bắt cướp ở Đỉnh Vua (Ba Vì) tới 4 giờ chiều thì tôi phải phi xe máy về Nhà hát kịch Quân đội ở Mai Dịch để cùng đoàn lên Thái Nguyên, 7 giờ 30 tối diễn tiếp. Đi vội vàng không còn thời gian ăn cơm tối, không những thế, có một con vắt đã bám vào cổ từ lúc ở Ba Vì mà tôi không hề biết. Cũng đợt đóng phim Cảnh sát hình sự này, trong cảnh quay đấu võ với các võ sư “xịn” (đóng vai bọn cướp), tôi đã bị ngã vào đống gạch vụn và bị giãn dây chằng, phải nằm một chỗ mất 20 ngày… Vậy đấy, để có được dăm mười phút cống hiến cho khán giả thì hàng trăm thứ dích dắc trời ơi đất hỡi xảy ra, nhưng không phải lúc nào người nghệ sĩ cũng than vãn hay chia sẻ được. Sinh nghề tử nghiệp mà!

- Xin cảm ơn nghệ sĩ Quang Tèo!

Hoàng Kim
.
.