Nghệ sĩ dân gian Nga với khúc hoan ca phố cổ

Thứ Năm, 30/08/2007, 10:00
Theo cảm nhận của tôi, những khúc hoan ca trên phố cổ Arbat là sức sống tiềm ẩn của dân tộc Nga, là bản sắc của nền văn hóa Nga, và vì thế nó sẽ có sức lan tỏa đến muôn nơi và muôn sau.

Sang Moskva đã mấy ngày nhưng chiếc đồng hồ tôi đeo trên tay vẫn giữ nguyên theo múi giờ Hà Nội. Tôi cố tình để như thế mong níu kéo một chút cảm giác gần gũi với quê hương đất nước từ nơi xa xôi vạn dặm này.

Đang là đầu tháng 7, khoảng thời gian mà thành phố Saint Peterburg vừa trải qua 5 đêm trắng, còn Moskva cũng chỉ có gần hai canh giờ là đêm. Mà đêm ở đây cũng tỏ mờ huyền ảo như đêm trăng lu. Nhìn kim đồng hồ chỉ số 12, biết giờ này Hà Nội đã khuya. Vậy mà trên xứ sở của bạch dương vẫn còn chang chang nắng.

Vào thời điểm ấy tôi có mặt ở một trong những địa chỉ đang bảo lưu không gian văn hóa truyền thống của thủ đô nước bạn: phố Arbat cổ. Những gì được chứng kiến ở Arbat cổ khiến tôi liên tưởng ngay đến phiên chợ đêm phố cổ bên mình. Trước khi sang đây ít ngày, tôi đã có dịp dự trọn vẹn một phiên chợ đêm Hàng Ngang - Hàng Đào. Có lẽ vì tên gọi là "chợ đêm" nên ở đây người ta đầu tư cho không gian mua bán hàng hóa nhiều hơn không gian văn hóa. Thành ra dưới lòng đường là san sát các kiốt bán tạp hóa. Lác đác vài họa sĩ ký họa chân dung chiếm một khoảng trống nho nhỏ trên vỉa hè chật chội để hành nghề.

Cũng có những chàng trai và một vài cô gái người ngoại quốc đi phố chợ thử ngồi làm người mẫu để các họa sĩ trổ tài. Sau mươi phút họ đã sở hữu một bức chân dung của mình với giá mười lăm, hai mươi ngàn đồng.

Cuối chợ Đồng Xuân có một khoảng trống dành cho du khách thưởng thức miễn phí những câu hát xẩm do những nghệ sĩ đã thành danh như Thanh Ngoan, Văn Ty, Thúy Ngần biểu diễn.

Sở dĩ tôi muốn phác thảo lại đôi nét chợ đêm phố cổ quê mình như vậy vì trên phố Arbat cổ cũng có kiốt bán hàng, cũng có họa sĩ ký họa chân dung và cũng có ca, múa dân gian truyền thống của nước bạn. Chỉ có điều, nơi đây không gian văn hóa lên ngôi, còn không gian mua bán hàng hóa phải lui xuống hàng thứ yếu.

Phố cổ Arbat nhỏ hẹp hơn các tuyến phố mới của thủ đô Moskva, nhưng chiều ngang cũng rộng gấp đôi Hàng Ngang- Hàng Đào bên ta. Nền đường không trải nhựa mà vẫn giữ lại những viên đá lát từ nhiều thế kỷ trước.

Trên cái nền đá đã lồi lõm vết thời gian, các nghệ sĩ dân gian đến từ khắp mọi miền tự do chọn vị trí để thăng hoa cảm xúc và cần mẫn lao động nghệ thuật để mưu sinh.

Đông nhất có lẽ là đội ngũ họa sĩ ký họa và hý họa. Dọc phố có không dưới ba mươi nghệ sĩ nhăm nhăm trên tay những cây chì đen, chì màu chờ khách. Xung quanh mỗi nghệ sĩ là những bức vẽ tự quảng cáo cho tay nghề của mình. Họ không cần phải mời chào mà du khách đến ngồi làm mẫu vẫn khá đông. Giá một bức chân dung bằng chì than trung bình là 600 rúp (khoảng 300.000 đồng tiền Việt Nam). Còn giá một bức hý họa cao hơn, tùy theo ý tưởng của người muốn vẽ.

Công bằng mà nói, được chiêm ngưỡng quá trình lao động của những họa sĩ vẽ chân dung có thể nhận thấy những tác phẩm của họ thật sinh động và đã lột tả được thần thái của người mẫu.

Ở một đất nước có những họa sĩ tài hoa như Lêvitan, Xêrốp, Ivan Cramxcôi, trình độ thẩm mỹ của người dân về hội họa khá cao, chắc chắn một họa sĩ không thực tài không thể đua chen kiếm sống ở nơi đô hội này.

Không chỉ ký họa chân dung, một số họa sĩ còn có tranh phong cảnh gửi bán ở các kiốt giữa đường. Giá một bức tranh từ vài chục đến vài trăm đôla Mỹ. Người bán hàng nói với du khách rằng, cứ mua những bức tranh này đi, mai này khi chủ của nó nổi tiếng, mỗi tác phẩm có khi lên hàng ngàn, hàng vạn đô la không chừng...

Có thể người bán tranh đã quảng cáo quá lời nhưng được ngắm tranh, được tận mắt chứng kiến công việc sáng tạo của các họa sĩ trên phố cổ Arbat, du khách có thể cảm nhận được phần nào về hội họa dân gian của nước Nga.

Không đông đảo như các nghệ sĩ cầm chì, cầm cọ nhưng các nghệ sĩ dân gian đàn, hát, nhảy múa lại khiến cho Arbat có nét hấp dẫn khác. Đầu phố, chúng tôi được thưởng thức một tiết mục khá đặc sắc của một nhóm nghệ sĩ, chắc là của dân tộc ít người nào đó từ xa tới. Trang phục lạ mắt, lời hát không Nga, cũng không Anh và đặc biệt là vũ điệu thì thật tưng bừng, khỏe khoắn...

Giữa phố, du khách lại bị hút hồn bởi một tiết mục độc tấu nhạc cụ rất độc đáo. Người nghệ sĩ có gương mặt hài hước, trang phục phong trần ngồi trên một chiếc loa thùng, hai bàn chân đeo đầy lục lạc, ôm chiếc ghi ta 12 dây đang say sưa biểu diễn...

Nghệ sĩ thản nhiên thả hồn theo âm thanh của cung đàn và chỉ dừng lại khi du khách đề nghị tấu một bản nhạc nào đó theo yêu cầu hoặc ngỏ lời mua đĩa nhạc do chính anh ta biểu diễn và sản xuất. Giá của một đĩa nhạc do nghệ sĩ dân gian biểu diễn giữa đường này có phần đắt hơn đĩa của những ban nhạc trẻ khác.

Ở một đất nước mà thói quen dùng hàng độc, hàng thủ công với giá đắt hơn hàng sản xuất theo công nghệ hàng loạt, người ta sẵn sàng chấp nhận mua đĩa của nghệ sĩ lang thang với giá cao. Và nhờ vậy, các nghệ sĩ dân gian vẫn có thể kiếm sống bằng lao động nghệ thuật truyền thống.--PageBreak--

Trước khi đến phố Arbat cổ, chúng tôi từng gặp khá nhiều ban nhạc dây biểu diễn ở một số hầm sang đường dành cho người đi bộ hoặc lối xuống một ga tàu điện ngầm. Họ ăn mặc đẹp, sử dụng nhạc cụ đắt tiền và say sưa hòa tấu những bản nhạc nổi tiếng.

Trong số hàng ngàn, hàng vạn khách bộ hành, ai đó quý trọng tài năng của họ thì đặt một vài chục rúp vào một cái hộp trước mặt...Với họ, được chơi đàn, lại có người nghe và thưởng cho một ít tiền đủ sống là hạnh phúc lắm rồi!

Ở phố Arbat cổ còn có một địa chỉ văn hóa mà bất cứ một du khách qua đây đều phải dừng chân chiêm ngưỡng. Đó là nhóm tượng đại thi hào Nga Puskin và Natalia Gôntrarôva - vợ ông. Tượng bằng đồng, cao hơn 3 mét như tái hiện lại cảnh vợ chồng nhà thơ đang dạo bước trên phố Arbat hay đi dự một vũ hội nào đó từ non hai thế kỷ trước.

Cách tượng vợ chồng nhà thơ Puskin không xa, một nữ nghệ sĩ đã có tuổi nhưng còn rất đẹp đang hát thơ. Quanh nghệ sĩ có ba cô gái trẻ đang chăm chú nghe với vẻ mặt đầy hân hoan.

Anh chàng sinh viên khoa Báo chí Trường đại học Tổng hợp Hữu nghị các dân tộc - hướng dẫn viên du lịch tự nguyện của tôi nói rằng, có thể một trong ba cô gái là tác giả của những bài thơ mà nữ nghệ sĩ đang thể hiện.

Ở phố Arbat cổ còn có dịch vụ đọc và hát thơ thuê như thế. Nhiều cô cậu sinh viên hay những người mới tập làm thơ thường mang sáng tác mới của mình đến đây nhờ các nghệ sĩ chắp cánh cho tác phẩm nghệ thuật của mình với mong muốn để bạn bè và du khách cùng thưởng thức qua chất giọng đầy biểu cảm của những nghệ sĩ dân gian.

Như phần đầu bài viết đã đề cập, ở phố Arbat cổ, không gian văn hóa có vị thế cao hơn hẳn không gian phố chợ. Nhưng không gian chợ ở đây cũng khá độc đáo. Bởi lẽ suốt con phố người ta không bán hàng tiêu dùng, mà chỉ bán các loại hàng lưu niệm độc đáo.

Tôi tận mắt nhìn thấy những chú chó cảnh nhỏ xíu trong một chiếc bình thủy tinh dành cho cá vàng. Bên cạnh các "bình chó" nhỏ là một chú chó ngao dữ tợn nặng tới nửa tạ và một vài con cầy hương đang ngoe nguẩy đuôi chờ khách mua.

Cũng có một quầy hàng lưu niệm bán nón trắng và mũ lá của Việt Nam. Chủ của quầy hàng này là một phụ nữ đến từ vùng Trung Á. Những chiếc nón và mũ "đặc sản Việt Nam" ở đây chưa đạt đến độ tinh xảo như hàng bày bán ở phố Hàng Bông, Hàng Khay bên mình, nhưng giá thì cao ngất ngưởng, tính ra tới 150.000 đồng một chiếc.

Hàng lưu niệm nhiều nhất vẫn là các loại trang phục của người lính Hồng quân hồi Thế chiến lần thứ hai. Mũ áo, quân hàm, quân hiệu, huân, huy chương và cả những thanh kiếm của những sĩ quan từng xông pha trận mạc được bày la liệt tại ba kiốt giữa đường.

Hình như những người kinh doanh hàng lưu niệm ở đây muốn gửi đến du khách bốn phương một thông điệp: nước Nga còn tiềm tàng cả những hiện vật chứng minh cho kỳ tích chống xâm lăng của cha ông họ.

Có lẽ cùng ý tưởng ấy mà mới đây nhất, nhân kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng phát xít, tại Moskva đã khánh thành tượng đài chiến thắng đồ sộ trên một quảng trường rộng lớn cách Quảng trường Đỏ không xa.

Đi, đi mãi rồi cũng đến đoạn cuối của con phố cổ. Lại gặp một nhóm tạp kỹ đang biểu diễn giữa vòng du khách Âu, Á đứng chen nhau. Vẫn những tiếng đàn, giọng hát, vẫn cô gái Nga rất đẹp lấp ló sau những nghệ sĩ, trong tay cầm những CD, DVD với lời chào: "Các bạn đến Arbat cổ, rồi các bạn sẽ rời Arbat cổ, nhưng những khúc hoan ca trên con phố này vẫn còn theo các bạn suốt cuộc hành trình, suốt cả cuộc đời...Và lúc nào muốn sống lại với Arbat cổ hôm nay, các bạn chỉ cần đặt chiếc đĩa này vào máy, ấn nhẹ tay lên phím play...".

Rõ là một lời quảng cáo mà vẫn cảm thấy cô gái đã nói hộ nỗi lòng của du khách. Trước khi đến Arbat cổ, tôi đã đi ngang qua phố Arbat mới. Một dãy phố với san sát những sòng bạc, hộp đêm, những siêu thị hàng hóa đắt tiền. Vỉa hè con phố này là bến đậu những chiếc xe trăm ngàn đô của những tay chơi tỉ phú. Nhưng ngắm những chiếc xe đắt tiền, những vị khách ra vào sòng bạc, hộp đêm mặt lạnh như băng, tôi có cảm giác lạc lõng xen chút lạnh nhạt.

Đó không phải là không gian cho quần chúng nhân dân và du khách xa gần. Nhưng đến Arbat cổ, bất cứ ai cũng có thể cởi bỏ âu lo thường nhật và hòa nhập được ngay không khí hội hè với tiếng đàn, câu hát, điệu múa mang đậm tính cách Nga. Còn theo cảm nhận của tôi, những khúc hoan ca trên phố cổ Arbat là sức sống tiềm ẩn của dân tộc Nga, là bản sắc của nền văn hóa Nga, và vì thế nó sẽ có sức lan tỏa đến muôn nơi và muôn sau

.
.