Đạo diễn Bùi Như Lai:

Nghệ sĩ của những “góc khuất”

Thứ Ba, 13/10/2015, 08:00
Đạo diễn Bùi Như Lai tiếp quản cương vị Trưởng đoàn kịch 1- Nhà hát Tuổi trẻ từ cuối năm 2013. Bùi Như Lai là một đạo diễn trẻ ghi được nhiều dấu ấn trong lòng khán giả trẻ với các dự án kịch đương đại tập trung vào các mảng đề tài vốn được coi là khá nhạy cảm ở Việt Nam như vấn đề người đồng tính, người có HIV, bạo lực gia đình... Không chỉ có thế, anh còn là một nghệ sĩ luôn trăn trở với thể loại chính kịch - nơi số phận con người với nhưng  nỗi khổ đau, hạnh phúc, tiếng cười và nước mắt thường được tái hiện một cách tinh tế, sâu sắc.

Tháng 7 vừa qua, tại Liên hoan Sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an lần thứ 3 tổ chức tại Hà Nội, Đoàn kịch 1 Nhà hát Tuổi trẻ đã tham gia vở diễn "Cho cuộc đời bình yên" (Kịch bản: Lê Chí Trung) do chính trưởng đoàn Bùi Như Lai làm đạo diễn.

Vở diễn được trao Huy chương Bạc và được đánh giá là một trong những vở diễn vừa có cách thể hiện thuyết phục về hình tượng người chiến sĩ Công an, vừa để lại những ấn tượng đặc biệt về phong cách dàn dựng của đạo diễn: Trẻ trung, tươi mới, phá cách và đầy bản lĩnh. Đạo diễn Bùi Như Lai cho biết, lần đầu tiên dàn dựng một vở kịch nói về đề tài người chiến sĩ Công an, anh cảm thấy rất hứng khởi và có động lực.

Tất nhiên, anh cũng lường trước được những khó khăn, thử thách khi đứng trước một đề tài mới mẻ nên đoàn đã bắt tay vào tập luyện trước khi liên hoan bắt đầu 3 tháng. Vì chưa có kinh nghiệm nên có nhiều kiến thức liên quan đến mảng nghiệp vụ của ngành Công an, anh đã phải nhờ tới NSƯT Công Bảy của Đoàn kịch nói Công an nhân dân giúp đỡ với vai trò cố vấn nghiệp vụ.

Với Huy chương Bạc mà đoàn giành được, cả đạo diễn và ê kip đều cảm thấy đây là một nguồn động viên to lớn. Sau thành công này, cuối tháng 8, Đoàn kịch 1 Nhà hát Tuổi trẻ đã đem vở diễn này đi lưu diễn tại TP Hồ Chí Minh - nơi có môi trường sân khấu sôi động nhất trong cả nước. Vở diễn nhận được sự quan tâm của nhiều khán giả trẻ vì hai nhân vật chính trong vở diễn là những người trẻ tuổi với tình yêu, cám dỗ và những vấp ngã đầu đời và cách họ vượt qua chính mình để tìm được hạnh phúc.

Đạo diễn Bùi Như Lai cho biết, anh là người luôn dành nhiều tâm huyết, trăn trở cho những vở diễn chứa đựng những xung đột, đấu tranh tâm lý như trong "Cho một ngày bình yên". Đạo diễn Bùi Như Lai dự định sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi những vở kịch tâm lý, bởi anh cho rằng với kịch tâm lý, đạo diễn có nhiều cơ hội để thể hiện "mảng miếng", ngón nghề của mình. Song điều quan trọng hơn cả, đó là với kịch tâm lý, người nghệ sĩ có cơ hội thể hiện nhãn quan của mình trước cuộc sống qua những thông điệp được đưa ra. Trước đây, đạo diễn Bùi Như Lai từng thành công với vở kịch tâm lý "Chuyện tử tế" (Kịch bản: Nguyễn Thu Phương) và "Chuyến tàu đến tương lai" (Kịch bản: Lê Chí Trung).

Tốt nghiệp ngành diễn viên - Đại học Sân khấu Điện ảnh, Bùi Như Lai về đầu quân cho Nhà hát Tuổi trẻ - một đơn vị nghệ thuật năng động bậc nhất ở Hà Nội. Một điều may mắn đến với Bùi Như Lai, đó là anh đã được tham gia khóa đào tạo "Nâng cao năng lực sáng tạo của con người" do Nhà hát David Glass của Anh hợp tác với Việt Nam tổ chức trong 3 năm từ 2002-2005. Cơ hội được làm việc với các nghệ sĩ, chuyên gia nước ngoài đã trang bị cho nghệ sĩ Bùi Như Lai một cách nhìn mới mẻ về thế giới quan và nghệ thuật sân khấu.

Nói cách khác, khóa học đã khiến anh như được mở rộng tầm mắt và là hành trang quý giá cho những bước đi sau này của anh. Sau một thời gian làm diễn viên và có được một số vai diễn ấn tượng, nghệ sĩ Bùi Như Lai đã quyết định sẽ trở thành đạo diễn và anh đã trở một trong những nghệ sĩ chuyên nghiệp trẻ nhất trở thành đạo diễn sân khấu: khi vừa tròn 30 tuổi.

Đạo diễn Bùi Như Lai tâm sự: "Thời gian được làm việc với các nghệ sĩ, chuyên gia, đạo diễn nước ngoài, tôi nhận thấy ở nước ngoài dường như người ta rất tôn trọng lao động của diễn viên. Trong khi đó tôi có cảm nhận rất rõ rằng, diễn viên sân khấu ở phía Bắc thường thụ động, lười nghĩ, mọi hành động đi đứng rồi lời nói... cứ nhất nhất làm theo lời đạo diễn, cứ đợi đạo diễn chỉ đâu đánh đấy và như thế lâu dần họ trở nên cùn mòn, ít sáng tạo, nếu không muốn nói là "lệ thuộc" vào đạo diễn. Vì thế, mong muốn của tôi khi trở thành đạo diễn là sẽ khai thác được tài năng, sự sáng tạo ở mức tối đa của diễn viên, khích lệ họ bộc lộ hết mình, trăn trở, suy ngẫm với vai diễn của mình...".

Có thể nói, Bùi Như Lai là một nghệ sĩ đa tài. Năm 2013 anh từng đoạt giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trong cuộc thi Tài năng đạo diễn sân khấu trẻ năm 2013 với vở diễn "Được là chính mình". Nhiều nghệ sĩ khi đã thành công với vai trò mới là đạo diễn sẽ rất ngại trở lại làm diễn viên, nhưng với Bùi Như Lai thì không. Anh sẵn sàng lên sân khấu bất cứ khi nào có vai diễn cần đến mình mà không bao giờ ngần ngại, nề hà. Bùi Như Lai vẫn đầy hứng thú với những vai diễn mới, những nhân vật mà anh yêu thích như vai Parzival trong vở nhạc kịch "Người đi qua thung lũng" hay vai Ngô Thì Nhậm trong vở "Công lý không gục ngã" mới được Nhà hát Tuổi trẻ công diễn cách đây vài tháng. Bùi Như Lai vẫn luôn là một diễn viên đầy tài năng như đã từng được giải thưởng "Tài năng sân khấu năm 2003" với vai Edip trong vở "Edip làm vua" hay vai diễn Thầy đồ say đầy ấn tượng của anh trong vở "Kiều Loan" được nhiều người nhắc tới.

Với anh, trở thành đạo diễn là cách nghệ sĩ có thể chủ động hơn trên sân khấu, chủ động hơn với vai diễn của mình. Anh cho rằng, công việc của người diễn viên và của đạo diễn thường xuyên bổ trợ cho nhau. Công việc nào anh cũng cảm thấy yêu thích và đã làm là luôn hết mình, không ngại khó, không ngại khổ và không kêu ca, phiền trách. Điều này có lẽ anh đã học được từ những người thầy của mình và những chuyến đi lưu diễn ở nước ngoài.

Nghệ sĩ Bùi Như Lai cho biết: "Ở nước ngoài sân khấu cũng gặp nhiều khó khăn chứ không riêng gì ở nước ta. Song, điều khiến tôi ngạc nhiên là các nghệ sĩ ở nước ngoài luôn làm việc tận tâm, tận lực, rất ít khi kêu ca, phàn nàn rằng cái này cái kia, điều này điều kia không thuận lợi cho họ. Họ luôn cho rằng, nghệ thuật có một quyền năng đặc biệt, vì thế người ta cứ lao động sáng tạo hết mình, trước hết là để được thực hiện khát vọng sáng tạo trước khi phải nói về những khó khăn nào đó mà họ gặp phải. Tôi rất thích cách nghĩ, cách làm này của họ và thấy rằng mình cần học ở họ điều này!".

Nghệ sĩ Bùi Như Lai vào vai chí sĩ Ngô Thì Nhậm trong vở “Công lý không gục ngã”.

Không chỉ là một nghệ sĩ trẻ có tài năng, tâm huyết và nhiều dự định, nhiều trăn trở với sân khấu, đạo diễn Bùi Như Lai còn được biết đến với vai trò là người phụ trách những dự án sân khấu do các tổ chức nước ngoài tài trợ liên quan đến những đề tài nhạy cảm như chuyện về người đồng tính, người có HIV và những người phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Những vở kịch về đề tài này như "Đừng đợi đến ngày mai", "Được là chính mình", "Tôi ơi đừng tuyệt vọng" đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ qua các buổi trình diễn ở các trường đại học nhằm nâng cao, thay đổi ý thức của cộng đồng về những vấn đề trên.

Để tạo được sức thuyết phục cho những đề tài này, đạo diễn Bùi Như Lai đã bỏ ra nhiều tâm sức để tìm kiếm, thuyết phục những diễn viên không chuyên là những người đồng tính, người có HIV, những người phụ nữ bị chồng bạo hành... tham gia vào vở diễn. Không chỉ làm đạo diễn, anh còn trực tiếp tham gia diễn xuất với mọi người. Có lẽ đó cũng chính là cách người nghệ sĩ như anh chia sẻ với những phận đời kém may mắn, không chỉ chứa đựng những đắng cay, buồn tủi mà còn phải chịu cái nhìn ghẻ lạnh của người đời.

Đạo diễn Bùi Như Lai chia sẻ rằng, để chọn được hơn chục diễn viên không chuyên tham gia vào vở diễn "Tôi ơi đừng tuyệt vọng", anh đã phải làm việc, trò chuyện với hơn 100 người phụ nữ từng bị chồng bạo hành tinh thần, đánh đập, chửi bới. Những câu chuyện đầy nỗi phẫn uất, cam chịu mà anh nghe được từ họ là những chất liệu vô cùng sống động để anh đưa vào vở diễn, khiến nhiều người xem cảm thấy xúc động. Hàng chục năm qua, kiên trì, bền bỉ với đề tài về những "góc khuất" trong đời sống xã hội, những đóng góp của đạo diễn Bùi Như Lai được nhiều người biết đến, ghi nhận. Anh thường xuyên được mời đi tham gia giao lưu, học hỏi với các nghệ sĩ ở các nhà hát danh tiếng trên thế giới và cũng rất tự hào khi được là người giới thiệu về nghệ thuật sân khấu đương đại của Việt Nam ra với thế giới. Nghệ sĩ Bùi Như Lai chia sẻ: "Người ta có rất nhiều cách để khiến mình hạnh phúc. Với tôi, hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản là được làm việc mình thích!".

Nguyệt Hà
.
.