Nghệ sĩ Thanh Tâm: Người mải miết trên cánh đồng tình yêu

Thứ Hai, 12/09/2011, 08:00
Mười sáu tuổi, lần đầu tiên đứng trên sân khấu lớn với ca khúc "Huyền thoại mẹ" đã đoạt giải Triển vọng trong Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc lần thứ nhất tại Nha Trang năm 1988. Mười tám tuổi đoạt giải nhất cuộc thi hát "Bông cúc vàng" Hà Nội. Năm 1995, đoạt huy chương vàng Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc với ca khúc "Mùa hoa cải"...

Từng là một "hiện tượng" trên sân khấu ca nhạc, xuất hiện liên tục cùng những ngôi sao ca nhạc như Thanh Lam, Hồng Nhung, Thùy Dung, Minh Thúy... của thập kỷ 90, nhưng người ca sĩ với giọng hát trầm ấm và gương mặt quyến rũ ấy đã để lại sau lưng hào quang của những sân khấu lớn, mải miết cùng những chuyến đi biểu diễn của Đoàn Ca múa Công an nhân dân. Và, gần 20 năm sau, chị mới cho ra album đầu tiên với tên gọi "Cánh đồng tình yêu". Giọng hát của người đàn bà đẹp ấy vẫn nồng nàn, sâu lắng như xưa. Đó là nghệ sĩ Thanh Tâm, hiện công tác tại Đoàn Ca múa Công an nhân dân.

Nghệ sĩ Thanh Tâm đến với cuộc hẹn rất đúng giờ - một điều hiếm gặp ở giới nghệ sĩ. Hiểu băn khoăn của chúng tôi, chị cười xòa. Nề nếp của một nghệ sĩ, chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân và sự bận rộn của người phụ nữ có hai con đang tuổi ăn tuổi học tạo thành thói quen khiến chị luôn phải sắp xếp thời gian hết sức hợp lý. Nét tươi tắn, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt khả ái khiến nhiều người khi gặp chị đều ít ngờ rằng người ca sĩ này đã ngấp nghé tuổi tứ tuần.

Nghệ sĩ Thanh Tâm có cách nói chuyện cởi mở, chân thành như trò chuyện với những người bạn. Hai chủ đề mà chị có thể say sưa nói mãi không chán, ấy là âm nhạc và gia đình. Chị bảo, đó là hai tình yêu lớn của cuộc đời và cho đến lúc này chị vẫn đang cần mẫn vun đắp cho những tình yêu ấy một cách vô điều kiện. Cuộc trò chuyện của chúng tôi bắt đầu bằng album đầu tay của chị có tên gọi "Cánh đồng tình yêu". Album tập hợp những ca khúc đã làm nên tên tuổi của Thanh Tâm như "Huyền thoại mẹ", "Mùa hoa cải", "Cánh đồng tình yêu"...  Album này thiên về chất nhạc đồng quê với những giai điệu ngọt ngào mang âm hưởng Bắc Bộ.

Lý giải sự chậm trễ của mình, chị cho biết, thời gian vừa qua chị dành nhiều thời gian, tâm sức cho gia đình và cho các chương trình biểu diễn của Đoàn Ca múa Công an nhân dân nơi chị công tác. Giờ đây, khi mọi việc đã ổn, chị mới có thời gian làm album cho riêng mình. Mọi việc không thể vội vàng, bởi chị quan niệm: "Ra đĩa không phải để gây sốc, để nổi tiếng hay kiếm tiền. Tôi muốn đạt tới chiều sâu cảm xúc và như một cách tìm lại khán giả cũng như tri ân khán giả yêu quý mình".

Cũng bởi muốn mang đến một sản phẩm âm nhạc đúng nghĩa nên album thực hiện trong thời gian khá lâu. Cách đây 2 năm, Thanh Tâm đã bắt tay vào làm album với ý định để kỷ niệm nên chỉ chọn những bài hát cũ. Sau đó, cùng với sự tư vấn của đồng nghiệp, chị thay đổi suy nghĩ, 2/3 bài thu bỏ đi, chọn thêm nhiều bài mới. Album này cũng đánh dấu sự thay đổi phong cách của Thanh Tâm. Chị hát nhẹ nhàng, da diết, dễ đi vào lòng người hơn. Chị bảo, cách hát mới cũng chính là tâm trạng của chị lúc này: nhẹ nhõm, bình an, hạnh phúc...

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, cha mẹ đều là nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Trung ương, Thanh Tâm đã đến với âm nhạc tự nhiên như chị từng tâm sự: "Tuổi thơ của tôi lớn lên bên cạnh bức màn nhung sân khấu trong các chuyến lưu diễn của cha mẹ đi khắp mọi miền đất nước. Lên 6 tuổi, tôi đã thuộc hết các làn điệu hát ru mẹ dạy. Năm 16 tuổi, lần đầu tiên đứng trên sân khấu lớn thể hiện ca khúc "Huyền thoại mẹ" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi vẫn còn nhớ như in những cảm xúc bâng khuâng, xúc động đến run rẩy khi nghĩ đến ánh mắt dịu hiền, yêu thương của mẹ. Cảm xúc ấy đã theo tôi suốt gần hai thập kỷ qua, như một dòng chảy âm nhạc lặng lẽ, chắt chiu, bồi đắp cho tôi tất cả những gì mộc mạc, chân thành, sâu lắng nhất để tôi lại có được một "Mùa hoa cải" dung dị, chất chứa nghĩ suy".

Yêu cải lương và ca rất "ngọt" những câu vọng cổ nhưng Thanh Tâm lại rẽ sang sân khấu ca nhạc bởi cha mẹ chị nhìn thấy ở con gái mình năng khiếu biểu diễn nhạc nhẹ từ chất giọng trầm ấm đến khả năng vũ đạo. Tới khi Thanh Tâm quyết định đầu quân về Đoàn Ca múa Công an nhân dân lại là một bước ngoặt nữa. Trở thành "hiện tượng" từ khi còn khá trẻ, từng được ví là "người đàn bà đẹp" của  sân khấu ca nhạc và cộng tác với nhiều nhà hát như Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương, Đoàn Ca múa dân tộc... nhưng năm 1993, khi mới 21 tuổi Thanh Tâm quyết định về Đoàn Ca múa Công an nhân dân, trở thành một trong những nữ ca sĩ đầu tiên của đoàn. Chị bảo, ngày ấy, đi diễn thường gặp anh Đức Lợi (khi ấy đang là nghệ sĩ của Đoàn Ca múa Công an nhân dân). Quý mến Thanh Tâm, anh thuyết phục bố mẹ cho Thanh Tâm về công tác tại đoàn. Bố mẹ chị muốn con gái ổn định nên đồng ý ngay. Chị chia sẻ, lúc đầu chuyển về cũng vì muốn làm vui lòng bố mẹ, nhưng sau này, càng gắn bó, càng thấy hiểu và yêu hơn ngành của mình. Khi tôi hỏi rằng, có bao giờ chị cảm thấy nuối tiếc vì đã đầu quân về Đoàn nghệ thuật Công an nhân dân  - một đơn vị với những đặc thù riêng về giờ giấc, kỷ luật, chị thành thực: "Chưa bao giờ nghĩ vậy". Chị còn thấy mình may mắn và cảm ơn vì những gì chị có ngày hôm nay: được làm nghề nghiêm túc, sự yêu mến của khán giả và một gia đình hạnh phúc một phần là nhờ tính "kỷ luật" này.

Với một đoàn nghệ thuật đặc thù như Đoàn Ca múa Công an nhân dân, những chuyến đi lưu diễn hàng tháng trời tại các đơn vị Công an và các địa phương xa xôi là ưu tiên số một. Kỷ niệm về những chuyến đi ấy cứ ngày càng dầy lên trong ký ức chị. Khi là nỗi nhớ về chuyến đi biểu diễn tại tỉnh An Giang, cả đoàn phải dựng sân khấu từ 3 giờ chiều nắng như đổ lửa. Đêm xuống, vì biểu diễn ngoài trời nên có khi đang hát thì muỗi, thiêu thân liên tiếp bay vào miệng... Có đến những vùng sâu, vùng xa, những nghệ sĩ như chị mới hiểu đời sống của người chiến sĩ và nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đời sống tinh thần. Nên sau mỗi chuyến đi, chị đều nhủ lòng, mình là người nghệ sĩ, chiến sĩ lại càng phải có trách nhiệm phục vụ nhân dân và những chiến sĩ Công an đang vất vả từng ngày.

Gần 20 năm gắn bó với Đoàn Ca múa Công an nhân dân, đã mang quân hàm Trung tá nhưng Thanh Tâm vẫn luôn háo hức trước mỗi chuyến đi. Và chuyến đi biểu diễn tại Trường Sa vào tháng 4-2011 vừa qua vẫn khiến chị luôn bồi hồi mỗi khi nhớ lại. Giờ đây, khi đang ngồi tại Thủ đô, chị vẫn nhớ như in buổi biểu diễn tại đảo chìm mà các nghệ sĩ phải hát thật nhanh bởi thủy triều lên, đảo sẽ chìm dưới mặt nước. Có khi vừa bắt đầu diễn thì trời mưa tầm tã, các chiến sĩ vẫn đội mưa xem đến hết mới thôi. Rồi những bữa cơm, cả mâm chỉ có một đĩa rau nhỏ, chiến sĩ nào cũng đùn đẩy không gắp, nhường cho nghệ sĩ... Những ký ức ấy, giờ nhắc lại vẫn thấy nghẹn lòng, như chị đã từng nghẹn ngào thốt lên trong một lần biểu diễn: "Chúng tôi có nghĩa vụ phải hát phục vụ các bạn".

Một kỷ niệm xúc động nữa là trong một chuyến đi Đà Nẵng, chị đã cùng đồng đội vào thắp hương cho Đại úy Phan Công Việt - người chiến sĩ Công an đã hy sinh trong một lần truy bắt cướp. Đến khi tập bài hát ca ngợi chiến công của Đại úy Phan Công Việt, lần nào chị cũng khóc vì xúc động. Sau này, trong chương trình truyền hình trực tiếp tại Dinh Thống Nhất vinh danh những tấm gương Công an "vì nước quên thân", Thanh Tâm lại vinh dự được biểu diễn ca khúc này.

Cầm trên tay album "Cánh đồng tình yêu" và trò chuyện cùng nghệ sĩ Thanh Tâm, tôi luôn hình dung chị là người cần mẫn trên cánh đồng tình yêu của mình: Cánh đồng âm nhạc và cánh đồng hạnh phúc gia đình. Nhiều người tỏ ra nuối tiếc cho Thanh Tâm vì đã không tận dụng hết những cơ hội để phát triển sự nghiệp âm nhạc và điện ảnh (năm 1997, Thanh Tâm xuất hiện trong phim truyền hình dài tập "Sông Hồng reo") nhưng chị lại nghĩ khác. Quan trọng là xác định được điều gì cần thiết với mình. 22 tuổi, khi tên tuổi đang trên đỉnh cao, chị quyết định kết hôn. Đó là một người đàn ông làm kinh doanh nhưng luôn yêu và ủng hộ vợ hết lòng. Ngay cả khi chị rơi vào hoàn cảnh hiếm muộn, chạy chữa khắp nơi không hiệu quả nhưng chưa bao giờ anh chị to tiếng với nhau. Rồi sau này, khi chị mang thai và sinh con khó khăn, anh luôn ở bên chăm sóc, động viên vợ.

Chị bảo, một tình yêu đáng quý như thế, chẳng dại gì đánh đổi. Giờ đây, không chỉ có mình người đàn ông ấy là bờ vai, là chỗ dựa cho chị trong cuộc sống mà những đứa con ngoan ngoãn, thông minh là động lực để chị cố gắng hơn nữa trong sự nghiệp. Để năm nay, nghệ sĩ Thanh Tâm đang được đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT. Chị bảo, nghề biểu diễn dễ bị cái lộng lẫy hào nhoáng làm cho lóa mắt nhưng chị luôn cố gắng để đứng đúng vị trí của mình. Khi lên sân khấu thì hát hết mình nhưng khi trút bỏ bộ trang phục lộng lẫy, chị trở về đúng nghĩa một người đàn bà bình thường: tất bật đi chợ, nấu cơm, đưa đón con và không ngừng đọc sách, tìm hiểu để có thể là bạn của con. Chính niềm hạnh phúc đơn giản ấy là động lực để chị thực hiện những dự án mới trên con đường sự nghiệp tiếp theo

Thảo Duyên
.
.