Giải thưởng cánh diều, mặt bằng và khát vọng:

Nghệ sĩ Phước Sang: “Không nên phân biệt phim tư nhân và phim Nhà nước”

Thứ Hai, 23/04/2007, 11:15
"Chúng ta không nên phân biệt điện ảnh tư nhân hay nhà nước, mà hãy đề cao bất cứ tác phẩm nào HAY. Những phim của tư nhân chúng tôi đã và đang làm hầu hết cũng đang sử dụng công sức của anh em trong các đơn vị làm phim của nhà nước..."

Năm nay Hãng Phước Sang gửi phim “Áo lụa Hà Đông” tham gia giải thưởng Cánh diều. Ngay trước thềm lễ trao giải chúng tôi đã tổ chức lễ ra mắt khán giả thủ đô và phát hành tại các rạp chiếu trong cả nước.

“áo lụa Hà Đông” đã giành giải thưởng do khán giả bình chọn tại Liên hoan phim Pusan, Hàn Quốc. Giới làm chuyên môn và khán giả đã dành cho “Áo lụa Hà Đông” một thiện cảm đặc biệt, đó là một lợi thế của chúng tôi.

Tuy nhiên, việc giành được giải thưởng Cánh diều vàng hay không là điều không thể nói trước. Chúng tôi chỉ cố gắng hết mình để sản xuất một bộ phim, và bằng những hoạt động thiết thực, chuyên nghiệp để đưa bộ phim tới với công chúng.

Với giải thưởng Cánh diều, tôi chỉ có một mong muốn là giá trị lao động nghệ thuật của anh em nghệ sĩ phải được trân trọng, tôn vinh. Một tác phẩm điện ảnh ra đời là sự đóng góp công sức của rất nhiều nghệ sĩ và những đánh giá công tâm của Ban giám khảo sẽ mang đến cảm hứng sáng tạo mới cho người nghệ sĩ, tạo cho họ niềm tin vào công việc họ đang cống hiến.

Chúng ta không nên phân biệt điện ảnh tư nhân hay nhà nước, mà hãy đề cao bất cứ tác phẩm nào HAY. Những phim của tư nhân chúng tôi đã và đang làm hầu hết cũng đang sử dụng công sức của anh em trong các đơn vị làm phim của nhà nước. Khi chúng tôi mang một bộ phim ra nước ngoài để giới thiệu, chúng tôi không nghĩ mình là tư nhân hay nhà nước mà chỉ nghĩ rằng, tác phẩm của mình là một phần tạo nên gương mặt của nền điện ảnh Việt Nam.

Việc chấm giải của Ban tổ chức nên hết sức khách quan, tránh cảm tính cá nhân. Mọi thành viên trong hội đồng cần phải nhìn vào cái chung của cả một nền điện ảnh, làm sao giải thưởng phải được trao cho đúng người xứng đáng được nhận.

Một khi giải thưởng được trao không chính xác, thì uy tín của giải thưởng bị giảm sút, người làm nghề không còn hào hứng tham gia và khán giả thì hờ hững.

Cần phải tạo một “thương hiệu” cho giải thưởng điện ảnh của quốc gia, bởi vì chỉ có như vậy nó mới có cơ hội được tồn tại lâu dài trong đời sống. Để 50 năm sau, thế hệ con cháu chúng ta vẫn có thể tiếp tục duy trì giải thưởng này, trở thành một hoạt động truyền thống có tiếng vang trong đời sống điện ảnh nước nhà

.
.