Nghệ sĩ Phú Đôn: Không nhất thiết phải được vào vai chính

Thứ Năm, 27/11/2014, 10:15
Nghệ sĩ Phú Đôn là gương mặt quen thuộc với khán giả yêu sân khấu và phim ảnh cả nước. Những vai diễn của anh, dù hài hay bi, chính diện hay phản diện luôn mang đến cho khán giả những ấn tượng khó quên. Thậm chí có khi, khán giả quên mất tên anh mà thường gọi anh bằng những cái tên nhân vật như Xuân Cồ, anh Liên, Phó Lý. Đó là hạnh phúc mà không phải nghệ sĩ nào cũng có được.

Khác với hình dung của chúng tôi trước khi gặp và trò chuyện cùng nghệ sĩ Phú Đôn rằng nghệ sĩ đóng vai hài thì thông thường tính cách bên ngoài cũng hay vui nhộn, hài hước. Phú Đôn ngoài đời, chỉ có nhìn ngoại hình nhỏ nhắn, khuôn mặt gầy, có phần khắc khổ là… giống trên màn ảnh. Còn cách nói chuyện chậm rãi với những chiêm nghiệm sâu sắc lại khác xa với vẻ tưng tửng của những nhân vật anh thường thủ vai. Khi chúng tôi hỏi nghệ sĩ Phú Đôn rằng, sau "Bão qua làng" (đang phát sóng trên kênh VTV1) kết thúc,  anh có phim nào đang chờ phát sóng không? Phú Đôn cười bảo: "Không, vì mùa hè vừa rồi tôi không nhận lời tham gia phim nào". Có lẽ anh là nghệ sĩ đầu tiên mà chúng tôi biết, chỉ nhận lời đóng phim theo… mùa. Tức là ngoài việc đảm bảo những công việc ở Nhà hát kịch Việt Nam - nơi anh đang công tác - thì cứ... mùa hè là anh không đóng phim, trừ những trường hợp đặc biệt như kịch bản phim quá hay, nhân vật hấp dẫn khó cưỡng hoặc đạo diễn là chỗ anh em thân cận. Ngoài lý do sức khỏe, thì theo anh: "Mình làm nghề đến từng này tuổi đầu rồi, cũng tự cho phép mình được thong thả, được lắng lại một chút. Dù kinh tế cũng chỉ thuộc hàng đủ ăn, không dư dả gì, dù tiền thì ai cũng cần nhưng đến giờ không đặt thu nhập lên hàng đầu nữa, cũng không làm chí chết nữa mà quan trọng nhất là phải có hứng thú".

Ở thời điểm này, Phú Đôn thuộc thế hệ nghệ sĩ "có tuổi" tại Nhà hát kịch Việt Nam. Nhớ lại cách đây vài chục năm, vì có cha là nghệ sĩ Phú Cương, người từng tham gia vào những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam như "Bão biển", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" nên khi đó, mặc dù mới 6 tuổi song cậu bé Phú Đôn đã được theo bố lên sân khấu để vào những vai trẻ con. Nhưng sau đó, Phú Đôn chú tâm vào học văn hóa, chả kịch cọt gì. Anh tâm sự, nếu không trở thành diễn viên thì bây giờ có lẽ anh đang công tác trong ngành Công an rồi cũng nên. Chẳng là, khi đang học năm cuối THPT tại trường Chu Văn An, chuẩn bị nộp hồ sơ thi vào ngành Công an thì anh được biết Nhà hát kịch Việt Nam tuyển lớp đào tạo diễn viên trẻ. Thế là Phú Đôn đăng ký dự tuyển và trở thành diễn viên khóa đầu tiên của Nhà hát cùng với các nghệ sĩ như Lan Hương, Đỗ Kỷ, Trọng Trinh… Bốn năm đào tạo theo kiểu "vừa học vừa làm", được trực tiếp học nghề từ những người thầy lớn, được vào vai ngay trongâ những vở diễn của Nhà hátđã giúp những nghệ sĩ trẻ vừa ra trường như anh đã vững tay nghề.

Nghệ sĩ Phú Đôn (bên phải) trong phim “Tivi về làng”.

So với nhiều bạn diễn, Phú Đôn không có lợi thế về ngoại hình. Ngay từ khi bước chân vào nghiệp diễn, anh không quan niệm nghệ sĩ cứ phải đóng vai chính. "Vai chính, vai phụ, vai sang, vai hèn với tôi không quan trọng. Điều mà tôi quan tâm là đạo diễn muốn gửi gắm điều gì vào vai diễn ấy. Tôi chỉ sợ nhân vật không có gì để diễn, nhân vật là sản phẩm của trí tưởng tượng, không có thật trong đời sống, dù chỉ là một vài nét phác họa. Tôi quan niệm, người nghệ sĩ tài năng chính là người nắm bắt và thể hiện được cái tinh thần của vai diễn chứ không đơn giản chỉ là chuyện ngoại hình giống hay không giống. Lâu nay, các đạo diễn Việt Nam thường có thói quen chọn diễn viên theo những yếu tố có sẵn như ngoại hình mà quên đi điều quan trọng hàng đầu phải là khả năng diễn xuất" - nghệ sĩ Phú Đôn chia sẻ. Là người con duy nhất đi theo nghề của cha nhưng anh bảo, cha anh luôn để anh tự do sáng tạo. Sau mỗi vai diễn, ông chỉ thường góp ý: "Vai này nên làm thế này, cần khắc phục những nhược điểm này, phát huy những lợi thế kia"…

Nhắc tới nghệ sĩ Phú Đôn là khán giả nhớ tới những vai hài đã làm nên thương hiệu riêng của anh. Dù ra đời cả chục năm qua nhưng những nhân vật như anh Liên trong "Bỏ vợ", Xuân Cồ trong "Xuân Cồ - người hòa giải"… và nhiều vai diễn khác của Phú Đôn vẫn khiến khán giả nhớ và cười nghiêng ngả. Anh cũng là một nghệ sĩ hài có mặt thường xuyên trong các chương trình “Gặp nhau cuối tuần” với những tiểu phẩm thú vị. Cái duyên hài của Phú Đôn toát ra từ hành động, cử chỉ khiến nhiều khi chỉ thấy bóng dáng anh, khán giả đã ôm bụng cười. Nghệ sĩ Phú Đôn vẫn nhớ khi quay phim "Xuân Cồ - người hòa giải", anh lùa vịt hăng đến mức mệt quá ngã vật ra ngất khiến cả đoàn một phen nháo nhác. Những vai diễn hài của Phú Đôn khá đa dạng, có khi là anh chàng lom dom sợ vợ, có khi là anh ít học nhưng gia trưởng, hợm hĩnh… Và, cứ mỗi khi một bộ phim mới ra đời, Phú Đôn lại  có được hạnh phúc là được khán giả gọi bằng một cái tên mới. Phú Đôn diễn hài tự nhiên như hơi thở, như không cần phải chuẩn bị, soạn sửa gì nhiều. Nhưng anh bảo, với anh, diễn hài khó vô cùng. Ngay từ ngày còn học, các thầy cô đã dạy rằng: "Mười diễn viên thì 9 người có thể làm cho khán giả khóc nhưng chỉ một người là làm được cho khán giả cười". Anh tâm niệm, với mỗi cảnh quay, diễn viên hài phải làm cho khán giả cười chứ không phải cho bạn diễn hay chính anh ta cười. Và quan trọng nhất, phải "thật" đến tận cùng mới "hài" được.

Sinh ra, lớn lên tại Hà Nội, nhưng nghệ sĩ Phú Đôn lại hóa thân xuất sắc vào vai những người nông dân. Phú Đôn bảo, không biết có phải vì đã từng có những tháng ngày sơ tán về nông thôn, được những người nông dân cưu mang, yêu thương hay không mà anh luôn quý trọng những người nông dân. Anh yêu tính cách hồn nhiên, chất phác, quý người của họ. Anh kể, mỗi lần đóng phim ở nông thôn là anh như được ở nhà mình bởi những tình cảm nồng hậu của bà con đối với nghệ sĩ.

Nghệ sĩ Phú Đôn luôn khiến người trò chuyện bất ngờ vì những so sánh, ví von rất thú vị. Anh bảo, mỗi lần đọc kịch bản phim giống như các chiến sĩ công an "thụ lý hồ sơ". Đọc một, hai lần là hình dung ra hình hài, tính cách nhân vật ấy như thế nào, để nhân vật ấy "sống" được thì cần phải diễn ra sao... Anh quan niệm, nếu đạo diễn phải lo bố cục cho cả phim thì người diễn viên phải lo bố cục cho nhân vật của mình. Khi ra trường quay, người diễn viên lại như người chơi đàn, bằng tài năng, kinh nghiệm của mình sẽ phải biết nhấn ở nốt nào để vai diễn này khác vai diễn khác. Không nhận lời thì thôi, đã nhận lời là Phú Đôn luôn hết mình, chứ diễn nửa vời anh không thấy "đã". Với anh, chưa bao giờ có khái niệm “ổn”, “hài lòng” với mỗi vai diễn. Mỗi lần xem lại anh đều cho rằng, nếu được làm lại sẽ làm tốt hơn. Phú Đôn cho rằng, với nghiệp diễn, anh không có gì sẵn cả nên để bằng người khác thì anh phải lao động nhiều hơn người khác rất nhiều. Có lẽ bởi làm nghề một cách nghiêm túc như vậy mà Phú Đôn có thể hóa thân ở nhiều dạng vai khác nhau. Gần đây, anh khiến khán giả ấn tượng khi khá thành công ở dạng vai phản diện. Đó là vai trưởng bản, cũng chính là một trùm ma túy trong phim "Ma rừng" do Điện ảnh Công an nhân dân sản xuất. Anh chia sẻ, đây là một dạng vai giấu tính cách rất thú vị. Một tên trùm ma túy núp dưới danh nghĩa một trưởng bản nhiệt tình, năng nổ với công việc chung. Anh tâm sự, những ngày làm phim "Ma rừng" vô cùng vất vả nhưng cũng đầy kỷ niệm vì bối cảnh phim trải dài suốt mấy tỉnh Tây Bắc. Cũng với kiểu nhân vật này, sắp tới, anh tiếp tục hóa thânä vào vai một đại gia đá quý trong một bộ phim của đạo diễn Quốc Trọng.

Đóng nhiều phim, được đông đảo khán giả yêu mến nhưng sâu thẳm Phú Đôn vẫn đau đáu cùng sân khấu. Dẫu rằng, ở thời điểm này, nói về sân khấu anh không tránh khỏi những ngậm ngùi. Hơn ba mươi năm làm nghề, nghệ sĩ Phú Đôn vẫn đang ăn lương mức 3, tức là mức thấp nhất trong ngạch lương biểu diễn. Nhưng điều khiến anh day dứt nhất không phải là chuyện thu nhập từ sân khấu quá bèo bọt mà là là nỗi tiếc nuối khi anh và các nghệ sĩ chưa làm được nhiều cho sân khấu. Anh bảo, những người làm sân khấu phải biết trân quý những khán giả bỏ tiền túi ra mua véá. Phú Đôn chia sẻ rất thật là nhiều người cảm thấy hồi hộp khi diễn tổng duyệt cho lãnh đạo xem, riêng anh lại thấy phấp phỏng khi diễn cho chính những khán giả đã bỏ tiền, bỏ thời gian đi xem kịchá.

Có lẽ, yêu nghề và làm nghề với một tâm thế ấy nên Phú Đôn không chạnh lòng khi nhiều bạn diễn cùng thời với anh đã có trong tay danh hiệu NSƯT, NSND còn anh vẫn vui vẻ là "nghệ sĩ thuần túy" (anh bảo đó là chữ của nghệ sĩ Tự Long). Anh quan niệm, điều quan trọng nhất với người nghệ sĩ không phải là danh hiệu mà là những vai diễn ghi dấu ấn, là sự yêu quý của khán giả, là sự tôn trọng của những người cùng nghề. Cũng như trong cuộc sống, thấy đủ là đủ thôi. Như anh, luôn cảm thấy hạnh phúc với gia đình nhỏ đầy ắp tiếng cười của mình. Và chúng tôi tin, với một người làm nghề nghiêm túc như nghệ sĩ Phú Đôn, những vai diễn thú vị vẫn luôn đợi anh ở phía trước

Thảo Duyên
.
.