Nghệ sĩ Nguyễn Hải: Vai diễn nào cũng là thử thách

Thứ Ba, 01/03/2011, 10:06
 Nhiều người cho rằng, mời diễn viên vào vai chính diện hay phản diện thường dựa vào ngoại hình. Nhưng bây giờ, điều này không còn chính xác nữa. Phim hiện đại, đạo diễn thường xây dựng nhân vật theo kiểu một người trông rất tử tế nhưng cuối cùng lộ nguyên hình là kẻ lừa đảo và ngược lại. Điều quan trọng chính là do cách thể hiện diễn biến tâm lý của nhân vật.

Tốt nghiệp Trường Đại học Mỏ địa chất nhưng vì đam mê sân khấu, Nguyễn Hải đã... trốn nhà đi học tiếp Trường Đại học Sân khấu điện ảnh. Ra trường, anh được nhận về Đoàn kịch nói Công an nhân dân và khẳng định tên tuổi của mình với những vai diễn ấn tượng trong các vở kịch: "Khoảnh khắc mong manh", "Ông không phải là bố tôi", "Cuộc chia tay lần cuối", "Thằng Mẫn tóc nâu", "Quả báo"... và trong các bộ phim như: "Chuyện làng Nhô", "Con nhện xanh", "Cổ cồn trắng", "Cái chết con thiên nga", "Chuyến xe bão táp"... Hiện nghệ sĩ Nguyễn Hải là Trung tá, Phó trưởng đoàn Kịch nói Công an nhân dân.

- Thưa anh, có lẽ, những ai yêu màn ảnh nhỏ đều nhận ra gương mặt quen thuộc của diễn viên Nguyễn Hải trong các vai phản diện mà anh đã diễn rất đạt trong thời gian qua. Thậm chí, nhiều người còn gọi luôn anh bằng tên của nhân vật. Anh cảm thấy điều này là một tín hiệu vui hay buồn?

+ Có cả vui lẫn buồn. Vui vì như thế là tôi diễn đã nhập tâm, vai diễn của mình đã thoát khỏi được chính mình. Và buồn vì hầu hết vai của tôi đều là… phản diện nên nhiều khán giả quá khích gặp đâu đó ngoài đời toàn gọi tôi - dù là nói loáng thoáng đủ nghe thấy- là "thằng" này, "thằng" nọ nghe rất… phản cảm. Rõ ràng, ai cũng ghét cái ác, yêu cái thiện, nhưng cách mà khán giả gọi danh xưng "thằng" diễn viên này, "con" diễn viên nọ làm cho những nghệ sĩ cảm thấy không được tôn trọng.

- Quả thật, tôi cũng lấy làm lạ là tại sao, bản thân anh là một Trung tá Công an, nhưng các đạo diễn đều mời anh vào vai phản diện như tội phạm, giám đốc lừa đảo… Sự mâu thuẫn này nên lý giải như thế nào?

+ Nhiều người cho rằng, mời diễn viên vào vai chính diện hay phản diện thường dựa vào ngoại hình. Nhưng bây giờ, điều này không còn chính xác nữa. Phim hiện đại, đạo diễn thường xây dựng nhân vật theo kiểu một người trông rất tử tế nhưng cuối cùng lộ nguyên hình là kẻ lừa đảo và ngược lại. Điều quan trọng chính là do cách thể hiện diễn biến tâm lý của nhân vật. Thực ra, khởi nghiệp, tôi chủ yếu diễn vai chính diện trên sân khấu của Đoàn kịch nói Công an nhân dân trong các vở kịch như: "Ông không phải là bố tôi", "Cuộc chia tay lần cuối", "Khoảnh khắc mong manh", "Thằng Mẫn tóc nâu"… Sau 10 năm vào vai chính diện, có lần, đạo diễn - NSND Lê Hùng đưa tôi sang đóng vai phản diện - Bùi Nhiêu trong vở kịch "Quả báo" của nhà văn Hữu Ước (dựa trên chất liệu về vụ án Dương Văn Khánh, tức Khánh "trắng"). Vai đó rất thành công với gần 300 buổi diễn và thế là tôi "trượt" dài trong các vai phản diện đến bây giờ.

Đặc biệt, thời điểm tham gia đóng vai Trịnh Khả trong bộ phim "Chuyện làng Nhô" của đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo (dựa theo truyện ngắn "Kẻ ám sát cánh đồng" của nhà văn Nguyễn Quang Thiều) - vai diễn mà diễn viên Bùi Bài Bình rút lui vào phút chót. Tôi hóa thân vào vai Trịnh Khả. Phim được phát sóng năm 1998, đã gây nên cơn sốt với người xem ngay từ tập đầu. Thời điểm đó, phim truyền hình vẫn còn hiếm hoi nên khán giả hồ hởi đón nhận bộ phim với tất cả sự nhiệt tình. Những ngày ấy, dù ở cơ quan, bệnh viện hay quán bia hơi, tên của "gã" Trịnh Khả trong phim thường được nhắc đến trong các cuộc tranh luận và tôi cũng bị… mất tên từ đó.

- Nhiều diễn viên sân khấu thành công khi tham gia đóng phim truyền hình vẫn cho rằng, vì có cái gốc của sân khấu nên họ thành công dễ dàng hơn trên màn ảnh. Bản thân anh thì sao?

+ Điều này hoàn toàn chính xác. Diễn trên sân khấu là diễn thật, diễn viên có thế nào khán giả nhìn thấy như thế, không có gì để "che khuyết điểm" hay "tút tát" lại được. Bởi vậy mà diễn viên luôn phải diễn hết mình, thuộc lời thoại, sống với nội tâm nhân vật. Tôi tham gia cũng nhiều vở kịch trên sân khấu nhưng có hai vở diễn mà tôi tâm đắc và luôn đi diễn với công suất tối đa, đó là vở "Khoảnh khắc mong manh" và "Quả báo" của nhà văn Hữu Ước. Trong hai vở kịch này, tôi đều vào vai chính: một vai phản diện - Bùi Nhiêu, Giám đốc Tập đoàn bốc xếp Đại Dương và một vai chính diện - Trung tá Hoàng Đảm, Giám đốc Công an. Ở những vở kịch này, tôi không đơn thuần là nhân vật trong trí tưởng tượng mà phải xắn tay, bước ra thể hiện vai diễn từ những nguyên mẫu bằng xương thịt ngoài đời. Tôi nhớ có những ngày đi lưu diễn, tôi phải diễn ba suất liên tục, vào hai vai đối lập nên có lúc… rất mệt.

Cái vướng nhất của tôi khi vào vai Trung tá Hoàng Đảm là phải thâm nhập với tội phạm và phải đi hát karaoke, mà khổ nỗi, tôi hát thì tệ lắm, không nghe nổi, cho nên đến đoạn đó là tôi mất tự tin dù đã cùng anh em đến quán karaoke tập rất nhiều lần. Khổ nhất là lần đoàn đi diễn vở "Quả báo" ở mỏ Sét, Trúc Thôn, Kim Môn, Hải Dương. Trong vở này có đoạn Bùi Nhiêu giở trò xằng bậy hiếp cô gái trẻ (do diễn viên Hoàng Lan đóng). Có lẽ tôi diễn "đạt" quá nên khán giả tưởng là… làm thật nên khi ra về, tôi vừa phóng xe ra khỏi mỏ Sét thì đã bị mấy thanh niên trong thôn phục sẵn ném gạch, tôi bị trúng hai lần vào bả vai phải. Còn chiếc xe Bonus do anh bạn cùng đoàn chở tôi thì bị một cục gạch to ném vào méo cả bình xăng. Về đến Hà Nội trong giá rét, cởi áo ra tôi mới thấy vết máu ở bả vai của mình đã khô đét dính vào áo.

- Có thể thấy những hệ lụy không mong muốn của anh khi vào vai phản diện, nhưng với truyền hình chưa thấy anh vào vai… chính diện bao giờ cả. Bản thân người diễn viên trót đeo đuổi nghiệp diễn thì đã đành rồi, còn gia đình anh thì có ý kiến gì không khi mở tivi là nhìn thấy chồng, cha mình đang vào vai một người… không tử tế?

+ Ôi trời, đó là câu chuyện dài đấy. Bây giờ lâu dần thành quen chứ như thời kỳ phát sóng "Chuyện làng Nhô", tôi ra đường, sau lưng những cái nguýt dài cùng những tiếng chửi thầm: "Nhìn phát tởm". Hết phim một thời gian, tôi ngồi trong quán bia mà vẫn ngay ngáy, sợ một cái ghế cao từ đâu có thể bổ xuống đầu mình. Bố tôi ở dưới quê đòi "từ" mặt con. Ông bảo: "Bao nhiêu nghề tử tế không chọn, bao nhiêu vai diễn hay không làm, mày đóng vai ác, làng xóm trát trấu vào mặt bố". Cậu con trai xấu hổ với bạn bè, đòi bỏ học… Đấy là chưa kể, vào nhiều vai "anh chị, đại ca" tôi đã nhiều lần đi thực tế vào những nơi khá nguy hiểm, nhảy tàu đi lên cả bãi đào vàng để tìm hiểu. Tôi nghĩ, muốn nhân vật của mình thành công chỉ có cách chịu khó quan sát, tìm hiểu hành vi của những người phạm tội, từ đó khắc họa nên chân dung và hành vi ứng xử của họ. Cũng biết đi như vậy rất nguy hiểm, nhưng không còn cách nào khác. Những hôm đi, về đến nhà tôi thấy mắt vợ tôi sâu hõm vì… lo cho chồng.

- Là một chiến sĩ Công an nhưng lại vào vai tội phạm rất thành công. Hai điều này nghe có vẻ trái ngược nhưng thực tế thì nghiệp vụ Công an có giúp ích cho anh trong quá thực hiện vao diễn?

+ Rất nhiều là đằng khác. Để đóng vai phản diện nhằm lột tả chân dung tội phạm, tôi phải đọc rất nhiều sách để hiểu được những diễn biến tâm lý của tội phạm, rồi đến trại giam để tìm hiểu thêm. Thực tế, cuộc chiến của các chiến sĩ công an đấu tranh chống tội phạm còn rất vất vả và căng thẳng, nhiều hy sinh gian khổ… chứ không dễ dàng như trong phim ảnh. Tội phạm càng hiểu biết về luật thì cuộc chiến chống tội phạm càng trở nên gay go hơn. Tôi đóng vai phản diện càng giống thì càng cho người dân hiểu về tội phạm và sẵn sàng chia sẻ, khâm phục với sự mưu trí, dũng cảm của các chiến sĩ Công an.

- Bộ phim mới nhất trong thời gian qua mang lại thành công cho anh là phim "Chạy án" (biên kịch Nguyễn Như Phong, đạo diễn Vũ Hồng Sơn). Anh có thể kể vài kỷ niệm tâm đắc khi vào vai Tổng Giám đốc Lê Thanh đầy mánh lới trong bộ phim này?

+ Trong phim "Chạy án 2", tác giả đã xây dựng nhân vật hổ sinh sống trong nhà Lê Thanh. Khi sa cơ lỡ vận, Lê Thanh không còn bạn bè, chỉ biết tâm sự với hổ, coi nó là tri kỷ. Tên "cúng cơm" của chú hổ là Leng, nhưng trong phim, lại có tên là Hot. Sở dĩ phải "thay tên đổi họ" cho nó là vì đạo diễn muốn có cái tên "ngầu" hơn một chút. Tôi phải vào trại hổ trước một tuần để làm quen với "bạn diễn". Tuy "cậu bé" mới ngoài 40kg, rất thích đùa nghịch nhưng cái hồn cốt "ông Ba Mươi" oai phong lẫm liệt đủ làm cả đoàn phim sợ. Đứng trước đoàn làm phim với máy móc và ánh sáng rực rỡ, chói mắt liên hồi, Leng có vẻ hồi hộp, hoảng và cắn phá lung tung. Chúng tôi phải mất một thời gian dài để chú làm quen với phim trường. Trong một vài cảnh quay đầu chưa có kinh nghiệm, tôi bị Leng cào rách mấy bộ quần áo, bị nó vồ cắn chảy cả máu chân. Để "chống đỡ" những chiếc răng, tôi phải quấn bông dày ở cả hai cánh tay, bắp chân rồi mới mặc quần áo. Đêm nằm ngủ cùng Leng tôi phải đắp hai chăn chiên, lúc nào tỉnh dậy phải lập tức cho nó ăn bởi nếu để nó đói nó sẽ "không tha" cho mình. Vậy mà có lần, tôi suýt bị Leng xơi mất "của quý". Sau khi phim trình chiếu với những cảnh quay ấn tượng từ ngôi nhà của Tổng Giám đốc Lê Thanh, nhiều người hâm mộ "diễn viên" hổ đã kéo nhau về trại hổ của ông Ngô Duy Tân ở Bình Dương để "thực mục sở thị". Một thời gian sau Leng đã lâm bệnh nặng, dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa, Leng đã ra đi trong một chiều mưa. Cả đoàn làm phim chúng tôi khi nghe tin, ai cũng buồn và tiếc nuối.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!

.
.