Nghệ sĩ Lê Vũ Long: Kiêu hãnh làm nghề

Thứ Tư, 11/12/2013, 08:00

Điện thoại hò hẹn mãi chúng tôi mới gặp được nghệ sĩ Lê Vũ Long bởi có lần gọi thì anh đang tất bật chuẩn bị cho chuyến đi lưu diễn nước ngoài, lần thì anh bận việc riêng... Gặp anh ở thời điểm này, vẫn nét điển trai "sáng bừng màn ảnh" của người từng được mệnh danh là tài tử điện ảnh cộng thêm sự từng trải, phong trần khiến cho cái dáng dấp hào hoa ấy lại càng quyến rũ. Nhưng, những câu chuyện làm nghề của người nghệ sĩ đa tài, cá tính này mới là điều thu hút và khắc họa rõ nét nhất chân dung Lê Vũ Long.

Cách trò chuyện cởi mở, gần gũi của Lê Vũ Long đã phá tan cái cảm giác chúng tôi nghĩ trước đó, rằng anh hơi khó tính, rằng anh không "mặn mà" với cánh báo chí cho lắm. Lê Vũ Long chia sẻ, thỉnh thoảng anh cũng bị dán mác là "khó tính", là "chảnh" nhưng sự thực không phải vậy.

"Mình rất sẵn lòng được trò chuyện với các bạn về nghệ thuật, về nghề. Nhưng nhiều khi các nhà báo gọi đúng lúc mình đang bận. Mà đã vào việc là mình luôn toàn tâm toàn ý, không ai, không điều gì có thể bứt mình ra khỏi công việc được". Nhưng cũng có một sự thật là Lê Vũ Long không muốn mình suốt ngày lên báo theo kiểu "hôm nay đi đâu, mặc gì?" như một số nghệ sĩ trẻ hiện nay.

Cách đây không lâu, khi Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng bộ phim "Hai phía chân trời" nói về cuộc sống của một bộ phận người Việt ở nước ngoài (phim được đầu tư khá lớn với những cảnh quay ở châu Âu), nhiều khán giả đã bất ngờ khi gặp lại Lê Vũ Long sau ngót nghét 10 năm anh vắng bóng trên màn ảnh.

Ở phim này, Lê Vũ Long vào vai Vinh - một tay giang hồ lang bạt trời Tây, vì mưu sinh, có lúc tham gia những việc làm phi pháp nhưng ẩn chứa đằng sau vẻ xù xì, gai góc đó là tính cách trượng phu, nghĩa hiệp, sẵn sàng giúp đỡ, cưu mang những người nghèo khổ. Lê Vũ Long bảo, anh nhận lời tham gia phim vì bị thuyết phục trước kịch bản hay và nhân vật cá tính, nhiều đất diễn. Bên cạnh đó là ê kíp sản xuất chuyên nghiệp và đều là những người thân quen. Vai diễn của anh chủ yếu quay ở nước ngoài.

Thời gian đóng phim không ngày nào Lê Vũ Long được ngủ quá 4 tiếng. Tranh thủ thời tiết thuận lợi và để tiết kiệm chi phí nên đoàn làm phim thường xuyên làm việc tới 12 tiếng mỗi ngày. Vốn giỏi ngoại ngữ vì có thời gian học tập, biểu diễn ở nước ngoài nên ngoài đóng phim, Lê Vũ Long còn được "huy động" làm một số việc như phiên dịch, lo thủ tục, giấy tờ... cho đoàn.

Nghệ sĩ Lê Vũ Long vai Vinh trong phim "Hai phía chân trời".

Vai diễn của Lê Vũ Long được khán giá đánh giá cao nhưng anh vẫn bảo, nếu như không vướng một số khó khăn khách quan thì sẽ làm được tốt hơn. Đó cũng chính là tâm niệm của anh khi bước chân vào con đường nghệ thuật: luôn hướng tới cái mới, cái độc đáo, cái hoàn hảo hơn ngày hôm qua. Vai Vinh trong "Hai phía chân trời" cũng là vai diễn đánh dấu 15 năm kể từ khi Lê Vũ Long chạm ngõ làng điện ảnh.

Còn nhớ, năm 1997, khi bộ phim "Xin hãy tin em" của đạo diễn Đỗ Thanh Hải phát sóng, Lê Vũ Long đã khiến bao trái tim thiếu nữ "điêu đứng" khi anh vào vai Phong lãng tử cùng với cây đàn violon. Trong những giấc mơ thiếu nữ của không ít cô gái thời đó, là được sở hữu trái tim một chàng trai như Phong. Ngoại hình điển trai cộng với lối diễn xuất tinh tế, Lê Vũ Long được đánh giá là hiện tượng hiếm của điện ảnh Việt Nam. Ngay sau đó, Lê Vũ Long được các đạo diễn tên tuổi mời góp mặt trong những bộ phim nhựa nổi tiếng như "Của rơi","Những người thợ xẻ" (đạo diễn Vương Đức), "Mùa hè chiều thẳng đứng" (đạo diễn Trần Anh Hùng), "Người đàn bà mộng du" (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân)…

Vai diễn nào, Lê Vũ Long cũng để lại ấn tượng khó quên trong lòng khán giả. Nhưng sau "Người đàn bà mộng du", dù được nhậnì giải thưởng "Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất" tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 14, Lê Vũ Long đột ngột "mất tích" khỏi màn ảnh. Khán giả ngỡ ngàng, bởi họ nghĩ, một nghệ sĩ thừa hưởng năng khiếu diễn xuất từ cha mình - nghệ sĩ Lê Dũng Nhi - có lợi thế về ngoại hình và tài năng như vậy ắt sẽ chọn điện ảnh để tỏa sáng, nhưng Lê Vũ Long lại đi con đường riêng của mình. Anh ít đóng phim không phải vì xa rời điện ảnh mà đơn giản không gặp được những kịch bản hay, những nhân vật thú vị. Nhiều người tiếc khi anh không trở thành tài tử điện ảnh như mong muốn, nhưng Lê Vũ Long lại bảo: "Thay vì xuất hiện ở những bộ phim không hay, tôi để dành sức lực cho những việc có ý nghĩa hơn".

Trò chuyện với Lê Vũ Long, thấy anh ít nhắc tới những hào quang cũ. Anh  bảo mình không bao giờ "ăn mày dĩ vãng". Anh thừa nhận, để có được thái độ sống ấy không phải dễ dàng. Đó là cả một quá trình đấu tranh với chính mình. Để tác phẩm sau luôn khác tác phẩm trước. Không đóng phim nhưng Lê Vũ Long chưa bao giờ thoát li khỏi nghệ thuật. Và lĩnh vực thỏa mãn được cái tôi nghệ sĩ đầy ý tưởng, đầy đam mê sáng tạo, lấy của anh nhiều mồ hôi công sức nhưng cũng đem lại cho anh nhiều khoái cảm - ấy là múa. Anh gắn bó với múa từ khi 9 tuổi. Ban đầu chỉ vì bố mẹ bận đi đóng phim, đi diễn nên muốn gửi cậu con trai duy nhất vào trường múa học Nội trú cho yên tâm, nhưng rồi múa đã trở thành máu thịt để những hấp lực của sự nổi tiếng cũng không đủ sức quyến rũ chàng thanh niên ngoài 20 tuổi giã từ nghề. Lê Vũ Long quyết định sang Pháp học rồi quay trở về nước với công việc của một biên đạo múa đương đại. Với Lê Vũ Long, làm nghệ thuật chưa bao giờ là một cuộc dạo chơi, nhất là múa - một bộ môn nghệ thuật âm thầm nhưng lao động thì "mệt hơn cửu vạn".

Âm thầm và bền bỉ, hơn mười năm qua, hầu như năm nào Lê Vũ Long cũng cùng cộng sự của mình trình làng một tác phẩm mới: "Nơi đến", "Mắt bão", "Kẻ thù và những vùng đất", "Thấu truyền", "Ký ức thở dài", "Ba mặt một lời"…

Là một trong những nghệ sĩ Việt đến với múa đương đại sớm nhất, Lê Vũ Long hăng say khai phá loại hình nghệ thuật mới với mong muốn đem đến một không gian nghệ thuật mới, một cách thưởng thức nghệ thuật mới, trong đó tâm thế người xem sẽ quyết định cách nhìn của họ. Không phải lúc nào tâm huyết của anh cũng được ủng hộ, thậm chí còn bị nhiều người dị ứng, kỳ thị vì những điều anh đưa ra quá mới mẻ. Nhưng anh tự tin nhận định công việc mình đang làm ngày hôm nay thực ra chính là tìm cái truyền thống, cái cổ điển cho ngày mai.

Lê Vũ Long tự hào khi nhắc tới đoàn múa "Nơi đến" mà anh thành lập đã hơn mười năm. Đây là một đoàn múa đặc biệt bởi tất cả đều là những người khiếm thính. Ban đầu, vì một lý do riêng tư mà Lê Vũ Long tiếp xúc với những người khiếm thính. Anh được họ dạy cho ngôn ngữ bàn tay, ngược lại, anh dạy họ múa. Tên của đoàn chính là tên tác phẩm múa đầu tiên anh dựng cho đoàn. Học múa, với một người bình thường đã khó, với những người khiếm thính lại chưa từng được tiếp cận với bộ môn này còn khó khăn gấp bội.

Không hề có bất kỳ giáo trình nào, Lê Vũ Long hoàn toàn tự nghiên cứu mày mò cách dạy. Anh nghiệm ra rằng, trong cơ thể con người luôn có nhịp thở và nhịp sinh học. Khi múa bằng chính âm nhạc ngân lên trong tim của bạn thì có nghĩa là các động tác cơ thể bạn đã khớp với âm nhạc của cuộc đời.

Một điều dễ nhận thấy khi trò chuyện với Lê Vũ Long là anh luôn có cách nhìn mới mẻ, độc lập và khác biệt của một người luôn tư duy, luôn nghiền ngẫm. Ví như anh nhận ra rằng, thế giới vô ngôn của những người khiếm thính tràn đầy thú vị. Ở đó, người ta được hưởng một thứ quyền mà người bình thường ít có được là quyền im lặng, quyền không nghe, không biết những gì quá rắc rối.

Hơn mười năm thành lập, điều mà Lê Vũ Long mang lại cho "Nơi đến" là gần 20 diễn viên múa đạt trình độ rất cao, là những hợp đồng biểu diễn trong và ngoài nước, là một số thành viên trong đoàn đã tìm được những cơ hội học tập, lao động tốt ở nước ngoài. Nhưng để có được kết quả ấy là những ngày tháng tập luyện căng thẳng trên sàn tập như khi thực hiện vở múa "Ký ức thở dài", cả đoàn tập tới 7 tháng, hơn mười tiếng đồng hồ một ngày. Và dù được ra mắt từ năm 2009 nhưng tháng 5 vừa qua, tác phẩm này vừa được đoàn mang đi biểu diễn tại nhà hát Pfalzbau, Đức.

Khác với suy nghĩ nhiều người, theo Lê Vũ Long chia sẻ, đoàn nghệ thuật của những người khuyết tật chưa bao giờ nhận được sự quan tâm hay ưu ái đặc biệt. Cho đến nay, đoàn vẫn chưa có địa điểm tập cố định. Những đối tác nước ngoài, khi quyết định đầu tư, điều mà họ quan trọng hàng đầu là chất lượng tác phẩm. Nhưng anh bảo, điều an ủi và cũng là thế mạnh của các nghệ sĩ khiếm thính chính là việc họ không phải lo chạy sô như các nghệ sĩ khác nên rất chuyên tâm vào công việc.

Khi chúng tôi hỏi rằng, anh có bao giờ cảm thấy cô độc không khi mà múa đương đại chưa được nhiều khán giả trong nước hưởng ứng, Lê Vũ Long thành thật: "Từ "cô độc" nghe tội nghiệp quá! Tôi là một nghệ sĩ độc lập. Vì tôi không dễ thỏa hiệp và không dễ hòa tan. Tôi luôn xác định, không có một loại hình nghệ thuật nào cho tất cả mọi người. Chưa kể, có những người bạn vẫn luôn dõi và ủng hộ hành trình nghệ thuật của tôi. Đó chính là động lực để tôi không ngừng cống hiến và sáng tạo".

Kỹ tính, khắt khe, cẩn thận khiến nhiều người cho rằng, anh đang tự bó hẹp những cơ hội công việc đến với mình. Nhưng Lê Vũ Long tự tin: "Tôi không ép mình phải làm những việc không thích, dù việc ấy có thể mang lại nhiều tiền". Anh sẵn sàng từ bỏ môi trường làm việc công chức để trở thành nghệ sĩ tự do để được "tự do sử dụng chính mình". Cũng như anh không quen trưng trổ hạnh phúc trước công chúng. Điều anh coi trọng là cảm nhận hạnh phúc thực sự với bản thân mình. Đó là người vợ cùng nghề luôn ủng hộ mọi ý tưởng của chồng, là những đứa con ngoan đang dần khôn lớn, trưởng thành

Thảo Duyên
.
.