Nghệ sĩ Hai Nhất: Từ vai kẻ phản bội đến vai trùm xã hội đen

Thứ Năm, 09/06/2011, 08:44
Gặp nghệ sĩ Hai Nhất sau buổi họp báo, tôi thật sự bất ngờ trước tình yêu nhân vật của ông. Mặc dù bị báo chí "quần" cả buổi vì vai diễn quá ấn tượng nhưng dường như Hai Nhất vẫn chưa nguôi cảm giác sung sướng vì sự thành công bất ngờ của vai diễn này. Ông lại hào hứng, say sưa nói về vai diễn Bảy Xoài mà khán giả gọi nôm na là nguyên mẫu của trùm xã hội đen Năm Cam...

Cuối tháng 5 vừa qua, việc bộ phim "Những đứa con của Biệt động Sài Gòn" ra mắt khán giả Hà Nội đã trở thành một sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí và người hâm mộ. Bộ phim không chỉ đánh dấu sự trở lại của đạo diễn lão thành Long Vân với vai trò cố vấn nghệ thuật mà còn là sự tái xuất ấn tượng của nghệ sĩ Hai Nhất, người từng tạo dấu ấn sâu sắc với những vai phản diện như Ba Cẩn trong "Biệt động Sài Gòn", tướng cướp Quảng Nhọn trong "Người không mang họ"... Hóa thân xuất sắc vào vai Bảy Xoài - một ông trùm khét tiếng gian ác và mưu mô thêm một lần nữa khẳng định tài diễn xuất và tình yêu điện ảnh bền bỉ của nghệ sĩ Hai Nhất.

1. Gặp nghệ sĩ Hai Nhất sau buổi họp báo, tôi thật sự bất ngờ trước tình yêu nhân vật của ông. Mặc dù bị báo chí "quần" cả buổi vì vai diễn quá ấn tượng nhưng dường như Hai Nhất vẫn chưa nguôi cảm giác sung sướng vì sự thành công bất ngờ của vai diễn này. Ông lại hào hứng, say sưa nói về vai diễn Bảy Xoài mà khán giả gọi nôm na là nguyên mẫu của trùm xã hội đen Năm Cam. Ngoài đời, Hai Nhất nhỏ bé và có vẻ "lành" hơn rất nhiều so với những vai diễn phản diện gai góc trên màn ảnh. Chỉ có ánh mắt nhanh và sắc lẹm có lẽ là điều để các đạo diễn cứ nhất định "đóng đinh" Hai Nhất vào vai phản diện.

Bộ phim "Những đứa con của Biệt động Sài Gòn" (tác giả kịch bản: Đại tá, Nhà văn Nguyễn Xuân Hải, đạo diễn: Đặng Minh Quang, Khương Đức Thuận) là một bộ phim thành công trong việc hình tượng người chiến sĩ Công an. Nghệ sĩ Hai Nhất tâm sự, ngay sau khi phim phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Vĩnh Long rồi tỉnh Bình Dương thì sự lan tỏa của bộ phim khiến ngay cả đoàn làm phim cũng bất ngờ. Có lẽ, đã rất lâu rồi mới có một bộ phim tạo ra một sự kiện đặc biệt đến thế: Phim vừa phát sóng thì ngay lập tức ở ngoài cửa hàng băng đĩa đã có đĩa lậu kèm bảng quảng cáo đậm nét treo bên cạnh: "Phim Việt Nam đặc sắc… Phim về vụ án Năm Cam"… Khán giả miền Tây Nam Bộ không chỉ chăm chú theo dõi trên truyền hình mà nhiều người còn mua đĩa về nhà xem. Không ít người quen của Hai Nhất là chủ quán nhậu ở các tỉnh miền Tây đùa rằng sẽ… kiện đoàn làm phim vì cứ đến giờ phim phát sóng, lượng khách nhậu giảm hẳn! "Cô mà đi cùng tôi cô sẽ thấy. Tôi cứ vô chợ Bến Thành là không ra nổi. Khán giả vây lấy gọi "ông Bảy", "Bảy Xoài" rộn ràng" - Nghệ sĩ Hai Nhất vui vẻ tâm sự.

Với nghệ sĩ Hai Nhất, sự trở lại của ông trong phim "Những đứa con của Biệt động Sài Gòn" là một dấu mốc đặc biệt sau khi đã khá lâu ông không đóng phim. Khi đạo diễn Long Vân cùng các cộng sự lên ý tưởng về bộ phim này, họ đã nghĩ ngay tới Hai Nhất và "đo ni đóng giày" nhân vật Bảy Xoài cho ông. Nhưng khi phim chuẩn bị quay thì cũng là lúc ông bị căn bệnh rối loạn tiền đình nặng. Hai Nhất đã xin từ chối vai diễn vì sợ không đủ sức khỏe nhưng đạo diễn Long Vân kiên quyết không đồng ý. Hai Nhất kể, đoàn làm phim rất ưu ái ông, như thuê khách sạn gần địa điểm quay để ông không phải đi lại nhiều, đảm bảo sức khỏe. Đạo diễn Long Vân còn ra chỉ thị: "Thông thường, phim quay khoảng 3-4 ngày một tập, nhưng riêng với Hai Nhất thì cứ 6-7 ngày cũng được, ra trễ cũng được"… Nhưng, sự hấp dẫn của nhân vật, không khí làm việc say sưa của đoàn làm phim khiến Hai Nhất quên hết cả mệt mỏi, bệnh tật, thậm chí ông còn đáp ứng tốt tiến độ làm phim.

Nghệ sĩ Hai Nhất chia sẻ, việc vào vai trùm xã hội đen Bảy Xoài không hề đơn giản. Đạo diễn Long Vân muốn đó là kẻ gian ác nhưng che đậy bằng vẻ ngoài lịch thiệp như một chính khách. Đạo diễn Khương Đức Thuận thì lại muốn Hai Nhất nhập vai Bảy Xoài với nhiều “bộ mặt” khác nhau. Nung nấu suy nghĩ, cuối cùng Hai Nhất đã chọn ở mỗi đạo diễn một điểm, nhưng tập trung diễn xuất bằng ánh mắt. Ánh mắt sắc lạnh, nham hiểm, mưu mô và rất khó lường. Ánh mắt sẽ là điểm quan trọng nhất bộc lộ uy lực, sức mạnh của Bảy Xoài với các đàn em. Và phong cách lạnh lùng, bí ẩn là điểm chính của nhân vật này. Diễn viên Lan Phương, người đóng nhiều cảnh chung với Hai Nhất đã có lần phải thốt lên: "Chú ơi, sao bên ngoài chú… bình thường thế mà khi nhập vai, ánh mắt chú khiến cháu nổi da gà vì sợ"

Kỷ niệm vui nhất với nghệ sĩ Hai Nhất khi vào vai Bảy Xoài là cảnh cuối cùng khi hắn bị Công an truy bắt. Ông kể, theo ý định của đạo diễn, Bảy Xoài sau khi vùng dậy khỏi chỗ ẩn nấp sẽ bắn vào nữ chiến sĩ Công an rồi vụt chạy về phía dòng kênh. Theo sau Bảy Xoài là sự truy đuổi của các chiến sĩ Công an và chó nghiệp vụ. Cùng diễn với Hai Nhất khi ấy là 4 chiến sĩ Công an và 4 chú chó nghiệp vụ "xịn". Điều khiến Hai Nhất lo lắng nhất mà không tiện nói ra là hình ảnh 4 chú chó dũng mãnh, đang sẵn sàng "vào trận" mà không hề đeo rọ mõm. Hai Nhất lo sợ: "Nhỡ các anh Công an để… tuột tay thì sao. Mình thì có tuổi rồi, không chạy nhanh được. Nếu chạy về phía dòng kênh, sẽ không đủ sức để băng qua. Nó ngoạm cho một cái thì cũng... đi. Thôi thì, trước hết cứ phòng thân cái đã". Chưa kịp định thần, đạo diễn hô "quay". Hai Nhất liếc mắt thấy bên tay phải là hàng rào dây thép gai không cao quá, ông vội vàng chạy băng qua. Đồng chí phụ trách moniter thấy Hai Nhất chạy vụt qua màn hình rồi biến đâu mất liền kêu trời: "Hai Nhất đâu rồi?". Cả đoàn phim cười lăn lóc. Sau này, mọi người vẫn đùa: "Bình thường thấy Hai Nhất lù khù, thế mà sao hôm nay chạy nhanh thật, loáng cái đã mất tiêu rồi". Cảnh Bảy Xoài chạy trốn về sau phải quay lại nhưng lần này, đạo diễn không quên dặn dò các chiến sĩ Công an phải giữ chó thật chặt để diễn viên yên tâm chạy vào đúng khuôn hình.

2. Gần 40 năm trong nghề diễn, với hàng trăm vai diễn nhưng nghệ sĩ Hai Nhất chăm chút cho nghiệp diễn xuất chỉ bằng con đường tự học. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cố đô Ninh Bình, đến năm 1976, anh cùng cả nhà vào Nam sinh sống. Từ một anh bộ đội có khiếu văn nghệ ở Sư đoàn 350, Hai Nhất đã quyết định theo đuổi nghệ thuật bằng việc rời quân ngũ xin vào Hãng phim Giải phóng mà theo ông khi ấy là "Làm gì cũng được, miễn là gần với điện ảnh". Đến nay, ông vẫn thầm cảm ơn cố đạo diễn Hồng Sến là người đã phát hiện và đưa ông đến với nghiệp diễn.

Hai Nhất tâm sự, hầu hết những vai ông đảm nhận là vai phản diện. Không phản bội thì cũng lưu manh, tướng cướp, lính ngụy… Ông bảo, hình như mặt ông đặc biệt hợp với vai phản diện nên đạo diễn nào cũng nhắm ông vào kiểu vai này. Một Ba Cẩn phản bội đồng đội trong "Biệt động Sài Gòn", một tướng cướp Quảng Nhọn manh động trong "Người không mang họ", rồi Ba Búa của đạo diễn Danh Tấn… và giờ đây thêm Bảy Xoài. Nhưng vai diễn ấn tượng nhất với khán giả trong đời ông là vai Ba Cẩn. "Biệt động Sài Gòn" khi ấy là một dự án phim lớn nên việc tuyển diễn viên rất kỹ lưỡng, khắt khe. Ban đầu, Hai Nhất được đạo diễn Long Vân giao vào một vai nhỏ. Phim quay được 2 - 3 ngày, bỗng đạo diễn đổi ý bảo: "Mày vào vai Ba Cẩn đi. Ngày mai sẽ quay thử". Nghe vậy, Hai Nhất vừa sung sướng vừa lo lắng.

Cảnh quay thử là cảnh Ba Cẩn chỉ điểm đồng đội mình, sau đó hoảng sợ đến nỗi khi đi ra, hắn va cả mặt vào cửa kính. Đạo diễn Long Vân chỉ nói ngắn gọn: "Ba Cẩn trước đây từng là đồng chí với Tư Chung, Sáu Tâm, giờ đây phản bội. Phải diễn làm sao ra cái hoảng sợ của một kẻ đã từng là một người cách mạng chứ không phải một kẻ phản bội đơn thuần". Là lính mới toanh nên Hai Nhất thực sự hoang mang không biết mình có làm được không. Quay xong cảnh đó, đạo diễn Long Vân rất hài lòng. Theo Hai Nhất ở bộ phim này, cảnh quay khó nhất là cảnh Ba Cẩn bị bắn chết. Trước khi quay, đạo diễn Long Vân chỉ đạo: "Ba Cẩn là một tên phản bội, vì vậy, khán giả muốn Ba Cẩn phải trả giá bằng cái chết như một con chó. Cảnh này, chỉ được quay một lần". Hai Nhất bảo mệnh lệnh của đạo diễn Long Vân khi ấy đã gây áp lực lớn đối với ông. Khi quay cảnh Ba Cẩn gục xuống bởi một phát đạn, trong đầu Hai Nhất vẫn vang lên "chỉ thị" của đạo diễn Long Vân. Hai Nhất quyết định để Ba Cẩn ngã trong tư thế một nửa người chúi xuống đất, một nửa ở trên giường, mắt trợn trừng. Sau tiếng "Cắt" vang lên, đạo diễn Long Vân vỗ đùi cái đét: "Tốt lắm, diễn thế mới là diễn chứ". Hai Nhất thở phào nhẹ nhõm.

Sau "Biệt động Sài Gòn", Hai Nhất và đạo diễn Long Vân như một cặp bài trùng. Hầu hết những bộ phim của đạo diễn Long Vân đều có sự góp mặt của Hai Nhất…

Hai Nhất quan niệm, đời người diễn viên chỉ cần một vai để đời thôi cũng đã là hạnh phúc. Vậy mà may mắn tới giờ ông có tới 2 vai diễn được khán giả nhớ đến. Ông cũng thường nói với người con trai duy nhất theo nghiệp diễn trong số 7 người con của mình: "Nếu cả đời con không để lại một vai diễn nào ấn tượng thì cũng chỉ là con số không".

Khán giả nhớ những vai phản diện của Hai Nhất trên màn ảnh nhưng ít ai biết rằng, ông còn là một "đại gia" trong ngành sản xuất phim. Ông là một trong những người đầu tiên mạnh dạn thành lập hãng phim tư nhân với tên gọi Nhất Phương film và kinh doanh thành công. Những thời điểm điện ảnh khó khăn, không có nhiều phim để đóng, ông vẫn được thỏa sức với tình yêu nghệ thuật thứ 7 của mình, dù bằng một cách khác. Với ông, kinh doanh điện ảnh thì lợi nhuận không phải là đích đến duy nhất, mà quan trọng hơn là góp phần mang điện ảnh tới những vùng sâu, vùng xa - nơi người dân ít có điều kiện xem phim

Thảo Duyên
.
.