Nghệ sĩ Đông Nam Á và cuộc chiến chống COVID-19

Thứ Năm, 07/05/2020, 07:34
Những tấm poster sáng tạo và những bức vẽ sinh động theo phong cách hoạt họa của các họa sĩ Đông Nam Á đã góp sức theo một cách riêng, hiệu quả cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Bất kể việc bị phong tỏa, cách ly phòng dịch bệnh, nhiều họa sĩ ở Đông Nam Á vẫn tạo được hiệu ứng tích cực từ xã hội nhờ vận dụng hiệu quả sáng tạo nghệ thuật trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh...


Thu hút bằng ngôn ngữ đương đại

"Đất nước không yêu cầu bạn phải ra chiến trường, bạn chỉ cần ở nhà", họa sĩ đồ họa trẻ Lê Đức Hiệp đã viết như thế trên Facebook khi anh chia sẻ poster theo phong cách cổ động thời xưa kêu gọi người dân ở nhà, đoàn kết trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Trên tấm poster này là hình ảnh hai nhân viên y tế đang giơ cao quốc kỳ Việt Nam, phía sau là những sáng mặt trời soi tỏa. Tấm hình này đã được chia sẻ khoảng 10.000 lượt kể từ giữa tháng 3 trên mạng xã hội và các nền tảng, không gian mạng khác, chủ yếu ở Việt Nam nhưng cũng có một số nền tảng mạng ở nước ngoài.

Ông Robert Alejandro, họa sĩ người Philippines.

Những bức vẽ như thế thực tế không hề xa lạ với người Việt. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thế kỷ XX, tranh cổ động là thứ dường như đi đâu người ta cũng gặp. Nhưng điểm đóng góp đáng kể nhất của Hiệp trong bức vẽ này chính là cách anh đã đưa ngôn ngữ của "thời mình đang sống" vào đó.

"Tôi nghĩ mọi người thích nó vì sự gần gũi và liên quan tới họ", họa sĩ trẻ 34 tuổi hiện là giám đốc sáng tạo của tạp chí Businesswoman của Việt Nam chia sẻ với tờ Nikkei Asian Review. Trước "hiện tượng" tranh cổ động mùa COVID-19, Lê Đức Hiệp cũng đã gây ấn tượng ít nhiều với các poster phim tạo được dư luận tốt như "Cô Ba Sài Gòn" (2017), "Song Lang" (2018).

Khác với Lê Đức Hiệp, Weiman Kow (33 tuổi), họa sĩ trẻ người Singapore chọn cách góp sức cho chiến dịch đẩy lùi đại dịch COVID-19 bằng những bức vẽ vui vẻ, dễ thương theo kiểu hoạt họa.

Các bức hình của Kow là sự pha trộn giữa hai thể loại infographic (đồ họa thông tin) và truyện tranh (comic), nói về việc rửa tay, khẩu trang và tin giả trong dịch bệnh. Những bức hình này sau khi được chia sẻ lên mạng lần đầu tiên ngày 31-1 trên trang web của Kow là comicsforgood.com đã lan tỏa đi khắp thế giới, được các trường học, chính phủ, bệnh viện, văn phòng và các nhóm hoạt động chuyển ngữ sang gần 40 thứ tiếng. Các bức vẽ về COVID-19 của Kow đều được tải về miễn phí.

"Tôi đã nghe một số phụ huynh và giáo viên ở Trung Quốc và Indonesia kể rằng trước khi xem các bức vẽ của tôi, con họ không chịu rửa tay. Tôi muốn mọi người cảm thấy được cung cấp thêm kiến thức, thấy hạnh phúc và an toàn khi thực hiện những hành động hợp lý, giống như những đứa trẻ đã làm", Kow chia sẻ.

Chọn một phương diện đóng góp khác, họa sĩ đồ họa kiêm nhà thiết kế, họa sĩ vẽ minh họa người Philippines, ông Robert Alejandro, 56 tuổi, cho biết, ông đang tập trung vào những căng thẳng thường nhật xảy đến với con người trong đại dịch COVID-19, cũng như nhu cầu quản lý thời gian của họ.

Bức “tranh cổ động” Ở nhà là yêu nước của Lê Đức Hiệp.

Kể từ ngày đầu tiên thực hiện cách ly cộng đồng tại thủ đô Manila hôm 15-3, ông Alejandro đã tổ chức các lớp học online hàng ngày để giúp trẻ khám phá khả năng sáng tạo của chúng, giải tỏa bớt những lo lắng, căng thẳng, nhàm chán và giúp cha mẹ chúng có được chút thời gian thư giãn, nghỉ ngơi.

"Tôi muốn trẻ có được khoảng thời gian "siêu vui vẻ". Chúng chỉ chơi thôi, nhưng thực sự tôi cũng đang dạy chúng rất nhiều thứ. Tôi dạy vì tôi muốn chia sẻ những gì mình thích thú".

Những buổi học kéo dài khoảng một giờ phát trực tuyến hàng ngày trên Facebook Live của ông Alejandro thường thu hút khoảng 1.500 bạn trẻ tham gia, nhiều người trong đó có phụ huynh học cùng. Trong một buổi học hồi tháng 3, ông Alejandro dành thời gian để vẽ thiệp cầu chúc cho những người bệnh COVID-19 mau bình phục.

Với những học viên là người lớn, ông cũng đã tổ chức một số buổi dành riêng cho họ, trong đó ông yêu cầu họ chọn một thứ gì đó trong nhà để vẽ lại bằng bút. Không giống trẻ em, người lớn thường rút ra những lợi ích từ lớp học vẽ của ông Alejandro chính là quá trình học cách quan sát chứ không phải một kết quả nghệ thuật hoàn hảo.

Trách nhiệm công dân

Lê Đức Hiệp chia sẻ, sau khi cảm thấy bứt rứt trước việc nhiều người chủ quan, không tuân thủ quy định giãn cách xã hội để phòng dịch bệnh, anh quyết định mở phần mềm Adobe Photoshop ra vẽ tấm poster cổ động "Ở nhà là yêu nước", bức vẽ đầu tiên thuộc thể loại này của anh. Bản thân đã ở nhà từ giữa tháng 3, Hiệp thấy nhiều người vẫn tiếp tục ra ngoài và tiếp xúc với những người khác như bình thường bất chấp việc kêu gọi thực hiện giãn cách xã hội của chính phủ. "Tôi muốn mọi người hiểu rằng họ có thể góp sức vào cuộc chiến (với dịch bệnh) này chỉ bằng việc không làm gì cả", anh chia sẻ với báo Nikkei Asian Review.

Còn Kow, cô bắt đầu vẽ những bức tranh hoạt họa về COVID-19 trong thời gian nghỉ ốm. Cô thường vẽ phác những hình ảnh bằng bút và giấy rồi hoàn thiện trên ứng dụng vẽ Procreate. Ý tưởng dùng tranh hoạt họa trong các chiến dịch tuyên truyền, vận động sức khỏe đã nảy ra với Kow từ năm 2015, khi cô có một số phác thảo liên quan tới dịch bệnh Hội chứng Hô hấp cấp (MERS) nhưng đã chưa hoàn thành chúng.

Cả Hiệp và Kow đều cho rằng việc truyền thông tới công chúng trong lúc khủng hoảng dịch bệnh, muốn hiệu quả cần phải đưa thông tin chính xác và trực tiếp. "Mục đích là giúp những người đọc của tôi có kiến thức để đưa ra những quyết định đúng chứ không phải đề xuất những hành động kiểu ra lệnh. Rốt cuộc, hầu hết mọi thứ đều là vấn đề chọn lựa, địa điểm và hoàn cảnh cá nhân xu hướng lựa chọn của mỗi người trước rủi ro (như việc đeo hay không đeo khẩu trang)", Kow chia sẻ. Cũng theo Kow, nội dung cô chia sẻ trong các bức vẽ hoạt họa (comic) của mình đều đã được các bác sĩ thẩm định.

Một trong loạt tranh vẽ về cách lây lan của virus Sars-cov-2 của Kow.

"Mọi người đều là khán giả được nhắm tới. Tôi đã làm nó (các bức vẽ) đơn giản để trẻ em cũng có thể hiểu, nhưng đôi khi người lớn cũng sẽ cần nó", cô nói. Theo Kow, việc sử dụng tranh hoạt họa trong các chiến dịch truyền thông vẫn bị đánh giá chưa đúng mức. "Các bài báo, nhất là các bài báo khoa học thường khó đọc, ngay cả với những người lớn có trình độ học thức không có nhiều thời gian, vậy tại sao không cô đọng lại những phần thông tin quan trọng đó vào một bức tranh hoạt họa?", Kow nói.

"Thay vì ra lệnh rằng "anh phải làm cái này, anh phải làm cái kia", nghệ thuật truyền cảm hứng để anh làm những điều đúng đắn", Hiệp nói. "Tôi không nghĩ việc ra lệnh hay đe dọa người khác sẽ mang lại những kết quả tốt như khi họ hiểu vấn đề và thực sự muốn giúp đỡ".

Còn với ông Alejandro, các lớp học cũng như tác phẩm nghệ thuật của ông truyền tải cái mà ông gọi là sự lựa chọn được hạnh phúc ngay cả trong những lúc khắc nghiệt nhất.

Cuộc chiến sẽ còn rất dài

Kow cho biết, mặc dù cũng khá mệt mỏi với những ngày dài ngồi vẽ tranh, nhưng cô đã có ý định sẽ tiếp tục vẽ thêm về những tác động ở mặt cảm xúc cũng như kinh tế của đại dịch COVID-19. Trang web của Kow cũng mời các em nhỏ tự vẽ những bức tranh hoạt họa với chủ đề COVID-19 của mình, tới cuối tháng 3 đã có khoảng 100 bức vẽ gửi tới cô.

Sau khi bị quá nhiều người hối thúc, Hiệp đã in hơn 60 bức tranh "Ở nhà là yêu nước" khổ A2 trong một dự án thiện nguyện nho nhỏ với cam kết dành toàn bộ số tiền thu được để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng dịch bệnh. Mới đây anh đã dành 16 triệu đồng tiền bán tranh mua 1,2 tấn gạo chở tới góp vào cây ATM gạo đầu tiên ở Vườn Lài, quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) của anh Hoàng Tuấn Anh. Hiệp cũng cho biết, anh đã bắt tay với phác thảo một bức tranh cổ động khác, nhưng tất cả vẫn còn nằm trên giấy.

Về các lớp học của mình, ông Alejandro nói rằng, có nhiều công ty tư nhân nói họ muốn tham gia các lớp học nghệ thuật online của ông. "Nhưng tôi không biết phải nói với họ gì", ông chia sẻ.

Tuy nhiên, cả ba đều hiểu cộng đồng đang rất mệt mỏi với những xáo trộn kéo dài trong nhịp sống hàng ngày, và cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 sẽ luôn cần sự hỗ trợ cần thiết từ những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo như họ.

Trần Đắc Luân
.
.