Nghệ nhân đúc đồng Lê Khang: Tính sao cho vẹn mọi đường

Thứ Năm, 22/08/2013, 08:00
 Từng là giáo viên giỏi trong làng nghề đúc kim loại mầu, và cũng là một họa sĩ tài hoa trong những mảng hoa văn, họa tiết trên trống đồng, mâm đồng nổi tiếng, nhưng nghệ nhân Lê Khang luôn chăm chút cho mình những bài học mới nhất để nâng cao tay nghề. Với ông, mỗi giọt đồng được nung chảy đều phải được tính toán kỹ lưỡng trước khi rót vào khuôn đúc một bức tượng...

Nếu ai từng có cảm giác choáng ngợp khi đứng trước bức tượng đồng chân dung Lý Thái Tổ, cao tới 10,1m (cả bệ) ở vườn hoa Chí Linh bên Hồ Gươm, ắt cũng sẽ phải trầm trồ kinh ngạc trước sự vi diệu của "bàn tay vàng" Lê Khang khi thu nhỏ bức tượng ấy chỉ còn độ 15cm và bày đặt trong một ngăn tủ kính cũng nhỏ nhắn bên bàn nước nhà ông, tại phố Hàng Khoai, Hà Nội. Hai bức tượng ông vua bằng đồng giống hệt nhau, nhưng lại gây cho người xem hai cảm xúc khác nhau, từ ngạc nhiên đến bái phục. Chính vì thế mà tôi tìm đến ông, một trong 13 nhân vật hiếm hoi trên toàn quốc được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vào năm 2010.

1. Từng là giáo viên giỏi trong làng nghề đúc kim loại mầu, và cũng là một họa sĩ tài hoa trong những mảng hoa văn, họa tiết trên trống đồng, mâm đồng nổi tiếng, nhưng nghệ nhân Lê Khang luôn chăm chút cho mình những bài học mới nhất để nâng cao tay nghề. Với ông, mỗi giọt đồng được nung chảy đều phải được tính toán kỹ lưỡng trước khi rót vào khuôn đúc một bức tượng.

Lại nhớ cách đây mươi năm, Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã mời nghệ nhân Lê Khang đến đúc đồng cho 17 tác phẩm của các nhà điêu khắc tài năng nhất hiện nay. Từ các mẫu tượng thạch cao nhỏ, ông cho phóng to rồi đúc đồng. Sự chuyển hóa chất liệu này đâu có dễ, khi người đúc tượng phải giữ được phong cách nghệ thuật của tác giả và hồn cốt của tác phẩm. Vậy là suốt hai năm trăn trở cùng với những cộng sự giỏi từ nhiều nơi tìm về, nghệ nhân Lê Khang lần lượt hoàn thành các mẫu tượng được giao. Đó là các tác phẩm "Tuổi hai mươi", "Nữ du kích", "Cô gái quan họ", "Lòng miền Nam", "Nắm đất miền Nam", "Lão du kích Hoàng Trường", "Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh"... Đặc biệt, trong số đó còn có cụm tượng lớn "Giải phóng Điện Biên" của nhà điêu khắc Nguyễn Hải, hoặc những pho tượng đôi khó làm như: "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" và "Hũ gạo nuôi quân" được phóng to và gây ấn tượng với màu đồng đỏ ấm áp. Nhiều tác giả có tượng được chuyển sang chất liệu đồng đã không ngờ hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm được nâng lên như một thứ ngôn ngữ mới sinh động, giàu sức sống.

Trong các bức tượng không đạt "chuẩn" của nghệ nhân Lê Khang có bức tượng nữ Anh hùng Võ Thị Sáu bằng thạch cao được ông xếp trong một góc nhà. Thật ra, đây là bức tượng đẹp, chỉ tội đã bị sứt mẻ, dính vết xước. Trước các khách tham quan, Lê Khang từng hứa sẽ tạo nên một bức tượng chị Sáu bằng đồng, cao 1,6m và sẽ khiến mọi người phải ấn tượng, quyến luyến khi chiêm ngưỡng. "Tôi sẽ làm cho mọi người ngắm chị Sáu không chán mắt. Đi rồi còn ngoái lại. Thậm chí mải ngắm đến mức cộc đầu vào tường mới thôi" - Nghệ nhân Lê Khang từng nói vui như vậy và sự thật, ông đã làm được điều ông tâm niệm. Hiện bức tượng đồng của nữ Anh hùng Võ Thị Sáu được trưng bày trong bảo tàng đã thể hiện được một khí phách hiên ngang trong dáng vóc trẻ trung toát lên chất anh hùng ca bất tử. Nghệ nhân Lê Khang kể: Khi chuyển từng mẻ đồng vào khuôn tượng, trong tâm tưởng ông luôn vang lên những câu nói khảng khái của người nữ anh hùng, khi vị cha cố muốn rửa tội cho chị trước khi chị bị đưa ra hành quyết. Vậy đó, mỗi bức tượng là một sự tìm tòi của nghệ nhân khi muốn tìm ra cách thể hiện chiều sâu tâm linh của nó.

Nhắc tới các bức tượng tiêu biểu từng qua bàn tay tài hoa của mình, nghệ nhân Lê Khang không quên nhắc tới bức tượng Bác Hồ và Quốc huy Việt Nam cao 1,6 m, hiện đang được bày tại sảnh lớn của Văn phòng Chính phủ. Tính đến nay, bức tượng đồng của ông đã tồn tại được hơn 10 năm nhưng chưa lần nào phải chỉnh sửa, làm lại màu, hay suy chuyển chất lượng đồng. Hai bức tượng chân dung Bác đang được bày trong sảnh lớn của Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cũng vậy, đều bền đẹp như mới. Dĩ nhiên, đã là tượng chân dung thì phải giống với nguyên mẫu, song một điều cũng rất quan trọng là nó phải thể hiện được sự thâm sâu của tâm hồn, nói ngắn gọn là phải "có thần". Cụm tượng Bác Hồ với bốn chiến sĩ quân đội, nặng 2,5 tấn do nghệ nhân Nguyễn Khang thực hiện được đặt tại Bảo tàng Hùng Vương là một trong số đó... 

2. Nghệ nhân Lê Khang không thể nhớ mình đã đúc được bao nhiêu tượng trong suốt 50 năm qua, nhưng ngắm bảo tàng tượng của gia đình ông, tôi không thể không khâm phục sức lao động cần mẫn của con người này. Đặc biệt, tôi vô cùng ngạc nhiên với một tủ tượng danh nhân văn hóa và lịch sử bằng đồng, với cỡ nhỏ đến kỳ lạ, nhưng lại tỉ mỉ đến từng nét, khắc họa chi tiết sinh động.

Tượng đại thi hào Nguyễn Du nhỏ hơn ngón tay trỏ do nghệ nhân Lê Khang thực hiện.

Trong số đó, có những bức rất nhỏ, như tượng đại thi hào Nguyễn Du chỉ cao 4 cm, bức tượng nhạc sĩ Văn Cao cũng chỉ chừng 7 cm. Bên cạnh đó là chân dung nhà đóng tàu Bạch Thái Bưởi, hay danh y Hải Thượng Lãn Ông cao độ 5 cm. Bức tượng Vua Lý Thái Tổ là bức cao nhất cũng chỉ chừng 15 cm. Nghệ nhân Lê Khang lấy kính lúp cho tôi xem bức tượng Nguyễn Du, mới hay những ẩn giấu trong gương mặt danh nhân chỉ to hơn hạt đỗ đen đã hiện lên với tất cả sự mê ly của nó. Đó là ánh mắt hiền hậu nhưng vẫn u hoài nét xót xa cay đắng và chòm râu tinh tế khẽ rung trước làn gió quê hương. Tôi thật sự không hình dung nổi, bằng cách nào mà nghệ nhân Lê Khang đã đúc được một bức tượng nhỏ đến thế này.

Nghệ nhân Lê Khang thổ lộ: Mọi thao tác đều được ông thực hiện theo quy trình như khi đúc một bức tượng lớn. Nghĩa là nặn mẫu đất, rồi đến khuôn, sau đó là rót đồng, xong xuôi đến cung đoạn làm màu, sửa chi tiết, phủ bóng...Tất tần tật không thiếu một khâu. Điều quan trọng nhất là tác phẩm tuy nhỏ nhưng vẫn phải là một chân dung hoàn chỉnh, đẹp bền và lung linh tâm cảm. Khi đó, tượng phải thể hiện  một cốt cách, một đời sống tinh thần không thể lẫn với các bức tượng khác. Nói tới đây, bất chợt nghệ nhân Lê Khang nhắc tới những câu Kiều mà ông tâm đắc khi vẽ mẫu tượng Nguyễn Du. Ông nheo mắt và thủng thẳng đọc: "Mành tương phất phất gió đàn/ Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình". Đây nữa: "Từ đây góc bể chân trời/ Nắng mưa thui thủi quê người một thân", hay: "Bốn phương mây trắng một màu/ Trông vời cố quốc biết đâu là nhà"... Cứ thế ông đọc, tôi nghe, và hình dung ra, mỗi giọt đồng để đúc thành bức tượng nhỏ này đúng là một giọt cảm xúc. Nó thể hiện sự hết mình của nghệ nhân khi muốn truyền lại những câu chuyện phía sau của bức tượng và làm cho tác phẩm thân thiện hơn, đáng yêu hơn.

Hỏi về bí quyết tạo nên hồn cốt của những bức tượng chân dung nhỏ, như tượng Nguyễn Du chẳng hạn, nghệ nhân Lê Khang nói đó là sự thách đố của trí tưởng tượng. Việc dựng chân dung có nhiều cách, như qua tài liệu sách báo, tranh ảnh cũ, qua ảnh người thân, thậm chí qua cả thơ ca. Trong số đó, việc dựng tượng "ông vua tàu thủy" Bạch Thái Bưởi là khó nhất. Để làm được bức tượng này, nghệ nhân Lê Khang đã phải lặn lội tìm gặp con cháu cụ Bạch để tìm hiểu, nghe mô tả lại và từ đó có những… hình dung. Thậm chí ông còn tìm lại những bài báo trong thư viện phản ánh thời kỳ rực rỡ nhất của "ông vua tàu thủy" của nước ta ngày đó. Ông đọc nhiều tư liệu để tìm ra tính cách của nhân vật thể hiện trong những ứng xử với thái độ xấu của thực dân Pháp và của những người làm ăn cạnh tranh với Bạch Thái Bưởi. Thế rồi trong một đêm thao thức, gương mặt Bạch Thái Bưởi hiện lên, đúng như nghệ nhân Lê Khang đã đi tìm bấy lâu nay. Ngay trong đêm, thoát khỏi giấc mơ, ông bật dậy ôm lấy thỏi đất đầu tiên để nặn lên gương mặt dạn dày sương gió và quyết đoán của con người giàu kinh nghiệm trên thương trường ấy.

Với một cách nói hóm hỉnh, nghệ nhân Lê Khang bảo: "Thế là tôi tạc nên được cái chân dung "Nói có người nghe, đe có người sợ" của ông chủ họ Bạch này". Khi pho tượng đồng đã hoàn thiện, hầu hết những người thân trong gia đình nhà tư sản họ Bạch đã phải rơi nước mắt trong sự kinh ngạc vì sao lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên và "thiêng" như thế. Gương mặt ấy, nhân cách ấy đúng là của "ông vua tàu thủy" của Việt Nam một thời. Với kiểu chơi "một mình một chợ như thế", hiện nghệ nhân Lê Khang đã thu hút được không ít người tìm đến đặt đúc tượng chân dung qua ảnh.

Câu chuyện giữa chúng tôi và nghệ nhân Lê Khang hẳn khó dứt nếu không có một thanh niên đến "đòi" lấy bức tượng của cha mình. Tôi đành đứng dậy. Nghệ nhân Lê Khang bắt tay tôi và không quên đọc một câu Kiều mà ông tâm đắc, rằng "Thương sao cho trọn thì thương/ Tính sao cho vẹn mọi đường, thì vâng"

Chung Tử
.
.