Nghệ nhân Vũ Văn Bảy: Xoay xở trăm nghề trở về nặn tượng

Thứ Ba, 25/11/2008, 19:00
Ông là Vũ Văn Bảy học chơi đàn ghi-ta mà trong suốt 6 năm trời không biết đánh, nhưng lại thổi sáo và tiêu tuyệt hay, từng là một cầu thủ bóng đá xuất sắc, sau đó bỏ sân cỏ, về quê lang bạt sống với đủ thứ nghề, để rồi một ngày, phát hiện ra mình có tài nặn tượng. Cuối cùng, ông đã chọn nghề này và là người nặn thành công nhiều tượng danh nhân, tượng các liền anh liền chị quan họ.

Qua thành phố Bắc Ninh, đến cuối đường Ngô Gia Tự hướng đi Bắc Giang, mọi người sẽ thấy bên đường, một ngôi vườn nhỏ có nhiều tượng liền anh liền chị váy áo, nón quai thao đứng hồn nhiên, duyên dáng như trong một canh hát, thì đó là nhà của ông Vũ Văn Bảy.

Giờ đã có tuổi, nhưng ông vẫn đi đó đây học hỏi, tham quan rồi về ngôi vườn tượng nhỏ của mình để nặn. Ông là người dễ gần và vui vẻ, sẵn sàng tiếp bạn trẻ cả buổi. Qua những lời tâm sự, tôi được biết cái duyên đến với việc nặn tượng của ông thật tình cờ.

"Một lần, tôi đi qua chỗ người ta nặn chum, nặn nồi, tôi dừng lại nặn thử, bí mật lấy ngay cô gái đang ngồi nặn mà làm mẫu. Nặn xong bỏ đó rồi đi. Chẳng ngờ ra đến đầu ngõ, cô gái đó đuổi theo và hỏi có phải anh là nghệ sĩ không? Mọi người bảo bác nặn cháu mà giống y hệt. Từ đó mới biết mình có năng khiếu" - Ông Bảy kể lại.

Về nhà, ông Bảy lặn lội tìm đất và tiếp tục nặn. Có một người vợ đẹp, ông lấy luôn làm… người mẫu. Cứ nặn đi nặn lại, cuối cùng, nhà ông chật ních toàn tượng…vợ. Thì cũng là lúc ông đã "lên tay", nắm bắt được cái thần thái của tượng nặn. Bà vợ ông ngày đó thấy thế lạ lắm. Ông cứ cặm cụi với tượng và đất, chẳng ăn uống gì, người gầy sọp  đi.

Theo ông, bốn cái tài của con người gồm Cầm, Kỳ, Thi, Họa là trời cho. Hầu như không thể dạy được mà chỉ bồi dưỡng và định hướng được. Nó có từ trong máu rồi, một lúc nào đó sẽ phát ra. Cũng giống như ông, có khả năng nặn tượng là năng khiếu trời cho. Ông không hề được học một ngày nào, nhưng tài nặn của ông khiến nhiều thầy thợ thán phục.

Ông Bảy nói: "Cũng đã có người mơ trở thành thiên tài chỉ vì… thấy người khác tài. Rồi cũng cặm cụi đắp với nặn nhưng mãi không thành. Đối với nghệ thuật, đôi khi cứ làm chơi chơi thì lại được, còn cố đến mấy chưa chắc đã ăn thua gì. Tôi chẳng mơ mộng có giải thưởng hay nổi tiếng. Thành công hôm nay tự đến với tôi, tất nhiên có cả sự cố gắng của tôi nữa. Qua những bức tượng, tôi thể hiện được tư tưởng của mình, gửi gắm tâm sự của mình vào đó".

Ông Vũ Văn Bảy sinh ra trong một gia đình làm ruộng nghèo, chẳng ai biết gì về nặn tượng hay điêu khắc. Từ nhỏ cậu bé Bảy đã thích những hòn đá có hình thù kỳ quặc, thường nhặt đem về gọt đẽo để chơi. Năm 12 tuổi, nghe cha nói: "Nếu con lấy vợ bố sẽ mua cho chiếc xe đạp để đi học".

Lúc đó Bảy còn trẻ con, chẳng biết lấy vợ sẽ thế nào, được hứa mua cho xe đạp là gật đầu đồng ý. Lấy vợ về Bảy vẫn mải mê với những trận bóng, quên là đã có vợ ở nhà. Người vợ lúc đó còn quá ít tuổi, nên cũng chẳng biết làm sao để chồng bớt ham chơi. Và rồi cuộc đời của một người xây dựng gia đình quá sớm đã xảy ra mâu thuẫn khiến hạnh phúc tan vỡ.

Năm 19 tuổi, vợ Bảy bỏ đi, để anh một mình phải nuôi 3 đứa con nhỏ, trong đó đứa nhỏ nhất còn đang trong thời kỳ bú mẹ. Gà trống nuôi con, chàng Bảy lao vào làm đủ nghề từ bốc vác ở ga tàu, đập đá mỏ… công việc nặng nhọc muốn vắt kiệt sức của người trai trẻ.

Với thành tích tỏa sáng trong các giải bóng phong trào, Bảy được nhận vào làm trong Nhà máy Xay Đáp Cầu. Tối về, khi con đã ngủ lại ngồi viết văn và từng được giải thưởng của Tuần báo Văn nghệ.

Năm 21 tuổi, đi hội xuân, nghe quan họ, Bảy đã gặp một cô gái xinh đẹp. Cô gái cảm mến con người thật thà, chất phác của Bảy nên đã yêu, và đồng ý làm vợ, cùng gánh vác công việc gia đình, nuôi con chồng. Sau đó cuộc sống trầy trật vất vả, Vũ Văn Bảy từ giã sân cỏ về nhà làm ruộng, giúp vợ nuôi con. Đến năm 1980, do tình cờ, phát hiện tài năng bản thân, anh trở thành người nặn tượng...

Vợ ông Bảy hát quan họ hay mê hồn. Từ các làn điệu quan họ quê hương, từ lời hát của vợ, ông Bảy đã nung nấu ý chí là phải nặn tượng về các liền chị, liền anh quan họ. Trong đó có hình ảnh của người vợ đẹp đang ngày đêm chăm lo cho chồng cho con.

Tượng quan họ của ông ngoài thể hiện được cái thần thái của con người, còn toát lên sự tươi trẻ của các chàng trai cô gái trong tiết xuân phơi phới. Nhiều khi, ông ngồi ngắm tượng các liền chị, cứ ngỡ họ đang biểu diễn, nên có ai đó gọi mới giật mình trở về thực tại.--PageBreak--

Giờ tất cả con cái ông đã thành đạt, đi nhiều nơi, cống hiến cho đất nước. Ông sống hạnh phúc bên cạnh người vợ dịu dàng, là chỗ dựa và là niềm động viên lớn. Bà vẫn âm thầm đi bên ông, chung thủy và sẻ chia đến điểm cuối của cuộc đời. Không còn nặng nề về chuyện cơm áo gạo tiền, ông thảnh thơi đàm luận về thế sự, về cuộc đời, thả hồn vào những nhân vật mình yêu mến, để lưu giữ cho đời những khoảnh khắc đẹp, những bức tượng chất chứa tư tưởng và cái thần thái của con người.

Trường Đảng của tỉnh Bắc Ninh giờ đang đặt tượng của nhà cách mạng Nguyễn Văn Cừ. Đó là bức tượng ông Vũ Văn Bảy đắp để tham dự cuộc thi của Hội Văn học Nghệ thuật Hà Bắc (cũ) và dành giải nhất. Sau đợt đó, người chị của đồng chí Nguyễn Văn Cừ gặp tác giả, cảm động ôm tác giả mà khóc: "Cậu ơi, anh này nặn cậu giống quá…". Đó là một kỷ niệm đáng nhớ suốt cuộc đời ông.

Và để thành công được như vậy, ông Bảy phải hiểu về nhân vật. Một người không hiểu gì về nhân vật mình muốn nặn thì rất khó thành công. Ông Bảy nói: "Muốn nặn một ai thì ít nhất phải có lòng yêu kính người đó, phải tìm hiểu thân thế và sự nghiệp, từ đó phát hiện ra điểm mình muốn tôn vinh, và thổi hồn, có vậy mới thành công".

Ông Vũ Văn Bảy rất kính nể cụ Đề Thám - "Hùm thiêng Yên Thế". Bức tượng cụ Đề Thám có cái thần thái, khiến cho tỉnh Bắc Giang ngày nay không thể không trân trọng mà mua về, đặt ở khu lưu niệm Hoàng Hoa Thám gần Cầu Đen (huyện Yên Thế).

Có lẽ, nói đến thành công của ông Vũ Văn Bảy thì không thể không nói đến bức tượng Bác Hồ mà ông là tác giả. Bức tượng này ông lấy cảm hứng từ bài thơ "Sáng tháng năm" viết về Bác của nhà thơ Tố Hữu. Ngồi trong "ngôi nhà tượng" của mình, ông Bảy nói cho tôi biết về tư tưởng thể hiện trong các bức tượng:

Tượng về các lãnh tụ, các danh nhân phải thể hiện được thần thái, tâm thế của họ. Thể hiện được cái đức, trí tuệ mẫn tiệp sáng ngời. Tượng về người mẹ Việt Nam, chẳng những phải thể hiện được sự nhân hậu, tấm lòng bao la của mẹ dành cho cả thiên nhiên và con người, còn thể hiện được cả sự khắc khoải đợi chờ của mẹ, đợi chồng mong con, cầu một phút bình yên.

Như bức "Phút bình yên của mẹ" là ví dụ. Một con mèo bé nhỏ ngồi trong lòng bàn tay, mẹ ngồi đó, mà trên trán vẫn không ngơi những lo âu, những nếp nhăn vẫn cuộn lên như sóng. Người mẹ Việt Nam cứ cần mẫn, sống và chịu đựng, và cống hiến, mà ngay cả giờ phút bình yên, mẹ vẫn không ngớt lo lắng.

Hay bức tượng "Cào cào giã gạo". Người mẹ nằm xuống, nâng niu con bằng bắp chân và đôi bàn tay mềm mại. Đứa trẻ hồn nhiên ngồi trong tư thế vững, hai tay dang rộng, như muốn bay lên. Trẻ em đáng được nâng niu, và hãy dành cho trẻ em những gì tốt nhất, là tư tưởng chính của bức tượng".

Ông Vũ Văn Bảy có thể ngồi cả ngày như thế, để cắt nghĩa cho tôi về ý nghĩa của từng bức tượng, những kỷ niệm của đời mình. Sự nghiệp của ông được khẳng định bằng những giải thưởng, những bằng chứng nhận. Nhưng với ông, phần thưởng lớn nhất của một đời người là có nhiều bạn tốt và được mọi người yêu quý.

Ông không ân hận gì về con đường mình đã chọn, đã làm. Với ông, nghệ thuật nặn tượng là tình yêu, gắn bó như máu thịt. Ở những bức tượng đó có sự cách tân, không giống ai. Cũng có người từng ăn cắp mẫu tượng của ông để nặn. Nhưng ông không khiếu kiện, chỉ bảo: "Tượng mình tốt người ta mới lấy làm mẫu".

Thành công như vậy, nhưng ông Bảy chỉ nhận mình là một gã nông dân và là người thợ nặn tượng không hơn không kém. Nhiều người bảo ông vì ương ngạnh để giờ "không có mảnh đất cắm dùi". Ngôi nhà mà ông đang sống được cất trên mảnh đất thuê từ ngày xưa, trong khi không ít nơi muốn cho ông đất làm nhà. Một vài giải thưởng lớn, ông chỉ lấy tượng trưng, phần còn lại để làm từ thiện. Cuối năm rồi, ông nặn nhiều tượng liền chị, liền anh quan họ, vì mùa xuân, nhiều khách hàng muốn có một vài bức tượng "người ơi người ở" trong nhà...

Nguyễn Văn Học
.
.