Nghệ nhân Hà thành và "Những dòng tâm thức"

Thứ Ba, 18/12/2012, 08:00

Có lẽ gọi bằng cụ Tuế sẽ hợp lý hơn, vì cụ năm nay đã 82 tuổi. 82 tuổi đời, cùng bao nhiêu năm làm nghề cắt tóc, công việc khiến cụ tiếp xúc với nhiều người, và cụ đã đúc kết, viết được nhiều câu châm ngôn. Mới đây, cụ đã cho xuất bản cuốn sách "Những dòng tâm thức" tập hợp tất cả các câu châm ngôn mà cụ tâm đắc nhất...

Phía gần cuối con đường Thụy Khuê bên mạn Hồ Tây, có một ngôi đình cổ thuộc làng An Thọ. Ngôi đình cổ kính, rêu phong. Phải vượt qua một con dốc cao mới lên được sân đình. Vẫn cây đa cổ thụ che bóng mát một góc sân làm cho mỗi người đến đây cảm thấy được bầu không khí nhẹ nhàng, thanh tịnh. Và, ngay bên sát cổng đình, một người thợ già hơn 80 tuổi vẫn khéo léo cắt tóc cho những người khách quý mến mà chọn lựa ông. Không những giỏi nghề cắt tóc, ông còn là người hay sáng tác các câu châm ngôn nổi tiếng. Đó chính là ông Cao Văn Tuế.

Có lẽ gọi bằng cụ Tuế sẽ hợp lý hơn, vì cụ năm nay đã 82 tuổi. 82 tuổi đời, cùng bao nhiêu năm làm nghề cắt tóc, công việc khiến cụ tiếp xúc với nhiều người, và cụ đã đúc kết, viết được nhiều câu châm ngôn. Mới đây, cụ đã cho xuất bản cuốn sách "Những dòng tâm thức" tập hợp tất cả các câu châm ngôn mà cụ tâm đắc nhất.

Tuy đã già, tóc đã bạc trắng, miệng móm mém chỉ còn 2 chiếc răng, nhưng trông cụ Tuế rất nhanh nhẹn và khỏe mạnh; nước da vẫn còn đỏ au. Tôi trộm nghĩ, ở cái tuổi như cụ mà vẫn giữ được sức khỏe như vậy chỉ có nhờ cụ vẫn rất mải mê làm việc và tinh thần cụ có lẽ rất tốt. Cụ nói đến châm ngôn rất say sưa. Cuốn sách ra đời đã mang đến nhiều niềm vui cho cụ. Nhiều người đã tìm đến cụ, già cũng có, trẻ cũng có. Già thì để tâm giao, trò chuyện; trẻ thì đến để chiêm ngưỡng và được đọc những lời tâm huyết cụ viết.

"Những dòng tâm thức" được Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành. Cuốn sách là tập hợp của 300 câu châm ngôn. Ban đầu là Tự sự của tác giả, sau đến là 12 câu châm ngôn đã được Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin in trên lịch Văn hóa năm 1998; 4 câu khác được in trên lịch tranh nghệ thuật thế giới năm 2004, tiếp đó là các câu châm ngôn in theo các chủ đề khác nhau được chia ra rõ ràng thành nhiều chuyên mục nhỏ.

Cụ Tuế nói, cả cuộc đời, gần 70 năm làm nghề cắt tóc, cụ tiếp xúc với rất nhiều người. Vì tính chất nghề nghiệp, chủ và khách thường trò chuyện, và trong vô vàn những câu chuyện ấy, cụ lại suy nghĩ, đúc rút ra những giá trị sống và cụ viết thành châm ngôn. Đến khi ngồi viết lại, chỉ trong 3 đêm, mà cụ đã ghi lại được rất nhiều. Sau đó, cứ thỉnh thoảng cụ lại viết, số lượng sau này càng tăng lên. Và cuốn sách "Những dòng tâm thức" được cụ lựa chọn trong số những câu châm ngôn ấy.

Cụ bảo, cụ viết châm ngôn, trước hết là để tự nhắc nhở chính mình. Người già thường hay nói, vả lại thường hay lẫn lộn, nhầm lẫn, nói đi nói lại, mà điều này lớp trẻ không thích. Vì ý nghĩ đó, cụ viết câu "Người già, mọi cái đều co lại, riêng cái mồm lại rộng ra" (ý nói nhiều). Đây là câu mở đầu cho một loạt câu châm ngôn ra đời sau này.

Những câu châm ngôn được cụ viết ra nhiều khi còn có vần, có điệu, đọc lên vừa thấm thía vừa đầy chất văn.

Bìa cuốn sách "Những dòng tâm thức" của cụ Tuế.

Dưới đây là những câu in trên lịch Văn hóa của Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin năm 1998:

- Cười bằng miệng thơm như hoa/ Cười bằng mắt ngon như quả.
- Yêu ai chớ nên yêu hết/ Ghét ai chớ ghét tới cùng.
- Nơi nào cũng có mảnh đất lành/ Dành cho chim lành đậu.
- Lừa bằng trí là mẹo lừa bậc thầy/ Lừa bằng tâm là mẹo lừa bậc thánh.
- Phật linh ở chùa - Chúa linh ở bệ
- Lúc sa cơ mới thấy đức con cái, nghĩa bạn bè.
- Con nhỏ làm ta không ngon giấc/ Con lớn làm ta thường giật mình.

Đây là 2 trong số 4 câu châm ngôn in trên lịch tranh nghệ thuật thế giới năm 2004:

- Nói viển vông phí một lúc/ Làm viển vông hỏng một đời.
- Gây chữ tín một đời/ Xóa chữ tín một lúc.

Hay những câu châm ngôn khác đầy thâm thúy:

- Bạc tóc đâu bạc đầu/ Bạc râu đâu bạc miệng.
- Khen, đừng khen hờ/ Chê, đừng chê xiết.
- Mười lần khoe hoa phải có lần biếu quả.
-Thắm thiết lời chào, dạt dào lời tiễn.
- Cái không đáng hỏng, chớ để hỏng/ Cái không đáng mất, chớ để mất.
- Học tất cả, nghe tất cả nhưng khi làm nên quên tất cả mới có được tất cả.
- Dậy trước bình minh mới đón được bình minh.
- Canh nhạt thêm muối, người nhạt chớ thêm lời.
- Nói vào tai nhau, chớ nhét ý nghĩ vào đầu nhau.
- Nghe cách nói biết người giỏi/ Nghe cách hỏi biết người tài.
- Khóc suốt đêm, sao cười được suốt buổi.
- Học cưỡi ngựa, mấy ai học ngã ngựa.
- Mọi sự va chạm đều thành sẹo.
- Mọi cái mất đều đáng sợ,nhưng sợ nhất giảm mất hưng phấn.

Tuy không được học nhiều, nhưng cụ lại đọc rất nhiều sách, kể cả các sách văn học của nước ngoài. Cụ Tuế cứ say sưa nói chuyện nào là Moliere, Tolstoy, rồi cả Macxim Gorki… Cụ đọc nhiều, suy nghĩ nhiều và đúc rút cho mình những kinh nghiệm sống, rồi truyền đạt lại cho con cháu những suy nghĩ, sự trải nghiệm của một người đã có trên tám mươi năm tuổi đời. Trong căn phòng nhỏ ngay sát ngôi đình làng, hằng ngày có nhiều người đến tìm cụ cắt tóc. Cụ vừa cắt tóc, vừa trò chuyện. Chính sự hăng say lao động đã tạo cho cụ có một tinh thần rất tốt. Không những chỉ cắt tóc, cụ Tuế còn giữ "kỷ lục" làm tổ trưởng dân phố lâu nhất. Hiện cụ vẫn đang giữ chức Tổ trưởng tổ dân phố 29 của phường Bưởi, quận Tây Hồ. Trong căn phòng nhỏ cụ làm việc, ngoài đồ nghề cắt tóc là chiếc gương treo trên tường, trong phòng còn kê một cái bàn làm việc, 1 chiếc tivi, một số sổ sách, và một số tờ báo. Liếc qua một số đồ đạc cũng có thể biết rằng, cụ rất bận rộn với công việc. Không cắt tóc thì xem tivi, đọc báo, làm thơ, viết châm ngôn, rồi còn công việc của một người tổ trưởng dân phố nữa. Trong căn phòng treo đầy những bằng khen, giấy khen. Đó là công việc của một cụ già hơn 80 tuổi, tóc bạc, da mồi. Một mẫu người đáng để lớp trẻ học tập.

Nói về công việc làm tổ trưởng dân phố, cụ Tuế cho biết, chính trong một số trường hợp tiếp xúc với các gia đình trong tổ, cụ cũng nảy ra châm ngôn. Có một gia đình, cả bố và con đều hay uống rượu. Khi đến nhà khuyên bảo, cụ khuyên rất khéo: "Bố dốc chai, con dốc lọ. Nhà không đổ cũng phải xiêu". Hay có một lần khi cụ đến một nhà trong tổ, thấy một cô bé bị bố mắng đang khóc. Hỏi ra sự tình, cụ mới biết rằng, em bé được bố cho 100 nghìn đồng đi mua xôi. Nhưng không may, hàng xôi quen mà cô bé hay mua hôm đó nghỉ không bán. Cô bé phải tìm hàng khác để mua. Chẳng may, rơi mất tiền. Thế là về cô bé bị bố mắng. Cụ Tuế giảng hòa và phân tích. Cụ nói, lỗi này hoàn toàn tại người lớn. Tại sao không cho 10 nghìn hoặc 20 nghìn, mà lại đưa tờ tiền to vậy cho một đứa trẻ con. Trường hợp này, cụ lại có câu: "Thường than phiền người làm hỏng việc. Mấy ai than phiền đến người giao việc".

Tuy chỉ học hết lớp 3, lớp 4 trường làng; nhưng nhờ sự chăm chỉ rèn luyện, trau dồi kiến thức, đọc nhiều, viết nhiều, đến nay cụ Tuế đã có một số truyện ngắn được giải thưởng cao trong một số cuộc thi. Cụ Tuế được kết nạp vào Hội Văn nghệ Hà Nội và là một trong những hội viên lứa đầu của Hội Văn nghệ Thủ đô.

Ông Hoàng Giai, nguyên Trưởng khoa Thiếu nhi, Trường Đoàn Trung ương (nay là Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam), trong phần viết về châm ngôn của cụ Cao Văn Tuế được in trong cuốn sách có đoạn: "Những câu châm ngôn của bác Cao Văn Tuế nội dung rất sâu sắc, giúp tôi ứng xử trong cuộc sống".

Đã qua giờ Ngọ, nhưng cụ vẫn nói chuyện rất say sưa. Thi thoảng trong cuộc nói chuyện, lại có khách đến nhờ cắt tóc, nhưng cụ Tuế đều bảo: "Để lúc khác ông đến cắt tóc nhé. Nay tôi có khách. Ông thông cảm". Người khách lại vui vẻ ra về. Cụ Tuế bảo: "Tôi giờ cũng nghỉ ngơi dần, làm ít thôi". Đến khi ra về, cụ đưa cho tôi quyển sổ ghi lại tên và địa chỉ. Giở sơ qua, thấy một số người ghi trước. Rất nhiều ý kiến ghi lại thể hiện sự cảm phục với người thợ cắt tóc tài hoa, có cả những người người cùng lứa với cụ, có cả các bạn trẻ là sinh viên nghe tiếng cụ mà đến thăm, xin sách. Đó thực sự là niềm hạnh phúc với cụ

Ngô Thị Chuyên
.
.