Nghề làm đồ chơi trung thu cho trẻ em: Ngày vui ngắn chẳng tày gang
Từ xa xưa, cư dân Hà Nội đã có nghề làm đồ chơi cho trẻ nhỏ để bán nhân dịp Trung thu, nhưng đến nay nghề này đã thực sự mai một. Chỉ còn lại duy nhất một gia đình làm nghề mặt nạ bồi giấy hiện ở phố Hàng Than và một gia đình làm tàu thủy đồ chơi ở Khương Hạ (Thanh Xuân). Với những người yêu cái nghề làm vui cho trẻ nhỏ, đúng là "ngày vui ngắn chẳng tày gang", vì làm việc cả năm, chỉ bán được trong rằm tháng 8...
Nghề làm mặt nạ giấy có nguy cơ thất truyền
Nhờ sự chỉ dẫn tận tình của những người hàng xóm, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được gia đình anh chị Nguyễn Văn Hòa và Đặng Hương Lan - hai nghệ nhân cuối cùng của nghề làm mặt nạ giấy ở Hà Nội. Hà Nội những ngày này thời tiết thật nóng bức dù đã sang thu, vậy mà vợ chồng anh Hòa vẫn miệt mài làm việc tại "xưởng" trên tầng 3 của căn gác lợp mái tôn nóng bức. Chị Lan vừa ngồi sơn mặt nạ cười Thị Nở vừa phải đội nón cho bớt nắng. Chị tiếp chuyện chúng tôi mà bàn tay vẫn không ngừng tô, vẽ. Sắp vào vụ nên anh chị phải sơn, phơi nốt những mẻ cuối cùng để giao buôn cho các cửa hàng trên phố Hàng Mã.
Từ ngày mồng 6/ 8 âm lịch, như thông lệ từ cách đây 30 năm, chị Lan sẽ ra ngồi bán hàng ở số 81 Hàng Lược. Khách hàng của chị chủ yếu là khách quen từ nhiều năm nay, có người mua hàng chục cái để làm quà cho trẻ nhỏ trong gia đình. Có những người biết công việc của gia đình chị còn không lấy lại tiền thừa, bởi họ cảm thấy rất quý mến khi vợ chồng chị còn giữ được nghề truyền thống của cha ông và yêu mến bản sắc văn hóa Việt. Mặt nạ giấy mà anh chị làm hiện nay có chừng 20 mẫu, với các hình mặt hổ, trâu, thỏ, sư tử, búp bê, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, ông Địa, Thị Nở, Chí Phèo… Mỗi mặt nạ nhìn đơn giản như vậy nhưng phải trải qua khá nhiều công đoạn, đòi hỏi tính kiên trì, tỉ mẩn của người làm chứ không thể làm nhanh, làm vội được.
Cứ đến tháng 9 âm lịch hằng năm, vợ chồng anh chị bắt đầu làm "cốt" - là những mặt nạ được làm trên khuôn đúc sẵn bằng xi măng. Nguyên liệu chủ yếu là giấy và hồ được làm từ bột sắn. "Cốt" làm xong được để cho khô tự nhiên rồi đem đóng gói cẩn thận chống ẩm cất đi để sang năm khi còn cách ngày rằm Trung thu 3 tháng, anh chị bắt đầu công việc sơn màu sắc cho mặt nạ với những nét vẽ thật hồn nhiên, đáng yêu và màu sắc thật sặc sỡ. Sự kỳ công của loại mặt nạ này còn ở chỗ, mỗi lần sơn chỉ được một màu, càng nhiều màu càng nhiều lần sơn để đảm bảo màu sắc được đẹp, không bị lem nhem.
Chị Lan cho biết, nghề này vừa là duyên nghiệp của vợ chồng chị nhưng anh chị cũng làm vì lòng yêu trẻ. Mỗi lần thấy các cháu nội, ngoại đeo mặt nạ vào múa hát là anh chị lại thấy vui, thấy muốn duy trì cái nghề cha ông để lại. Chị Lan bảo: "Phải có lòng yêu trẻ thì nét vẽ mới hồn nhiên, tươi vui được. Phải nhìn mọi thứ bằng con mắt của trẻ thơ thì trẻ con nó mới thích…".
Vợ chồng chị Đặng Hương Lan tô màu cho mặt nạ. |
Cứ cặm cụi như thế, hơn 30 năm nay, năm nào anh chị cũng cho ra lò khoảng 3.000 sản phẩm thủ công sinh động. Chị Lan kể rằng, bố mẹ chị có nghề làm mặt nạ giấy từ những năm Hà Nội mới giải phóng. Cha chị là Giáo sư Đặng Đình Viên, vì đông con nên làm thêm nghề phụ để nuôi các con ăn học. Đến nay, trong gia đình chị, chỉ có mình chị dù đi làm Nhà nước nhưng vẫn cố bám trụ với nghề này. Còn anh Hòa từ ngày về làm rể trong nhà cũng được truyền nghề và cùng làm với vợ suốt mấy chục năm qua. Chị Hương cho biết, các con chị cũng không ai có ý định nối nghề của cha mẹ vì: "Làm nghề này vất vả, thu nhập lại chẳng được bao nhiêu…". Trung bình, mỗi mặt nạ loại nhỏ chị Hương bán 20 ngàn đồng, loại nhỡ có giá từ 25-30 ngàn đồng, còn loại to chụp được qua đầu thì bán 40 ngàn đồng. Nhưng để làm được một mặt nạ giấy như thế, anh chị phải mất 3-4 tiếng đồng hồ, một ngày làm việc liên tục cũng chỉ được chừng 6-8 cái là cùng. Tính ra, một ngày công lao động chẳng được là bao nhưng anh chị vẫn làm. Làm vừa để giữ nghề, vừa là vì muốn trẻ con sau này biết được khi xưa đồ chơi Trung thu của Việt Nam là như thế chứ không phải có toàn những mặt nạ bằng nhựa xuất xứ từ Trung Quốc có chứa phẩm màu và những chất độc hại nhiều khi gây dị ứng nặng đối với làn da trẻ em như bây giờ…
Khi chúng tôi băn khoăn về việc anh Hòa, chị Lan tuổi đã cao mà chưa có người "nối nghiệp", chị Lan thở dài: "Giờ vợ chồng tôi còn khỏe thì vẫn cứ cố duy trì nghề. Sau này già yếu quá thì thôi…". Tôi hỏi: "Các con cháu không có ý định theo nghề mà có người ngoài muốn theo học thì sao?". Chị cười bảo: "Người nhà không làm được thì thôi chứ chúng tôi nhất định không truyền nghề cho người ngoài. Đó là nguyên tắc rồi… Ở đầu phố, người ta cũng bắt chước tôi làm mặt nạ giấy nhưng làm xấu lắm. Bán chẳng ai mua đâu…". Tôi ra về, lòng mênh mang buồn. Một mai, khi tuổi già sức yếu, chân chậm mắt mờ, vợ chồng anh Hòa không thể làm "cốt", không thể sơn, vẽ hoa văn trên mặt nạ giấy nữa, có lẽ nào những đứa trẻ sẽ vĩnh viễn mất đi một món đồ chơi yêu thích. Món đồ chơi ấy còn như chứa đựng trong đó cả ký ức về Tết Trung thu của một Hà Nội xưa cũ…
Nghề làm tàu thủy đồ chơi chỉ còn duy nhất một gia đình…
Làng Khương Hạ (Thanh Xuân - Hà Nội) xưa kia cũng nổi tiếng với nghề làm món đồ chơi là tàu thủy vốn được trẻ em rất yêu chuộng, nhất là mỗi dịp Trung thu. Chiếc tàu thủy được dân làng Khương Hạ sản xuất ra có bánh lái chân vịt chạy được bằng dầu hỏa trong chậu nước hay ao làng từng là món đồ chơi thời thượng của nhiều thế hệ thiếu nhi. Bởi vậy việc sản xuất, bán mua cũng khá sầm uất, nhất là mấy tháng chuẩn bị đến rằm Trung thu. Nhưng đến nay, làng Khương Hạ cũng chỉ còn duy nhất một hộ gia đình anh Nguyễn Mạnh Hùng còn sản xuất món đồ chơi này. Anh Hùng cho biết: "Trước đây, trong làng nhiều nhà làm lắm. Thậm chí nhà tôi có 8 anh em đều làm công việc sản xuất món đồ chơi tàu thủy này, nhưng đến nay chỉ còn mỗi mình tôi kiên trì bám trụ thôi. Ấy là vì hàng đồ chơi Trung Quốc tràn ngập, nhiều kiểu dáng, mẫu mã, màu sắc nên hàng của chúng tôi sản xuất ra không cạnh tranh nổi…".
Cũng giống như vợ chồng nghệ nhân làm mặt nạ giấy, đến nay vợ chồng anh Nguyễn Mạnh Hùng còn trụ lại được với nghề cũng là vì lòng yêu nghề, mến trẻ và có những lúc phải chấp nhận thua thiệt để ở lại với nghề. Gia đình anh làm nghề này quanh năm và đây cũng là món đồ bán được tứ mùa, riêng dịp Trung thu thì bán được nhiều hơn. Anh bảo: "Nhiều khi làm việc, tôi cứ nghĩ đến những đôi mắt lấp lánh đầy hiếu kỳ của trẻ con khi nhìn thấy chiếc tàu thủy chạy được trong nước, lòng lại thấy vui hơn, có động lực để làm. Nhưng mấy năm nay có khá hơn vì trẻ em bắt đầu chán những đồ chơi Trung Quốc rẻ tiền, mau hỏng và nhiều bậc phụ huynh vì lo cho sức khỏe của con mà đã bắt đầu quay trở lại mua những đồ chơi truyền thống cho con.
Mỗi năm, gia đình tôi cũng làm và bán chừng 1.500 sản phẩm, giá bán từ 60 ngàn đến 200 ngàn đồng/ sản phẩm. Có nhiều đơn hàng đi Tp HCM, Hải Phòng…". Anh Hùng cho biết, đến nay con gái anh ngoài giờ học cũng đã bắt đầu phụ giúp bố mẹ làm hàng. Tuy nhiên anh cũng không hướng con cái theo nghề này mà tùy lựa chọn của các cháu. Trước mắt, anh chị cứ túc tắc làm, vừa kiếm thêm thu nhập vừa giữ lấy cái nghề của cha ông mình. Nhưng có một điều khiến anh rất vui, đó là món đồ chơi tưởng là chỉ của trẻ em nông thôn này đã theo chân nhiều vị khách nước ngoài ra với quốc tế như một cách giới thiệu về Việt Nam. Đến nay, tại nhiều cửa hàng lưu niệm trong phố cổ, trong một số khách sạn sang trọng của Hà Nội… có bày bán món quà lưu niệm đặc biệt này.
Anh Hùng không giấu giếm được niềm vui khi cho biết: "Sắp tới, có thể còn có những đơn hàng ra quốc tế nữa ấy chứ!"