Ngày xuân nói về xuất xứ của câu đối

Chủ Nhật, 18/02/2007, 08:30
Câu đối hàm súc triết lý nhân sinh của người ra vế đối, và thường được viết vào dịp tết nhất, mừng thọ, tân gia, thăng quan tiến chức... Câu đối được coi một thú chơi chữ uyên bác của các bậc túc nho, trí giả thế nhưng có mấy ai để ý tới xuất xứ của nó.

Theo sách cổ “Sơn Hải Kinh” của Trung Quốc, thì câu đối bắt đầu từ tục làm đào phù, tức là làm bùa trên gỗ đào. Thời xưa, cứ mỗi độ tết đến, người Trung Quốc lại lấy gỗ đào khắc hai vị thần là Thần Trà và Quách Lũy treo ngoài cửa để trừ tà ma. Sau đó Mạnh Xưởng (chúa hậu Thục đời Ngũ Đại) phát triển thành câu đối, thay cho đào phù:

Tân niên khai dư khánh

Giai tiết hạ trường xuân”

(Năm mới mở tiệc lớn

Trời đẹp mừng mùa xuân lâu dài).

Câu đối hàm súc triết lý nhân sinh của người ra vế đối, và thường được viết vào dịp tết nhất, mừng thọ, tân gia, thăng quan tiến chức, ca ngợi công đức thánh nhân, hào kiệt. Đôi khi nó cũng là dịp thử tài trí của nhau.

Thường vế thứ nhất “mở”, thì người ta còn đối được, chứ nếu “đóng”, thì khó có vế đối hay, hoặc người đối có kiến thức uyên thâm mới đối được, mà cũng chỉ đối ý tương đối mà thôi. Giai thoại kể rằng, quan Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đi sứ Tàu, đến diện kiến muộn, cửa quan đóng, người Trung Quốc ra vế đối, nếu đối được mới mở cửa:

“Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan”

(Qua cửa quan chậm, cửa quan đóng, xin hỏi khách làm thế nào để đi qua)

Đây là vế đối “đóng”, lại chơi chữ, nên không ai có thể đối chỉnh được. Thế nhưng quan trạng Mạc Đĩnh Chi đâu có chịu bó tay, xuất khẩu ngay:

“Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối”

(Ra câu đối thì dễ, đối lại mới khó, xin mời ngài đối trước).

Người ra vế đối phục tài trí Mạc Đĩnh Chi, đành mở cửa để đoàn sứ thần An Nam vào chầu.

Trường hợp xuất xứ câu đối về chữ “Song Hỷ” cũng vậy.

Vương An Thạch trên đường tới Bắc Kinh thi Đình, thấy một vế thách đối của phú ông để chọn rể hiền tài, treo dưới chiếc đèn lồng, như sau:

“Mã tẩu đăng, đăng tẩu mã, đăng tức, mã đình bộ”

(Ngựa chạy theo đèn, đèn chạy theo ngựa, đèn tắt, ngựa dừng chân).

Đây cũng là dạng vế đối khó, Vương An Thạch nghĩ mãi chưa ra, mặc dù nghe nói con gái phú ông là một tuyệt thế giai nhân.

Sau khi thi đỗ Tam khôi (lần đó không có Trạng nguyên, Bảng nhãn), Vương An Thạch được vua triệu vào triều để “thẩm định” trực tiếp. Chỉ lên lá cờ treo trước sân chầu, có in hình con hổ ở giữa, nhà vua ra vế đối:

“Hổ phi kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển, hổ tàng hình”

(Hổ bay theo cờ, cờ bay theo hổ, cờ cuộn, hổ giấu mình).

Vương An Thạch liên tưởng ngay đến vế đối của phú ông, liền đối. Vua gật gù khen hay và phê chuẩn Vương An Thạch đỗ Thám hoa. Còn Vương An Thạch thì vui như mở cờ trong bụng, bèn tức tốc về ngay nhà phú ông xin đối. Tất nhiên,  phú ông phục tài quan thám, liền gả ngay con gái cho.

Trong ngày lễ thành hôn, Vương An Thạch nhận được trát của nhà vua hồi triều để nhậm chức. Vui quá, Vương An Thạch viết tặng nhạc phụ chữ “Song Hỷ” (ý nói, hai niềm vui đến cùng một lúc, nhà ta đại phúc, chứ không như câu thành ngữ: Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai).

Trong lịch sử câu đối hay của Việt Nam, hẳn nhiều người thuộc vế đối tuyệt chiêu của bà Đoàn Thị Điểm (dịch giả “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn), khi thách đối Cống Quỳnh (dân gian yêu mến phong là Trạng Quỳnh):

“Da trắng vỗ bì bạch”

Vế đối chơi chữ quá hóc hiểm, vừa “mở” đã “đóng” (vì bì bạch chữ Hán có nghĩa là da trắng), khiến Trạng Quỳnh cắn môi, lắc đầu, chịu thua. Và, người đời sau vẫn chịu. Cũng có người đối:

“Rừng sâu mưa lâm thâm”

Nhưng xem ra, nếu nữ sĩ Hồng Hà sống lại, hẳn chưa tâm phục, khẩu phục, vì vế đối này bà ra không phải để đối, mà để trêu Trạng Quỳnh (giỏi đến như Trạng Quỳnh, chuyên đi lỡm quan, thậm chí lỡm cả vua chúa), nhưng bị Đoàn Thị Điểm lỡm lại, mà phải chịu thua đấy. Thế mới biết, thiên hạ nhân, thiên hạ tài, chẳng nên cho rằng, chỉ có ta là nhất

Lê Trung Đản (sưu tầm)
.
.