Ngày xuân năm ấy

Thứ Sáu, 24/01/2014, 08:00

Đêm nhạc Văn Cao diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô ngày 22/11/2013 nhân kỉ niệm 90 năm ngày sinh của ông - một tài danh âm nhạc nước nhà. Đó là một đêm đầy hứng khởi của các nghệ sĩ và khán giả, trong đó có tác giả bài viết này.

Đêm nhạc Văn Cao đã đánh thức trong tôi một kỷ niệm đầy niềm tự hào về ông vào một ngày đầu xuân Quý Sửu (1973) tại chiến trường sông nước Bến Tre.

Đó là thời điểm mà theo dự báo thì tình hình sẽ cực kỳ căng thẳng, ác liệt bởi sự đối chọi giữa ta và địch ở chiến trường chuẩn bị cho ký kết Hiệp định Paris.

Ngay từ giữa năm 1972, địch đã tăng cường càn quét, lấn chiếm nhằm co hẹp vùng giải phóng của ta. Đồng thời ra sức tuyên truyền chiến tranh tâm lý về cái gọi là "yếu thế của Việt cộng sau Tết Mậu Thân".

Về phía ta: Đẩy mạnh tấn công trên toàn chiến trường cả về quân sự và chính trị nhằm giữ đất, mở rộng vùng giải phóng; tăng cường công tác dân vận, binh địch vận, công tác tuyên truyền, đặc biệt là đối với vùng địch tạm chiếm và các đô thị…

Tất cả hoạt động trên được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục từ cuối năm 1972. Cần đa dạng hóa công tác tuyên truyền, tùy đặc thù của mỗi đơn vị, địa phương mà có hình thức tổ chức phù hợp.

Thời đó, căn cứ bám trụ của đơn vị chúng tôi tại xã An Phước - Châu Thành - Bến Tre, với nhiệm vụ giữ liên lạc thông suốt với các mạng lưới điệp báo tại Sài Gòn và trung tâm chỉ đạo tại "R". Vì vậy, chúng tôi đã phối hợp với du kích địa phương và các cơ quan, đơn vị bám trụ trên địa bàn, xây dựng kế hoạch phòng thủ chống càn, lấn chiếm của địch; tăng cường bao vây, bức hàng, bức rút đồn bót cắm sâu trong vùng giải phóng.

Cùng với tấn công quân sự là đấu tranh chính trị, vận động quần chúng trở về vườn cũ, nhà xưa để làm ăn sinh sống; tiến hành trấn áp, răn đe những đối tượng nguy hiểm trong chính quyền cơ sở của địch.

Tác giả (bên phải) trở về chiến trường xưa An Phước, Châu Thành, Bến Tre tháng 5/2012.

Những ngày giáp Tết, tình hình địa bàn rất khả quan, không có trận càn lớn nào tới cấp tiểu đoàn. Chi khu Trúc Giang có xua quân xông ra cũng chỉ là đi càn chiếu lệ, quanh quẩn ở ven đồng, không dám vào sâu trong vùng giải phóng của ta.

Trước tình hình đó, cuộc họp liên cơ (các cơ quan bám trụ tại địa bàn) do lãnh đạo xã An Phước chủ trì, thống nhất kế hoạch bảo vệ an ninh, an toàn và tổ chức tiếp xúc với bà con trong mấy ngày lưu chiến (thời đó, hàng năm tới Tết Nguyên đán, ta và đối phương đều tuyên bố ngừng chiến từ ngày 30 tới hết ngày mùng 2 Tết).

Thực hiện chủ trương của địa phương, đơn vị chúng tôi huy động lực lượng xây dựng một khu căn cứ tạm thời gần ven đồng Ấp I để tiếp đón nhân dân. Công việc cấp bách thứ hai là chuẩn bị chương trình văn nghệ, trang trí hội trường và cơ sở vật chất. Riêng cái khoản văn nghệ tưởng là khó khăn nhưng cuối cùng lại quá phong phú, bởi có tới gần chục tiết mục đơn ca, bao gồm tân nhạc, cổ nhạc và dân ca 3 miền. Tốp ca và đồng ca có tới 4 tiết mục. Chưa hết, anh em còn dàn dựng tới 2 tiết mục múa: Múa trống và múa Lân. Có thể nói với số lượng tiết mục dư sức cho một đêm văn nghệ.

Đêm 30 Tết bà con thôn ấp rủ nhau vào vùng căn cứ giải phóng như đi trẩy hội, đứng chật cả mấy bờ mương dừa. Một đồng chí thay mặt cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương lên chúc Tết bà con và thông báo tóm tắt tình hình chiến sự, thắng lợi của quân và dân ta trên các chiến trường. Đặc biệt là chiến thắng của quân và dân miền Bắc đã bắn hạ nhiều máy bay của Mỹ, kể cả pháo đài bay B52 khi chúng tấn công Thủ đô Hà Nội…

Tới chương trình văn nghệ gọi là "cây nhà lá vườn". Tiết mục nào cũng được bà con vỗ tay nhiệt liệt tán dương. Đêm cuối năm ở rừng dừa An Phước sôi động hẳn lên khi các "diễn viên" không chuyên của đơn vị chúng tôi biểu diễn 2 tiết mục múa. Một bà má tay vỗ, miệng không ngớt lời khen: "Giỏi! Giỏi thiệt! Quân giải phóng mà hát hay, múa dẻo như văn công. "Zậy" mà Tết năm rồi "hổng" tổ chức cho bà con coi".

Đêm liên hoan văn nghệ kéo dài tới Giao thừa năm đó.

Xế chiều ngày mùng một, trong lúc chúng tôi đang tiếp một số anh em đơn vị bạn tới chúc Tết (trong đó có anh Vì Dân, hình như là cán bộ Văn hóa - Thông tin của huyện. Anh mang theo một cây đàn ghita) thì có một đoàn dễ đến gần chục các cô, các cậu từ phía ven đồng đi vào. Tốp đi đầu là các cô trong Hội Phụ nữ Ấp I và II. Khách và chủ hồ hởi chào đón chúc tụng nhau. Khi đã yên ổn chỗ ngồi, một cô đứng lên, vào đề rất tự nhiên:

- Đêm hồi hôm vui hết sẩy! Sáng nay, các bạn em (cô chỉ về phía các chàng trai, cô gái vào sau) từ Sài Gòn về và từ Mỹ sang, nghe kể lại, ai cũng tiếc, rồi bắt tụi em đưa vô đây để được "coi mặt" mấy anh.

Tiếng cười rộn lên. Tôi lặng người, thầm trách "mấy cô này mất cảnh giác quá. Người từ bên Mỹ về mà dám đưa vô đây". Sau đôi lời hỏi thăm mới vỡ lẽ, thì ra Mỹ là Mỹ Tho chứ không phải từ Hoa Kỳ sang. Thói quen của người quê dừa là vậy. Đi sang Mỹ Tho thì người ta nói là đi Mỹ; Từ Mỹ Tho về thì họ nói tắt là từ Mỹ về.

Một dịp may hiếm có. "Buồn ngủ lại gặp chiếu manh" bởi tôi đang rất cần tìm hiểu tình hình đô thị nói chung và tâm tư, tình cảm của học sinh, sinh viên Sài Gòn đối với Cách mạng… Để tranh thủ thời gian, tôi vào đề luôn:

- Đơn vị anh tổ chức văn nghệ đón xuân. "Văn nghệ vườn" ấy mà! Cũng may là không có người thành thị tham dự. Nếu có, người ta sẽ cười cho thì mắc cỡ (xấu hổ) lắm. Ở trong thành, mấy em có khi nào nghe chương trình văn nghệ trên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Giải phóng không?

Các vị khách liếc nhìn nhau, một lúc sau mới có một giọng Nam rụt rè:

- Dạ… thi thoảng bọn em có nghe lén (nghe trộm) vào đêm khuya. Nhiều chương trình hay lắm. Nếu quốc gia (chính quyền Sài Gòn) không cấm nghiêm ngặt thì cả Sài Gòn người ta sẽ nghe. Vì vậy, khi nghe bạn kể, tụi em tiếc hùi hụi, nên hôm nay…

Đáp lại thịnh tình của khách, "máu lính" bốc lên, anh chị em đơn vị chúng tôi có mặt hôm đó mỗi người hát một bài. Từ "Chiếc khăn thêu", "Qua sông", "Vàm Cỏ Đông", "Cô gái mở đường", "Tiếng hát trên đường quê hương"… Có ghita của Vì Dân đệm theo nên bài nào cũng trôi chảy. Tiết mục cuối cùng là góp vui của Vì Dân. Anh vô đề thật giật gân:

- Quả là cuộc gặp gỡ tình cờ. Vì Dân xin hiến tặng các bạn một màn hợp tấu. Đây là nhạc phẩm của một nhạc sĩ tài danh của miền Bắc nói riêng và của cả Việt Nam ta. Ông là tác giả của những nhạc phẩm nổi tiếng như "Thiên thai", "Suối mơ", "Trương Chi", "Trường ca sông Lô", "Tiến về Hà Nội"…

Các vị khách thị thành như bị hớp hồn, đổ dồn con mắt về phía nhạc công, trong lúc Vì Dân đang lúi húi mở túi xách tìm gì đó. Còn tôi, tôi thầm nghĩ, có nhõn một cây ghita, sao gọi là hợp tấu?

Vì Dân đưa ra một bản nhạc đặt lên bàn và một chiếc kèn ắcmônika rồi trịnh trọng giới thiệu:

- Sau đây là song tấu nhạc phẩm "Làng tôi" của Văn Cao. Đệm ghita đó là "Nhạc sĩ vườn" Vì Dân, ắcmônika cũng… cũng Vì Dân luôn.

Pháo tay nổi lên. Tất cả đều dồn ánh mắt về phía Vì Dân. Tất cả đều tò mò q uan sát từng động tác của anh. Tay trái cầm cây đàn. Ngón cái kẹp kèn vào cần đàn, 4 ngón nhỏ bấm phím, miệng thổi kèn, tay phải gảy đàn, mắt liếc bản nhạc. Nhạc dạo nổi lên, âm thanh quyện vào nhau bay vút trong rừng dừa. Tất cả đều lặng im để tận hưởng cái âm thanh hào sảng kỳ diệu của người biểu diễn tài hoa. Bản nhạc vừa dứt, pháo tay rần rần nổi lên, kéo dài tới mức Vì Dân phải biểu diễn lần thứ 2. Tôi siết chặt tay anh, "xin mạn phép được thay mặt nhạc sĩ Văn Cao, cảm ơn "nghệ sĩ" đã cho chúng tôi được thưởng thức một tác phẩm tuyệt vời. Nhạc phẩm tuyệt vời và người biểu diễn cũng tuyệt vời". Pháo tay lại rần rần nổi lên. Tôi ngỏ ý muốn xin bản nhạc làm kỷ niệm. Anh vui vẻ đưa cho tôi và phân trần:

- Không có bản nhạc in. Vì Dân sưu tầm rồi chép tay. Rất có thể có những nốt chưa chuẩn.

Tròn 40 năm trôi qua, hình ảnh ngày xuân năm ấy cùng bản nhạc viết tay đã hằn sâu trong ký ức và trở thành kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời kháng chiến của tôi

K.M.D.
.
.