Ngày xuân lạm bàn về quốc tửu

Thứ Bảy, 17/02/2007, 09:30
Quốc tửu... rõ ràng là chúng ta chưa có. Tại buổi tiệc chiêu đãi của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tối 18/11/2006, chúng ta dùng rượu vang Chi Lê do bà Tổng thống Chi Lê gửi tặng Hội nghị. Ai cũng thầm mong hôm đó, trên bàn tiệc có Quốc tửu Việt Namnhưng đó chỉ là ước mơ.

Một quốc gia thì bao giờ cũng có Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc hiệu, Quốc khánh và những ngày quốc lễ. Nhưng ngoài các quy định thì cũng có những thứ được coi là biểu tượng cho một nền văn hóa... đó là Quốc hoa, Quốc phục và không ít nước có cả... Quốc tửu.

Quốc hoa của chúng ta là hoa sen; Quốc phục thì như bạn đọc đã thấy tại Hội nghị APEC 14 vừa rồi, khi các nhà lãnh đạo 21 vùng kinh tế xúng xính trong bộ lễ phục truyền thống Việt Nam đã được hiện đại hóa.

Vậy bao giờ chúng ta có Quốc tửu?

Cuối năm ngoái, nhân dân hết sức vui mừng khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ra chỉ thị: “...Tất cả các cơ quan, đơn vị, từ nay không sử dụng rượu ngoại để liên hoan, tiếp khách...”.

Có chỉ thị này, chắc chắn mỗi năm ngân sách Nhà nước tiết kiệm được nhiều tỉ đồng bởi lẽ từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, thì việc dùng rượu ngoại để tiếp khách, để liên hoan và nhậu nhẹt đã trở thành mốt.

Tốn tiền của nhân dân đã đành, nhưng có trời mà biết được trên thị trường rượu Việt Nam, có bao nhiêu phần trăm là rượu giả. Người ta ước tính có lẽ phải trên 80% rượu ngoại bày bán ở Việt Nam là rượu giả. Có thứ do các đối tượng trong nước làm giả, nhưng đa phần là từ các nước láng giềng nhập lậu vào.

Chả thế mà từ 5 năm trước, Ủy  ban Quốc gia Liên ngành kiểm soát rượu Cônhắc của Pháp đã phải thông qua Interpol Việt Nam cảnh báo rằng: “Nước Pháp chưa cho phép bất cứ quốc gia nào được đóng chai các loại rượu Cônhắc”.

Nhưng nói tới rượu hôm nay thì cũng phải nhớ lại cái thời cách đây hơn một thập niên thôi. Thời đó, đất nước còn nhiều khó khăn hơn bây giờ. Lương của cán bộ công nhân viên bình quân chỉ năm, sáu trăm ngàn, giá rượu ngoại cũng ngang bây giờ. Có thấp hơn cũng không đáng kể.

Ấy vậy mà các cuộc tiếp khách, tổ chức hội nghị, mừng công, tổng kết... có liên hoan tiệc mặn, trong thực đơn mục đồ uống đố anh nào dám dũng cảm ghi vào hai chữ: rượu nội. Tất tật là rượu ngoại - ngoại và ngoại... Hóa đơn quyết toán những tiệc tùng như thế thường phần đồ uống chiếm trên năm mươi phần trăm tổng chi.

Thành thử những chai rượu nội đã từng “vang bóng một thời” như Lúa mới, Nàng hương, Nếp mới... thui thủi nằm bẹp trong kho mặc cho bụi bặm phủ mờ. Dường như nó chỉ để “dành riêng” cho những túi đồ lễ phúng đám ma, đám giỗ ở nông thôn. Ấy là chưa kể tới bao nhà hàng đặc sản, karaoke..., “tần số” đồ ngoại còn  “vĩ đại” hơn nhiều – rượu ngoại, bia ngoại, thuốc lá ngoại, sôđa ngoại... ngay đến cái giấy ăn, cái tăm cũng ngoại luôn.

Mà nghe như khách vào đây đa phần lại là người trong tổ chức, cơ quan Nhà nước. Ôi! Xót xa, hoang phí một thời!... Tôi có đem chuyện này tâm sự với vài anh bạn thân, liền bị một trận “sỉ vả” để nhớ đời. “Thôi đi ông “khốt”ạ! Lạc hậu một cây! Phải hòa nhập chứ. Thế giới bây giờ ở đâu chẳng thế. Cứ bo bo như ông thì bao giờ mới ngóc đầu lên được!...”.

Thế đấy! Thật đau đớn tới tận tâm can. Mấy năm gần đây, cái khoản rượu ngoại có giảm, nhất là từ khi có chỉ thị của Thủ tướng. Việc tiệc tùng, tiếp khách cơ quan chẳng anh nào “gan hùm mật sứa” mà dám chống lại.

Tuy nhiên, cái khoản bia thì thật là quá thể. Quán ăn, quán nhậu mọc lên nhan nhản. Ra khỏi nhà đã thấy ăn nhậu. Nhậu hai tư trên hai tư, “ăn như tằm ăn rỗi, uống như lạc đà sa mạc”. Về khoản này, chắc chắn Việt Nam vượt xa kỷ lục thế giới.

Để biện minh cho cái tính “bảo thủ” của mình về đường ăn nhậu nên trong các chuyến đi nước ngoài, tôi rất chú ý quan sát các tiệc chiêu đãi của bạn, kể cả khi đi tham quan, ăn uống ở nhà hàng.

Điển hình trong đó là năm 1994, tôi may mắn là thành viên trong đoàn cán bộ Công an Việt Nam do đồng chí Bùi Thiện Ngộ lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị,  Bộ trưởng dẫn đầu sang thăm và làm việc với Công an Trung Quốc và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Ở Trung Quốc, đoàn ăn nghỉ tại Điếu Ngư Đài (nơi đón tiếp các đoàn khách cấp cao của Trung Quốc).

Tiệc chiêu đãi đoàn Việt Nam tại Đại lễ đường Bắc Kinh do đồng chí Hồ Cẩm Đào lúc đó là Ủy viên Thường vụ thường trực Bộ Chính trị chủ trì. Dù ở Điếu Ngư Đài, đi một số địa phương hay buổi chiêu đãi tại Đại lễ đường, tất cả chỉ có rượu do Trung Quốc sản xuất.

Còn ở Triều Tiên, đoàn nghỉ tại nhà khách Chính phủ. Tiệc đón và tiễn đoàn Việt Nam cũng chỉ có rượu sakê do Triều Tiên sản xuất. Thế là sau hai tuần lễ ở hai quốc gia Trung Quốc và Triều Tiên, tôi chưa từng nhìn thấy bóng dáng một chai rượu ngoại (trừ ở sân bay, người ta bày bán rượu ngoại cho khách nước ngoài).--PageBreak--

Thực ra, tôi đi Trung Quốc cả thảy ba lần. Lần trước vào năm 1989 dự Hội nghị An toàn Á vận hội và lần sau, năm 2004 trao đổi về công tác an ninh. Hai đoàn này ở  cấp thấp hơn nên tôi phỏng đoán “có khi cấp cao ở Trung ương các vị gương mẫu thực hiện không dùng rượu ngoại, còn cấp thấp hơn và địa phương dễ gì người ta thực hiện”. Song đó là nhận định sai lầm.

Ở Trung Quốc đã nói là lệnh thì dưới, trên một phép thi hành, không một ai làm khác. Có khác chăng là ở địa phương, các bạn mời uống rượu đặc trưng của tỉnh họ, của thành phố họ. Thậm chí, rượu của một dòng họ nổi tiếng nào đó ở Trung Quốc. Đó là chuyến đi gần đây nhất, từ Bắc Kinh về làm việc với Công an Quảng Châu.

Trên đường đi tham quan một số danh thắng, không hiểu có phải vì bạn biết tôi mang họ Khổng mà trong một bữa ăn bạn đem rượu “Khổng Tử gia tửu” ra mời.  Đó là rượu “gia truyền” của dòng họ Khổng Tử.

Rượu thơm, ngon, đựng vào bình gốm với dung tích một phần hai lít. Chiếc bình cấu tạo như một cái chum nhỏ nhắn xinh xinh. Vào hiệu hỏi mới biết mỗi bình “Khổng Tử gia tửu” giá chỉ hơn 10 USD. Thế là mỗi anh em xách ngay mấy bình về làm quà kỷ niệm.

Từ những thực tế trên, tôi đem suy nghĩ của mình tâm sự với một số bạn bè thân thiết và nêu ra một ý tưởng, nhiều người tán dương nhưng cũng có người cho là “duy ý chí”. Lập luận và ý tưởng đó tóm tắt như sau: “Trung Quốc với hơn 1 tỉ người mà họ có “quốc tửu” cớ sao ta lại không?...

Cứ nếp cái hoa vàng với men thật chuẩn ủ đúng ngày quy định, nấu đúng kỹ thuật, đúng tỉ lệ (1,2kg nếp cho 1 lít rượu loại A). Rượu ủ trong chum sành sau mười ngày chắc chắn sẽ có một sản phẩm “tuyệt cú mèo”. Chỉ cần rót một chén rượu là cả nhà phát hiện mùi thơm, uống vào ngọt lịm, rượu Tây nào bằng.

Vấn đề quan trọng tiếp theo là cần nghiên cứu để có một loại bình, bao bì đặc trưng Việt Nam. Muốn vậy cần phát huy trí tuệ quần chúng, tổ chức hẳn một cuộc thi làm men, sản xuất bao bì đựng rượu, trao giải thưởng thật cao, có thể trị giá hàng tỉ đồng cho những tác giả được chọn (cố nhiên phải có một hội đồng chấm công minh).

Về chất nếp, không phải nếp cái hoa vàng ở đâu cũng ngon. Cũng như chè, cả nước có biết bao nhiêu vùng chè, nhưng chè Thái vẫn là “tuyệt chiêu, hảo hạng”. Nếp cái hoa vàng ở miền Bắc có thể so sánh cả nước chỉ có vùng Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình... là ngon nhất.

Cần phải điều tra thổ nhưỡng để mở rộng diện tích, lên quy hoạch tổng thể. Và nhà máy sản xuất rượu (nơi nào được trúng thầu), phải chấp nhận mua giá nếp cao hơn để khuyến khích nông dân trong vùng quy hoạch đảm bảo chất lượng.

Chất rượu ngon, bao bì đẹp thể hiện đặc trưng Việt Nam, giá thành phải chăng, nó sẽ trở thành “quốc tửu” Việt Nam, sẽ trở thành sản vật mang ý nghĩa kỷ niệm đối với khách du lịch ngoại quốc, nó cũng như Lúa mới,  Nếp mới... ngày xưa đối với các đoàn khách Liên Xô khi sang Việt Nam và quà của các đoàn Việt Nam khi sang các nước bạn công tác, học tập - một loại quà phù hợp, và “có giá trị” thiết thực thời đó.

Cố nhiên, ngày nay khi đã nâng tầm thành “quốc tửu”, đó là “quốc hồn , quốc túy” thì mọi thứ phải đặc sắc hơn - từ chất lượng tới hình thức, nó vừa mang ý nghĩa chính trị, kinh tế góp phần giảm thiểu việc sử dụng rượu ngoại trên đất nước ta.

Đôi điều suy nghĩ trên, nếu trùng hợp với suy nghĩ của nhiều người thì đó là niềm hạnh phúc lớn lao đối với tác giả bài viết này

.
.