Ngày thơ Việt Nam 2013 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội): Niềm vui chưa trọn...

Thứ Hai, 18/03/2013, 08:00

Ngày thơ Việt Nam 2013 đã khép lại. Đã 11 lần công chúng được đến Văn Miếu xem "hội thơ" Nguyên tiêu, nhưng xem ra Ban tổ chức vẫn còn lấn bấn với việc tìm ra một cách thức tổ chức thế nào cho vừa vui công chúng, vừa kích thích sự sáng tạo của nhà thơ, và đặc biệt là tôn vinh các giá trị đích thực của thơ ca.

Với mong muốn làm cho các hoạt động của Ngày Thơ thêm phong phú, Ngày Thơ năm nay có thêm nhiều hoạt động sôi nổi. Việc chủ động đưa sinh viên các trường đại học tham gia là một sáng kiến hay, phù hợp với chủ đề của năm nay là "Tuổi trẻ với Tổ quốc". Một cuộc thi thơ rầm rộ giữa các trường đại học diễn ra từ trước ngày Nguyên tiêu và kết thúc sau ngày hội chính nhằm hâm nóng bầu không khí thơ ca trong tuổi trẻ và tìm kiếm các gương mặt mới. Song, vì tổ chức cận ngày hội chính quá, cách thức lại hơi lan man, thiếu điểm nhấn, nên cuộc thi thơ này không tác động được nhiều tới công chúng, những người đi xem hội thơ.

Ở Sân thơ Truyền thống, nơi diễn ra các hoạt động lớn và chính của lễ hội vẫn là các màn rước thơ, thả thơ, đọc thơ như mọi năm. Đòi hỏi Ban tổ chức mỗi năm phải làm khác đi là không tưởng và cũng không cần thiết. Nhưng thiết nghĩ, vẫn là những hoạt động mang tính truyền thống ấy, mỗi năm phải được Ban tổ chức làm cho thấu đáo, quy củ, tạo ra xúc cảm mạnh là đủ để "ghi điểm" với công chúng rồi. Năm nay những câu thơ được chọn để thả lên trời ít bị truyền thông kêu ca là cẩu thả, không tiêu biểu như mấy năm về trước. Song, thật lòng mà nói, vẫn còn những câu thơ khiến nhiều người giật thót, không hiểu sự hay và giá trị của nó nằm ở đâu mà vẫn được xếp chỗ ngồi "chiếu trên".

Về chuyện đọc thơ, một hoạt động trọng tâm của ngày thơ, thì lại phải bàn tí chút. Năm nay, công bằng mà nói, ở Sân thơ Trẻ, các nhà thơ làm tốt chuyện đọc. Việc trình diễn thơ thực chất cũng là việc đọc những bài thơ sao cho đi vào lòng người. 9 nhà thơ trẻ đã có một màn trình diễn gây xúc động, có lớp lang. Thoát hẳn khỏi cảnh nhà thơ vừa lo trình diễn vừa ậm ừ vì chưa thuộc thơ mình, hay phải nhăm nhe mẩu giấy "sợ quên lời". Ở Sân thơ Truyền thống, các nhà thơ lên sân khấu đọc thơ một cách truyền thống, thì đương nhiên rồi. Nhưng khán giả không mấy hài lòng khi một số nhà thơ quá mất thời gian trên sân khấu bởi những màn chào hỏi, trình bày, diễn giải, kể lể dài dòng trước khi đọc thơ. Một nhà văn hóm hỉnh nhận xét: "Các bác cà kê 10 phút thì đọc được bài thơ dài 2 phút. Thế thì thơ mất hút trong ngày thơ là phải". Chia sẻ điều này với một thành viên Ban tổ chức, thì được thành viên này cho hay, trước khi các nhà thơ lên sân khấu đọc thơ, đã quán triệt cả rồi đấy. Rằng các bác nên nói đôi điều về bài thơ rồi đọc luôn, đừng để khán giả chờ lâu. Nhưng rồi khi lên sân khấu, các bác vẫn "chứng nào tật ấy", cứ nói tràng giang đại hải rồi thì mới vào đọc thơ. Thành ra, chương trình đọc thơ năm nào cũng kéo dài thời gian hơn so với dự kiến.

Một màn trình diễn thơ tại Sân thơ Trẻ.

Nói về kinh phí, dường như đang có một sự thiếu cân đối trong việc đầu tư kinh phí của Hội Nhà văn cho các hoạt động của ngày thơ diễn ra tại Văn Miếu. So sánh giữa Sân thơ Trẻ và Sân thơ Truyền thống thì có thể thấy ngay. Màn rước thơ hàng trăm nghệ sĩ với trang phục cầu kỳ ước đoán chi phí hàng trăm triệu đồng. Một số tiết mục văn nghệ mở đầu của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội nghe đâu Ban tổ chức chi trả một khoản tiền cũng không nhỏ. Trong khi đó, tất tần tật các hoạt động chi phí cho sân thơ trẻ chỉ vỏn vẹn là 30 triệu đồng. Cho đến khi Ngày Thơ kết thúc rồi, một thành viên Ban Văn trẻ cho hay, họ mới nhận được 15 triệu đồng, còn lại đang phải…chờ. Đã thành thông lệ, những nghệ sĩ đến góp vui, làm "xôm trò" cho Sân thơ Trẻ hàng năm thường thì chỉ nhận cát-xê làm ví dụ, lấy vui làm chính. Năm nay, các nghệ sĩ và nhóm nhạc, như ca sĩ Nhật Trang (Sao Mai - Điểm hẹn), nhạc sĩ Lê Tâm, nhóm nhạc Belcanto vẫn đến Sân thơ Trẻ với tinh thần đó.

Với màn trình diễn tổ khúc thơ "Tổ quốc", Ban tổ chức Ngày Thơ muốn "cơ cấu vùng miền" thành phần các nhà thơ tham gia cho sinh động. Muốn đa dạng về giọng đọc, gương mặt, thì phải mời được các nhà thơ từ Đồng bằng sông Cửu Long, từ Tây Nguyên ra. Đến với Sân thơ Trẻ, các nhà thơ Vũ Thiên Kiều (Kiên Giang) và nhà thơ Miên Di (Tây Nguyên)…đã phải tự túc kinh phí đi lại, ăn ở để có mặt tại Hà Nội. Đạo diễn - nhà thơ Phan Huyền Thư chia sẻ, nhiều năm nay chị tham gia dàn dựng Sân thơ Trẻ với tinh thần ủng hộ là chính. Các loại chi phí khác như thuê loa đài, âm thanh, thiết kế sân khấu, mời gọi ca sĩ, nghệ sĩ, phần lớn dựa vào các mối quan hệ của từng thành viên Ban văn Trẻ, vẫn với tinh thần "giúp là chính". Năm nay, Hội Nhà văn tạo điều kiện cho các nhà thơ trẻ chỗ tập luyện, đấy là hội trường của Hội, còn những năm trước, thì có khi phải chạy tới nhà đạo diễn để tập. Trong vai một công chúng đến xem Sân thơ Trẻ, nghe chuyện kinh phí, chợt nghĩ, cũng không nên đòi hỏi quá nhiều ở các bạn. Một khi đã bày ra sân khấu, muốn đẹp, muốn hay, muốn hoành tráng, ngoài tài năng ra, phải có tiền. Tiền ít, làm gì cũng phải căn ke tính toán, thì chệch choạc chỗ này, lôi thôi chỗ kia cũng là dễ hiểu. Và cũng có chút ngậm ngùi khi chủ quan nghĩ, Hội Nhà văn thực sự đã dành sự quan tâm thích đáng cho sân chơi của các nhà thơ trẻ trong ngày thơ thường niên chưa?

Lướt qua một loạt những bài báo quan sát sự kiện Ngày Thơ năm nay, thấy không ít ý kiến cho rằng ngày dành cho thơ mà thơ lại bị ngập lút trong các tiết mục văn nghệ tạp kỹ, trên cả Sân thơ Truyền thống và Sân thơ Trẻ. Đây cũng là cảm nhận chung của người viết bài này. Đành rằng đã là ngày hội thì phải nhiều trò, nhiều hoạt động làm vui cho công chúng. Nhưng ngày hội Thơ thì cần để thơ được vang lên nhiều hơn, theo một cách nào đó, dù là đọc thơ truyền thống hay diễn thơ, hay biểu diễn những bài hát phổ thơ…Năm nay, ở Sân thơ Trẻ hơi rườm rà vì nhiều tiết mục nhảy hip-hop, hát, múa. Chương trình của các trường đại học tham gia rất quý, rất cần, vì nó hâm nóng bầu không khí lễ hội, nhưng cần rút gọn hơn, tinh hơn. Những người đến nghe thơ, kiên nhẫn đợi đến 10h sáng mà vẫn chưa thấy bóng dáng các nhà thơ trẻ - vốn là nhân vật chính của sân khấu xuất hiện. Một số người phàn nàn, nếu chỉ xem biểu diễn ca nhạc, chúng tôi đến Ngày Thơ để làm gì.

Và cuối cùng là câu chuyện về công chúng. Công chúng ở đây là công chúng của lễ - hội - thơ. Họ khác nhiều với công chúng của các lễ hội khác không? Có khác chứ, họ là những người ít nhiều quan tâm đến thơ thì mới ghé chơi. Nhưng cái không khác là tâm thế của họ, tâm - thế - người - đi - xem - hội. Nhà phê bình Nguyễn Hòa lặng lẽ quan sát Ngày Thơ ở góc độ công chúng, ông chia sẻ: "Tôi thấy là chúng ta thường mang sở thích của cá nhân mình để áp đặt cho đám đông, điều này rất không nên. Sự chuyên nghiệp trong một lễ hội, nếu có, thì chính là sự chuyên nghiệp trong cách tổ chức. Theo tôi, nhân vật chính trong lễ hội phải là công chúng, chứ không phải ban tổ chức hay các nhà thơ. Công chúng là một phần quan trọng làm nên lễ hội. Họ phải được tham gia chủ động vào lễ hội, chứ không thụ động như một người xem thông thường. Nghĩa là phải có nhiều hoạt động để công chúng cộng hưởng với các nhà thơ, các nghệ sĩ. Cái này ta chưa làm được…".

Khi công chúng làm chủ nhân của ngày hội thơ, thì cũng không có nghĩa là bóng dáng của nhà thơ, bóng dáng của thi ca mờ đi. Một cuộc gặp gỡ hài hòa giữa thi ca và công chúng sẽ mang lại cảm hứng cho người cầm bút và lan tỏa tình yêu thi ca trong đời sống. Hy vọng rằng ở những mùa lễ hội thơ tiếp sau, mọi lấn bấn của nhà tổ chức như vừa kể trên sẽ được hóa giải, để lại nhiều hơn những dư âm đẹp đẽ trong lòng người đi hội…

Minh Hoàng
.
.