Ngày sách Việt Nam lần thứ 3: Quan trọng là "nhân hòa"
- Khai mạc Ngày sách Việt Nam chủ đề “Sách – cái hay, cái đẹp và sự đam mê”
- Khai mạc Ngày sách Việt Nam lần thứ 3
- Ngày Sách Việt Nam lần thứ 3
- Khai mạc Ngày sách Việt Nam lần 2 tại TP Hồ Chí Minh
Hội sách tại công viên Thống Nhất từ ngày 20 đến 24-4-2016 là hoạt động trọng tâm chào mừng ngày sách Việt Nam lần thứ 3. Mặc dù trong những ngày diễn ra hội sách, đã có những cơn mưa lớn đổ xuống khiến các gian hàng của các đơn vị xuất bản phải vất vả trong việc bảo quản hàng hóa và đã có những thiệt hại đáng kể xảy ra. Dù không gặp được yếu tố "thiên thời" nhưng chứng kiến hình ảnh những độc giả đội mưa ở lại dự những buổi giao lưu - ra mắt sách cùng các tác giả đã cho thấy, sách Việt đã có yếu tố quan trọng nhất, đó là "nhân hòa", là tình yêu của độc giả dành cho sách.
Năm nay, các hoạt động nhân Ngày sách Việt Nam lần thứ 3 được tổ chức đồng loạt trên 40 tỉnh thành trong cả nước. Đồng thời, tháng phát hành sách và tuần lễ phát hành sách cũng được tổ chức rộng rãi từ ngày 1-4 kéo dài đến hết ngày 1-5 trên phạm vi cả nước.
Hội sách tại công viên Thống Nhất lần này có sự tham gia của 87 đơn vị xuất bản, phát hành của cả nước, quy tụ khoảng trên 30 ngàn đầu sách được đem đến phục vụ độc giả Thủ đô. Điều đáng nói là, chỉ trong 5 ngày diễn ra hội sách, đã có gần 50 cuộc giao lưu, tọa đàm, hội thảo, ký tặng sách được tổ chức. Đây là một nỗ lực đáng kể của Ban tổ chức, các đơn vị xuất bản tham gia hội sách lần này và cũng là hội sách có nhiều hoạt động bên lề nhất từ trước đến nay.
Buổi giao lưu, ra mắt 3 tác phẩm văn học của NXB CAND tại hội sách ở công viên Thống Nhất. |
Cũng có ý kiến cho rằng, vì có quá nhiều hoạt động bên lề cho nên Hội sách tại công viên Thống Nhất lần này bị dàn trải, không có trọng tâm khiến khán giả khó theo dõi và bỏ qua mất nhiều hoạt động. Song có lẽ, những hoạt động giao lưu, tọa đàm, hội thảo hướng tới những đối tượng độc giả khác nhau đã khiến công chúng có thể lựa chọn những hoạt động phù hợp với lứa tuổi và mối quan tâm của riêng mình.
Những người yêu văn chương có thể đến với các cuộc giao lưu: Ra mắt sách "Năm tháng mặt người" của nhà báo Nguyễn Quang Hưng (NXB Phụ nữ); Ra mắt sách "Ngày cuối cùng của tử tù" của đại văn hào Victor Hugo (NXB Văn học); Giao lưu với tác giả và giới thiệu 3 cuốn sách "Đối mặt" của Nguyễn Hồng Thái, "Mùa thu ở lại" của Vũ Thị Hồng, "Âm binh và lá ngón" của Tống Ngọc Hân (NXB Công an Nhân dân)...
Độc giả yêu thích thể loại văn học hình sự - trinh thám có thể tham gia cuộc tọa đàm "Vấn đề hình sự trong văn học trinh thám" (Công ty cổ phần sách Bách Việt) với sự tham gia của 3 tác giả chuyên viết truyện hình sự - trinh thám là Nguyễn Xuân Thủy, Di Li và Nguyễn Đình Tú.
Các bà mẹ đang quan tâm đến các vấn đề về nuôi dạy con có thể tham gia các cuộc tọa đàm: "Kỹ năng xây dựng tính cách tốt cho trẻ mầm non và đều tiểu học" (Công ty cổ phần mỹ thuật và truyền thông - NXB Giáo dục Việt Nam); tọa đàm "Dạy con bằng sách - Câu chuyện văn hóa và giáo dục của mẹ Việt"; tọa đàm "Làm bạn cùng con" (Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Đinh Tị); tọa đàm "Bạn đọc nhỏ - Trang sách lớn"(NXB Trẻ)...
Ngoài ra, độc giả còn có cơ hội giao lưu, trò chuyện với nhà thơ Trần Đăng Khoa nhân "Tuyển thơ Trần Đăng Khoa" mới được NXB Kim Đồng ấn hành. Tại Hội sách lần này, có nhiều gương mặt tác giả trẻ đang gây được sự chú ý đã được các đơn vị xuất bản mời tới giao lưu với độc giả như Anh Khang, Trần Hùng Jonh, Thanh Duy Idol...
Có thể thấy, hầu như ở các hội sách, các cuộc giao lưu với các tác giả văn học vẫn luôn chiếm được ưu thế, thu hút một lượng độc giả lớn hơn hẳn các đầu sách kỹ năng, hướng nghiệp khác. Đặc biệt, khi có sự tham gia của những tên tuổi được yêu mến như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Nhật Ánh... thì bao giờ những cuộc giao lưu cũng thu hút sự quan tâm của rất đông độc giả ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Trong ngày cuối cùng của hội sách 24-4, buổi giao lưu với nhà thơ Trần Đăng Khoa (có sự góp mặt của nhà văn Nguyễn Văn Thọ và Di Li) đã thu sự quan tâm của độc giả các lứa tuổi.
Lối trò chuyện mộc mạc, hồn hậu mà đầy hóm hỉnh và không kém phần thu hút đã "giữ chân" nhiều độc giả trong buổi sáng chủ nhật đẹp trời. Nhiều độc giả đã không ngần ngại bày tỏ tình cảm, sự ngưỡng mộ của mình dành cho nhà thơ Trần Đăng Khoa từ khi còn được coi là thần đồng cho đến tận bây giờ. Kết thúc buổi giao lưu, sau khi đã mua được "Tuyển thơ Trần Đăng Khoa", độc giả vẫn tiếp tục kiên nhẫn ở lại để xin cho được chữ ký của nhà thơ như một nét văn hóa đẹp của người yêu sách khiến nhà thơ Trần Đăng Khoa nay tuổi đã gần lục tuần vẫn phải xúc động trước những tình cảm mà độc giả dành cho mình.
Bên cạnh dấu ấn của nhà thơ nổi tiếng Trần Đăng Khoa tại hội sách, có thể thấy độc giả ngày nay cũng khá tinh tường trong việc theo dõi và lựa chọn các đầu sách văn học cũng như dành mối quan tâm đáng kể cho các tác giả có bản sắc riêng. Cuộc tọa đàm "Vấn đề hình sự trong văn học trinh thám" (Công ty cổ phần sách Bách Việt) với sự tham gia của 3 tác giả chuyên viết truyện hình sự - trinh thám là Nguyễn Xuân Thủy, Di Li và Nguyễn Đình Tú mặc dù diễn ra vào buổi tối không phải là cuối tuần nhưng có rất nhiều độc giả trẻ đã đến theo dõi.
Một trong những yếu tố để cuộc tọa đàm này có được những thành công đáng kể, đó là cả 3 tác giả viết truyện hình sự - trinh thám này đều có một lượng fan đông đảo trên facebook cá nhân. Vì thế, khi thông tin về sự kiện được các tác giả đăng tải lên facebook đã trở thành một kênh thông tin hữu hiệu, lôi kéo được một lượng độc giả và người hâm mộ đến với hội sách để dự giao lưu, mua sách xin chữ ký tác giả.
Hội sách tại công viên Thống Nhất lần này không thấy Ban tổ chức lập trang facebook riêng để quảng bá, song có thể thấy khi facebook đã trở thành một kênh thông tin hữu hiệu để quảng bá và kết nối, sự chia sẻ của mỗi cá nhân tác giả như Nguyễn Xuân Thủy, Di Li, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Quang Hưng, Anh Khang, Thanh Duy Idol... đã trở thành nguồn thông tin tham khảo hữu hiệu để độc giả các lứa tuổi, các trình độ khác nhau quyết định có đến với hội sách hay không và nếu đến thì chú trọng đến cuộc giao lưu, tọa đàm nào bổ ích và phù hợp với mình.
Do hội sách TP. Hồ Chí Minh vừa được tổ chức thành công trong tháng 3 tại công viên Lê Văn Tám với quy mô lớn nhất từ trước đến nay (với 172 gian hàng, trên 30 ngàn đầu sách, trên 30 triệu bản in, ước tính trên dưới 1 triệu lượt người đến tham quan và mua sách) và "Hội sách mùa xuân" vừa được tổ chức tại khuôn viên Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho nên Hội sách tại công viên Thống Nhất lần này có thưa vắng hơn những ngày hội sách của hai kỳ trước.
Không gặp được yếu tố "thiên thời" như 2 hội sách được tổ chức nhân ngày sách lần 1 &2 trước đây khi đêm trước khi khai mạc, sáng 22-4, đêm 23-4 Hà Nội đều có những cơn mưa lớn, nhưng khi chứng kiến cảnh những độc giả không quản ngại mưa gió, kiên trì ở lại với các cuộc giao lưu, tọa đàmnhiều người làm sách đã rưng rưng xúc động. Yếu tố "nhân hòa" đã khiến nhiều người làm xuất bản cảm nhận rằng họ đã không đơn độc trên hành trình khẳng định vai trò của văn hóa đọc trong đời sống đương đại Việt Nam.
Sáng 22-4, trong khi NXB Công an Nhân dân đang buổi giao lưu với tác giả và giới thiệu 3 cuốn sách "Đối mặt" của Nguyễn Hồng Thái, "Mùa thu ở lại" của Vũ Thị Hồng, "Âm binh và lá ngón" của Tống Ngọc Hân và NXB Văn học đang phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội &Nhân văn tổ chức cuộc giao lưu, ra mắt tiểu thuyết "Ngày cuối cùng của tử tù" của đại văn hào Victor Hugo với sự tham gia của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, dịch giả Trần Hinh và nhà văn Di Li thì trời đổ mưa lớn. Mặc dù có bạt che chắn, nhưng nước vẫn giội xuống khiến cả diễn giả và độc giả đều bị ướt, nhiều độc giả phải xin túi vốn dùng để đựng sách của Ban tổ chức để... che đầu.
Theo ghi nhận của chúng tôi, do không tính toán đến yếu tố thời tiết có thể có mưa, cho nên các gian hàng tại Hội sách lần này vẫn được thiết kế một cách khá sơ sài với bạt che trên mái. Vì thế, trận mưa đêm trước khi khai mạc đã khiến nhiều gian hàng bị ảnh hưởng, thiệt hại với nhiều cuốn sách ướt sũng. Chắc hẳn, sau kỳ hội sách lần này, Ban tổ chức cũng như các đơn vị làm sách khi tham gia các sự kiện ngoài trời kiểu này sẽ phải chú tâm hơn đến công tác "hậu cần", để bảo quản tài sản của đơn vị mình.
Và một vấn đề nữa cần quan tâm đó là, ngoài công tác truyền thông cho hội sách, Ban tổ chức cần chú trọng hơn nữa đến nội dung - chất lượng các cuộc giao lưu, tọa đàm và "độ nóng" những diễn giả sẽ tham gia những cuộc giao lưu, tọa đàm ấy. Tuy "ít mà tinh" thì vẫn hơn là nhiều mà dàn trải, trùng lắp, ít tính thuyết phục và thiếu đi "lực hấp dẫn" của chủ tọa hay diễn giả của những cuộc giao lưu, tọa đàm ấy. Dù độc giả có đang là yếu tố "nhân hòa" của làng xuất bản, nhưng vẫn phải tránh tình trạng "bão hòa" khiến độc giả sẽ không còn cảm thấy hứng thú khi đến với những hội sách tiếp theo.