Ngát hương sen Quỳnh Đôi

Thứ Sáu, 03/07/2020, 09:53
Khi tôi vừa về đến Quỳnh Lưu thì thầy giáo Đặng Nho Nhã ở xã Quỳnh Hồng mách nếu muốn chụp ảnh hoa sen thì chỉ có về Quỳnh Đôi. Tháng sáu nóng sém da sém mặt, đúng vào vụ sen mới. Tôi chợt nhớ Quỳnh Đôi ngoài nghề dệt lụa còn có một nghề nữa độc đáo nhất nước; đó là nghề “Đi học” từ hàng trăm năm qua. Vì thế Quỳnh Đôi mới có câu: “Làng ta khoa bảng thật nhiều/ Như cây trên núi như diều trên không” .


Buôn chữ làm quan

Không ngờ việc đi tìm đồng hoa sen của tôi lại bắt đầu từ câu chuyện cái cổng làng. Quỳnh Đôi là xã chỉ có một làng. Số dân không nhiều chừng 5.000 người. Họ sinh sống tập trung ở vùng đồng trũng nghèo khó bao đời nay. Cổng làng mới được xây dựng rất bề thế và có khắc chữ: “Làng Quỳnh Đôi-Khởi cơ 1378-Bởi thủy tổ họ Hồ, họ Nguyễn, họ Hoàng”. Theo thầy giáo Nhã nói thì việc dân làng Quỳnh Đôi chăm chỉ học hành đều căn bản ở tình người thương yêu đùm bọc nhau. Dân làng Quỳnh Đôi đã có hội thề từ 300 năm qua.

Đây được coi là hương ước làng có sớm nhất và cũng là duy nhất ở nước ta. Vậy nên hình ảnh: “Đi ra thiên hạ mà coi/ Không đâu bằng đất Quỳnh Đôi nữa mà. Trai học hành bút nghiên thi cử/ Gái chăm nghề dệt lụa vá may” đều từ sự đùm bọc của lời thề trong làng. Hội thề đã đề ra: “Người trong làng phải thương yêu đùm bọc lấy nhau như anh em ruột thịt”. Chính vì thế mà từ xưa, làng đã để ra hàng trăm mẫu ruộng dành cho việc học hành của mọi người trong làng. Ai ai cũng “Lá lành đùm lá rách”. Tuy nghèo nhưng dân làng vẫn nhịn đói thắp đuốc học lấy con chữ.

Cổng làng Quỳnh Đôi.

Quỳnh Đôi vẫn còn lưu truyền kể chuyện Hoàng Giáp Hồ Sĩ Dương (1622-1681). Ông mồ côi cha theo mẹ đi bán nước ở chợ Nồi (tên nôm làng Quỳnh Đôi). Sáng nào ông cũng xách ấm nước trà đi bán rong. Đến chiều ông lại đi gánh nước đổ đầy chum. Tuy chỉ là anh trò nghèo và ăn ngô khoai trừ bữa nhưng Hồ Sĩ Dương chăm chỉ học tập tấn tới ngày đêm.

Chuyện rằng một lần Hồ Sĩ Dương theo chúng bạn đi chiêm ngưỡng ba người đẹp ở xã bên đi qua làng. Họ là con quận công nên võng giá xênh xang đưa đón. Những chàng học trò xì xào ngắm nhìn và thách đố ai dám chiềng mặt đứng ra xin trầu. Sau giây phút ngập ngừng trò Hồ Sĩ Dương mạnh dạn bước ra. Hai cô đi đầu tỏ ra khinh miệt trò nghèo. Không ngờ cô ba là Trương Thị Thành lại vui vẻ mở tráp lấy trầu tươi đưa cho chàng. Ngay hôm sau, Hồ Sĩ Dương đòi mẹ sang nhà ông quận công xin cưới nàng ba. Ông quận công nổi giận đuổi nàng ba ra khỏi nhà vì dám tự ý đem trầu cho trai.

Từ đó nàng ba Trương Thị Thành về ngôi nhà nghèo với hai mẹ con Hồ Sĩ Dương. Nàng đã chịu thương chịu khó nuôi chồng ăn học và hết lòng phụng dưỡng mẹ già. Sau đó Hồ Sĩ Dương lên kinh thi đã đỗ ngay Giải Nguyên ở hội thi Hương. Khi đến Hội thi Đình ông đỗ Tiến sĩ cập đệ (Hoàng Giáp). Dần dần Tiến sĩ Hồ Sĩ Dương được bổ nhiệm làm quan tới chức Hộ bộ Thượng thư với tước Duệ Quận công. Ông làm quan tới tột đỉnh vinh quang trải qua bốn triều vua Lê. Thượng thư Hồ Sĩ Dương rất hiền lành nên người đời đặt danh xưng là Hầu Thượng Bụt. Ông còn cung tiến cho làng 40 mẫu ruộng tốt để làm khuyến học.

Quỳnh Đôi thời nào cũng có những người đỗ đạt cao và làm quan tại các triều vua. Đặc biệt trong dòng họ Hồ còn có dòng Hồ Cao (đời thứ 14) có tới ba thế hệ cha con đều đỗ Trạng Nguyên. Chưa hết, đến ba con của trạng nguyên Hồ Thành (đời thứ ba) đều đỗ Tiến sĩ triều Lê. Tính cả làng Quỳnh Đôi thì ngoài họ Hồ có tới 560 người đỗ đạt qua các thời thì các danh sĩ trong các họ khác cũng nhiều khó kể hết. Trong đó dòng họ Nguyễn, họ Dương, họ Phan và họ Hoàng đều có số người đỗ đạt rất cao. Chính vì thế khắp vùng còn lưu truyền câu ca: “Kinh kỳ dệt gấm thêu hoa/Quỳnh Đôi khoa bảng thủ khoa ba đời”.

Làng có nhiều đời vua nhất

Thày giáo Nhã cho biết, xã Quỳnh Đôi có những bảng thống kê thật khó nơi nào đạt được, nếu không nói những con số đó là một kỷ lục. Ông dẫn ra con số mà tôi thấy choáng thực sự. Nếu chỉ tính từ năm 1945 tới gần đây, Quỳnh Đôi có khoảng trên 1.000 người tốt nghiệp đại học và 100 người có trình độ thạc sĩ trở lên.

Trong số đó có 3 viện sĩ quốc tế, 4 giáo sư, 16 phó giáo sư và 55 tiến sĩ. Từ khi chấm dứt thi cử khoa bảng đến nay thì những người nổi tiếng có những tên tuổi như Hồ Tùng Mậu, Cù Chính Lan, Phan Cự Nhân, Phan Cự Đệ, Nguyễn Xuân Dũng, nhà thơ Hoàng Trung Thông, Hồ Đức Việt, Văn Như Cương…Ấy là chưa nói đến những danh sĩ nổi tiếng từ xưa của làng như nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Tôi ngạc nhiên thì ra nữ sĩ Hồ Xuân Hương quê gốc ở đây. Hiện vẫn còn mộ của bà ở Quỳnh Lưu.

Những có lẽ điều làm cho tôi kinh ngạc hơn khi đọc bảng liệt kê ở khu nhà thờ Đại tộc Hồ. Đây là bản danh sách kể về những đời vua mà do chính người làng Quỳnh Đôi trị vì. Đầu tiên là Hoàng đế Hồ Quý Ly (1400-1401). Tiếp đến là vua Hồ Hán Thương (1401-1407). Hơn 300 năm sau Quỳnh Đôi lại ghi danh đời các vua Tây sơn. Đó là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Quảng Toản.

Gia tộc Nguyễn Huệ chính là gốc dòng họ Hồ ở Quỳnh Đôi lưu lạc về đất Tây Sơn (Bình Định). Quang Trung Hoàng đế chính danh với cái tên gốc là Hồ Thơm (1753-1792). Chúng tôi đứng bên bức tượng ngài lòng xiết bao xúc động. Nhà Tây Sơn dù chỉ trị vì đất nước 24 năm nhưng lại ghi một dấu ấn lịch sử vĩ đại nhất khi đánh tan 25 quân nhà Thanh. Đồng thời quân Tây Sơn còn dẹp được cuộc chiến Trịnh-Nguyễn phân tranh hàng trăm năm đem lại sự thống nhất giang sơn.

Rước kiệu về đền Thần.

Về chuyện gốc tích trong gia phả đại đế Quang Trung trong Bảo tàng Tây Sơn ở Bình Định cũng xác định rõ ràng. Anh em Nhạc-Huệ-Lữ vốn dòng dõi họ Hồ ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Họ cùng với nữ sĩ Hồ Xuân Hương thuộc đời thứ 12 kể từ Hồ Hồng đời đầu tiên đến khai phá miền đất Quỳnh Đôi (năm 1378). Sự lưu lạc của họ xảy ra cũng bởi cuộc chiến Trịnh-Nguyễn phân tranh. Ông cha họ đã bị đổi dòng họ Nguyễn vì thế chiến và mở mang bờ cõi của chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Tuy vậy, trong gia phả dòng họ mấy đời vẫn ghi lại với những cái tên mang họ Hồ để nhớ đến gốc tích tổ tiên. Ba anh em nhà Tây Sơn là con của Hồ Phi Phúc và bà Nguyễn Thị Đồng. Hiện mộ của Hồ Phi Phúc còn được lưu giữ tại núi Long Cương (Bình Khê-Bình Định)

Quỳnh Đôi còn được gọi là làng di sản với 10 di tích cấp quốc gia và tỉnh, thành. Trong đó có không ít nhà thờ họ ở làng được công nhận là di tích cấp quốc gia. Đầu tiên là nhà thờ họ Hồ, họ Nguyễn, họ Dương và họ Hoàng. Trong số đó còn có nhà thờ và khu lăng mộ cụ Hồ Tùng Mậu. Cụ chính là Hồ Bá Cự một chí sĩ cách mạng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.

Phía sau võng lọng cao sang

Đã hàng chục năm qua, làng Quỳnh Đôi còn có “Hội lễ khai bút” vào đầu năm cũng rất đặc biệt. Để khuyến khích các tài năng cứ vào ngày Tết làng tổ chức hội lễ sáng tác cho các thí sinh trẻ. Ai cũng có quyền tham gia và tự do viết những điều gì tâm đắc nhất. Nhưng có lẽ rất nhiều thí sinh thường sáng tác những bài thơ hay viết những câu chuyện về người mẹ của mình. Những người phụ nữ đã đứng sau những con chữ và tạo nghiệp công danh cho chồng con. Phần đông các bà các cô dệt vải chăn tằm hay kéo kén làm hàng tơ lụa để kiếm tiền nuôi chồng, con ăn học nên người.

Trai làng đều chăm chỉ học với tiêu chí: “Tiến vi quan, thoái vi sư”. Truyền thống hiếu học đã được lưu danh: “Trai thì quyết chí khoa trường/ Đèn xanh một ngọn đèn vàng năm canh”. Họ quyết chí vì đã có những người vợ hoặc người mẹ làm hậu thuẫn phía sau. Nhiều người trong làng nổi tiếng dệt lụa đẹp bán hàng rất chạy. Chính vì sự phát đạt mà họ có tiền cho chồng con ăn học đỗ đạt làm quan. Những người phụ nữ ấy là cánh đồng sen thơm ngát của làng Quỳnh. Đó cũng chính là hàm ý mà thầy giáo Đặng Nho Nhã đã nói với tôi ngay từ lúc mới bước chân đến Quỳnh Lưu.

Vương Tâm
.
.