Ngành xuất bản sách ở Nga với “chiến lược chống khủng hoảng”

Thứ Hai, 27/11/2017, 08:21
Mới đây, tại Trường Đại học Báo chí và công nghiệp truyền thông Moskva đã diễn ra hội nghị "Ngành sách ở Nga: Chiến lược chống khủng hoảng", với sự tham gia của các đại biểu Viện sách Nga, các tạp chí, cửa hàng sách và các tổ chức liên quan tới ngành kinh doanh sách. 


Bà Svetlana Zorina, Tổng Biên tập Tạp chí Công nghiệp sách đã cung cấp cho các đại biểu số liệu thống kê về xuất bản sách ở Nga. Phần đầu của hội nghị bàn về việc phân tích và thống kê, phần hai bao gồm các bài phát biểu của các chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản sách hiện nay và thảo luận tự do về các vấn đề đặt ra trong hội nghị.

Hội nghị bắt đầu với bài phát biểu của ông Aleksandr Voropaev, Trưởng phòng triển lãm sách và tuyên truyền đọc sách của Công ty phát hành báo chí Rospechat. Ông nói về những xu thế và triển vọng của ngành xuất bản sách ở Nga năm 2016.

Theo các chỉ số chung, năm 2016 là năm thành công hơn các năm 2015 và 2014. Nhưng năm Năm văn học Nga - 2015 là năm giàu các dự án sách và xuất bản, đã xuất hiện Liên hoan Quảng trường đỏ, đã thành lập ban tổ chức Năm văn học, sau đó được đổi thành Ban tổ chức hỗ trợ văn học, xuất bản sách và đọc sách ở Liên bang Nga.

Trước Năm văn học, các chỉ số xuất bản sách giảm xuống đều đặn, nhưng sau khi tiến hành các hoạt động chuyên đề đủ loại, từ nửa sau 2015, các chỉ số nhích dần lên. Các chuyên gia cho rằng, 2014 là năm khủng hoảng nhất đối với ngành công nghiệp sách ở Nga, tiếp theo dù sao cũng sẽ xuất hiện sự tăng trưởng chứ không chỉ là bước nhảy vọt tạm thời. Đồng thời xuất hiện xu hướng giảm cả tira lẫn số đầu sách được xuất bản, nhưng điều đó chứng minh rằng hệ thống xuất bản thay đổi hệ hình: Chuyển từ xuất bản đại trà sang xuất bản cá nhân, bỏ qua nhu cầu của khách hàng. Điều đáng lo ngại nhất là giảm số đầu sách được xuất bản, vì chính qua tiêu chí này người ta nhận định về hệ thống xuất bản sách.

Một cuộc họp về xuất bản sách ở Nga.

Vấn đề đặt ra là số liệu thống kê được thực hiện theo dữ liệu của Viện sách Nga, nơi không phải tất cả các ấn phẩm đều được đăng ký. Sở dĩ như vậy là vì khi in một cuốn sách từ 100-300 bản, nhà xuất bản quả là không thể cho phép mình nộp 16 bản cần thiết cho Viện sách. Ông Aleksandr Voropaev cho biết, hiện đang tiến hành việc sửa đổi luật về bản in bắt buộc, cho phép đơn giản hóa quá trình đăng ký ấn phẩm.

Bà Elena Nogina, Giám đốc Viện sách Nga, trong bài phát biểu của mình cũng đề cập tới vấn đề bản in bắt buộc để đăng ký ấn phẩm tại Viện sách.

Bài phát biểu của bà Nadezhda Mikhailova, Tổng Giám đốc Nhà sách Moskva rất đáng chú ý. Bà cho biết, ở Moskva hiện nay, số lượng người đến các cửa hàng sách trung tâm đã giảm 7%, một trong những nguyên nhân là thiếu chỗ để xe ở trung tâm thành phố. Như vậy, phần lớn khách hàng chuyển về các cửa hàng sách quận, huyện.

Đồng thời cũng xuất hiện xu hướng giảm số sách mua trên một hóa đơn: Nếu như trước đây trung bình mỗi hóa đơn ghi 3 cuốn, thì hiện nay chỉ số trung bình là 2,7 cuốn, hơn nữa giá trung bình của mỗi cuốn sách tăng 7%, còn tổng số tiền trung bình theo hóa đơn tăng 4%. Tuy nhiên, các chỉ số này phụ thuộc vào mức độ lạm phát.

Nếu như nói về tỷ lệ sách bán ra theo thể loại thì sách giáo khoa chiếm phần lớn - 23%, sách văn học và sách thiếu nhi dao động trong khoảng 20-22%, tỷ lệ sách chuyên ngành và khoa học là 18% và 14% tương ứng. Đồng thời, sách văn học thiếu nhi có xu hướng phát triển tích cực, điều này liên quan tới sở thích của các bậc phụ huynh đối với sách tìm hiểu khoa học. Riêng về văn học thì giá sách trung bình tăng lên, đồng thời số lượng bản sách bán được giảm 8%, nhưng số tiền tương đương chỉ giảm 1%, điều này được lý giải bởi giá sách tăng cao hơn so với mức độ lạm phát.

Bà Elena Solovyeva, trợ lý Tổng biên tập Tạp chí Công nghiệp sách trình bày báo cáo "Các số liệu trong ngành sách". Báo cáo của bà dựa trên các số liệu thống kê của 600 cửa hàng. Mặc dù thị trường sách điện tử tăng, nó chỉ chiếm 4% số lượng sách bán ra, đồng thời khẳng định rằng phần lớn sách được phát hành theo phương thức truyền thống - thông qua các cửa hàng sách. Đồng thời chỉ số giá tiêu dùng giảm xuống, nghĩa là khách hàng tiết kiệm, còn giá sách trung bình dừng lại ở con số 257 rúp. Đồng thời ghi nhận rằng sách được xuất bản chủ yếu ở Moskva, một phần nhỏ hơn ở 13 thành phố khác của nước Nga.

Báo cáo của ông Sergey Makarenkov, Tổng Giám đốc Tập đoàn xuất bản Ripol classic gây ra nhiều thắc mắc và phản ứng trái chiều. Bài phát biểu của ông đặt ra những vấn đề sau: "Sách là gì trong quan niệm hiện nay? Nhà xuất bản sách là gì?". Theo tuyên bố hơi bất ngờ của ông Makarenkov, xuất bản sách đang trở thành một ngành không phải hướng tới lợi nhuận, nghĩa là hoạt động định hướng kinh doanh, mà là một bộ phận marketing nhằm thỏa mãn nhu cầu tình cảm và tính hiếu danh của con người. Như vậy, có một cộng đồng nhỏ nhất định nào đấy, có thể là gia đình, lớp học hay cả một khoa, có thể đóng vai nhà xuất bản. Xu thế đó có thể tác động tích cực tới sự tăng chỉ số xuất bản sách ở Nga, vì hiện nay chỉ số này quá thấp: cả nước Nga chỉ có khoảng 1239 nhà xuất bản, trong khi đó, ví dụ, ở Pháp có gần 3.000.

Nhưng dù sao, khi ủng hộ ý tưởng về sự cần thiết xuất bản cuốn sách riêng của mỗi gia đình để giáo dục đứa trẻ thông qua việc đọc sách, ông Sergey Makarenkov buộc phải đồng ý rằng, cho dù ý tưởng độc đáo đến đâu cũng không thể đưa việc xuất bản tương tự vào hoạt động thương mại, vì nhu cầu về loại "sách" đó sẽ hoàn toàn mang tính chất cá nhân.

Nổi bật nhất là bài phát biểu của ông Vladimir Kharitonov, Giám đốc Điều hành Liên hiệp các nhà xuất bản Internet của Nga. Ông đề cập vấn đề đăng ký ấn phẩm tại Viện sách. Để thực hiện điều đó ông đề nghị "đến gặp các nhà xuất bản không phải ở phía trước mà ở bên cạnh": bắt buộc các nhà xuất bản nếu không đăng ký tất cả các cuốn sách của mình thì ít ra là cung cấp các số liệu thống kê để hình thành một bức tranh đầy đủ hơn về các ấn phẩm bằng sách giấy cũng như điện tử.

Hội nghị cũng đặt vấn đề về cố định giá sách và về việc cần thiết giảm kinh phí xuất bản sách. Ông Kharitonov lưu ý rằng "các chính khách phải hiểu sách trước hết là sản phẩm văn hóa, sau đó mới là hàng hóa".

Một trong những ý tưởng quan trọng nhất được phát biểu tại hội nghị nói về vấn đề thu nhập của nhà văn:"Hiện nay tối đa có 100-150 người ở nước Nga có thể sống bằng lao động nhà văn, tất cả những người còn lại không thể. Vậy thì chờ đợi gì ở sự phát triển của ngành sách, nếu như không có những con người có thể tạo ra sản phẩm này bằng lao động của mình".

Ông Maksim Lozovsky, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kế hoạch hóa chiến lược của Tập đoàn EXMO-AST, trong bài  phát biểu của mình đã xem xét vấn đề hạ tầng của thị trường sách nước Nga. Ông trình bày ngắn gọn ý tưởng về chương trình hỗ trợ việc đọc sách và xuất bản sách, bao gồm quảng cáo xã hội, các hoạt động xã hội, cũng như sự ủng hộ về mặt cơ chế của nhà nước.

Bà Olga Alshevskaya, cán bộ khoa học chủ chốt của Thư viện Khoa học kỹ thuật quốc gia Nga phát biểu về hạ tầng cơ sở đọc sách ở Sibir và Viễn Đông. Theo bà, phát hành sách là thành phần chủ chốt trong lĩnh vực quảng bá việc đọc sách. Bà nêu ra ba xu hướng tích cực là phát triển các tập đoàn thương mại - xuất bản, mạng lưới khu vực, cũng như tiến hành các hội chợ - triển lãm.

Một trong những báo cáo hợp lý nhất là phát biểu của Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất bản sách nước Nga Oleg Filimonov. Ông nhận xét rằng, về thực chất, trong tình hình hiện nay cần một kế hoạch chống khủng hoảng mà chúng ta chưa có. Khủng hoảng bắt đầu từ công tác quản lý, còn chiến lược chống khủng hoảng bắt đầu từ biên chế.

Khắc phục khủng hoảng văn hóa là một nhiệm vụ rất khó thực hiện, vì "Thật tồi tệ khi các khu vực và thành phố không xuất bản sách, nhưng còn tệ hơn khi không có các hiệu sách", mà ở nước Nga hiện nay rất nhiều những cơ sở liên bang như vậy. Ông Filimonov đơn cử một số biện pháp hỗ trợ phát hành sách trước mắt như: giảm chi phí thuê thuê mặt bằng, hoạt động câu lạc bộ sách, mà cụ thể là các hội chợ sách, triển lãm, liên hoan, cũng như các ưu đãi về vận chuyển.

Kết thúc hội nghị, ông Yan Krustkaln, Giám đốc cửa hàng sách chia sẻ kinh nghiệm mở cửa hàng sách trong điều kiện khủng hoảng. Ông gọi hoạt động này là thực nghiệm, còn dự án của mình chỉ là một trường hợp đơn lẻ, chưa chắc có thể trở thành một xu thế chung. "Vì hiện đang hình thành một thế hệ mà bố mẹ của chúng hồi nhỏ không đọc sách nên văn học thiếu nhi được coi là có triển vọng phát triển, nhưng với điều kiện là mục đích dạy trẻ em đọc lại từ đầu sẽ là chiến lược chính không chỉ của nước Nga mà của toàn thế giới" - ông nói.

Trần Hậu (dịch)
.
.