Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay

Thứ Bảy, 14/09/2019, 08:35
Ai cũng từng đôi lần ngắm mây, thậm chí cất lời gọi mây tha thiết, coi mây như người bạn...

Có những làn mây trôi ngang ta buổi sớm, có những áng mây như dừng lại lúc trời chiều. Có khi nào ta từng ngước mắt dõi theo một đám mây hoặc bồng bềnh hoặc phiêu lãng phía trời cao như làm bạn cùng gió - núi, và cũng có khi nào ta xao xuyến khi ngắm nhìn một bóng mây dưới làn nước hồ sâu thẳm. Lại có những đóa mây nào đã ám ảnh lòng ta cả cuộc đời...

1.Mây trước tiên đi vào thi ca như một vẻ đẹp tự nhiên của đất trời mỗi ngày quanh ta. Đám mây có thể mang nhiều màu sắc, tùy vào thời điểm quan sát hoặc cũng tùy cảm nhận và tâm trạng mỗi người, nhưng chắc chắn màu trắng luôn được coi là màu chủ đạo, dễ gợi nên những cảm giác tích cực, tươi sáng, trong trẻo.

Vì thế, trong thơ thiếu nhi khi miêu tả về mây, ta sẽ dễ dàng bắt gặp màu sắc tinh khôi trong vắt này: “Đám mây xốp trắng như bông/ Ngủ quên dưới đáy hồ trong lúc nào/ Nghe con cá đớp ngôi sao/ Giật mình mây thức bay vào rừng xa” (Đám mây ngủ quên - Nguyễn Bao). Với con mắt xanh non của trẻ thơ, nhà thơ như vẽ cho chúng ta một bức tranh thật đáng yêu, sống động bằng một loạt các biện pháp nhân hóa và chuyển đổi cảm giác.

Mây trắng về đâu bay gấp gấp” - Ảnh mang tính minh họa

Đám mây cũng mang dáng dấp của một đứa trẻ, có "ngủ quên", có "giật mình", có "thức" và cuối cùng là "bay vào rừng xa", như mở đầu cho một cuộc rong chơi mới... Đó là đám mây trong thơ thiếu nhi. Còn khi chàng trai trong bài ca dao xưa ngắm mây, miêu tả về mây thì mây đã thành cái cớ để anh bày tỏ lòng mình với cô gái mà anh thầm thương trộm nhớ. Đám mây lúc này không đơn sắc nữa mà chuyển sang đa sắc: “Trên trời có đám mây xanh/ Ở giữa mây trắng xung quanh mây vàng/ Ước gì anh lấy được nàng/ Để anh mua gạch Bát Tràng về xây”...

Từ màu sắc ban đầu là trắng, giờ đã có thêm màu xanh và lạ nhất là vàng - cái cớ để bắt vần với "nàng" ở câu kế tiếp cho chàng trai có cơ hội bộc bạch lòng mình. Trong các tác phẩm thi ca của người Việt, mây còn hiện lên với thật nhiều màu sắc khác: “Trời ươm nắng cho mây hồng, mây qua mau em nghiêng sầu” (Mưa hồng - Trịnh Công Sơn), “Ngàn mây xám, chiều nay về đây treo lững lờ” (Dấu chân địa đàng - Trịnh Công Sơn), “Mây biếc về đâu bay gấp gấp” (Thơ duyên - Xuân Diệu). “Lạnh lùng sương rơi heo may/ Buồn ngơ ngác bóng chim bay/ Mây tím giăng sầu đó đây” (Thu ca - Nhạc và lời: Phạm Mạnh Cương), “Trời vào thu, Việt Nam buồn lắm em ơi/ Mây tím đang dâng cao vời, mà tình yêu chưa lên ngôi” (Tình bơ vơ - Nhạc và lời: Lam Phương), “Mây đen đi đóng cửa trời/ Lá non mong thấy mặt người sau mưa” (Em - Hữu Thỉnh). Có phải vì mây có nhiều biểu cảm về hình thức như vậy, nên từ xưa cho tới nay, các thi sĩ, nhạc sĩ rất hay gắn mây với vẻ đẹp của người phụ nữ, hoặc dùng mây để ví von, hoặc đem mây đặt cạnh người đẹp như để tăng thêm phần tô điểm: “Hoa cười ngọc thốt đoan trang/ Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da” (Truyện Kiều - Nguyễn Du), “Em đến như mây chẳng đợi kỳ/ Hương ngàn gió núi đọng hàng mi” (Tự tình dưới hoa - Đinh Hùng), “Mây từ đâu bay tới mờ dấu chân trời. Em tại sao em đến cho anh yêu vội” (Khi người yêu tôi khóc - Nhạc và lời: Trần Thiện Thanh), “Gió sẽ mừng vì tóc em bay/ Cho mây hờn ngủ quên trên vai” (Như cánh vạc bay - Trịnh Công Sơn).

Trong chuyện tình yêu, hẳn sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến điển tích mây mưa, gắn với giai thoại Sở Tương Vương đến chơi đất Cao Đường, giữa ban ngày ngủ quên, bỗng nằm mơ thấy một người con gái tuyệt sắc, xưng là thần núi Vu Sơn, cùng nhau bày cuộc ân ái. Lúc chia tay, nàng bảo rằng: "Thiếp ở trên núi Vu Giáp, nơi cao sơn, sớm làm mây, tối làm mưa, sớm ở Vu Sơn, tối ở Dương Đài". Từ đó, trong văn học, người ta hay dùng cụm từ "mây mưa" để chỉ việc trai gái giao tình với nhau... “Truyện Kiều” và “Cung oán ngâm khúc” đều có dùng điển tích này: “Mây mưa đánh đổ đá vàng” (Nguyễn Du), “Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa” (Nguyễn Gia Thiều).

2. Giờ đến lúc chuyển sang những đám mây của tâm trạng, của lòng người. Thơ Mới (1932 - 1945) là thời kỳ xuất hiện rất nhiều những áng mây buồn, vừa là nỗi buồn chung của thời đại, nhuốm màu bàng bạc khắp không gian, lại cũng có khi là những bi kịch của riêng mỗi số phận, mỗi mảnh đời: “Mây vẩn từng không chim bay đi/ Khí trời u uất hận chia ly” (Đây mùa thu tới - Xuân Diệu), “Mây lạc hình xa xôi/ Gió than niềm trách móc” (Viễn khách - Xuân Diệu).

Huy Cận thì đối lập cánh chim cô lẻ với những tầng mây trùng trùng như đang đè nặng xuống: “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc/ Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa” (Tràng giang). Hàn Mặc Tử thì tuyệt vọng trong bi kịch của riêng mình, khát khao đến vô vọng một hạnh phúc ở ngoài tầm tay với, bởi thế mà gió mây tan tác hai đường: “Gió theo lối gió mây đường mây/ Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay” (Đây thôn Vỹ Dạ), “Mây chết đuối ở dòng sông vắng lặng/ Trôi thây xa về tận cõi vô biên” (Vớt hồn).

Mây cũng xuất hiện nhiều lần trong “Nhật ký trong tù” của Hồ Chủ tịch với các sắc thái khác nhau. Có khi là một đám mây cô đơn mỏi mệt vẫn cố trôi qua bầu trời: “Cô vân mạn mạn độ thiên không” (Mộ). Có khi là một vẻ đẹp quyến luyến như tình tự của thiên nhiên: “Vân ủng trùng sơn sơn ủng vân” (Núi ấp ôm mây, mây ấp núi - Tân xuất ngục học đăng sơn). Có lúc qua tả mây để tôn lên chí khí con người: “Ngục trung cựu phạm nghênh tân phạm/ Thiên thượng tinh vân trục vũ vân/ Tinh vũ phù vân phi khứ liễu/ Ngục trung lưu trú tự do nhân” (Trong lao tù cũ đón tù mới/ Trên trời mây tạnh đuổi mây mưa/ Mây mưa mây tạnh bay đi hết/ Còn lại trong tù khách tự do - Nhập Tĩnh Tây huyện ngục).

Trong thơ ca hiện đại, mây trắng đôi khi diễn tả một sự mất mát không cần hoặc không thể níu kéo của con người: “Nợ thế trả chưa xong một món/ Sòng đời thua đã trắng hai tay/ Quê nhà xa lắc xa lơ đó/ Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay” (Hành phương Nam - Nguyễn Bính), “Hạnh phúc đến khi ai còn bé dại/ Mây trắng trời khôn lớn trắng bàn tay” (Điều đó dĩ nhiên rồi - Nguyễn Tiến Thanh). Mây cũng có khi gắn với những khát vọng tự do: “Xin được làm mây mà bay khắp nơi giang hồ” (Còn thương rau đắng mọc sau hè - Nhạc và lời: Bắc Sơn). Trong tình yêu, mây có khi là chứng nhân cho những lỗi lầm: “Bay vụt qua đời anh/ Mắt buồn và tóc rối/ Khi mà mình có tội/ Mây rất thờ ơ trôi” (Mây rất thờ ơ - Hoàng Nhuận Cầm). Mây cũng có khi là những chia lìa khuất nẻo, không còn mong chi ngày tái ngộ: “Anh giờ đã như mây dạt trôi phương nào. Em còn mãi nơi đây ngồi ôm kỷ niệm(...) Tình như bóng mây, ngàn năm vẫn bay. Mây ơi mây hỡi cánh mây giang hồ” (Mưa trên biển vắng - Nhạc Pháp - Lời Việt: Nhật Ngân), “Nắng đưa em về miền cao gió bay/ Áo em bây giờ mờ xa nẻo mây” (Hạ trắng - Trịnh Công Sơn).

Với Lưu Quang Vũ, mây như là cứu cánh trong cuộc đời nhiều khi quá bon chen, xô bồ và ngột ngạt. Những lúc như thế, mây và thơ hòa làm một: “Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng/ Thơ tôi là mây trắng của đời tôi”. Và cũng có lần trong thơ cổ, mây được nâng đến tầm của triết học trong một ẩn dụ về sự hữu hạn của kiếp người và cái miên viễn như vô tình của tạo hóa: “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản/ Bạch vân thiên tải không du du” (Hạc vàng đi mất từ xưa/ Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay - Hoàng hạc lâu - Thôi Hiệu).

3. Có một sự chơi chữ khá thú vị giữa mây (thuần Việt) và vân (Hán Việt). Trong thực tế đời sống người Việt, khi chọn từ để đặt tên cho người hay vùng đất, người ta thường chọn Vân chứ không chọn Mây. Nhưng cũng chính ở chỗ lắt léo này mà những người thi sĩ đã mượn mây để bày tỏ nỗi niềm: “Thôn Vân ơi hỡi thôn Vân/ Phương nao kết dải mây Tần cho ta/ Từ nay khi nhớ quê nhà/ Thấy mây Tần đó ngỡ là thôn Vân” (Anh về quê cũ - Nguyễn Bính). Sau Nguyễn Bính gần nửa thế kỷ, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm một lần nữa giăng mắc lòng mình giữa hai chữ Mây - Vân ấy: “Tưởng chẳng còn gì để mất Vân ơi/ Lọ mực đổ lên trái tim tan nát/ Tình yêu không giống như trong bài hát/ Mọi sự trở về đều cay đắng như nhau/ Cũng chẳng còn ai để hờn oán nữa đâu/ Bao vết thương cuối cùng rồi cũng khỏi/ Điều chưa nói thì ngày kia anh nói/ Chỉ tiếc em như mây vời vợi cuối chân trời” (Mây cuối trời).

Tôi đang viết những dòng cuối cùng này trong một buổi chiều mùa hạ, mở cửa sổ ra nhìn thấy trắng một màu mây. Có những làn mây trôi xa như người tình một thuở trong câu hát của Jimmy Nguyễn: “Ngồi nhìn mây trôi mãi, trôi về nơi xa xăm mịt mù. Trong cơn mơ chiều nay gọi thầm tên em...” (Nhớ về em). Nhưng cũng có những làn mây sẽ đưa ta về thời niên thiếu với những giấc mơ hồng của một tuổi thơ, nơi ta đã lớn lên từng ngày và ngập tràn hy vọng: “Những đám mây sẽ kể/ Về bạn cùng mây qua/ Nơi nào mây mưa xuống/ Cho đất đai hiền hòa (...) Những mùa xuân sẽ nói/ Về hương và về hoa/ Bé ơi bé sẽ kể/ Những gì cùng mẹ cha” (Những đám mây sẽ kể - Nhạc và lời: Đỗ Trí Dũng).

Đỗ Anh Vũ
.
.