Nét văn hóa khác biệt của những ngôi chùa ở Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh

Thứ Ba, 06/03/2018, 08:01
Ẩn sau sự phồn hoa của một Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh năng động là sự tĩnh lặng của những ngôi chùa trang nghiêm. Không chỉ là nơi thờ Phật mà ngôi chùa còn gắn liền với đời sống văn hoá tinh thần từ ngàn xưa “che chở hồn dân tộc”. 


Đi lễ chùa đã trở thành phong tục tập quán của người Việt nói chung và người Sài Gòn nói riêng. Vui về chùa. Buồn cũng về chùa. Ngoài việc thắp hương cúng Phật, tưởng nhớ tổ tiên và những người đã khuất, đi chùa còn là dịp để mọi người cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, gia quyến ai cũng được mạnh khoẻ, hạnh phúc, làm ăn tấn tài tấn lợi...

Dấu ấn lịch sử phát triển và giao lưu văn hoá của Sài Gòn

Những ngôi chùa có bề dày lịch sử, thu hút đông đảo khách thập phương của Sài Gòn như Từ Ân, Xá Lợi, Giác Lâm, Giác Viên, Giác Hải, Cây Mai, Vĩnh Nghiêm, Phước Hải, Khải Tường, Ấn Quang, Linh Sơn, Phụng Sơn, Hội Sơn, Long Huê, Huê Lâm, Huệ Lâm, Nam Thiên Nhất Trụ, Bà Thiên Hậu, Kỳ Viên, Pháp Vân, Pháp Hoa, Trường Thọ...

Đó là những ngôi chùa do người Việt hay người Hoa dựng nên. Ngoài ra, còn có chùa do người Khmer lập như Chănđaranxây hoặc chùa của người Ấn Độ là Bà Đen, tức đền Mariaman. Chùa chiền ghi đậm dấu ấn lịch sử phát triển, giao lưu văn hoá của Sài Gòn.

Không chỉ ở Hà Nội mà tại Sài Gòn cũng có chùa Một Cột, tên chữ là Nam Thiên Nhất Trụ toạ lạc trên đường Đặng Văn Bi ở quận Thủ Đức. Kiến trúc của chùa phỏng theo chùa Diên Hựu ở Hà Nội vốn được vua nhà Lý xây dựng từ thế kỉ XI để cầu nguyện cho quốc thái dân an. Nam Thiên Nhất Trụ nằm giữa lòng hồ Long Nhãn, do Hoà thượng Thích Trí Dũng và đệ tử Đức Hiển tạo lập từ năm 1958, thể hiện tấm lòng người phương Nam hướng về cội nguồn đất Bắc khi non sông bị chia cắt. Ngôi chùa độc đáo này là nơi luôn thu hút đông đảo du khách về dâng hương, tham quan.

Chùa Giác Lâm - TP Hồ Chí Minh.

Có một ngôi chùa ở Sài Gòn bỗng dưng nổi tiếng thế giới nhờ... Tổng thống Barack Obama. Đó là chùa Phước Hải, thường được gọi chùa Ngọc Hoàng toạ lạc ở đường Mai Thị Lựu, quận 1. Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã đến viếng chùa Ngọc Hoàng vào chiều ngày 24-5-2016. Chùa này vốn là điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế do một người gốc Hoa có pháp danh Lưu Đạo Nguyên xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XX.

Tương truyền chùa rất linh thiêng về chuyện cầu tự, nhiều người đến chiêm bái xin được “sinh con theo ý muốn”. Tổng thống Obama chỉ có hai cô con gái là Malia và Sasha. Khi nghe có người giới thiệu về chuyện cầu tự ở chùa Ngọc Hoàng sẽ có con trai, Tổng thống Obama cười nói: “Tôi thích con gái”!

Cầm máy ảnh đứng bên đường chùa Ngọc Hoàng theo dõi chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama, tôi nhớ lại thời sinh viên và cả khi mới lấy vợ hay đến đây dâng hương. Tôi không cầu tự hay cầu phúc lộc mà chủ yếu muốn được ngắm những bức tượng nghệ thuật điêu khắc bằng gốm hay gỗ và những bức tranh bằng giấy bồi rất kỳ lạ.

Có thể nói chùa Ngọc Hoàng ngoài chuyện tín ngưỡng còn là một không gian nghệ thuật thẩm mỹ đặc sắc, với lối trang hoàng rực rỡ, được bàn tay tài hoa của nghệ nhân xưa chăm chút kỹ lưỡng trong từng chi tiết…

Cùng với chùa Ngọc Hoàng và chùa Một Cột, có một ngôi chùa khác của Sài Gòn cũng gây cho tôi sự thích thú muốn khám phá là chùa Từ Ân, còn có tên là Sắc Tứ Từ Ân Tự, được xây dựng vào thế kỷ XVIII, hiện toạ lạc ở Phú Lâm thuộc quận 6. Vào thời kỳ chúa Nguyễn đánh nhau với nhà Tây Sơn, chùa Từ Ân và chùa Khải Tường là hai nơi nương náu cho đoàn tuỳ tùng của chúa Nguyễn Phúc Ánh.

Vì vậy, về sau dưới hai triều vua Gia Long và Minh Mạng của nhà Nguyễn, nhiều vị thiền sư của chùa Từ Ân đã được mời ra kinh đô Huế để vào cung giảng đạo, nhận chức Tăng cang và được giao trụ trì chùa Thiên Mụ, chùa Giác Hoàng…

Vào năm Tân Tỵ - 1821, nghe tin sư huynh là Thiền sư Phật Ý - Linh Nhạc viên tịch tại chùa Từ Ân, Thiền sư Thiệt Thành - Liễu Đạt đang là Tăng cang chùa Thiên Mụ ở Huế đã vào cung xin vua Minh Mạng cho từ nhiệm để trở về làm trụ trì chùa cũ. Có một vị hoàng cô là chị vua Gia Long, pháp danh Tế Minh - Thiên Nhật, vốn là cư sĩ từng học đạo với Thiền sư Thiệt Thành - Liễu Đạt, giờ gặp lại nhau tình cảm nảy nở ngày càng quyến luyến.

Vì không muốn trói buộc bởi sợi dây tình cảm tục luỵ, dành trọn cuộc đời cho phật pháp, Thiền sư Thiệt Thành - Liễu Đạt đã tự thiêu vào năm 1823, tức gần hai năm trở về trụ trì chùa Từ Ân. Mối tình giữa thiền sư đạo cao đức trọng với hoàng cô xinh đẹp quyền quý đã để lại trong dân gian một thiên tình sử đầy bi thương!

Bên cạnh phần lớn các ngôi chùa do hoà thượng trụ trì quản lý thì cũng có những chùa ở Sài Gòn do các ni sư, ni cô tự quản như Huê Lâm, Huệ Lâm... Là ngôi chùa cổ được tạo lập đến nay khoảng 200 năm, chùa Huệ Lâm còn lưu giữ biển sắc tứ của vua Khải Định, hiện nằm ở đường Tùng Thiện Vương, quận 8. Năm 1912, bà Chiêm Thị Mai đã tự nguyện đóng góp kinh phí trùng tu chùa, sau này ni sư Giác Nhẫn đã có công quyên góp xây dựng tạo cho chùa được cảnh quang trang hoàng.

Chùa Giác Lâm - một biểu tượng Phật giáo ở phương Nam

Nói đến chùa chiền của Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh không thể không kể đến Giác Lâm được tạo lập từ năm 1744, một trong những ngôi chùa cổ nhất và được xem là tổ đình của đất Nam Bộ. Chùa Giác Lâm hiện toạ lạc tại số 565 đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình vốn xưa kia nằm ở vùng hoang hoá, đất cao, cây cối um tùm, nhiều cổ thụ.

Trong sách "Gia Định thành thông chí", cụ Trịnh Hoài Đức có miêu tả cảnh chùa lúc ấy: "Chùa toạ lạc trên gò Cẩm Sơn, cách phía tây lũy Bán Bích ba dặm..., cây cao như rừng, hoa nở tựa gấm, sáng chiều mây khói nổi bay quanh quất, địa thế tuy nhỏ mà nhã thú…"!

Một người Minh Hương là Lý Thuỵ Long sùng đạo Phật, đã phát tâm quyên tiền xây dựng chùa, ban đầu lấy tên là Sơn Can (sơn là núi, cang là gò nông). Vì chùa nằm trên gò Cẩm Sơn nên còn được dân gian gọi là chùa Cẩm Sơn, đồng thời cư sĩ Lý Thụy Long vốn có tên riêng là Cẩm, làm nghề đan đệm, nên người địa phương gọi là ông Cẩm Đệm và còn gọi chùa Cẩm Đệm. Từ khi Hoà thượng Viên Quang thuộc dòng Lâm Tế đến trụ trì đã đổi tên chùa thành Giác Lâm.

Thiền sư Viên Quang là đệ tử của Thiền sư Phật Ý - Linh Nhạc trụ trì chùa Từ Ân, được thầy cử về trụ trì và khuếch trương chùa mới. Nhờ đức độ và khả năng tổ chức điều hành của thiền sư Viên Quang, chùa Giác Lâm đã trở thành một trung tâm đào tạo về kinh điển, giới luật đầu tiên cho chư tăng ở đất Gia Định và cả Nam Bộ. Kế đó, dưới sự trụ trì của Thiền sư Minh Khiêm, chùa Giác Lâm còn là nơi sao chép in ấn kinh sách, khắc bản gỗ kinh, luật và diễn Nôm một số sách Phật giáo trong và ngoài nước...

Trải qua nhiều lần trùng tu, hiện nay chùa Giác Lâm có kiến trúc rất hoành tráng, bài trí đẹp trang nhã; có thể nói đây là công trình tổng hợp từ nhiều luồng văn hoá khác nhau: ngoài sắc thái văn hoá Nam Bộ của Việt Nam là chủ yếu, chùa còn mang nhiều nét văn hoá của Trung Hoa, Ấn Độ, Khmer lẫn một số nước phương Tây. Chùa Giác Lâm được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá quốc gia từ năm 1988.

Đến thăm tổ đình Giác Lâm, chúng ta sẽ gặp rất nhiều điều lạ. Ấn tượng đầu tiên khi bước vào chùa là giữa cây cỏ thiên nhiên hiện lên khu mộ tháp cổ ở bên trái chùa. Các tháp có hình vuông, lục giác biểu tượng cho triết lý nhà Phật với tinh thần “tứ vô lượng tâm” và “lục đồ”, trang trí bằng những chữ hoặc hoa văn được chạm khắc sắc nét.

Đây là khu mộ tháp của các vị hoà thượng đã trụ trì chùa Giác Lâm, trong số ấy có tháp hai vị thiền sư khai sáng là Phật Ý - Linh Nhạc và Tổ Tông - Viên Quang. Ẩn trong khuôn viên chùa còn có cây bồ đề cao lớn tươi tốt do Đại đức Narada đưa từ Sri Lanka sang trồng vào giữa năm 1953 nhân dịp ngài sang Việt Nam trao tặng xá lợi Phật.

Đặc biệt, bên trong nội thất chùa Giác Lâm có tới 98 cây cột to sừng sững, với 86 câu đối được khắc nổi chìm dính liền thân cột, chữ nào cũng được thếp vàng trong khuôn viên chạm trổ công phu tinh tế. Đáng chú ý có câu đối treo ở gian thờ Tổ là của danh sĩ Trịnh Hoài Đức và câu đối của Mộc Ân đệ tử phụng cúng vào năm Gia Long thứ 3 (1804). Bên cạnh đó là 9 bao lam, 19 hoành phi, một bàn thờ cổ và đồ thờ cổ quý giá. Ngự trong chùa còn có 113 pho tượng cổ chư phật, trong đó có 7 tượng đồng, còn lại phần lớn chạm khắc từ gỗ mít nài. Nổi bật hơn cả là toà Cửu Long diễn tả một cách sinh động sự tích Phật đản.

Chùa Giác Lâm từng là cơ sở lưu trữ tài liệu, nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước. Các nhà sư và phật tử của chùa Giác Lâm cũng có nhiều hoạt động từ thiện cứu trợ đồng bào bị lũ lụt và hỗ trợ những số phận bất hạnh.

 Có lẽ Giác Lâm là một trong những ngôi chùa thu hút đông đảo nhất du khách trong và ngoài nước, một phần nhờ bề dày lịch sử và vẻ hoành tráng trang nghiêm, một phần nhờ các nhà sư ở đây nối tiếp nhau hết lòng giữ gìn, tôn tạo một công trình lịch sử - văn hoá lâu đời, một chốn thiêng liêng cho đời sống tinh thần của tín đồ cùng quý khách thập phương.

Hàn Phong
.
.