Nên nhìn nhận thế nào về "Văn học thần tượng"

Thứ Sáu, 16/12/2016, 09:55
"Văn chương thần tượng" vốn không xa lạ gì với bạn đọc trẻ. Đây cũng là dòng văn học luôn tồn tại hai hình ảnh trái ngược: người chết mệt gào tên thần tượng, kẻ cầm sách bĩu môi "viết thế này, tôi viết cũng được!".


Những năm gần đây, các đầu sách best - seller luôn có sự áp đảo của "văn chương thần tượng". Mở màn là "phát súng" làm rúng động làng sách của "Buồn làm sao buông". Cuốn sách thứ hai này của tác giả trẻ Anh Khang (cuốn thứ nhất là "Ngày trôi về phía cũ") về đích ngoạn mục khi đứng đầu top 10 đầu sách bán chạy nhất Hội sách TP Hồ Chí Minh 2014.

Pha vượt mặt những cuốn sách đình đám của thế giới như "Hỏa ngục", "Đắc nhân tâm", đọ sức với ngôi vương best - seller của ông hoàng sách thiếu nhi Nguyễn Nhật Ánh … đã khiến "Buồn làm sao buông" trở thành một hiện tượng khiến dư luận khi đó tốn không biết bao nhiêu giấy mực.

Sau "Buồn làm sao buông", hàng loạt cuốn sách khác của các tác giả trẻ như Hamlet Trương, Iris Cao, Nguyễn Ngọc Thạch, Jun Phạm, Gào… làm mưa làm gió làng văn. Cứ hễ họ ra cuốn nào là cuốn đó lập kỷ lục về số ấn bản phát hành. Cứ hễ họ tổ chức buổi giới thiệu nào là ở đó tiếng hò reo của người hâm mộ náo loạn một góc. Điều gì khiến họ và văn chương của họ trở thành thần tượng?

Từ trái sang: Nhà văn Minh Nhật và Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt tại buổi tọa đàm về "văn chương thần tượng".

Đầu tiên là vẻ ngoài chỉn chu, xinh xắn nếu là nữ tác giả hay vô cùng đẹp trai chuẩn "soái ca" nếu là cây bút nam. Lối ăn nói duyên dáng, hành xử thân thiện, cởi mở lẫn những tài lẻ như ca hát, làm MC, vẽ tranh, chụp ảnh, khả năng làm bánh ngọt… của họ đều được trưng trổ hết mức trong các buổi giao lưu để lấy lòng fan. Anh Khang sẵn sàng ký tặng độc giả đến tận 1h sáng.

Dù mồ hôi chảy ròng ròng, trời nóng bức nhưng Jun Phạm luôn tươi cười, hỏi han tên và hoàn cảnh từng độc giả để ghi lời chúc ý nghĩa nhất lên sách. Điều kiện thuận lợi nhất để cây bút trẻ PR tác phẩm và chính con người mình phải kể đến mạng xã hội. Bởi truyền thông có câu: Để có 50 triệu khách hàng thì với truyền thông cũ sẽ mất 50 năm, với truyền hình sẽ mất 20 năm, còn với mạng xã hội chỉ mất 5 năm!

Các tác phẩm của họ còn thu hút ngay từ cái tên mĩ miều, lãng đãng của thể loại tản văn: "Có ai giữ giùm những lãng quên", "Nếu như không thể nói nếu như", "Khóc giữa Sài Gòn", "Yêu đi rồi khóc", "Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và em", "Đường hai ngả người thương thành người lạ", "Thương nhau để đó", "Người yêu cũ có người yêu mới"…

Những triết lí, quan điểm về tình yêu được lồng ghép trong tác phẩm đã trở thành câu nói cửa miệng hay châm ngôn của giới trẻ: "Anh chưa đi sao biết đường không thênh thang. Anh chưa nếm sao biết môi em chẳng ngọt ngào"... (Thương nhau để đó), "Hoa nở để mà tàn/ Người gặp để rẽ ngang" (Buồn làm sao buông). So với lứa tuổi ô mai, họ là thế hệ anh chị từng trải, đã biết bóc tách, gọi tên xúc cảm hỗn độn trong tình yêu, trong cuộc sống mà tuổi mới lớn còn bỡ ngỡ, chưa thể cắt nghĩa.

Thêm nữa, khoảng cách tuổi tác của họ cũng không quá xa thế hệ đàn em để đồng cảm và sẻ chia. Dễ hiểu khi bọn trẻ coi họ như người anh, người chị trẻ trung, nhạy cảm và hiểu chuyện để chúng dựa vào trên trang sách, nghe lòng mình được khơi mở.

Trong sự xô bồ của cuộc sống,  tản văn - loại văn tự do, phóng túng như kiểu viết blog, status trên mạng với cách thể hiện và nội dung đa dạng - tỏ ra đắc dụng. Nhà văn Minh Nhật, một cây bút nổi tiếng với truyện tình yêu tuổi học trò, phải thừa nhận rằng tản văn đúng là thể loại dễ viết. Người ta cứ nương theo dòng cảm xúc mà viết.

Không cần phong cách sâu sắc, không cần xây dựng nhân vật, không cần kết cấu, không cần một tổng thể có chiều sâu. Phần nữa, vì tản văn mang cái lãng đãng, tản mạn, chung chung nên nó hợp với nhiều người hơn là tiểu thuyết, truyện ngắn đi theo một thể loại, chủ đề nhất định.

Riêng nhà văn trẻ Ploy cho rằng chính tản văn đang giết chết văn học bởi nó không hề có cốt truyện, không có hình tượng, không phải là chất liệu kết nối hoặc là nguồn cảm hứng cho các bộ môn nghệ thuật khác như điện ảnh, sân khấu… Do đó, không lạ khi "văn chương thần tượng" bị cho là sản phẩm "na ná văn chương" chứ không phải văn chương.

Có người coi "văn chương thần tượng" lắm chiêu trò và thị phi như showbiz. Những gì lung linh, dễ thương chỉ là kiểu "son phấn" PR để sách bán chạy. Đến dự buổi giao lưu của các nhà văn này sẽ thấy họ hầu như không đả động bao nhiêu đến giá trị văn chương mà chỉ xoay quanh yêu ghét thường ngày, cảm xúc vụn vặt cá nhân, quan điểm sống…

Chủ đề mà nhà văn thần tượng tập trung vào nhiều nhất đó chính là tình yêu. Triết lý, góc nhìn của họ có thể mới mẻ với những ai còn non nớt, thiếu kinh nghiệm sống nhưng lại quá cũ mòn, nông cạn với người từng trải. Bạn Võ Thục Phương, sinh viên Đại học Luật TP Hồ Chí Minh bức xúc: "Có cuốn đọc xong, tôi cứ tiếc tiền vì vớ phải sách có nội dung chẳng ra gì, rất hời hợt, nhạt nhẽo.

Hồi đọc "Ngày trôi về phía cũ" của Anh Khang, tôi rất thích. Nhưng đến mấy cuốn sau thì tôi thấy anh như lặp lại cuốn này". Thục Phương quan niệm đọc sách là để có kiến thức, để thấu hiểu cuộc sống từ đó sống tốt hơn. Tất nhiên nếu là văn tình cảm đôi khi rất buồn, nhưng cái buồn đó sâu sắc, làm người ta hiểu ra chân lý tự nhiên của cuộc sống khiến lòng ta thanh thản hơn.

Tuy nhiên, Thục Phương nhận thấy văn chương của các nhà văn thần tượng bây giờ không làm được điều đó, ngược lại làm người đọc cảm thấy bị giam cầm trong nhà tù cảm xúc.

"Người trẻ ở độ tuổi đang trưởng thành rất mong manh, họ hay buồn, có thể gặp khủng hoảng, và đôi khi cách để họ thoát ra là tìm người đồng cảm sẻ chia - là đọc. Nhưng cái đọc của họ bước đầu chỉ đơn giản là đọc để được thấu hiểu, còn đọc để giúp họ thoát ra thì tôi thấy đa số tản văn của nhà văn trẻ hiện tại còn hời hợt để có thể làm điều đó.

"Người yêu cũ có người yêu mới", "Buồn làm sao buông"… và những câu chuyện trong đó luôn xoay quanh nỗi thất tình, tuyệt vọng, tự giằng xé bản thân, những ký ức cũ kĩ người viết không thể thoát ra nổi. Nỗi buồn đó ta nên cất lại mà sống tốt hơn chứ không thể lún sâu vào đó để rồi thấy đời không còn gì tươi đẹp nữa" - Thục Phương bày tỏ.

Bộ tứ nhà văn thần tượng: (từ trái sang) Iris Cao, Hamlet Trương, Anh Khang, Jun Phạm.

Trái ngược với quan điểm của Thục Phương, Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, Hội Xuất bản Việt Nam dẫn chứng rằng thế hệ bà từng say đắm tiểu thuyết tình cảm ướt át của Quỳnh Dao. Hoặc Tủ sách Tuổi Hoa thời ấy chia tác phẩm làm ba loại gồm:  Hoa Xanh (tình cảm nhẹ nhàng như tình cảm gia đình, bạn bè), Hoa Đỏ (sách phiêu lưu, mạo hiểm, trinh thám), Hoa Tím (tình yêu).

Học sinh, sinh viên như bà ưu ái Hoa Tím hơn cả vì nó bay bổng, lãng mạn, đầy rẫy chuyện tình yêu ngang trái, bi ai, đẫm nước mắt. "Đọc sách Hoa Tím nhưng thế hệ chúng tôi đâu có quy lụy hay lạc lối. Riêng các bạn trẻ hiện nay được tiếp xúc nhiều kênh thông tin. Do đó, tôi không sợ rằng các tác phẩm chứa nhiều nỗi buồn sẽ khiến giới trẻ lạc lối hay tiêu cực".

Nhà văn Minh Nhật cho hay anh không kỳ thị "văn chương thần tượng" nhưng anh công nhận đúng là một số tác giả theo đuổi dòng văn học có tầm vóc hay chiều sâu hơn nhìn nhà văn thần tượng với con mắt không được thiện chí. Riêng chuyện PR để sách bán chạy là điều mà anh ủng hộ, nó giúp vực dậy thị trường sách, thổi niềm đam mê văn chương cho giới trẻ. Miễn sao đừng đánh bóng quá chất lượng của cuốn sách và thực lực tác giả.

"Đường dài mới biết ngựa hay", Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt chỉ rõ: "Các nhà văn trẻ như Tùng Leo, Jun Phạm, Phan Ý Yên, Hamlet Trương...  hay tâm sự với tôi rằng các bạn phải luôn tự làm mới mình thông qua tác phẩm. Đây là điều rất đáng khuyến khích và họ xứng đáng nhận được thiện cảm chứ không phải sự kỳ thị.

Chúng ta có một lớp cây bút trẻ nở rộ và họ hiểu được vị trí của mình trong lòng công chúng. Họ biết phải làm thế nào để văn chương mình đi được đường dài. Tôi nghĩ văn chương cứ để tự nhiên". Theo bà, bản thân các nhà văn trẻ nỗ lực làm mới mình thôi chưa đủ mà cần có sự chung tay của đơn vị làm sách - bà đỡ cho tác phẩm.

Bên cạnh dòng văn học trẻ chủ yếu là tản văn về nỗi buồn tình yêu như hiện nay thì vẫn có một dòng văn học trẻ đi theo xu hướng sáng tác khác. Nhưng tự thân nó chưa được chú ý và PR. Những người làm sách, nhà xuất bản cần phải hỗ trợ họ. Đó có thể là sự tái sinh của Tủ sách Tuổi Hoa năm nào. Trong đó, các xu hướng sáng tác, đề tài khác nhau đều được giới thiệu đến rộng rãi độc giả. Đừng để mọi người bảo rằng "văn chương thần tượng" hiện nay chỉ có một màu và nhìn nó với con mắt tiêu cực.

Mai Quỳnh Nga
.
.