Nên hiểu danh hiệu nhà văn như thế nào?

Thứ Hai, 15/06/2009, 09:30
Trước tiên phải nói ngay là, hiện có một số người đã nhầm lẫn giữa tên gọi "nhà văn", "nhà thơ" và "hội viên Hội Nhà văn". Thật ra đây là hai danh hiệu chưa hẳn đã trùng nhau, cái nọ có thể thay thế cái kia. Người ta có thể gọi một hội viên Hội Nhà văn là nhà văn, nhà thơ, nhưng không hẳn cứ phải là hội viên Hội Nhà văn mới được gọi nhà văn, nhà thơ.

Liên tiếp trong mấy ngày vừa qua, trên trang web của một số tác giả đã xuất hiện những ý kiến trái chiều xung quanh việc sử dụng danh hiệu "nhà văn", "nhà thơ". Như ở bài viết "Đừng lạm phát danh nghĩa các "nhà" (được tải trên trang web của nhà văn Phong Điệp), tác giả Dương Liên Thu đã nêu trường hợp ở một cuốn đặc san do Quỹ Hỗ trợ sáng tạo VHNT Hà Nội liên kết xuất bản đã ghi danh một số người tham gia Hội đồng Biên soạn là "nhà thơ", "nhà phê bình văn học" khi mà có người trong số này chưa phải Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội (thậm chí có vị thực chất chỉ là nhà tài trợ).

Cuối bài, tác giả Dương Liên Thu đề nghị: "Các vị có cương vị và trách nhiệm đừng tùy tiện lạm phát danh nghĩa "nhà" nọ "nhà" kia, gây nên nạn ngộ nhận và tự huyễn hoặc cho những cây bút háo danh, dẫn tới tình trạng "vàng thau lẫn lộn" trong làng Thơ và văn học nghệ thuật nói chung". Trong một ý kiến tải trên trang web của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, độc giả Phạm Thình thì lại không căn cứ vào danh hiệu được ghi nhận bởi các Hội nghệ thuật.

Anh cho rằng: "Có nhiều người không phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, cũng như các hội văn nghệ địa phương, vẫn cứ là nhà văn như thường, thậm chí còn xứng đáng hơn nhiều các bác hội viên có thẻ hẳn hoi nhưng quanh năm ngồi chơi xơi nước, tác phẩm chẳng thấy đâu, chỉ thấy đàn đúm phét lác, chê bai thiên hạ, rồi quay ra chửi nhau như hát hay".

Từ những ý kiến nói trên, tôi xin góp thêm một vài ý kiến nhỏ sau đây:

Trước tiên phải nói ngay là, hiện có một số người đã nhầm lẫn giữa tên gọi "nhà văn", "nhà thơ" và "hội viên Hội Nhà văn". Thật ra đây là hai danh hiệu chưa hẳn đã trùng nhau, cái nọ có thể thay thế cái kia. Người ta có thể gọi một hội viên Hội Nhà văn là nhà văn, nhà thơ, nhưng không hẳn cứ phải là hội viên Hội Nhà văn mới được gọi nhà văn, nhà thơ.

Ai cũng biết, Hội Nhà văn Việt Nam mới chính thức được thành lập từ hơn năm chục năm nay. Vậy những năm trước đấy, khi chưa có Hội thì sao? Ai dám phản đối việc Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan gọi các cây bút tài danh thời ấy là "Thi nhân Việt Nam", là "Nhà văn hiện đại"? Nói tới đây tôi bỗng nhớ tới câu chuyện mà một anh bạn kể lại: Lần ấy, anh được tháp tùng nhà thơ đàn anh nọ xuống một cơ sở lâm nghiệp nói chuyện thơ.

Bây giờ thì nhà thơ ấy đã có vị trí trên văn đàn, chứ hồi đó, nghe đâu ông còn là hội viên "dự khuyết" Hội Nhà văn. Có lẽ vì lý do ấy mà khi người dẫn chương trình giới thiệu ông là nhà thơ, thì ở hàng ghế phía dưới có ai đó cẩn thận lên tiếng đính chính: "Chưa, chưa phải nhà thơ, mới chỉ... sắp thôi".

Thật là chuyện khôi hài, ngớ ngẩn. Chưa hết, ở tờ báo của một Hội Văn nghệ, trong lần đưa tin đoàn cán bộ của báo xuống thăm một đơn vị sản xuất, phóng viên đã tường thuật đại thể rằng: "Đoàn của báo gồm có đồng chí nhà thơ A, Tổng biên tập, dẫn đầu, đồng chí nhà thơ B cùng đi, và các cây bút trẻ X, Y, Z".

Người ta muốn dùng danh hiệu "cây bút trẻ" (mặc dù những người này đều đã trên...năm mươi tuổi) để phân biệt với danh hiệu nhà thơ - vốn dĩ được hiểu là người có chứng chỉ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tất nhiên, sự "độc quyền" cách gọi này - nhất là vào thời điểm bây giờ - không dễ được đa số người viết tán thành. Vả chăng, một người là hội viên Hội Nhà văn thì chỉ có nghĩa người ấy là hội viên Hội Nhà văn, đơn giản thế thôi, chứ sao lại có chuyện "lấn sân" nhau ở đây.

Bạn Phạm Thình đại thể cũng có ý kiến tương tự khi cho rằng: "Nhà văn chỉ là một thứ danh xưng, ai viết văn, có tác phẩm mà bạn đọc thấy xứng đáng với cái danh xưng ấy thì người ta gọi là nhà văn; chứ có phải là thứ "học vị" nào đâu mà phải thi thố, đỗ đạt, hay phải có đủ những "tiêu chí" theo quy định nào đó thì mới được gọi?".

Tuy nhiên, không dễ để thống nhất được với tất cả mọi người thế nào thì đáng gọi là một nhà văn, nhà thơ (vì do yêu thích mà gọi nên cái đó còn tùy ở mỗi người). Tuy nhiên, tôi cũng không tán thành cách đặt vấn đề của một bạn viết khi cho rằng: "Một ai đó chỉ viết một bài bút ký, truyện ngắn, một bài thơ, thế không gọi họ là nhà văn, nhà thơ thì gọi là nhà gì?".

Nói như vậy chẳng hóa ra vì bí chữ, không còn cách nào gọi thay thế mà ta phải dùng hai chữ "nhà văn" hoặc "nhà thơ" như thế? Hay là danh hiệu "nhà văn", "nhà thơ" chỉ có ý nghĩa như thể phân biệt người làm việc này với người làm việc khác, nếu như vậy tại sao không gọi những người làm việc viết, người viết ấy - dù họ chỉ mới có một hai truyện ngắn, một vài bài thơ, là "cây bút" như một số nơi từng làm thế?.

Nhân đây, cũng xin nói thêm, vừa qua, cũng trên trang web của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, nhà thơ Đỗ Minh Tuấn đã thổ lộ rằng, mặc dù là hội viên Hội Nhà văn, Hội Điện ảnh, Hội Nhà báo, nhưng anh không coi mình là nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp vì "Tôi không ăn lương để viết văn, tôi cũng không bỏ mọi chuyện để viết văn, viết báo. Tôi chỉ nhận mình là đạo diễn chuyên nghiệp vì tôi ăn lương để làm phim...".

Ý kiến này của Đỗ Minh Tuấn đã khiến có người bẻ lại: Nếu nói vậy thì các vị ăn lương Hội Nhà văn để làm những công việc lao công, văn phòng, kế toán, lái xe... mới được gọi là nhà văn chuyên nghiệp? Kể ra, nói vậy thì danh hiệu "nhà văn" trong con mắt nhà thơ Đỗ Minh Tuấn hơi khác với cách nhìn nhận phổ biến của nhiều người. Có thể nó hơi quá chăng?

Nhưng dẫu sao, người càng tỏ ra nghiệt ngã với việc "gọi sự vật đúng với tên của nó" càng chứng tỏ sự tôn trọng của mình với nghề đó, danh hiệu đó

Tường Duy
.
.